Cúc chi gọi Tết cận kề

12:03 | 14/12/2021
(LĐTĐ) Có một điều khá thú vị, hoa cúc đã đi vào thi ca gắn với mùa thu. Nhớ ngày còn bé, tôi và chúng bạn học thuộc làu câu thơ trong sách giáo khoa: “Cứ mỗi độ thu sang/ Hoa cúc lại nở vàng”. Nữ thi sĩ Xuân Quỳnh đã đưa “mùa thu vào hoa cúc”. Nhà thơ Bích Khê viết: “Sương lam phơi màu thu muôn nơi/ Vàng sao nằm im trên hoa gầy”. Ấy thế nhưng loài hoa cúc chi lại không nở vào mùa thu mà lại chọn cho mình dịp cuối đông. Tháng mười hai, khi cúc họa mi rời gót, ấy là khi những đóa cúc chi xinh xắn xuất hiện. Nhìn thấy cúc chi bung nở, cũng có nghĩa Tết đang đến thật gần.
Địa điểm sống ảo tuyệt đẹp của giới trẻ Đã mắt ngắm những đồng hoa nở rộ vào cuối năm

Cúc chi còn có tên là hoàng cúc, kim cúc được người Hà Nội xưa rất yêu thích bởi vẻ đẹp dịu dàng, xinh xắn, hương thơm thanh nhẹ. Theo dân gian truyền lại, hoa kim cúc (người dân thường gọi tắt là hoa cúc) được trồng để dâng lên vua chúa làm dược liệu nên còn có tên gọi khác là cúc “tiến vua”.

Cúc chi gọi Tết cận kề
Ảnh minh họa

Những bông cúc chỉ bé xinh như cúc áo mà thơm từ hoa đến lá. Tôi còn nhớ, trong những gói hoa cúng ngày xưa thường có hoa cúc chi cùng với các loài hoa khác như mẫu đơn, hoa ngâu, hoàng lan, ngọc lan. Mua gói hoa về, mẹ tôi thường “tắm” qua nước mưa một chút trước khi bày vào chiếc đĩa sứ dâng lên ban thờ. Những đóa hoa tỏa hương thơm dìu dịu quyện cùng hương trầm ngan ngát khiến không gian tâm linh thật thanh tịnh. Khi đĩa hoa đã héo khô vẫn phảng phất hương thơm.

Mùa hoa cúc chi trôi qua rất nhanh. Khoảng cuối tháng 11 bắt đầu nở và rộ trong tháng 12 cho đến qua Tết Dương lịch là hết. Những người yêu hoa đất Hà thành thường cắm hoa cúc chi vào những chiếc bình gốm mộc. Có một sự tương hợp tuyệt vời giữa loài hoa bình dị và những chiếc bình gốm một màu thô mộc. Cách cắm cũng thật giản đơn, chỉ cần cắt gốc, tuốt bớt lá, cắm vào bình. Cứ thế... cành lá, hoa nụ xinh xinh tỏa ra các hướng la đà thật tự nhiên. Màu hoa ánh lên sắc vàng tươi khiến căn phòng sáng lên tựa như những vạt nắng đông hanh hao ghé thăm.

Lạ lắm, cúc chi thơm từ hoa đến lá. Cắm xong bình hoa mà hương thơm vẫn còn lưu mãi trên tay. Từ xa xưa, Hà thành có thứ trà cúc nổi tiếng bởi được ướp với cúc chi phơi khô. Ngoài ra, nhiều người còn lựa hoa cúc chi phơi khô nhồi gối để có giấc ngủ ngon, không đau đầu. Chính vì hương thơm đậm đà rất riêng của cúc chi vàng, nên loài hoa này được sử dụng làm trà thảo dược và trở thành một vị trong các bài thuốc.

Cuối tháng 12, nếu bạn muốn tận mắt chứng kiến những cánh đồng hoa cúc chi vàng óng, xa ngút tầm mắt, hãy đến với làng Nghĩa Trai (Văn Lâm, Hưng Yên). Khi tới đây, ta cảm nhận rõ hương thơm dịu nhẹ, phảng phất đặc trưng của loài hoa quý len lỏi từng ngõ ngách làng quê yên bình. Cúc chi mỗi năm chỉ có một vụ thu hoạch. Mùa gieo hạt bắt đầu từ khoảng tháng 5, tháng 6 và thu hoạch vào tháng 12. Khi vào vụ, mọi nhà đều ra cánh đồng thu hoạch hoa từ sáng sớm đến chiều tối.

Không đẹp kiêu sa như các loài hoa khác, cúc chi mang trong mình vẻ đẹp mộc mạc, bình dị nhưng lại làm say lòng người yêu hoa. Giữa mùa đông giá lạnh, những bông hoa bé xinh vẫn bung nở tỏa hương thanh khiết. Cúc chi nở, ấy là đã chạm cuối đông. Cúc chi nở, báo cho ta biết một năm sắp trôi qua và Tết đang đến thật gần. Cúc chi cho ta nhận ra, đôi khi, những điều bình dị luôn ẩn chứa những giá trị tao nhã, thanh cao.

Tường Vy

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này