Chống ùn tắc giao thông: Giải quyết "tắc nghẽn" từ ý thức người dân

17:07 | 11/12/2021
(LĐTĐ) Văn hóa giao thông của người dân Thủ đô luôn là một vấn đề gây nhức nhối khi mật độ người tham gia giao thông tại Hà Nội cao nhưng ý thức nhiều người lại thấp. Đây cũng là nguyên nhân chủ đạo khiến tình trạng giao thông nhiều lúc, nhiều nơi bị hỗn loạn.
Xử lý vi phạm hành chính 4.574 trường hợp trong 3 tháng đầu năm Cảnh sát giao thông Hà Nội: Kiên quyết xử lý vi phạm “nguội” Thực hiện nghiêm túc quy định “Đã uống rượu, bia không lái xe”

Ý thức của người tham gia giao thông còn yếu kém

Tính đến tháng 7/2021, dân số Hà Nội đạt hơn 8,3 triệu dân, trong đó có gần 50% tập trung ở 12 quận nội thành. Mật độ dân số cao khiến Thành phố đang phải đối diện với vấn đề ùn tắc, mất trật tự an toàn giao thông mỗi ngày. Trong đó, bên cạnh yếu tố khách quan là hạ tầng chưa đáp ứng thì yếu tổ chủ quan chính cũng đã được chỉ ra đó là ý thức của người tham gia giao thông còn yếu kém.

Theo thống kê của Ban An toàn giao thông thành phố Hà Nội, trong 9 tháng năm 2021, toàn Thành phố xảy ra 589 vụ tai nạn giao thông, làm chết 249 người và bị thương 376 người. Xuất phát từ ý thức chủ quan của người điều khiển phương tiện, trong đó lỗi người điều khiển phương tiện không chú ý quan sát chiếm 34,48%. Tiếp đến là đi sai phần đường chiếm 19,02%; vi phạm về tốc độ chiếm 11,71%…

Số lượng dân cư tập trung đông ở khu vực nội thành, vào giờ cao điểm, số lượng phương tiện tham gia giao thông quá đông, khiến hầu như các ngả đường đều rơi vào trạng thái ngột ngạt. Hàng triệu phương tiện chen chúc nhau, khiến nhiều tuyến đường gần như bất động trong nhiều giờ. Theo đánh giá từ Viện chiến lược và Phát triển giao thông vận tải, mỗi năm ùn tắc giao thông gây thiệt hại cho Hà Nội khoảng 1,2 tỉ đô la Mỹ.

Chống ùn tắc giao thông: Giải quyết
Ý thức khi tham gia giao thông của một bộ phận người dân chưa cao.

Không riêng những trục đường chính mới có hiện tượng ùn tắc, mạnh ai nấy đi, mà ngay ở các phố nhỏ cũng nhan nhản các phương tiện lấn làn, leo vỉa hè, đi ngược chiều, bất kể là xe máy hay ô tô. Thậm chí chẳng phải giờ cao điểm cũng chăm chăm tìm chỗ trống để điền vào, dẫn đến tình trạng giao thông đã ùn lại càng tắc hơn.

Không chấp hành các "chỉ dẫn"

Không khó để nhận ra tình trạng sang đường bất chấp, thậm chí, giữa lòng đường các làn xe đang chạy phải nhường đường cho những người đi bộ băng cắt qua mặt đường. Cầu bộ hành hay vạch kẻ đường dường như vô hình trong mắt nhiều người dân. Tâm lý coi thường luật, lưu thông theo kiểu bất chấp gây ùn tắc giao thông, thậm chí gây nguy hiểm cho những người xung quanh đã trở thành thói quen của không ít người.

Hầu như ở bất cứ nút giao lớn nào ở trung tâm Thành phố đều có thể bắt gặp những người vượt đèn đỏ, thậm chí lao lên cắt ngang dòng phương tiện khác đang di chuyển, bất chấp việc có cảnh sát giao thông đang đứng làm nhiệm vụ.

Nhiều nơi, đèn giao thông đã chuyển sang vàng nhưng chẳng thấy ai đi chậm lại như trong sách giáo khoa đã dạy, mà ngược lại họ còn phóng nhanh hơn. Đèn đỏ còn chưa chuyển xanh nhưng vì thấy đường trống họ sẽ vượt, không biết là vượt có giúp họ đi nhanh hơn được nhiều không nhưng điều này thực sự rất nguy hiểm không chỉ đối với người điều khiển mà còn với cả những người tham gia giao thông khác nữa.

Chống ùn tắc giao thông: Giải quyết
Thực tế hiện nay cho thấy, chừng nào ý thức của người tham gia giao thông chưa được nâng cao thì tình trạng hỗn loạn của giao thông Thủ đô vẫn còn tái diễn.

“Xin đường” hay “cướp đường”

Còi xe, định nghĩa một cách đơn giản là một thiết bị để người tham gia điều khiển phương tiện giao thông “xin đường”. Nhưng trong sự liên tục ách tắc của giao thông đô thị, văn hóa xin đường đã trở thành văn hóa đòi đường, thậm chí là "cướp đường". Người dân Hà Nội bây giờ dường như chỉ nhận được thông điệp “dẹp ngay để tôi còn đi” mỗi khi nghe thấy tiếng còi. Và giờ đây, còi xe còn có thêm chức năng khác nữa là "hỗ trợ" vượt đèn đỏ, đi ngược chiều, phóng nhanh, vượt ẩu.

Đáng chú ý, tình trạng “xin đường” thiếu văn hóa xảy ra phổ biến ở hầu hết khắp các tuyến phố, đặc biệt là ở các chốt đèn đỏ và tuyến đường vành đai lớn như Hồ Tùng Mậu - Phạm Hùng - Phạm Văn Đồng - Xuân Thủy; ngã tư Xã Đàn - Tây Sơn - Tôn Đức Thắng - Đê La Thành; Trần Duy Hưng - Khuất Duy Tiến... khiến người dân bức xúc.

Thậm chí, trong một số trường hợp, sức khỏe và tính mạng của người tham gia giao thông còn bị đe dọa. Thực tế, một số vụ tai nạn thương tâm đã xảy ra khi người tham gia giao thông bị giật mình, ngã xuống đường sau tiếng còi xe chát chúa.

Thực tế hiện nay cho thấy, chừng nào ý thức của người tham gia giao thông chưa được nâng cao thì tình trạng hỗn loạn của giao thông Thủ đô vẫn còn tái diễn. Vì vậy, để việc tuân thủ quy định pháp luật về giao thông và giữ gìn văn hóa giao thông thành nếp sống, nếp nghĩ trong nhận thức của người dân thì công tác truyền thông về vấn đề này cần được tiến hành kiên trì, bền bỉ, không để việc triển khai mang tính phong trào. Có như vậy, mới tạo chuyển biến vững chắc về ý thức tham gia giao thông, góp phần xây dựng hình ảnh đẹp cho Thủ đô

Hồng Hạnh

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này