Phát huy mọi nguồn lực để thúc đẩy tăng trưởng

11:57 | 09/12/2021
(LĐTĐ) Trong 2 ngày 7-8/12, sau khi nghe trình bày các báo cáo, tờ trình, Hội đồng nhân dân (HĐND) thành phố Hà Nội đã tiến hành thảo luận về công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng năm 2021 của Thủ đô trong bối cảnh phòng, chống dịch Covid-19; các nhiệm vụ, giải pháp năm 2022...
Hà Nội: Đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công trong các tháng cuối năm để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Hà Nội quyết liệt triển khai các nhiệm vụ, giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Triển khai nhiều giải pháp đột phá để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

Tổng thu ngân sách Nhà nước ước thực hiện 241.896 tỷ đồng

Theo các đại biểu, năm 2021, trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, đặc biệt là đại dịch Covid-19 bùng phát lần thứ tư, lây lan nhanh đã ảnh hưởng trực tiếp đến việc thực hiện các mục tiêu kinh tế xã hội của cả nước nói chung và thành phố Hà Nội nói riêng. Tuy nhiên, Hà Nội đã bám sát các chỉ đạo của Trung ương, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành quyết liệt triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, thực hiện mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phục hồi tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội.

Theo Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Minh Hải, kinh tế của Thủ đô đã dần phục hồi, duy trì đà tăng trưởng sau khi bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh trong quý 3. Theo cập nhật mới nhất từ Tổng Cục thống kê, GRDP 6 tháng đầu năm của Thành phố đạt 6,02%; 9 tháng đạt 1,44% (do tác động của dịch bệnh, GRDP quý 3 tăng trưởng âm 6,89%), quý 4 tăng 6,69% và GRDP cả năm của Thành phố là 2,92%. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) được kiểm soát và điều hành theo kế hoạch, dự kiến tăng khoảng 1,9-2,4%. Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn ước thực hiện 241.896 tỷ đồng, đạt 102,7% dự toán Trung ương giao.

Phát huy mọi nguồn lực để thúc đẩy tăng trưởng
Thi công cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2.

Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Thành phố đã chú trọng cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh với nhiều giải pháp cụ thể, thiết thực và triển khai đồng bộ. Hiện, thành phố có trên 25.000 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký khoảng 345 nghìn tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Thành phố đã chú trọng hỗ trợ cho người lao động do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, đảm bảo an sinh xã hội. Cùng với các chính sách hỗ trợ của Trung ương, Thành phố đã hỗ trợ thêm cho 10 nhóm đối tượng bị ảnh hưởng, gặp khó khăn do dịch bệnh. Đến nay, Thành phố đã hỗ trợ cho trên 5,1 triệu lượt người dân, hộ kinh doanh với số tiền hỗ trợ là trên 6.000 tỷ đồng…

Có thể nói, Hà Nội là một trong những nơi duy trì được tốc độ phát triển trong thời điểm khó khăn và là điểm sáng trong chỉ đạo, điều hành trước tác động bất thường của dịch bệnh. Tăng trưởng GRDP của Thành phố ước đạt gần 3%, mặc dù thấp so với kế hoạch (tăng 7,5%) nhưng vẫn duy trì ổn định; cân đối thu - chi ngân sách vẫn được bảo đảm…

Năm 2022, phấn đấu GRDP tăng 7-7,5%

Về phương hướng, mục tiêu năm 2022, Hà Nội đặt mục tiêu phấn đấu GRDP tăng 7-7,5%, GRDP/người khoảng 139-141 triệu đồng; vốn đầu tư xã hội tăng khoảng 10%; kim ngạch xuất khẩu tăng 5%; chỉ số giá tiêu dùng dưới 4%; giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên so với năm trước 0,1%; duy trì 100% xã/phường/thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế: 92,5%; tỷ lệ hộ dân được cung cấp nước sạch khu vực đô thị đạt 100%, khu vực nông thôn đạt 85%...

Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Minh Hải cho biết, Thành phố tiếp tục lựa chọn chủ đề công tác năm là “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”, đồng thời, đề ra 22 chỉ tiêu chủ yếu (với 5 nhóm chỉ tiêu kinh tế tổng hợp; 13 nhóm chỉ tiêu văn hóa xã hội và 4 nhóm chỉ tiêu về đô thị, nông thôn, môi trường).

Với 89/89 đại biểu có mặt tán thành, HĐND Thành phố đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022. Theo đó, mục tiêu tổng quát là thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19; tập trung thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế. Đồng thời, chú trọng phát triển văn hóa, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, nâng cao đời sống của người dân; phát triển thông tin và truyền thông, giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Đẩy mạnh ứng dụng và phát triển khoa học, công nghệ, hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp; bảo đảm sức khỏe cộng đồng; phát triển hạ tầng, chú trọng hạ tầng số; tăng cường quản lý và phát triển đô thị; khai thác hiệu quả tài nguyên và bảo vệ môi trường; đẩy mạnh phát triển nông thôn, xây dựng nông thôn mới.

Cùng với đó, tiếp tục sắp xếp tổ chức, bộ máy; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu. Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao thứ hạng các chỉ số PCI, PAR Index, PAPI, SIPAS. Đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; giải quyết khiếu nại, tố cáo; thực hiện tốt chính sách dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng. Đảm bảo quốc phòng địa phương và an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại; chủ động, tích cực hội nhập quốc tế. Tiếp tục thực hiện chủ đề “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”.

Trong các nhóm giải pháp chủ yếu, Thành phố xác định ưu tiên công sức, thời gian và nguồn lực để kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19; củng cố hệ thống y tế; nâng cấp các bệnh viện đã có; tiếp tục tiêm vắc xin phòng Covid-19 để đạt miễn dịch cộng đồng, đồng thời mở rộng tiêm vắc xin cho trẻ em từ đầu năm 2022.

Đồng thời, đẩy nhanh sự phục hồi và phát triển kinh tế, trong đó, duy trì sự ổn định kinh tế, bảo đảm cân đối ngân sách, đẩy nhanh sự phục hồi và phát triển các ngành kinh tế; Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao Chỉ số PCI; phát triển văn hóa, xã hội; thông tin và truyền thông; giáo dục và đào tạo; khoa học và công nghệ; đảm bảo sức khỏe cộng đồng và an sinh, phúc lợi xã hội; tiếp tục tăng cường quản lý và phát triển đô thị; tích cực thông tin tuyên truyền, nâng cao hiệu quả công tác dân vận, tạo đồng thuận xã hội…

Thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ, các doanh nghiệp, người dân đang dần thích nghi với điều kiện bình thường mới, vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, dịch bệnh vẫn đang diễn biến rất phức tạp, để phục hồi kinh tế trong bối cảnh hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng, cần tiếp tục cải cách mạnh mẽ thể chế, các gói hỗ trợ cần kịp thời và tạo môi trường bình đẳng, minh bạch trong tiếp cận chính sách./.

NC-P.T

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này