Xây dựng các mô hình văn hóa từ cơ sở

12:06 | 09/12/2021
(LĐTĐ) Những năm qua, người dân trên địa bàn Hà Nội đã và đang tạo dựng, duy trì những nét đẹp văn hóa từ cơ sở, chú trọng xây dựng nơi ở thành nơi đáng sống. Trong đó, việc xây dựng cảnh quan môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp… đã tạo nên sự chuyển biến to lớn về nhận thức của người dân.
Nhân rộng nhiều mô hình văn hóa Đẩy mạnh phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa

Chung sức làm đẹp làng quê

Những ngày cận Tết, chúng tôi trở lại thôn La Thạch (xã Phương Đình, huyện Đan Phượng, Hà Nội), một vùng quê trù phú với những ngôi nhà cao tầng nằm hài hòa trong khung cảnh thiên nhiên yên bình. Thôn La Thạch đang thay da, đổi thịt từng ngày. Đặc biệt, trong các phong trào vận động nhân dân “Đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Xây dựng cảnh quan môi trường sáng - xanh - sạch - đẹp - an toàn” đã có nhiều kết quả tốt. Bằng nguồn xã hội hóa, nhân dân trong thôn đã xây dựng được cổng chào lớn, vận động nhân dân trồng nhiều cây xanh bóng mát, ghế đá kết hợp trồng hoa, cây cảnh, điện chiếu sáng đô thị…

Xây dựng các mô hình văn hóa từ cơ sở
Thôn La Thạch (xã Phương Đình) đổi thay từng ngày nhờ sự chung sức của người dân. Ảnh: K.Tiến

Ông Lê Văn Thăng (Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn La Thạch) cho biết, trong cuộc thi “Giữ gìn thôn, tổ dân phố sáng - xanh - sạch đẹp - an toàn”, chỉ trong 6 tháng, thôn đã hoàn thành các chỉ tiêu, là địa phương đầu tiên đạt giải Nhất cuộc thi do Ủy ban nhân dân huyện Đan Phượng tổ chức. “Để lan tỏa các mô hình văn hóa thiết thực từ cơ sở, thôn đã thành lập Tổ Dân vận. Tổ có 10 thành viên, phân công mỗi người phụ trách một xóm, tuyên truyền chủ trương đến những đảng viên có uy tín trong thôn, xóm để họ làm trước, sau đó vận động nhân dân làm theo”, ông Lê Văn Thăng chia sẻ.

Việc thực hiện cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư cũng được chú trọng. Đến nay, 100% đám tang trên địa bàn đều thực hiện nếp sống mới. Các cuộc vận động vì người nghèo, Quỹ đền ơn đáp nghĩa… đều nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ nhân dân. Những thành tích đó đã góp phần giúp thôn La Thạch đạt được kết quả đáng kể trong phong trào thi đua. Đồng thời, làm cơ sở cho xã Phương Đình thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng xã chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu trong thời gian gần nhất.

Tương tự, tại huyện Thường Tín (Hà Nội), trong thời gian qua, việc người dân tham gia bảo vệ môi trường đã có những chuyển biến rõ rệt. Cụ thể, người dân đã có ý thức phân loại rác thải góp phần đảm bảo vệ sinh môi trường. Mô hình đường có hoa được người dân tích cực hưởng ứng, góp phần thực hiện tiêu chí số 17 về môi trường gắn với xây dựng cảnh quan xanh - sạch - đẹp. Những con đường rợp sắc hoa đã góp phần hình thành và thay đổi nhận thức của người dân về vấn đề giữ gìn, bảo vệ môi trường đồng thời làm thay đổi bộ mặt khu vực nông thôn.

Qua việc xây dựng các mô hình văn hóa trong phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, có thể hiểu là các địa phương lấy sức dân để chăm lo cuộc sống cho người dân, làm cho văn hóa thấm sâu vào toàn bộ đời sống, vào từng người, từng gia đình và cộng đồng dân cư. Cũng từ đó, các địa phương huy động mọi nguồn lực tham gia hoạt động, sáng tạo và hưởng thụ các giá trị văn hóa; phát huy nội lực, tiềm năng của cơ sở, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

Bên cạnh đó, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội khu vực nông thôn, nhất là hạ tầng thiết yếu phục vụ đời sống dân sinh không ngừng được đầu tư xây dựng, nâng cấp và hoàn thiện. Hệ thống giao thông nội đồng, kênh mương, thủy lợi phục vụ sản xuất được ưu tiên đầu tư đảm bảo bảo an toàn trong phòng chống lũ, tiêu thoát nước. Nổi bật là hệ thống đường trục xã, liên xã đã được nhựa hóa, bê tông hóa đạt 100%; đường trục thôn, liên thôn được nhựa hóa và bê tông hóa 100%; đường ngõ, xóm được bê tông đạt 100%. Hệ thống trường học và thiết bị dạy học được đầu tư nâng cấp, không còn phòng học tạm, phòng học cấp 4 dột nát.

Lan tỏa những mô hình từ cơ sở

Không chỉ tại các vùng ven đô, ngay trong nội thành, các mô hình văn hóa từ cơ sở cũng đã phát huy được nhiều giá trị. Ví dụ, tại quận Thanh Xuân, 11 phường trên địa bàn quận đã triển khai kế hoạch đến từng khu dân cư, tổ dân phố đăng ký xây dựng Tổ dân phố văn hóa “5 không". Song song với đó, các khu dân cư, tổ dân phố cũng thay đổi hình thức, biểu ngữ tuyên truyền để tác động tích cực đến ý thức người dân như: “Xin đừng vứt rác nơi công cộng”, “Chung tay cùng cộng đồng hãy bảo vệ môi trường, thu, gom rác đúng nơi quy định”… đồng thời tổ chức ký cam kết các nội dung thực hiện Tổ dân phố văn hóa “5 không” đến từng hộ của các tổ dân phố; niêm yết công khai nội dung các tiêu chí xây dựng Tổ dân phố văn hóa “5 không” tại các nhà sinh hoạt cộng đồng, bảng tin các khu dân cư, tổ dân phố…

Hay tại ngõ 2E, phố Dịch Vọng (phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội), những người dân sinh sống tại đây đã cùng nhau cải tạo, trang trí để biến con ngõ nhỏ thành nơi đáng sống. Trước đây, ngõ 2E là đường đất, rộng hơn 3m và đã bị lấn chiếm chỉ còn đủ cho hai chiếc xe đạp tránh nhau. Nhà nào cũng mang bếp than ra ngõ, quây tạm bợ xung quanh để đun nấu, tránh nắng mưa và tránh khí thải độc hại vào nhà. Mọi chuyện đổi khác từ khi quận Cầu Giấy và thành phố Hà Nội có chủ trương vận động người dân xây dựng cảnh quan khu dân cư, môi trường sống sạch đẹp, văn minh.

Xây dựng các mô hình văn hóa từ cơ sở
Tại các khu dân cư, tổ dân phố việc duy trì môi trường sáng, xanh, sạch đẹp luôn được người dân quan tâm.

Theo đó, người dân quanh khu vực cùng bắt tay dọn dẹp sạch sẽ, mặt ngõ được đổ bê tông toàn bộ. Khu nền đất ruộng cũ ở cuối ngõ được cải tạo thành sân chơi chung rộng hơn 1.000m2 với các thiết bị tập thể dục do Ủy ban nhân dân phường đầu tư lắp đặt và nhiều hoa tươi được trồng mới. Không chỉ vậy, với tinh thần cộng đồng người dân ở đây tiếp tục chung tay biến con ngõ nhỏ thành không gian sống đẹp và ấn tượng. Những bức tường gạch thô ráp đã được trát vữa, láng mịn, một phần được gắn bình gốm trồng hoa, phần lớn còn lại được cư dân của ngõ nhận vẽ trang trí.

“Cứ thế, con ngõ nhỏ dần trở nên phong quang, sạch đẹp và là địa điểm để người dân gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ, gắn kết tình làng nghĩa xóm sau mỗi ngày làm việc căng thẳng. Các gia đình vui vẻ, phấn khởi, tình đoàn kết khu phố được củng cố. Nhiều hộ còn tiên phong trồng cây xanh trước cửa nhà để làm đẹp thêm không gian sống”, ông Nguyễn Văn Dần, người dân sinh sống ở trong ngõ 2E cho biết.

Có thể thấy, Chương trình 06-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh” giai đoạn 2021-2025, đã đề cập đến việc xây dựng mô hình ở mỗi cơ quan, công sở, trường học, cộng đồng dân cư, trong đó, nhấn mạnh việc xây dựng các mô hình văn hóa tiêu biểu về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, gắn với thực hiện quy tắc ứng xử nơi công cộng; đồng thời phát huy năng lực tự tổ chức đời sống văn hóa ở thôn, tổ dân phố; xây dựng các mô hình câu lạc bộ văn hóa thể thao cơ sở.

Các mô hình văn hóa đã chứng minh tính hiệu quả trong việc nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng dân cư, cải thiện bộ mặt địa phương. Việc tích cực xây dựng đời sống văn hóa cơ sở của các địa phương tại Hà Nội cho thấy công tác tổ chức, quản lý các hoạt động văn hóa cơ sở đã đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân. Do đó, người dân phấn khởi tham gia với ý thức trách nhiệm cao, góp phần cải thiện đời sống văn hóa tinh thần trong cộng đồng./.

Kim Tiến

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này