Cần gói hỗ trợ đủ mạnh để phục hồi kinh tế

12:05 | 09/12/2021
(LĐTĐ) Để có thể phục hồi được cả thể chất, tinh thần và năng lực kinh doanh sau cơn “bạo bệnh” Covid-19, cần một số gói hỗ trợ tài chính đủ lớn để giúp doanh nghiệp và người dân trong nhiều địa bàn và lĩnh vực. Song, làm sao có tiền để thực hiện được gói hỗ trợ? Đây là vấn đề mà các chuyên gia kinh tế, ngành ngân hàng cần bàn bạc giải pháp.
Tập trung phục hồi kinh tế, nâng cao đời sống người dân Đề xuất các gói chính sách hỗ trợ, phục hồi kinh tế

Cần gói hỗ trợ đủ lớn

Tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức vừa qua, TS. Trương Văn Phước - nguyên Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cho rằng, Việt Nam cần có một số gói hỗ trợ tài chính đủ lớn, đủ rộng và dài để phục hồi toàn diện. Thiếu các gói hỗ trợ như vậy, không loại trừ kinh tế Việt Nam sẽ rơi vào một thời kỳ trì trệ lâu dài, đánh mất nhiều lợi thế và cơ hội vươn tới các mục tiêu phát triển đã đề ra. Tuy nhiên, ông Trương Văn Phước cũng đặt câu hỏi: “Việc sử dụng nguồn lực khá quan trọng. Song, câu hỏi đầu tiên là tiền đâu? Làm sao có tiền mới thực hiện được gói hỗ trợ. Đây là câu hỏi vô cùng quan trọng, không có tiền, không giải quyết được, không thực thi được gói hỗ trợ”.

Cần gói hỗ trợ đủ mạnh để phục hồi kinh tế
Các chuyên gia thảo luận biện pháp tạo dòng tiền cho gói hỗ trợ phục hồi kinh tế.

TS. Cấn Văn Lực - thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho biết, theo phân tích, mức hỗ trợ của Việt Nam chỉ tương đồng các nước thu nhập thấp. Hiện nay, Nhà nước đã sử dụng linh hoạt các chính sách tài khóa, tiền tệ với tổng quy mô khoảng 4% GDP để phục hồi kinh tế, nhưng các chuyên gia cho rằng quy mô các gói thấp hơn nhiều so với bình quân 16,4% GDP của toàn cầu. Doanh nghiệp đang cần vốn phục hồi, lấy đâu ra?

Theo ông Cấn Văn Lực, ngân sách Nhà nước phải chấp nhận thâm hụt. Ông Cấn Văn Lực kiến nghị gói hỗ trợ khoảng 843.000 - 844.000 tỉ đồng về danh nghĩa, gồm thực chi là khoảng 445.000 tỉ đồng, tương đương 5,5% GDP. Trong đó, tổng gói hỗ trợ tài khóa 278.000 tỉ đồng, để tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng 1-2%, hỗ trợ lãi suất, tăng đầu tư bổ sung cho dự án công trình trọng điểm.

Ông Vũ Hồng Thanh - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, gói hỗ trợ tổng thể phục hồi kinh tế phải tập trung "kích" cả phía cung và cầu. Liều lượng quy mô gói phục hồi phải đủ lớn, đủ mạnh. Gói này cũng phải khả thi, thực thi nhanh và phối hợp hài hòa giữa các chính sách vĩ mô, tập trung vào các ngành, lĩnh vực có khả năng hấp thụ nhanh, an toàn. Việc này sẽ tạo cú hích, sự thay đổi cho nền kinh tế, nhưng tránh nguy cơ có thể gây lãng phí.

Nhìn chung, các chuyên gia kinh tế đều đồng tình quan điểm rằng nên có một gói phục hồi kinh tế trong thời gian tới với quy mô khoảng 5,5% - 8% GDP, tương đương 445.760 – 666.000 tỷ đồng.

Giải quyết vấn đề “tiền đâu?”

Để giải quyết vấn đề “tiền đâu?”, TS. Trương Văn Phước cho rằng, với mức lạm phát đến cuối tháng 10/2021 vẫn thấp (CPI < 2%, lạm phát cơ bản < 1%), dư địa chính sách tiền tệ vẫn còn. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước có thể giảm lãi suất điều hành ít nhất 1%, mở rộng và nới lỏng điều kiện cho vay tái chiết khấu, tái cấp vốn... để đưa lãi suất cho vay thương mại bình quân giảm xuống.

“Vận động các ngân hàng giảm chi phí là tốt nhưng tôi nghĩ đó không phải yếu tố quan trọng để giảm lãi suất. Nhà điều hành phải giảm lãi suất bằng bộ chỉ tiêu điều hành chính sách tiền tệ của mình, đâu đó vẫn còn một số chỉ tiêu lãi suất có thể hạ trên quan điểm đảm bảo lãi suất thực dương. Đây mới là điều quan trọng bậc nhất trong giảm lãi suất”, TS. Trương Văn Phước cho ý kiến.

Bên cạnh đó, ông Trương Văn Phước kiến nghị một số các chỉ tiêu như: Tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn nên được duy trì từ nay đến ít nhất cuối năm 2023 nhằm giảm áp lực về tăng lãi suất huy động. Tiếp tục cơ chế khoanh nợ, giãn nợ đến giữa năm 2023. Ngân hàng Nhà nước có thể xem xét mua trái phiếu Chính phủ trực tiếp và gián tiếp.

Bà Carolyn Turk - Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam:

Đối với vấn đề phục hồi kinh tế hậu Covid-19, chúng tôi có một khuyến nghị dành cho Việt Nam. Thứ nhất, Việt Nam cần tiếp tục đầu tư cho hệ thống y tế; đẩy mạnh việc đặt hàng và phân phối vắc xin Covid-19, đồng thời cũng cần lên kế hoạch phân phối vắc xin trong tương lai. Về lâu dài, Việt Nam nên cân nhắc khả năng tái xây dựng hệ thống y tế hậu đại dịch. Thứ hai, Việt Nam nên cân nhắc việc sử dụng cả chính sách tài khóa và tiền tệ để tái thiết nền kinh tế, đặc biệt là giảm sự “cứng nhắc” trong hệ thống phân bổ ngân sách, cho phép nguồn vốn được phân bổ dễ dàng hơn giữa các danh mục chi tiêu. Và phải cân nhắc kỹ lưỡng hơn về danh mục các khoản đầu tư hiện nay. Thứ ba, cân nhắc về tính hiệu quả, không chỉ trong các doanh nghiệp, nhằm nâng cao năng lực sản xuất, mà còn phải để tâm đến việc nâng cao tính hiệu quả của hoạt động Chính phủ…

Dưới quan điểm nhà điều hành chính sách tiền tệ, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà nhìn nhận, với góc độ thanh khoản cho nền kinh tế, trong hai năm qua, cung ứng tiền ngân hàng đã thể hiện việc hỗ trợ rất lớn cho nền kinh tế. Đơn cử như việc Ngân hàng Nhà nước mua thêm gần 25 tỷ USD ngoại tệ trong hai năm qua, tương ứng với lượng tiền đồng bơm ra nền kinh tế.

Đối với thanh khoản cho doanh nghiệp, các thông tư mới đây của Ngân hàng Nhà nước đã cho phép các tổ chức tín dụng cơ cấu lại nợ cho doanh nghiệp. Về bản chất đây là kéo dài dòng tiền và duy trì thanh khoản cho các doanh nghiệp với điều kiện các ngân hàng phải đánh giá được khả năng trả nợ. Đồng thời, các ngân hàng cũng đã miễn giảm lãi suất cho các khoản vay cũ và mới.

Trước những tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19, để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, Ngân hàng Nhà nước cũng đã kịp thời ban hành Thông tư 01/2020/TT-NHNN, Thông tư 03/2021/TT-NHNN và Thông tư 14/2021/TT-NHNN quy định về tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19.

Nói về dư địa của chính sách tiền tệ, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, điều này còn phụ thuộc vào những thách thức của ngành ngân hàng trong thời gian tới. Thực tế cho thấy, lạm phát đang trở thành mối lo ngại trên toàn cầu, ngân hàng Trung ương các nước đã bắt đầu thu hẹp lại các biện pháp nới lỏng tiền tệ. Bên cạnh đó, lạm phát, nợ xấu mới phát sinh cũng đang tạo ra thách thức cho hệ thống ngân hàng trong thời gian tới.

Ông Phạm Thanh Hà cũng cho biết, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục đảm bảo thanh khoản cho nền kinh tế nói chung, các chủ thể trong nền kinh tế nói riêng. Về lãi suất, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục duy trì ổn định mặt bằng lãi suất. Trong điều kiện cho phép, Ngân hàng Nhà nước có thể thực hiện điều chỉnh giảm lãi suất ở mức độ phù hợp.

Dù còn nhiều thách thức nhưng Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà cũng cho rằng, cơ hội cho hệ thống ngân hàng là có. Cụ thể, với những tín hiệu tích cực từ thị trường vốn, thị trường chứng khoán sẽ là cơ hội để các doanh nghiệp nói chung, các ngân hàng nói riêng thực hiện các đợt tăng vốn. Bên cạnh đó, hoạt động chuyển đổi số trong hệ thống ngân hàng cũng sẽ có nhiều cơ hội để tăng tốc./.

Bảo Thoa

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này