Tạo lập không gian công cộng cho người dân

12:02 | 09/12/2021
(LĐTĐ) Trước thực trạng quá tải về hạ tầng xã hội, ùn tắc giao thông, việc di dời các nhà máy, các cơ sở gây ô nhiễm ra khỏi khu vực trung tâm Hà Nội là một trong những giải pháp giảm tải sớm được nghĩ đến. Thực tế cũng cho thấy, khi di dời những cơ sở này Hà Nội sẽ giải quyết được bất cập từ việc dân số đông trong khi quỹ đất hạn chế, từ đó góp phần tích cực thúc đẩy bộ mặt đô thị phát triển văn minh, khắc phục được câu chuyện hạ tầng, đường sá nhếch nhác, lộn xộn...
Phát triển không gian công cộng cần đồng bộ với quy hoạch Cải thiện không gian sống cho người dân Thủ đô

Thực trạng ì ạch

Hà Nội đang vươn mình, từng bước hiện thực hóa mục tiêu trở thành một thành phố hiện đại, thông minh xứng tầm là Thủ đô và có vị thế trong khu vực và thế giới. Trong quá trình phát triển, công nghiệp là một trong những yếu tố quan trọng cấu thành đô thị.

Ông Nguyễn Đức Hùng, Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội cho biết, Hà Nội đã có lịch sử phát triển trên 1.000 năm. Theo đó, mốc công nghiệp đầu tiên của Hà Nội là năm 1892 khi nhà máy đèn cạnh Hồ Gươm đi vào hoạt động. Giai đoạn trước năm 1954 đã có một số đồ án quy hoạch được thiết lập.

Tạo lập không gian công cộng cho người dân
Để đô thị văn minh, việc di dời các nhà máy, các cơ sở gây ô nhiễm ra khỏi khu vực trung tâm Hà Nội là hết sức cần thiết. (Ảnh: Giang Nam)

Sau 10/10/1954 đến những năm 1964, Thủ đô đã có nhiều bước chuyển biến, phát triển công nghiệp. Cụ thể, giai đoạn từ 1955 – 1965, ngoài các nhà máy cũ được hình thành từ thời Pháp thì Hà Nội đã tiếp tục phát triển 4 cụm công nghiệp là Thượng Đình, Minh Khai, Yên Viên, Đông Anh. Hà Nội cũng có thêm các nhà máy như Cơ khí Hà Nội, Trần Hưng Đạo, Bóng đèn phích nước Rạng Đông, Phân lân Văn Điển… Đến giai đoạn 1966 – 1990 Hà Nội đã có 12 cụm công nghiệp mới là Vĩnh Tuy – Mai Động, Văn Điển – Pháp Vân, Giáp Bát – Trương Định, Cầu Bươu, Chèm, Đức Giang – Cầu Đuống, Cầu Diễn – Mai Dịch. Giai đoạn từ 1990 đến nay bên cạnh khu công nghệ cao Hòa Lạc, Hà Nội đã có thêm 17 khu và cụm công nghiệp mới như: Thăng Long, Nội Bài, Sài Đồng B, Nam Thăng Long, Thạch Thất – Quốc Oai, Phú Nghĩa…

Tuy nhiên, trong quá trình đô thị hóa ở giai đoạn hiện tại, các cơ sở công nghiệp hiện hữu đã, đang, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe của nhân dân và cản trở phát triển đô thị. Do vậy, việc di dời các cơ sở công nghiệp không phù hợp quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành, gây mất cân đối về hạ tầng xã hội, kỹ thuật, giao thông, ô nhiễm môi trường và không phù hợp với quy hoạch chung là cần thiết, cấp bách. Qua đánh giá, khảo sát ở 113 cơ sở/10 quận nội thành thì có 5 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, 20 cơ sở gây ô nhiễm môi trường, 88 cơ sở không phù hợp quy hoạch.

Ở câu chuyện di dời các cơ sở công nghiệp, nhiều ý kiến chuyên gia, nhà quản lý, kiến trúc sư… cũng đề xuất khi di dời các nhà máy cũ ra khỏi nội đô thì diện tích còn lại nên chuyển đổi sang không gian sáng tạo để phát huy hết những giá trị văn hóa và tạo lập không gian công cộng cho người dân.

Theo tìm hiểu, trên cơ sở Quy hoạch chung thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được phê duyệt, năm 2015 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 130/QĐ-TTg về biện pháp, lộ trình di dời và việc sử dụng quỹ đất sau khi di dời cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các cơ quan, đơn vị trong nội thành Hà Nội. Ngoài ra, việc di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, trường học, cơ quan công sở cũng đã được nêu ra tại Luật Thủ đô năm 2012. Tuy nhiên, đến nay, quyết định đã có hiệu lực thi hành nhưng tiến độ di dời vẫn rất chậm chạp.

Bàn về nguyên nhân chậm di dời thì có nhiều song những hệ lụy nhãn tiền là hạ tầng Thủ đô lại đang ngày một quá tải. Chẳng hạn, dẫn chứng cho những ảnh hưởng từ việc chậm di dời nhà máy khỏi nội đô, Kiến trúc sư Nguyễn Thái Huyền - Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội cho rằng, qua công tác nghiên cứu, khảo sát, việc di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp ra khỏi nội đô Hà Nội là bài toán khá phức tạp. Bởi nó có liên quan đến nhiều cơ quan, ban ngành, đơn vị, trong khi vai trò của các bên thực hiện việc di dời thì vẫn chưa rõ ràng, khiến lộ trình diễn ra chậm.

Có chính sách khuyến khích đầu tư

Thực tế, thời gian qua các đơn vị quản lý nói chung và Hà Nội đã có nhiều cố gắng trong quy hoạch và tìm hướng “giảm tải”. Chẳng hạn, ngày 26/7/2011, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quyết định quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, Hà Nội phát triển theo mô hình chùm đô thị gồm khu vực đô thị trung tâm và 5 đô thị vệ tinh, gồm Hòa Lạc, Sơn Tây, Xuân Mai, Phú Xuyên và Sóc Sơn. Đây lần lượt là các đô thị cửa ngõ phía tây, tây bắc, tây nam, nam và bắc của Thủ đô Hà Nội; có chức năng và đặc thù riêng, hoạt động tương đối độc lập để hỗ trợ và chia sẻ với đô thị trung tâm về nhà ở, đào tạo, công nghiệp, dịch vụ…

Tạo lập không gian công cộng cho người dân
Quy hoạch phân khu đô thị khu vực nội thành với định hướng giảm tải cho Hà Nội đã sớm được các cấp ban, ngành Trung ương và Hà Nội chỉ rõ, hướng đến một Hà Nội văn minh, hiện đại. (Ảnh: Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội)

Rõ ràng, ngay từ rất sớm các nhà quản lý đã xác định rõ Thủ đô đang trong quá trình phát triển theo hướng hiện đại, yêu cầu của quy hoạch đặt ra việc Hà Nội phải không ngừng mở rộng và phát triển, từng bước mở rộng, giảm tải cho khu vực trung tâm. Ông Nguyễn Đức Hùng, Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội chia sẻ, từ 2003 đến nay cũng có rất nhiều chương trình, kế hoạch của Thành phố để chỉ đạo di dời các cơ sở công nghiệp và Thành phố cũng giành quỹ đất để phục vụ công tác di dời với quy mô 447,3ha.

“Quá trình đô thị hóa rất cần thiết di dời các cơ sở công nghiệp trong nội thành. Đến giờ phút này, thành phố Hà Nội đã có đầy đủ các cơ sở pháp lý để di dời các cơ sở công nghiệp trong nội thành đến khu vực mới phù hợp quy hoạch. Ngoài ra, quy hoạch chung, quy hoạch phân khu đã định hướng không gian phù hợp với từng đô thị, quy định chức năng cho mỗi lô đất công nghiệp sau khi di dời” - Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội thông tin.

Đồng quan điểm này, PGS.TS.KTS. Lê Quân - Hiệu trưởng Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội cho rằng, các cơ sở công nghiệp ở Hà Nội là minh chứng cho một giai đoạn phát triển đô thị khi Nhà nước tập trung các cơ sở sản xuất để phát triển đất nước. Đến nay, các cơ sở công nghiệp này đã trở thành một phần quan trọng trong cấu trúc đô thị.

“Trải qua quá trình hình thành và phát triển đô thị nhanh chóng, những cơ sở công nghiệp vốn trước kia thuộc ngoại ô Hà Nội thì nay phần lớn thuộc trung tâm đô thị và khu vực nội đô lịch sử. Các cơ sở công nghiệp này đến nay đã không còn phù hợp trong quy hoạch và đặt ra các vấn đề về ô nhiễm môi trường và chất lượng cuộc sống. Việc di dời các cơ sở đến nay là hết sức cần thiết, cấp bách, là một trong những nhiệm vụ quan trọng của quá trình tái thiết đô thị. Nhưng tái thiết đô thị không đơn giản là thay thế các công trình mới trên nền các công trình cũ” - Hiệu trưởng Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội nhấn mạnh.

Ở câu chuyện di dời các cơ sở công nghiệp, nhiều ý kiến chuyên gia, nhà quản lý, kiến trúc sư… cũng đề xuất khi di dời các nhà máy cũ ra khỏi nội đô thì diện tích còn lại nên chuyển đổi sang không gian sáng tạo để phát huy hết những giá trị văn hóa và tạo lập không gian công cộng cho người dân.

Rõ ràng, hiện Hà Nội đã có nhiều cố gắng trong việc di dời các nhà máy cũ ra khỏi nội đô, nhưng để đẩy nhanh tiến độ di dời các cơ sở sản xuất ở khu vực nội thành không phù hợp quy hoạch hoặc gây ô nhiễm môi trường rất cần sự phối hợp, nhất là chính sách hỗ trợ các cơ sở di dời của các bộ, ngành.

Bên cạnh đó, Thành phố cần tiếp tục chuẩn bị quỹ đất sạch và có chính sách hỗ trợ sản xuất công nghiệp tại khu vực ngoại thành để thu hút các doanh nghiệp trong diện di dời. Quan tâm khai thác hiệu quả quỹ đất của các cơ sở sau khi di dời, sử dụng đất vào mục đích xây dựng công viên, công trình công cộng phục vụ cộng đồng./.

Giang Nam

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này