Doanh nghiệp mời chào… tìm công nhân

11:54 | 07/12/2021
(LĐTĐ) Làn sóng dịch Covid-19 thứ 4 quét qua nhiều tỉnh, thành trên cả nước, nặng nề nhất là các tỉnh phía Nam. Các biện pháp về giãn cách xã hội được thực hiện và kéo dài nhiều tháng, khiến nhiều người lao động ồ ạt về quê, gây ra tình trạng thiếu hụt lao động trầm trọng tại các khu công nghiệp.
Nhà tuyển dụng đánh giá cao nhân sự trẻ Đảm bảo an sinh xã hội cho lái xe công nghệ "Đón sóng" tuyển dụng sau mùa dịch Covid-19

Thiếu lao động trầm trọng

Theo khảo sát của Tổng cục Thống kê về đánh giá tác động của dịch Covid-19 trên phạm vi toàn quốc cho thấy, trong số 22.764 doanh nghiệp có 17,8% doanh nghiệp bị thiếu lao động. Tỷ lệ doanh nghiệp thiếu hụt lao động cao nhất được ghi nhận ở vùng Đông Nam Bộ, với 30,6%. Trong đó, những tỉnh thiếu hụt cao là Bình Dương (36,9%), Bình Phước (34,4%) và thành phố Hồ Chí Minh là 31,8%.

Doanh nghiệp mời chào… tìm công nhân
Công ty Tấn Phát đang nhận cung ứng lao động cho 3 công ty lớn với số lượng 10.000 người, nhưng đến nay chỉ mới đáp ứng được 5%.

Thời điểm cuối năm, các đơn đặt hàng nhiều hơn, nhưng lại thiếu lao động sản xuất, khiến các công ty rơi vào cảnh tiến thoái lưỡng nan. Vì vậy, hiện nay rất nhiều công ty đã dùng rất nhiều biện pháp để tuyển dụng người lao động, kể cả ra tận lề đường để mời chào…

Ngồi bên lề đường sát khu công nghiệp Nam Tân Uyên (thị xã Tân Uyên, Bình Dương), anh Võ Thanh Được (36 tuổi, quê Cần Thơ) – nhân viên tuyển dụng của Công ty sản xuất gỗ Tân Nhật, cho biết, công ty của anh hiện đang cần tuyển dụng khoảng 500 công nhân, nhưng từ hơn 1 tháng nay chỉ có hơn 50 công nhân tới ứng tuyển làm việc.

“Đợt dịch vừa rồi công nhân về quê tránh dịch hết, bây giờ đâu có được bao nhiêu người quay trở lại đâu. Thi thoảng cũng có người tới đăng ký làm việc, nhưng làm thử được vài ngày họ không thích lại nghỉ qua công ty khác làm”, anh Được chia sẻ.

Anh Được cũng cho biết thêm, tình trạng thiếu lao động tại công ty của anh trầm trọng đến mức, anh là một công nhân sản xuất trong xưởng nhưng vì bộ phận nhân sự nghỉ việc hết, nên phải bất đắc dĩ làm công tác tuyển dụng, dù anh chưa từng làm việc này bao giờ.

“Dịch này thiếu người làm quá, công ty bữa nay khi tuyển mới cũng cho nhiều ưu đãi lắm, mà lương lại cao hơn trước nữa. Nhưng mà không có người thì chịu thôi chứ biết làm sao. Mong là sang năm tình hình khá hơn, chứ cứ như vậy thì không biết công ty có trụ nổi không”, anh Được cho hay.

Ngồi cách đó không xa, anh Ngôn Luân (36 tuổi, quê Tây Ninh) – nhân viên tuyển dụng của Công ty cung ứng lao động Human Power, cho biết, tình trạng thiếu lao động của công ty kéo dài được vài tháng nay. Khi làn sóng người dân từ miền Nam đổ về quê bắt đầu xuất hiện thì đó cũng là lúc nguồn lao động ở các khu công nghiệp bị thất thoát.

“Công ty hiện tại đang cần tuyển dụng rất nhiều lao động để làm việc tại các công ty thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau như: May mặc, thực phẩm, sản xuất gỗ, bốc vác, điện tử… Nhưng đến nay chỉ mới tuyển được vài chục người, không thấm vào đâu cả”, anh Luân cho biết.

Anh Luân cũng chia sẻ thêm, đây là lần đầu tiên anh phải ra tận lề đường để “săn tìm” người lao động. Trước đây, khi đại dịch chưa bùng phát ở Việt Nam, nguồn lao động ở các vùng như miền Trung, miền Tây đổ về khu công nghiệp rất nhiều, việc tuyển dụng hết sức dễ dàng, kèm theo đó là những yêu cầu khắt khe về hồ sơ, giấy tờ.

Nhưng ở thời điểm hiện tại, các công ty lại đối mặt với tình trạng thiếu lao động trầm trọng. Vì vậy, các thủ tục giấy tờ hay các tiêu chí về độ tuổi, sức khoẻ cũng được giảm xuống mức thấp nhất có thể. Miễn làm đáp ứng đủ các yêu cầu để làm việc và không vi phạm pháp luật.

“Người lao động chỉ cần có căn cước công dân là bắt đầu vào làm việc được rồi, còn những giấy tờ khác thì sau này bổ sung cũng được”, anh Luân cho biết.

Còn thiếu khoảng 50.000 lao động

Đại diện Công ty TNHH cung ứng lao động Tấn Phát (thị xã Tân Uyên, Bình Dương) cho biết, hiện tại công ty đang nhận tuyển dụng lao động cho 3 công ty lớn tại Bình Dương, với tổng số lượng lao động lên đến 10.000 người. Tuy nhiên, suốt hơn 1 tháng qua, số lượng lao động mà công ty tuyển dụng được chỉ mới được vài trăm người.

Ông Phạm Văn Việt – Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Việt Thắng Jean, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may thêu đan thành phố Hồ Chí Minh cho biết, trong 4 tháng dịch Covid-19 bùng phát tại thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía nam, công ty đã thực hiện tốt phương án “3 tại chỗ”, vì vậy có rất ít lao động về quê tránh dịch.

“Có ngày thì được 2, 3 người tới đăng ký tìm việc làm, nhưng cũng có khi cả tuần trời không có một bóng người tới để tìm việc. Dù hiện tại nhu cầu tuyển dụng lao động cao, nhưng lượng công nhân về quê trong đợt dịch thứ 4 là quá nhiều, dẫn đến việc thiếu hụt lao động như hôm nay”, đại diện Công ty Tấn Phát cho biết.

Ngoài ra, đơn vị này cho cho biết thêm, để thu hút người lao động quay trở lại làm việc, không ít công ty tại các khu công nghiệp ở Bình Dương sẵn sàng cung cấp nhiều ưu đãi đặc biệt mà những năm trước không có, ví dụ như: Thuê sẵn trọ, tặng tiền ăn tết, ứng trước tiền ăn, 2 tuần trả lương 1 lần, thuê xe đưa đón tận nhà…

“Khi công nhân ở quê gặp khó khăn trong việc thuê xe, các doanh nghiệp sẵn sàng tặng tiền xe cho công nhân để trở lại làm việc. Ngoài ra, lương của các công nhân hiện tại đang được trả cao hơn từ 1 – 2 triệu/tháng. Bây giờ công nhân tới chỉ cần làm việc thôi, không cần phải lo bất kỳ điều gì về ăn ở hay chi phí cả”, đại diện Công ty Tấn Phát chia sẻ thêm.

Với một số công ty có sự chuẩn bị từ trước và lên phương án ứng phó với dịch Covid-19, những vấn đề phát sinh sau đó như tình trạng thiếu lao động nhanh chóng được giải quyết.

Ông Phạm Văn Việt – Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Việt Thắng Jean, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may thêu đan thành phố Hồ Chí Minh, cho biết, trong 4 tháng dịch Covid-19 bùng phát tại thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, công ty đã thực hiện tốt phương án “3 tại chỗ”, vì vậy có rất ít lao động về quê tránh dịch.

“Số lao động về quê trong đợt dịch vừa rồi cũng đã quay lại công ty từ đầu tháng 10, nên việc sản xuất vẫn diễn ra bình thường từ khi dịch bắt đầu tới bây giờ. Tuy nhiên, một số công ty khác vẫn còn gặp khó khăn do không thực hiện được 3 tại chỗ, nên vẫn còn tình trạng thiếu lao động như hiện nay”, ông Việt cho biết.

Trước đó, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Bình Dương cho biết, các khu công nghiệp ở địa phương này có thể đang thiếu hụt từ 40.000 – 50.000 lao động.

Ngoài ra, các doanh nghiệp trên địa bàn đã bắt đầu hoạt động lại, vì thế trong thời gian tới để thực hiện tốt vấn đề cung ứng lao động cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất, tỉnh Bình Dương sẽ thực hiện tốt công tác an sinh xã hội. Đến nay, Bình Dương đã chi hỗ trợ nhà trọ, nhu yếu phẩm cho người dân và công nhân lao động với số tiền hơn 1.000 tỷ đồng, chi hỗ trợ cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh với số tiền khoảng 900 tỷ đồng.

Khi doanh nghiệp bắt đầu hoạt động, Bình Dương sẽ triển khai Nghị quyết 68 về hỗ trợ và đào tạo lại tay nghề cho người lao động, đồng thời chỉ đạo Trung tâm dịch vụ việc làm kết nối chặt chẽ với doanh nghiệp để kết nối người lao động nhanh chóng tìm được việc làm và giải quyết vấn đề nguồn nhân lực cho doanh nghiệp./.

Minh Tuấn

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này