Người ra quyết định thanh tra có trách nhiệm giám sát hoạt động của Đoàn thanh tra

12:07 | 07/12/2021
(LĐTĐ) Trong quá trình thanh tra, nếu phát hiện hành vi vi phạm thì trưởng đoàn, thành viên Đoàn thanh tra lập biên bản để làm cơ sở xử lý. Nếu phát hiện thấy dấu hiệu của việc tẩu tán, chuyển dịch, hủy hoại tài sản thì đề nghị cơ quan kiểm soát tài sản thu nhập và cơ quan có thẩm quyền khác có biện pháp ngăn chặn kịp thời.

Thanh tra

Qua giám sát, phải cụ thể hóa trách nhiệm, không kiến nghị chung chung

Đây là một trong các đề xuất chính sách trong Dự thảo Luật Thanh tra sửa đổi, do Thanh tra Chính phủ chủ trì soạn thảo, đang được Bộ Tư pháp thẩm định.

Theo cơ quan soạn thảo, qua quá trình triển khai thực hiện, Luật Thanh tra 2010 đã bộc lộ nhiều hạn chế, gây khó khăn, vướng mắc, làm giảm hiệu quả, hiệu lực của hoạt động thanh tra, không đáp ứng được yêu cầu của tình hình mới trong bối cảnh phát triển kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế ngày càng mạnh mẽ. Do vậy, việc sửa đổi Luật Thanh tra 2010 là cần thiết, nhằm thể chế quan điểm của Đảng, Hiến pháp năm 2013 về công tác thanh tra, cũng như khắc phục những tồn tại, hạn chế và nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác thanh tra.

Theo Tờ trình, Dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) kế thừa các quy định hiện hành về tổ chức các cơ quan thanh tra Nhà nước. Các cơ quan thanh tra theo cấp hành chính bao gồm Thanh tra Chính phủ, Thanh tra tỉnh, Thanh tra huyện; thanh tra theo ngành, lĩnh vực gồm Thanh tra Bộ, Thanh tra tổng cục, cục thuộc Bộ và Thanh tra Sở.

Do đặc điểm và nhu cầu quản lý trong các lĩnh vực ở từng địa phương khác nhau, đồng thời để bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật về tổ chức cơ quan chuyên môn của chính quyền địa phương nên Dự thảo Luật quy định việc thành lập Thanh tra Sở do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định sau khi thống nhất với Tổng Thanh tra Chính phủ và Bộ trưởng quản lý ngành, lĩnh vực căn cứ vào nhu cầu quản lý lĩnh vực đó tại địa phương và số lượng biên chế được giao của tỉnh.

Người ra quyết định thanh tra có trách nhiệm giám sát hoạt động của Đoàn thanh tra

Thanh tra Bộ Nội vụ công bố quyết định thanh tra tại UBND tỉnh Ninh Bình (Ảnh: HL, ảnh chụp trước thời điểm diễn ra dịch Covid-19)

Để góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thanh tra, Dự thảo Luật thiết kế một chương quy định về Thanh tra viên. Theo đó, Thanh tra viên là công chức, sĩ quan Quân đội nhân dân, sĩ quan Công an nhân dân được bổ nhiệm vào ngạch thanh tra để thực hiện các nhiệm vụ thanh tra theo quy định của pháp luật. Các ngạch Thanh tra viên bao gồm Thanh tra viên, Thanh tra viên chính, Thanh tra viên cao cấp.

Đáng quan tâm, Dự luật được sửa đổi theo hướng quy định một trình tự, thủ tục thanh tra thực hiện thống nhất đối với thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành. Việc xây dựng, ban hành Định hướng hoạt động thanh tra hằng năm, kế hoạch thanh tra đã được quy định cụ thể nhằm bảo đảm cho hoạt động thanh tra có trọng tâm, trọng điểm, tránh chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động giữa các cơ quan thanh tra và giữa cơ quan thanh tra với các cơ quan kiểm tra, kiểm toán, giám sát.

Dự thảo Luật cũng quy định Trưởng đoàn thanh tra, thành viên Đoàn thanh tra phải là người có phẩm chất đạo đức và chuyên môn tốt, không có xung đột lợi ích khi thực hiện nhiệm vụ thanh tra và việc thay đổi Trưởng đoàn thanh tra, thành viên Đoàn thanh tra khi cần thiết.

Đồng thời, luật hóa quy định về chuẩn bị thanh tra nhằm nâng cao hiệu quả của cuộc thanh tra, cũng như bảo đảm nguyên tắc hoạt động thanh tra không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, đơn vị là đối tượng thanh tra, vốn đang là vấn đề gây bức xúc hiện nay.

Bên cạnh đó, Dự thảo Luật quy định trong quá trình thanh tra, nếu phát hiện hành vi vi phạm thì Trưởng đoàn thanh tra, thành viên Đoàn thanh tra lập biên bản về hành vi vi phạm đó để làm cơ sở xử lý theo quy định của pháp luật.

Nếu phát hiện thấy dấu hiệu của việc tẩu tán, chuyển dịch, hủy hoại tài sản thì đề nghị cơ quan kiểm soát tài sản thu nhập và cơ quan có thẩm quyền khác có biện pháp ngăn chặn kịp thời hành vi đó. Đây là quy định mới nhằm thực hiện Chỉ thị số 04-CT/TW ngày 2/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án tham nhũng, kinh tế.

Để bảo đảm hoạt động của Đoàn thanh tra đúng pháp luật, nâng cao hiệu quả công tác thanh tra; kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm trong hoạt động thanh tra, Dự thảo Luật đã quy định một mục về giám sát hoạt động của Đoàn thanh tra. Trong đó, quy định rõ trách nhiệm của người ra quyết định thanh tra, Thủ trưởng cơ quan, đơn vị quản lý trực tiếp công chức tham gia Đoàn thanh tra.

Dự thảo Luật cũng xác định cụ thể các nguyên tắc để tránh chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra và giữa hoạt động thanh tra với hoạt động kiểm toán. Cụ thể, mỗi bộ, tỉnh chỉ có một kế hoạch thanh tra do Bộ trưởng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành, nếu có sự chồng chéo, trùng lặp thì cơ quan thanh tra cấp trên sẽ thực hiện nội dung thanh tra đó.

Phương Thảo

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này