Đẩy mạnh xây dựng văn hóa học đường đáp ứng nhu cầu đổi mới giáo dục

22:49 | 06/12/2021
(LĐTĐ) Trong truyền thống của người Việt, đạo thầy trò luôn là những hình ảnh đẹp, đáng kính và trân trọng. Tuy nhiên, ngày nay, khi xã hội ngày càng phát triển thì văn hóa ứng xử trong trường học đang bị tác động mạnh mẽ với nhiều yếu tố tiêu cực. Theo các chuyên gia, để giữ vững và phát huy được những nét đẹp trong văn hóa ứng xử học đường, ngoài sự nỗ lực của thầy và trò còn phải có sự chung tay của cả gia đình, cộng đồng và xã hội.
Góc nhìn văn hóa Xử phạt học sinh nói bậy có khả thi không ?

Những tín hiệu tích cực

Thời gian qua, bên cạnh công tác dạy học, vấn đề giáo dục đạo đức, lối sống và văn hóa ứng xử học đường cho học sinh, sinh viên đã được các cấp, ngành hết sức quan tâm, chú trọng. Cụ thể, theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), đến thời điểm hiện tại, đại đa số học sinh, sinh viên đã đạt tiêu chuẩn đạo đức, lối sống, hạnh kiểm theo quy định của Bộ; ý thức trách nhiệm với gia đình, với việc học tập, rèn luyện có nhiều chuyển biến, góp phần xây dựng xã hội ngày càng tốt đẹp.

100% đoàn viên và 80% thanh niên được tuyên truyền, học tập các nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; 99,6% số trường học đã xây dựng, thực hiện quy tắc ứng xử văn hóa; hơn 1,1 triệu đoàn viên ưu tú được giới thiệu vào Đảng; 100% thanh niên, sinh viên tình nguyện tham gia các hoạt động xã hội, từ thiện nhân đạo, lao động tập thể…

Đẩy mạnh xây dựng văn hóa học đường đáp ứng nhu cầu đổi mới giáo dục
Xây dựng văn hóa học đường trong trường học luôn là vấn đề được các nhà trường quan tâm, chú trọng. (Ảnh minh họa khi chưa xảy ra dịch Covid-19).

Là một trong những đơn vị có thành tích tốt trong công tác xây dựng văn hóa học đường trong trường học, TS.Võ Thanh Hải - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Duy Tân cho biết, những năm qua, nhà trường đã thực hiện tốt Quyết định số 410/QĐ-BGDĐT ngày 4/1/2016 của Bộ GD&ĐT về việc ban hành Kế hoạch triển khai Quyết định 1501/QĐ-TTg ngày 28/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng giai đoạn 2015-2020”.

Thực hiện nghiêm túc quy chế của Bộ GD&ĐT và các quy định của trường, thực hiện dạy và học thực chất, đúng giờ, thi cử nghiêm túc, không gian dối, không tiêu cực và chống bệnh thành tích trong giáo dục.

Bên cạnh đó, nhà trường đặc biệt chú trọng tới việc xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học, xem đây là công việc rất cần thiết nhằm thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện…

Nhờ việc thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ trên, trường đã đạt được nhiều thành tích đáng khích lệ như: Đạt trường học an toàn, xanh - sạch - đẹp; trường học không khói thuốc lá... tỉ lệ sinh viên vi phạm qui chế, qui định rất thấp; nhiều năm liền không có sinh viên vi phạm pháp luật mức độ nặng, có yếu tố hình sự; có năm chỉ có 1-2 sinh viên vi phạm mức độ nhẹ so với qui mô gần 25.000 sinh viên đang theo học các trình độ, hình thức đào tạo.

Kết quả đánh giá rèn luyện sinh viên từng học kỳ, từng năm học luôn đạt ở mức cao, chỉ có 0,6% sinh viên xếp loại rèn luyện dưới trung bình (thuộc diện sinh viên không tham gia đánh giá do thôi học, chuyển trường).

Còn theo PGS.TS Đinh Văn Hải - Trưởng phòng Công tác học sinh, sinh viên Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, trong suốt 65 năm thành lập và phát triển, Trường Đại học Bách Khoa luôn nhận thức được việc xây dựng môi trường văn hóa ứng xử tốt đóng một vai trò quan trọng trong việc hoàn thành sứ mệnh của mình. Đặc biệt, đó sẽ là nền tảng cho việc giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống, ý thức tuân thủ pháp luật và trách nhiệm công dân cho cán bộ và sinh viên.

“Tính tới nay, đã có trên 200 ngàn kỹ sư, thạc sỹ và tiến sỹ tốt nghiệp tại trường và hiện đang công tác trong tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị của đất nước. Các cựu sinh viên này đều là những người có đạo đức, lối sống lành mạnh. Đối với các sinh viên đang học tại trường, việc rèn luyện đạo đức, lối sống, cách ứng xử với thầy cô, bạn bè cũng được chú trọng và không xảy ra tình “lệch chuẩn” đạo đức”, PGS.TS Đinh Văn Hải nhấn mạnh

Cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và xã hội

Mặc dù có nhiều kết quả tích cực trong công tác xây dựng học đường, tuy nhiên trên thực tế, trong thời gian gần đây, ngành GD&ĐT đã xảy ra rất nhiều sự vụ kiện tụng, tranh chấp, chửi bới, đe dọa, bôi nhọ nhân phẩm, danh dự, uy tín, đạo đức nhà giáo; một bộ phận lãnh đạo, cán bộ, nhà giáo thiếu tâm huyết với nghề, đánh mất lòng tự trọng nghề nghiệp…

Còn đối với học sinh, sinh viên, một số em có lối sống thực dụng, buông thả, vô cảm, không coi trọng giá trị đạo đức. Đã có những câu chuyện đau lòng lan tràn trên mạng Internet như xúc phạm thầy, cô giáo, vô lễ với những người đang ngày đêm dạy bảo mình những điều hay lẽ phải, truyền đạt cho mình những tinh hoa tri thức nhân loại… Những vụ việc trên đã và đang rung lên hồi chuông báo động về sự thoái hóa, suy thoái đạo đức nơi học đường.

Đẩy mạnh xây dựng văn hóa học đường đáp ứng nhu cầu đổi mới giáo dục
Sinh viên Trường Đại học Bách Khoa tham gia các công tác thiện nguyện, hiến máu nhân đạo.

PGS.TS. Đinh Văn Hải nhận định, để khắc phục tình trạng trên và xây dựng mô hình văn hóa học đường hiệu quả trong tình hình mới, ngoài việc lấy giáo viên làm trung tâm, thì sự phối hợp của các yếu tố như gia đình, xã hội là hết sức quan trọng.

Theo ông, công tác giáo dục văn hóa trường học không thể thành công nếu các nhà trường thực hiện một cách riêng lẻ, độc lập. Hoạt động này luôn cần có sự phối hợp, chung tay giữa nhà trường, gia đình, các tổ chức chính quyền và xã hội. Nhà trường cần sự hỗ trợ, phối hợp với chính quyền địa phương trong việc đảm bảo môi trường cảnh quan xung quan trường luôn xanh - sạch - đẹp, an toàn, an ninh trật tự; hạn chế các tụ điểm phát sinh tệ nạn xã hội, chơi game gây sao nhãng việc học hành ở xung quanh trường, quản lý sinh viên nội ngoại trú.

Nhà trường rất mong Bộ GD&ĐT, các cơ quan chức năng sớm ban hành các quy định, hướng dẫn chế tài xử lý cập nhật thực tiễn nhằm hỗ trợ công tác giáo dục đạo đức, lối sống văn hóa ứng xử; giúp nhận diện, xử lý mang tính răn đe đối với các phát ngôn bình luận thiếu văn hóa của sinh viên trên không gian mạng. Các cơ quan truyền thông tăng cường thông tin các tấm gương tốt việc làm tốt, hạn chế đăng tải các thông tin giật gân, gây sốc ảnh hưởng tới nhận thức không tốt của giới trẻ về xã hội, và cộng đồng xung quanh…

TS. Võ Thanh Hải thì cho rằng, thời gian tới, các nhà trường cần nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền giáo dục giáo dục pháp luật thông qua các hoạt động ngoài giờ lên lớp, hoạt động ngoại khóa trong nhà, ngoại khóa online trên môi trường mạng, trong đó có văn hóa ứng xử trong trường học.

“Trong thời đại cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, mạng xã hội bùng nổ rất mạnh mẽ, cần bổ sung thêm các kênh truyền thông, tuyên truyền chính thống qua Facebook, Zalo, Tiktok... để thêm kênh tương tác với người học và phụ huynh về văn hóa học đường”, TS. Võ Thanh Hải chia sẻ.

Bên cạnh đó, TS. Võ Thanh Hải cũng cho rằng, cùng với việc ban hành các chuẩn mực, quy tắc ứng xử văn hóa ứng xử trong trường học, các nhà trường cần phối hợp xây dựng nhiều loại hình hoạt động xã hội nhằm lan tỏa và cụ thể hóa các nội dung của văn hóa học đường. Để làm được điều này, cần có sự đồng thuận và phối hợp chặt chẽ giữa Đảng ủy, Hội đồng trường, Ban giám hiệu, Công đoàn, Đoàn thanh niên, Hội sinh viên và các khoa, phòng, ban trong nhà trường, trong đó Đoàn thanh niên - Hội sinh viên đóng vai trò nòng cốt. Các hoạt động Đoàn - Hội cần được đa dạng hóa, qua đó rèn đào tạo ra những lớp sinh viên vừa hồng, vừa chuyên.

Lê Thắm

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này