Đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp hữu cơ

08:11 | 07/12/2021
(LĐTĐ) Những năm gần đây, huyện Đan Phượng (Hà Nội) vận động nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi có giá trị cao, phát triển nông nghiệp theo trụ cột: “Nông nghiệp hữu cơ, công nghệ cao gắn với bảo vệ môi trường hướng an toàn theo chuỗi giá trị”, đã giúp một huyện thuần nông, phát triển kinh tế bền vững.
Nhân rộng những mảng xanh Đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp hữu cơ nhằm tạo ra sản phẩm an toàn

Vụ mùa năm nay, nông dân huyện Đan Phượng đã trồng khảo nghiệm giống lúa Lai thơm 6 do Học viện Nông nghiệp Việt Nam chuyển giao triển khai tại xã Hồng Hà trên diện tích gần 1.000m2. Mặc dù là lần đầu tiên trồng nhưng giống lúa đã cho năng suất ước đạt 64 tạ/1ha.

Đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp hữu cơ
Mô hình trồng lúa Lai thơm 6 trên đất nông nghiệp xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng.

Là hộ nông dân được lựa chọn để trồng thử nghiệm giống lúa Lai thơm 6, ông Nguyễn Văn Quang (xã Hồng Hà) không khỏi hồi hộp khi gieo những hạt thóc đầu tiên xuống mặt ruộng. Lai thơm 6 là giống lúa lai có chất lượng gạo, cơm tốt nhất hiện nay trong số các giống lúa lai được chọn tạo trong nước.

Trước đây, khi nói đến lúa lai người dân thường nghĩ đến giống lúa cho năng suất cao nhưng chất lượng cơm gạo thấp và không còn phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng. Tuy nhiên, từ năm 2019 nhóm nghiên cứu lúa của Viện Nghiên cứu và Phát triển cây trồng (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) đã nghiên cứu thành công giống lúa lai có chất lượng cao.

Giống Lai thơm 6 có khả năng chịu lạnh tốt. Đặc biệt trên những chân đất lúa - tôm tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, giống Lai thơm 6 thể hiện tính ưu việt về khả năng chống đổ và chịu phèn mặn. Đây là yếu tố rất quan trọng trong vấn đề canh tác lúa - tôm. Giống Lai thơm 6 còn có khả năng chống chịu sâu bệnh khá, nhiễm rất nhẹ bệnh đạo ôn, nhiễm nhẹ đến trung bình bệnh bạc lá, nhiễm nhẹ bệnh khô vằn, rầy nâu, sâu đục thân, cuốn lá.

Tuy nhiên, khi trồng ở Bắc Bộ, nhất là tại vùng nông nghiệp của Hà Nội với khí hậu khác hẳn Đồng bằng sông Cửu Long, ông Nguyễn Văn Quang không khỏi lo lắng. Thế nhưng, bằng kỹ thuật được chuyển giao từ Học viện Nông nghiệp Việt Nam, cây lúa hợp khí hậu, hợp thổ nhưỡng cùng bàn tay chăm sóc của gia đình ông Quang và sự hỗ trợ kỹ thuật của các đơn vị liên quan, cây lúa trổ bông tươi tốt. Đầu tháng 10/2021, Hội đồng đánh giá chất lượng năng suất của giống Lai thơm 6 tại thực địa đã đánh giá giống lúa được trồng thành công mang lại niềm hân hoan cho gia đình ông Quang và bà con nông dân xã Hồng Hà.

Ông Thiều Văn Son - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đan Phượng, cho biết, để giúp bà con nông dân tiếp cận với những giống lúa mới, giống cao sản có tiềm năng năng suất cao và đặc biệt là chất lượng cao đáp ứng được bữa ăn hàng ngày cũng như nhu cầu của thị trường hiện nay, Hội Nông dân huyện thường xuyên phối hợp các ngành chức năng, các vụ viện công ty, trung tâm thuộc lĩnh vực nông nghiệp trong và ngoài huyện có các chương trình hợp tác với các đơn vị cung ứng giống nhằm tìm ra những giống lúa thích nghi với điều kiện và phong tục ở địa phương.

Thực hiện chương trình công tác của Ban Chấp hành Hội Nông dân huyện năm 2021, vụ Mùa 2021, Hội Nông dân huyện đã phối hợp với Học viện nông nghiệp Việt Nam và Công ty TNHH Cường Tân (Nam Định) xây dựng mô hình trình diễn giống lúa chất lượng cao Lai thơm 6 và CS 6 - Nam Định.

Mô hình được dùng chế phẩm sinh học hữu cơ Sumitri để xử lý tàn dư đất cho cây lúa Lai thơm 6 và CS6, kích hoạt hệ vi sinh vật có sẵn trong đất. Các đơn vị cũng xây dựng quy trình, sổ nhật ký để hướng dẫn cho hộ nông dân từ chăm sóc cho cây lúa, khâu ngâm ủ giống, gieo trồng đến khi thu hoạch với mục tiêu sản xuất “sạch” cho môi trường và sản phẩm nông sản an toàn.

“Phương châm sản xuất hữu cơ là không làm tổn hại đất canh tác, làm cho đất đai có thể phục vụ canh tác lâu dài; dùng chế phẩm sinh học xử lý tàn dư đất cho cây lúa, kích hoạt hệ vi sinh vật có sẵn trong đất giúp người nông dân sản xuất không phải tiếp xúc với các chất nguy hiểm độc hại cho sức khỏe của chính mình. Sản phẩm sạch sản xuất từ canh tác hữu cơ sẽ ngày càng có giá trị cao và dễ tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài nước”, ông Thiều Văn Son cho biết.

Vụ mùa năm 2021 Hội Nông dân huyện đã giao Ban Thường vụ Hội Nông dân xã Hồng Hà và xã Tân Lập lựa chọn, làm thí điểm tại hộ gia đình ông Nguyễn Văn Quang (Chi hội 5, hội viên nông dân xã Hồng Hà) và hộ ông Nguyễn Văn Bằng (Chi hội số 9, Hội nông dân xã Tân Lập). Với quy mô 2 mẫu trên chân đất lúa tại hộ gia đình ông Quang và ông Bằng, huyện Đan Phượng bắt đầu thử nghiệm từ vụ mùa 2021.

Ngày 7/10/2021, Hội đồng đánh giá chất lượng năng suất của giống Lai thơm 6 tại thực địa. Sau khi tiến hành các bước theo quy trình thống kê, đánh giá năng suất của cây trồng kết quả lúa Lai thơm 6 trồng tại xã Hồng Hà năng suất đạt 234 kg/1 sào Bắc Bộ và đạt trên 64 tạ/ha. Riêng giống lúa CS 6 cũng bước đầu được nhận định cho ra năng suất như Lai thơm 6 và dự kiến được Hội đồng tiến hành đánh giá vào tháng 4/2022.

Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đan Phượng Thiều Văn Son cho biết, qua kết quả trình diễn giống lúa theo định hướng hữu cơ Lai thơm 6 và CS 6 ở vụ mùa năm 2021 bước đầu cho thấy, Lai thơm 6 và CS 6 trồng trên đất nông nghiệp huyện Đan Phượng cho ra giống thơm chất lượng gạo tốt, hạt gạo dài trắng trong, cơm ăn ngon, đậm mềm, loại gạo đặc sản, giá cao hiện đang được thị trường trong và xuất khẩu nước ngoài ưa chuộng tiêu thụ. Cùng với đó, công nghệ cho phép dùng chế phẩm summitri xử lý rơm rạ làm giảm 20 đến 30 % phân bón cho hộ trồng lúa, tăng giá trị kinh tế và bảo vệ môi trường.

“Nhiệm vụ của chúng tôi là tìm ra những giống có tiềm năng, năng suất, chất lượng tốt để phục cho nhu cầu của thị trường hiện nay. Muốn như vậy, phải xác định bộ giống lúa phù hợp với điều kiện khí hậu, đất đai, kỹ thuật thâm canh của nông dân trên địa bàn huyện; chọn vùng đất đại diện cho chân đất trên địa bàn xã, thâm canh theo tập quán đang sản xuất tại đại phương”, ông Thiều Văn Son cho biết.

Với những thành công bước đầu, Hội Nông dân huyện Đan Phượng tiếp tục đề xuất các cấp lãnh đạo huyện phối hợp cùng Hội Nông dân huyện quan tâm hỗ trợ nguồn lực như giống, vật tư để Hội Nông dân huyện tổ chức nhân rộng diện tích lúa Lai thơm 6 và CS 6 vụ Xuân 2022 cũng như những năm tiếp theo; đặc biệt là hỗ trợ giống lúa và kỹ thuật để bà con nông dân được mở rộng diện tích gieo cấy trên diện tích của gia đình trong vụ Xuân 2022.

“Giống lúa Lai thơm 6 và CS 6 có mùi thơm dễ thu hút chú ý của chuột, sâu bọ phá hoại do vậy cần phải có quy trình phòng trừ phù hợp từng giai đoạn. Chính vì vậy, trong thời gian tới, Hội Nông dân huyện sẽ tiếp tục chỉ đạo Hội Nông dân các xã tuyên truyền để bà con hiểu rõ hơn về giống lúa, lựa chọn thâm canh, phát triển kinh tế nông nghiệp, nhằm nâng cao thu nhập và đời sống cho nông dân”, ông Thiều Văn Son nhấn mạnh.

Gắn với định hướng phát triển nông nghiệp theo hướng “Nông nghiệp hữu cơ, công nghệ cao gắn với bảo vệ môi trường hướng an toàn theo chuỗi giá trị”, Hội Nông dân huyện Đan Phượng sẽ định hướng nông dân sản xuất theo hướng hữu cơ. Bởi sản phẩm sạch, sản xuất từ canh tác hữu cơ sẽ ngày càng có giá trị cao và dễ tiêu thụ trong nước và ngoài nước./.

Bảo Thoa

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này