Sân chơi để các nhà thiết kế Việt sáng tạo

09:21 | 07/12/2021
(LĐTĐ) Tuần lễ Thiết kế Việt Nam 2021 với chủ đề “Đánh thức truyền thống” vừa khép lại. Đây chính là sân chơi để tôn vinh, khuyến khích các nhà thiết kế dám thay đổi tư duy, làm mới giá trị truyền thống, hướng tới xu hướng thiết kế bền vững.
Nhiều hoạt động đặc sắc tại Tuần lễ Thiết kế Việt Nam 2021 Nhà thiết kế Nhật Dũng và Á hậu Lý Kim Thảo quảng bá di sản qua tà áo dài

Đổi mới dựa trên văn hoá truyền thống

Cuộc thi Designed by Vietnam trong khuôn khổ Tuần lễ Thiết kế Việt Nam 2021 đã khởi động từ tháng 7 và nhận được 183 thiết kế dự thi. Tại lễ bế mạc và trao giải Cuộc thi, Ban Tổ chức đã trao 1 trao giải Nhất, 1 giải Nhì, 1 giải Ba và 5 giải Khuyến khích cho các tác giả.

Sân chơi để các nhà thiết kế Việt sáng tạo
Trưng bày tác phẩm “N.A.M” của nhà thiết kế Vũ Tá Linh đạt giải Nhất cuộc thi Designed by Vietnam.

Cuộc thi đã cho thấy tín hiệu đáng mừng về một thế hệ trẻ giàu nội lực. Họ là những nhà thiết kế mang một luồng tư tưởng mới, sáng tạo dựa trên những nét văn hoá truyền thống đậm đà bản sắc dân tộc. Giải Nhất thuộc về tác phẩm “N.A.M” của nhà thiết kế Vũ Tá Linh (Hà Nội).

“N.A.M” của Vũ Tá Linh đã kể một câu chuyện về phục trang rất đúng lúc. Tá Linh đã kết hợp các chất liệu sẵn có từ tủ quần áo của mình với những mảnh vải cổ và kỹ năng tạo tác chất liệu bằng phương pháp thủ công độc đáo.

Thiết kế tái tạo đang là xu hướng cấp thiết của thời đại. Tái sử dụng, tái thiết kế làmột cách thức của lối sống bền vững. Tá Linh cũng đã thuyết phục ban giám khảo bằng sự nhất quán trong cách trình bày với bố cục chặt chẽ từ những bản phác thảo có hơi hướng cường điệu đến mẫu thật, bộ ảnh đến quyển lookbook.

Bên cạnh đó, với nhánh đề bài riêng về thiết kế sản phẩm lưu niệm cho Văn Miếu - Quốc Tử Giám, sản phẩm “Khứ Hồi” của nhà thiết kế Lưu Như Ngọc (thành phố Hồ Chí Minh) đã giành giải Nhất.

Tác phẩm đã thể hiện ẩn ý của tác giả khi quá khứ hoàn toàn có thể hồi sinh bằng nhiều cách thức nếu chúng ta có ý thức khôi phục và duy trì. Chất liệu tái tạo từ gốm vụn của làng nghề Bát Tràng đã khiến thiết kế của“Khứ Hồi” mang những giá trị bền vững không thể phủ nhận.

Phương pháp mosiac (ghép khối) tạo ra các hoạ tiết lấy từ các biểu tượng nổi bật trong kiến trúc của Văn Miếu - Quốc Tử Giám như hoa sen, bia rùa rất tinh tế và cẩn trọng. Việc sử dụng đơn sắc của gốm lam khiến “Khứ Hồi” càng có độ tinh giản cao. Khắc hoạ một bức tranh văn hoá đặc sắc của Thủ đô bằng con mắt thẩm mỹ chắt lọc, tác phẩm thể hiện được nét thanh lịch của con người Tràng An thật vừa vặn.

Phát biểu tại buổi lễ trao giải, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội Bùi Hoài Sơn cho hay: “Tôi mới trở về từ Tây Ban Nha, một trong những ấn tượng của tôi là khi ở thành phố Barcelona là ngôi nhà Gaudi. Điều tôi suy nghĩ nhiều là chính những ngôi nhà Gaudi đã truyền cảm hứng sáng tạo, trở thành điểm thu hút du khách của Barcelona.

Ngôi nhà đã chứng minh sức mạnh, quyền lực của sáng tạo. Giờ đây, khi chúng ta ở giai đoạn phát triển mới của đất nước, chúng ta xây dựng một ngôi nhà không chỉ để ở, cây cầu không chỉ đề đi hay ngọn đèn đường không chỉ để chiếu sáng, tất cả phải trở thành công trình mang tính biểu tượng, nghệ thuật và niềm tự hào cho Thủ đô Hà Nội”.

Trăn trở về việc tại sao giới trẻ hiện nay quay lưng với văn hóa truyền thống, đại biểu Quốc hội Bùi Hoài Sơn cho rằng, vấn đề của chúng ta là chưa làm truyền thống trở nên hấp dẫn, phù hợp với bối cảnh xã hội ngày hôm nay. Cuộc thi lần này giúp cho chúng ta thấy được rằng, khi làm cho truyền thống trở nên sống động hơn sẽ có được những người trẻ tuổi - tương lai của đất nước yêu văn hoá truyền thống, di sản văn hoá dân tộc. Điều này mang đến cho chúng ta nhiều hy vọng, tương lai văn hoá dân tộc luôn luôn được bừng sáng. Tôi nghĩ rằng, đó cũng chính là thông điệp quan trọng của cuộc thi lần này” - ông Bùi Hoài Sơn khẳng định.

Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám Lê Xuân Kiêu cũng cho rằng: “Cuộc thi là cơ hội để các nhà thiết kế trẻ có thể thỏa sức sáng tạo và thể hiện tình yêu với lịch sử, văn hóa, giáo dục nói chung. Hy vọng, thời gian tới, với nền tảng giá trị truyền thống, các nhà thiết kế sẽ có những sản phẩm thương hiệu đặc trưng để góp phần quảng bá, phát triển văn hóa”.

Chuỗi các sự kiện hấp dẫn

Năm 2019, Hà Nội chính thức trở thành thành viên của Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO ở lĩnh vực Thiết kế sáng tạo. Thực hiện cam kết với UNESCO sau khi Hà Nội chính thức trở thành Thành phố sáng tạo lĩnh vực thiết kế, Hà Nội đã và đang cụ thể hóa bằng các chương trình và kế hoạch hành động dài hạn về tầm nhìn và kết nối các chính sách của Thành phố, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhằm nâng tầm cho lĩnh vực sáng tạo thiết kế, nâng cao nhận thức, gắn kết cộng đồng để từng bước hiện thực hóa các sáng kiến và xây dựng hình ảnh Hà Nội - Thủ đô sáng tạo.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh đánh giá, Tuần lễ Thiết kế Việt Nam 2021 sẽ là một trong những hoạt đổng nổi bật góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành thiết kế nói riêng tại Việt Nam, ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo Việt Nam nói chung và gia tăng giá trị sản phẩm sáng tạo Việt Nam trên thị trường quốc tế, góp phần hiện thực hóa các cam kết của thành phố Hà Nội khi tham gia Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO.

Tuần lễ được tổ chức nhằm tôn vinh các sản phẩm và nhà thiết kế xuất sắc của Việt Nam thuộc các lĩnh vực: Thiết kế Truyền thông, Thiết kế Đồ nội thất, Thiết kế Vật dụng và trang trí, Thiết kế Trang phục, Thiết kế công cộng. Chuỗi sự kiện hấp dẫn diễn ra từ ngày 27/11 đến ngày 03/12, nhằm đem đến cho công chúng những góc nhìn độc đáo về không gian làm việc, tìm hiểu quá trình và các sản phẩm sáng tạo của các nghệ sĩ, nhà thiết kế.

Bên cạnh các hoạt động như cuộc thi “Designed by Vietnam”, triển lãm, hội thảo, tọa đàm, chuỗi “mở xưởng” (open studio) được thực hiện trực tuyến ở bên trong các xưởng nghệ thuật, thiết kế, nơi các tác phẩm và các sản phẩm ra đời (gồm Tạ Huy Long, Đinh Công Đạt, 282 design,Trúc chỉ Garden, Pháp Lam Huế, Nguyễn Tấn Phát, Thắng Kiều).

Khán giả đã có một chuyến tham quan độc đáo không gian làm việc của các nghệ sĩ, nhà thiết kế và những người tiên phong trong các lĩnh vực của họ, để tôn vinh những nhà thực hành này và đồng thời tìm hiểu quá trình sáng tạo của họ.

Khi các nghệ sĩ, các nhà thiết kế mở cửa studio của họ với công chúng, điều đó tạo ra một nơi chốn để trò chuyện gần gũi, trung thực, và minh bạch. Đó cũng là dịp để các nghệ sĩ, nhà thiết kế chia sẻ các giải pháp đổi mới và sáng tạo của họ đối với một số thách thức xã hội và môi trường cấp bách mà ngành công nghiệp sáng tạo hiện nay đang phải đối mặt.

Khi nghe từ “truyền thống”, chúng ta thường nghĩ đến những thứ thuộc về quá khứ - của một thời gian và không gian cố định nào đó, làm như vậy dễ dẫn đến nguy cơ bỏ qua tính liên tục, tính thích ứng và tính biến đổi vốn có của truyền thống. Truyền thống luôn dịch chuyển bởi các yếu tố như con người, xã hội và tự nhiên.

Các khái niệm đang phát triển của chúng ta về bản sắc văn hóa, đa dạng văn hóa, công bằng thương mại vàmôi trường đều ảnh hưởng đến cách chúng ta xác định vai trò của truyền thống trong xã hội đương đại. Do đó, việc lưu giữ truyền thống trong lĩnh vực Thiết kế không thể được xem xétđơn giản là quá trình “cắt và dán”.

Truyền thống không thể được bảo tồn hiệu quả chỉ bằng cách thao túng hay tích hợp các biểu tượng quốc gia, truyền thống tín ngưỡng và văn hóa địa phương một cách phiến diện và nặng tính cổ động. Nó phải được nhìn nhận một cách nghiêm túc với tinh thần tôn trọng lịch sử và tổ tiên của chúng ta nhưng vẫn phải mạnh dạn đổi mới để đảm bảo sự liên quan của truyền thống được tiếp nối.

Đây cũng là thông điệp mà Ban Tổ chức chương trình gửi gắm và thế hệ những nhà thiết kế trẻ đã tìm thấy điều đó tại Tuần lễ Thiết kế Việt Nam 2021 với chủ đề “Đánh thức truyền thống”./.

Phương Bùi

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này