Kinh tế huyện Gia Lâm vẫn duy trì tăng trưởng

08:42 | 06/12/2021
(LĐTĐ) Dù chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, kinh tế huyện Gia Lâm vẫn duy trì tăng trưởng. Giá trị các ngành kinh tế chủ yếu do huyện quản lý ước tăng 4,61%, bằng 53,2% mức tăng năm 2020, bằng 44,0% kế hoạch…
Huyện Gia Lâm cần quản lý chặt chẽ các chợ đầu mối, chợ dân sinh LĐLĐ huyện Gia Lâm tiếp tục trao hỗ trợ cho đoàn viên, người lao động khó khăn Đoàn viên thanh niên xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm đi chợ giúp dân

Đây là thông tin được đưa ra tại buổi tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền huyện Gia Lâm với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội và nhân dân năm 2021 vừa được tổ chức mới đây theo hình thức trực tiếp tại điểm cầu Hội trường Huyện ủy và trực tuyến đến 22 điểm cầu xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Tới dự có đại diện lãnh đạo Ban Dân vận Thành ủy và một số sở, ngành.

Tại hội nghị, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) huyện Gia Lâm Nguyễn Đức Hồng thông báo khái quát kết quả phát triển kinh tế, xã hội, công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị năm 2021 và nhiệm vụ trọng tâm năm 2022. Theo đó, năm 2021, huyện Gia Lâm đã tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 với tỷ lệ cử tri đi bầu đạt 99,65%. Huyện chủ động triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19; tỷ lệ tiêm chủng đạt trên 99,7%.

Kinh tế huyện Gia Lâm vẫn duy trì tăng trưởng
Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Lê Anh Quân phát biểu tại hội nghị

Đặc biệt, dù chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, kinh tế huyện vẫn duy trì tăng trưởng. Giá trị các ngành kinh tế chủ yếu do huyện quản lý ước tăng 4,61%, bằng 53,2% mức tăng năm 2020, bằng 44,0% kế hoạch, trong đó, dịch vụ tăng 2,82%, công nghiệp, xây dựng tăng 6,32%; nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 2,63%. Thu ngân sách trên địa bàn ước đạt 2.117,5 tỷ đồng, bằng 84,6% dự toán Thành phố và huyện giao, bằng 47,9% so với năm trước. Chi ngân sách huyện ước đạt 2.846,0 tỷ đồng, bằng 103,6% dự toán Thành phố giao.

Huyện đã chỉ đạo quyết liệt đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư công đối với 174 dự án, số vốn 2.083 tỷ đồng. Dự kiến hết năm 2021 thực hiện giải ngân 2.066,7 tỷ đồng, đạt 99,2%, hoàn thành bàn giao và đưa vào sử dụng 96 dự án. Đến nay, huyện đã hoàn thành giải phóng mặt bằng 72,4h/96,4ha của 68 dự án, đạt 75,1% kế hoạch, chi trả trên 379,9 tỷ đồng. Đã cấp 357 GCNQSDĐ lần đầu, đạt 119,0% kế hoạch. Tỷ lệ xử lý các trường hợp vi phạm về văn minh đô thị, môi trường đạt cao (83,7%).

Hiện huyện đã có 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và hoàn thiện hồ sơ đề nghị Thành phố công nhận nông thôn mới nâng cao với 3 xã, vượt chỉ tiêu đề ra. Dự kiến, năm 2021, huyện đạt 26/27 tiêu chí thành lập quận, trong đó, tiêu chí đạt thêm: Mật độ đường giao thông đô thị; 01 tiêu chí chưa đạt: Cơ sở y tế cấp đô thị đạt 1,02 giường/vạn dân, tiêu chuẩn≥2,4 giường/vạn dân.

Kinh tế huyện Gia Lâm vẫn duy trì tăng trưởng
Ông Nguyễn Văn Sơn - Bí thư Chi bộ, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần hãng sơn Đông Á nêu ý kiến tại điểm cầu hội trường Huyện ủy Gia Lâm

Văn hóa xã hội được duy trì; an sinh xã hội được đảm bảo. Các chính sách xã hội được thực hiện kịp thời, đầy đủ, đúng đối tượng. Toàn huyện có 74/78 trường đạt chuẩn quốc gia, tỷ lệ 94,9%. Huyện đã hỗ trợ 17.770 đối tượng gặp khó khăn do đại dịch với tổng số tiền 25,8 tỷ đồng. Toàn huyện không phát sinh hộ nghèo theo tiêu chí đa chiều, giảm 144 hộ cận nghèo (đạt 144% kế hoạch), tỷ lệ hộ cận nghèo 0,58%.

Ngoài 38 câu hỏi được tổng hợp gửi đến, tại hội nghị, đã có 9 ý kiến tại các điểm cầu xã, thị trấn và tại Hội trường Huyện ủy về các nội dung: Công tác đầu tư hỗ trợ ảnh hưởng của dịch Covid-19; công tác quản lý đất đai, cải cách hành chính; hoạt động của Đoàn thanh niên; hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới nâng cao, xây dựng huyện thành quận và những khó khăn của doanh nghiệp trong đại dịch, công tác xây dựng đảng đoàn thể trong doanh nghiệp…

Tại điểm cầu Hội trường Huyện ủy, ông Nguyễn Văn Sơn - Bí thư Chi bộ, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần hãng sơn Đông Á bày tỏ xúc động trước sự quan tâm, hỗ trợ và đồng cảm của lãnh đạo huyện với những khó khăn của doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay. Ông cũng cho biết, thời gian qua, doanh nghiệp đã nhận được nhiều quan tâm, tạo điều kiện của huyện từ văn bản hướng dẫn lưu thông trong thời gian giãn cách xã hội, lãnh đạo Huyện ủy trực tiếp xuống phê duyệt phương án 3 tại chỗ để không bị đứt gãy nguồn cung, đảm bảo công việc cho công nhân viên, tạo điều kiện cho doanh nghiệp được tiếp cận nguồn vắc xin sớm, vay vốn với lãi suất ưu đãi…

Kinh tế huyện Gia Lâm vẫn duy trì tăng trưởng
Toàn cảnh hội nghị

Liên đoàn Lao động huyện đã đồng hành với doanh nghiệp hỗ trợ công nhân lao động, giúp người lao động vượt qua giai đoạn khó khăn vì dịch bệnh, ổn định cuộc sống. Ông đề nghị, trong thời gian tới, huyện cần quan tâm hỗ trợ Đảng ủy Khối doanh nghiệp để thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia, có chính sách ưu tiên rõ ràng với doanh nghiệp có Chi bộ đảng; hướng dẫn kịp thời về văn bản chính sách, nhất là với những doanh nghiệp gặp khó khăn; có chính sách về giãn, hoãn nộp thuế; giảm lãi suất trung hạn để chung tay cùng các doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn...

Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Lê Anh Quân - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện cho biết, năm 2022, huyện tiếp tục xác định 2 nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt về cải cách hành chính và phát triển công nghiệp văn hóa. Bên cạnh đó, huyện cũng sẽ siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính và làm tốt công tác điều động, luận chuyển cán bộ. Đồng thời, đẩy mạnh công tác quy hoạch gắn với trật tự đô thị; quản lý đất đai gắn với trật tự xây dựng.

Về 9 ý kiến của các đại biểu, đồng chí Lê Anh Quân đã khái quát thành 7 nội dung vấn đề và giải đáp trong phạm vi thẩm quyền giải quyết của huyện. Đồng chí cho biết, năm 2022, Gia Lâm sẽ phấn đấu có 8 xã đạt nông thôn mới nâng cao và với tinh thần thực chất, làm cho chính quyền và người dân cảm nhận rõ, xứng đáng với nông thôn mới nâng cao.

Về nội dung phát triển huyện thành quận, huyện Gia Lâm đang phấn đấu hoàn thành nốt chỉ tiêu giường bệnh để đạt tiêu chí lên quận. Trong năm 2022, huyện sẽ hoàn thiện đề án trình Thành phố và Trung ương công nhận huyện thành quận, xã thành phường.

Để tạo điều kiện phát triển kinh tế trên địa bàn, huyện cũng sẽ tiếp tục phát triển thương mại, dịch vụ và các khu cụm công nghiệp để tiếp tục thu hút doanh nghiệp đến đầu tư.

Đối với phát triển nông nghiệp, huyện đã có đề án và hỗ trợ người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, ứng dụng công nghệ cao trên tinh thần “phải làm thật, không biến tướng”. Bên cạnh đó, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện cũng gợi mở việc khuyến khích thanh niên tham gia làm du lịch, chuyển đổi cơ cấu cây trồng ứng dụng công nghệ cao và có kênh hỗ trợ về vốn để thanh niên tha gia phát triển kinh tế; đẩy mạnh phát triển du lịch, tận dụng ưu thế của địa phương. Đồng chí cũng nhấn mạnh: lãnh đạo huyện Gia Lâm luôn cầu thị và sẵn sàng lắng nghe, chia sẻ và tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển.

Phạm Diệp

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này