Người di cư cần được tiếp cận các dịch vụ xã hội

17:07 | 05/12/2021
(LĐTĐ) Theo các chuyên gia, nguyên nhân chủ yếu khiến lao động di cư đến các thành phố lớn là để tìm việc làm mới, tăng nguồn thu nhập và ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, người lao động di cư vẫn còn khó khăn trong việc tiếp cận các hệ thống an sinh xã hội, thu nhập không cao, chịu nhiều thiệt thòi về nhà ở, dịch vụ y tế, giáo dục...
Đến 2019 sẽ có 5 triệu người di cư từ nông thôn ra thành thị Tích cực chăm lo cho nữ lao động di cư Nơi hai tiếng nói gặp nhau

Việt Nam đang ở thời kỳ cơ cấu dân số vàng với 65,4 triệu người trong độ tuổi lao động, chiếm 68,0% tổng dân số. Dân số trong độ tuổi lao động lớn, mang đến nhiều lợi thế cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nhưng cũng tác động rất lớn đến các dòng di cư tại Việt Nam.

Theo các nhà nhân khẩu học, trên thế giới hiện có khoảng 272 triệu người di cư trong tổng số hơn 7 tỷ người. Di cư là một sự tất yếu và là động lực của phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia. Người di cư có những đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế của quốc gia sở tại và quốc gia đi, tăng cường sự giao thoa văn hóa, trao đổi khoa học kỹ thuật, công nghệ, sự hiểu biết, kết đoàn giữa nơi đi và nơi đến.

Tuy nhiên, di cư cũng tạo ra những khó khăn, thách thức cho cả nơi đi và nơi đến. Nơi đi là sự khuyết thế hệ và sụt giảm lực lượng lao động; nơi đến là các sức ép đối với cơ sở hạ tầng, dịch vụ an sinh xã hội, y tế, nước sạch, giáo dục, giao thông và thậm chí cả những vấn đề về an toàn, an ninh trật tự xã hội. Bản thân người di cư cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, nhiều rào cản trong việc tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ trên, trong đó có việc chăm sóc sức khỏe.

Tại Việt Nam, kết quả nghiên cứu chuyên sâu Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 2019 công bố mới đây cho thấy, cả nước có 6,4 triệu người từ 5 tuổi trở lên là người di cư, chiếm 7,3% tổng dân số, thấp hơn so với năm 2009 (6,7 triệu người di cư, chiếm 8,5% dân số). Nữ giới vẫn chiếm tỷ lệ cao hơn nam giới trong tổng dân số di cư nhưng sự khác biệt này đang dần thay đổi theo hướng cân bằng. Phần lớn người di cư thuộc nhóm tuổi trẻ từ 20-39 tuổi (chiếm 61,8% tổng số người di cư).

Người di cư cần được tiếp cận các dịch vụ xã hội
Người di cư cần được tiếp cận với các dịch vụ xã hội. Ảnh minh họa.

Trẻ em di cư thiệt thòi hơn trẻ em không di cư trong việc tiếp cận giáo dục cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông; đặc biệt, trẻ em trong nhóm di cư ngoại tỉnh chịu thiệt thòi hơn so với trẻ em ở các nhóm di cư khác trong việc tiếp cận giáo dục ở tất cả các cấp. Năm 2019, có tới 83,9% trẻ em không di cư trong độ tuổi 11-18 đang đi học nhưng chỉ có 55,7% trẻ em di cư ngoại tỉnh trong nhóm nhóm tuổi này đang đi học.

Cũng theo kết quả Tổng điều tra, trình độ chuyên môn kỹ thuật của người di cư đã cải thiện so với 10 năm trước, tăng từ 22,9% năm 2009 lên 37,2% năm 2019 và cao hơn so với người không di cư. Năm 2019, tỷ lệ người di cư có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao hơn 17,5 điểm phần trăm so với người không di cư.

Trong tổng số lao động di cư đang làm việc trong nền kinh tế, có tới 91,4% người di cư làm ở khu vực dịch vụ, công nghiệp và xây dựng. Tỷ lệ này ở người di cư cao hơn so với người không di cư, đặc biệt tỷ trọng người di cư làm trong khu vực công nghiệp và xây dựng cao gần gấp đôi tỷ trọng người không di cư làm trong cùng khu vực (44,9% so với 27,7%).

Một vấn đề khác được thể hiện trong kết quả nghiên cứu chuyên sâu là tỷ lệ thất nghiệp của người di cư cao hơn người không di cư (2,53% so với 2,01%). Nữ giới di cư có tỷ lệ thất nghiệp cao hơn nam giới di cư, lần lượt là 2,82% và 2,20%. Trong số những người di cư đang thất nghiệp, hơn hai phần ba (69,7%) là những người di cư tới thành thị và chỉ có một phần ba là những người di cư tới nông thôn.

Điều kiện về nhà ở của người di cư tốt hơn người không di cư với tỷ lệ người sống trong nhà thiếu kiên cố hoặc đơn sơ của hai nhóm này tương ứng là 2,8% và 7,3%. Tuy nhiên, diện tích nhà ở bình quân đầu người của người di cư lại thấp hơn của người không di cư (tương ứng là 21,9m2/người và 25,4m2/người) với gần một nửa người di cư phải đi thuê/mượn nhà để ở.

"Có mối quan hệ chặt chẽ giữa di cư và đô thị hóa. Người nhập cư từ 5 tuổi trở lên chiếm 12,3% dân số của các đô thị. Áp lực nhập cư đối với đô thị đặc biệt là lớn nhất, cứ 1000 người sống tại các đô thị đặc biệt thì có tới gần 200 người là người nhập cư, cao gấp 2,7 lần mức chung của cả nước", kết quả nghiên cứu chuyên sâu Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 2019 chỉ rõ.

Bên cạnh đó, có sự khác biệt về tỷ lệ thất nghiệp giữa các loại hình đô thị: Tỷ lệ thất nghiệp của dân số từ 15 tuổi trở lên ở đô thị đặc biệt cao nhất (3,17%), tiếp đến là đô thị loại I (3,03%), đô thị loại III có tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất trong các nhóm đô thị (2,11%). Tỷ lệ thất nghiệp của nữ cao hơn nam ở tất cả các loại hình đô thị.

Thời gian qua, Việt Nam đã có nhiều chủ trương, chính sách quan tâm đến nhóm đối tượng người di cư. Trong đó, Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về Công tác dân số trong tình hình mới; Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 đã chỉ đạo quan tâm, đầu tư đối với nhóm dân số dễ bị tổn thương trong đó có người di cư.

Một số chương trình, dự án đã được thực hiện nhằm hỗ trợ người di cư. Cho đến nay, Việt Nam là một trong số ít quốc gia trên thế giới bước đầu thành công trong kiểm soát đại dịch Covid-19, nhưng những khó khăn, thách thức vẫn hiển hiện và tiềm ẩn những nguy cơ nhất định; cần chung tay chia sẻ, hỗ trợ và bảo vệ người di cư, thực hiện tốt việc phòng, chống và đẩy lùi đại dịch Covid-19 vì mục tiêu sức khỏe, an toàn, hạnh phúc của mỗi người di cư, gia đình họ và cả cộng đồng.

Mục tiêu:Thúc đẩy phân bố dân số hợp lý và bảo đảm quốc phòng, an ninh

+ Thúc đẩy đô thị hóa, đưa tỉ lệ dân số đô thị đạt trên 45%+ Tiếp tục thực hiện bố trí, sắp xếp dân cư hợp lý ở vùng biên giới, hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn

+ Bảo đảm người di cư được tiếp cận đầy đủ và công bằng các dịch vụ xã hội cơ bản.

(Trích Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030)

P.V

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này