Gắn kết nhà trường, gia đình và xã hội trong định hướng, giáo dục học sinh, sinh viên

17:06 | 05/12/2021
(LĐTĐ) Những năm qua, công tác định hướng, giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên luôn được các cơ sở giáo dục quan tâm và đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, trên thực tế, tại một số nơi vẫn còn tình trạng học sinh có hành vi “lệch chuẩn”, từ đó, đặt ra yêu cầu phải có các giải pháp khắc phục.
Sự việc học sinh vi phạm kỷ luật ở Hà Nội: Yêu cầu tăng cường giáo dục đạo đức cho học sinh Đẩy mạnh giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh, sinh viên Giáo dục đạo đức, lối sống, phòng chống xâm hại tại các trường học

Hiệu quả mô hình gắn kết “ba nhà”

Là một trong những ngôi trường có nhiều thành tích trong giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên, những năm qua, Trường Đại học Giáo dục (Đại Học Quốc gia Hà Nội) đã có nhiều giải pháp hay để kết nối “ba nhà” (nhà trường, gia đình và xã hội) vào công tác giáo dục.

Để kết nối “ba nhà”, Trường đã thành lập các Câu lạc bộ cho sinh viên tự quản, đồng thời kết hợp với Đoàn Thanh niên, Phòng Công tác chính trị học sinh, sinh viên, cố vấn học tập tạo ra một mạng lưới chặt chẽ trong việc kết nối giữa nhà trường, sinh viên và gia đình.

Đối với sinh viên gặp khó khăn về đời sống tình cảm, gây ảnh hưởng tới tâm lý hay học tập, nhà trường cũng thông qua mạng lưới này để nắm bắt và liên hệ trực tiếp với gia đình các em. Qua đó, cùng trao đổi và tìm cách tháo gỡ một cách hiệu quả nhất.

Đặc biệt, một trong những giải pháp đột phá của nhà trường trong 2 năm vừa qua đó là, từ năm 2020, nhà trường đã xây dựng học phần Giáo dục đạo đức nghề nghiệp trong lĩnh vực giáo dục và áp dụng giảng dạy xuyên suốt cho sinh viên trong cả 4 năm học.

Gắn kết nhà trường, gia đình và xã hội trong định hướng, giáo dục học sinh, sinh viên
Trường Đại học Giáo dục tổ chức nhiều hoạt động gắn kết tình cảm giữa giáo viên và sinh viên.(Ảnh chụp thời điểm chưa xảy ra đại dịch Covid-19)

TS. Hà Thị Thanh Thủy - Phó Trưởng phòng Công tác học sinh, sinh viên, Trường Đại học Giáo dục (Đại Học quốc gia Hà Nội), cho hay: “Cùng với sự tham gia phối hợp của nhà trường, gia đình, các tổ chức xã hội, công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho sinh viên đã đạt được những kết quả nhất định, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo của nhà trường.

Phần lớn, sinh viên có bản lĩnh chính trị vững vàng, có trách nhiệm với bản thân và gia đình, nỗ lực phấn đấu trong học tập, nghiên cứu khoa học, rèn luyện, có ý chí tự lập, có tư duy sáng tạo trong lập nghiệp, khởi nghiệp. 100% sinh viên tích cực tham gia các hoạt động của nhà trường cũng như các hoạt động ngoại khoá, đặc biệt là các hoạt động liên qua tới nâng cao bản lĩnh chính trị, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh…”.

Không chỉ riêng Trường Đại học Giáo dục, hiện nay, nhiều địa phương trên cả nước cũng đặc biệt chú trọng đến việc triển khai môi hình gắn kết nhà trường - gia đình - xã hội trong định hướng, giáo đục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên.

Bà Nguyễn Thuý Liễu - Phó trưởng Phòng Chính trị tư tưởng Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng, chia sẻ, trước đây, khi nhắc tới học sinh Hải Phòng, nhiều người thường ấn tượng về các em là những người thiếu sự lễ phép, thiếu hòa nhã, không thân thiện nhưng đến nay, suy nghĩ đó đã thay đổi. Theo như báo cáo của các trường học và cơ sở giáo dục trên địa bàn, tình trạng học sinh gây gổ đánh nhau hay thiếu lễ độ với giáo viên, người lớn tuổi chỉ chiếm tỉ lệ rất nhỏ.

Có được thành quả đó, một phần không nhỏ là nhờ sự đẩy mạnh phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trọng việc định hướng, giáo dục đạo đức lối sống cho các em.

“Hiện nay, 100% trường trên địa bàn thành phố Hải Phòng đều triển khai các bộ quy tắc ứng xử trong nhà trường, đồng thời có sự kết nối thường xuyên với phụ huynh thông qua sổ liên lạc điện tử… để phụ huynh nắm được tình hình học tập của con em. Đồng thời có cách xử lý phù hợp với các hành vi, cư xử, phát ngôn không hay của các em khi ở trường để kịp thời uốn nắn”, bà Liễu nhận định.

Lấy nhà trường làm trung tâm

Qua tìm hiểu, thời gian qua, công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên trên cả nước đã được tăng cường và đạt những kết quả tích cực. Đại đa số học sinh, sinh viên đã đạt tiêu chuẩn đạo đức, lối sống, hạnh kiểm theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo; ý thức trách nhiệm với gia đình, với việc học tập, rèn luyện có nhiều chuyển biến, góp phần xây dựng xã hội ngày càng tốt đẹp. Tuy nhiên, bên canh đó, vẫn còn một bộ phận học sinh, sinh viên chưa có ý thức, có biểu hiện lệch chuẩn về đạo đức, lối sống; tình trạng bạo lực học đường, vi phạm pháp luật vẫn còn diễn ra.

Theo các chuyên gia, một trong những nguyên nhân chủ yếu của tình trạng trên là công tác phối hợp giữa nhà trường, gia đình, xã hội còn thiếu đồng bộ, chưa chặt chẽ, thường xuyên. Vai trò là trung tâm kết nối các mối quan hệ, gia đình, xã hội của nhà trường chưa được phát huy hiệu quả.

Gắn kết nhà trường, gia đình và xã hội trong định hướng, giáo dục học sinh, sinh viên
Các trường học tổ chức nhiều buổi học giáo dục, đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên. (Ảnh thời điểm chưa xảy ra ra đại dịch Covid-19)

Bà Nguyễn Thuý Liễu chia sẻ, vai trò của sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong việc giáo dục đạo đức cho học sinh, sinh viên là vô cùng quan trọng. Đặc biệt là trong thời điểm hiện tại, học sinh, sinh viên được tiếp cận với nhiều kênh thông tin, có kênh chính thống, kênh chưa chính thống. Điều này ảnh hưởng không nhỏ tới tâm sinh lý cũng như cách hành xử của các em.

Vì vậy, các cơ sở giáo dục đào tạo cần phải hiểu và xác định rõ trách nhiệm của nhà trường, gia đình, xã hội trong quản lý, giáo dục học sinh, sinh viên mà đặc biệt là phát huy được vai trò trung tâm của nhà trường trong việc kết nối các yếu tố còn lại.

Từ đó, bà Liễu đề xuất, các cơ sở giáo dục cần đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, giáo viên và các tổ chức chính trị về mối quan hệ của nhà trường, gia đình và xã hội trong việc giáo dục học sinh, sinh viên.

Chú trọng việc bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ sư phạm cho các cán bộ, giáo viên để có thể xử lý các tính huống phát sinh trong quá trình giáo dục học sinh, sinh viên. Đặc biệt, về phía nhà trường cần nhận thức rõ được vai trò trung tâm của mình trong việc kết nối các mối quan hệ khác, phải thường xuyên tìm cách liên hệ, kết nối với gia đình các học sinh để nâng cao hiệu quả công tác giáo dục”, bà Liễu cho hay.

Dựa trên kinh nghiệm thực tiễn, TS. Hà Thị Thanh Thủy nhận định, nhà trường là trung tâm trong việc giáo dục, đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên nhưng nếu thiếu sự phối kết hợp giữa các yếu tố gia đình và xã hội thì nhà trường không thể thực hiện được nhiệm vụ của mình.

Vì vậy, bên cạnh việc giảng dạy các môn về đạo đức, triết học Mác - Lê Nin, tư tưởng Hồ Chí Minh... nhà trường cần rất chú trọng đến việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho phụ huynh về tầm quan trọng có họ đối với sự phát triển của các em học sinh.

Thường xuyên tìm cách liên hệ với phụ huynh thông qua các mạng lưới cố vấn học tập, Đoàn Thanh niên, Phòng Công tác chính trị học sinh sinh viên để tìm ra các giải pháp hiệu quả trong việc giáo dục đạo đức lối sống cho các em. Xây dựng kế hoạch phối hợp nhà trường - gia đình - xã hội cụ thể theo từng năm học.

Bên cạnh đó, một vấn đề không kém phần quan trọng là cần nâng cao năng lực, phẩm chất đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục các cấp, trong đó gắn trách nhiệm, vai trò nêu gương của người đứng đầu, ban giám hiệu và giáo viên, trong đó đặc biệt chú trọng đến vai trò của giáo viên chủ nhiệm.

Ngoài ra, cần gắn trách nhiệm của ban giám hiệu trong công tác giáo dục đạo đức cho học sinh, đồng thời đề xuất địa phương, các ban, ngành thường xuyên tổ chức các cuộc thanh tra, kiểm tra việc thực hiện nền nếp, kỷ cương, xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh để công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh đi vào nề nếp, quy củ.

Lê Thắm

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này