Mong có một cái Tết sum vầy

11:07 | 02/12/2021
(LĐTĐ) Tháng cuối năm là thời điểm công nhân lao động “chạy nước rút” để có tiền lo đủ loại chi phí cho dịp nghỉ Tết Nguyên đán. Trải qua một năm với nhiều biến động và ảnh hưởng của dịch Covid-19, không ít người lao động chỉ có niềm mong mỏi duy nhất là ổn định việc làm, có thu nhập và được đón một cái Tết an toàn.
Thanh Xuân: Triển khai nhiều hoạt động chăm lo cho đoàn viên và người lao động Liên đoàn Lao động quận Bắc Từ Liêm: Nhiều hoạt động chăm lo thiết thực cho người lao động Tích cực chung tay vì cộng đồng

Chỉ mong hết dịch...

Những ngày cuối năm, thay vì tâm trạng háo hức đón năm mới thì với nhiều công nhân lao động lại nặng trĩu tâm tư, canh cánh nỗi lo về công việc, thu nhập, đời sống và chưa dám nghĩ đến việc Tết này sẽ như thế nào.

Mong có một cái Tết sum vầy
Chị Nguyễn Thị Thuần (công nhân Công ty TNHH Canon Việt Nam) trông chờ vào những khoản hỗ trợ của Công ty và tổ chức Công đoàn dành cho những người lao động có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh P.Ngân

Càng gần đến Tết, chị Nguyễn Thị Thuần (công nhân Công ty Trách nhiệm hữu hạn (TNHH) Canon Việt Nam) lại càng cảm thấy lo sợ vì trăm mối phải cần đến tiền, trong khi năm qua, số tiền chị kiếm được chẳng đáng là bao. Gia đình chị Thuần thuộc diện hộ nghèo, bản thân mắc bệnh suy thận đến nay đã 11 năm, chị Thuần được Công ty tạo điều kiện làm công việc hành chính phù hợp với sức khỏe và lịch chạy thận 3 lần/tuần.

Bước vào giai đoạn bình thường mới, thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, Công ty chị Thuần đã mở rộng khôi phục sản xuất và cho người lao động đi làm lại. Trong khi đồng nghiệp đã có thêm việc làm, “chạy đua” công suất hoàn thành đơn hàng thì chị Thuần do điều kiện sức khỏe không đảm bảo nên không thể làm thêm, tăng ca kiếm thêm thu nhập.

Nghe nói chỉ còn khoảng 2 tháng nữa là Tết đến, giọng chị Thuần chùng xuống: “Kinh tế không có cùng với dịch bệnh vẫn còn phức tạp khiến chẳng ai còn tâm trí nghĩ đến Tết, chỉ mong bình yên là tốt lắm rồi. Nhiều lần trộm nghĩ bây giờ mà bùng dịch nữa thì thực sự tôi không biết phải xoay xở thế nào. Nhà tôi chỉ có hai mẹ con nương tựa vào nhau, Tết năm nào tiền lương, thưởng cũng chủ yếu lo chi phí thuốc men điều trị bệnh, còn về sinh hoạt thì đành có thế nào ăn thế ấy”.

Chị Thuần cho biết, điều chị có thể trông chờ và bấu víu lúc này là những khoản hỗ trợ của Công ty và tổ chức Công đoàn dành cho những người lao động có hoàn cảnh khó khăn như chị. Theo đó, năm trước, Công đoàn Công ty đã quyết định hỗ trợ chị 1,5 triệu đồng để sắm Tết. Ngoài ra, chị Thuần cũng được Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Thành phố hỗ trợ 1 triệu đồng và các phiếu mua hàng miễn phí.

Trò chuyện với chị Ngô Thị Tuyền (công nhân Công ty TNHH SD Việt Nam) thỉnh thoảng lại bắt gặp chị buông những tiếng thở dài. Chị Tuyền tâm sự, hơn chục năm làm công nhân, năm nay là năm đầu tiên chị cảm thấy cuộc sống khó khăn như vậy.

“Việc làm đang bập bõm lắm, từ đợt giãn cách xã hội đến nay vẫn chưa đều việc được. Thỉnh thoảng có ca nhiễm hoặc trường hợp liên quan khiến Công ty bị ảnh hưởng, tháng nào cũng có ngày nghỉ. Trong giai đoạn giãn cách xã hội Công ty tôi có hỗ trợ lương 70%, đến nay trả nguyên lương thì lại không đủ công. Do đó với gia đình 4 người, các con đang tuổi ăn tuổi học thì chi phí sinh hoạt phải xoay xở đủ bề. Nguồn thu của 2 vợ chồng hụt đi nhiều, bây giờ tôi vẫn chưa dám nghĩ đến các khoản chi tiêu Tết”, chị Tuyền kể.

Cũng theo chị Tuyền, từ khi dịch bệnh bùng phát, thu nhập của vợ chồng chị chỉ được vài triệu đồng/tháng gánh đủ loại tiền thuê nhà, điện nước, tiền học của con, ăn uống... Thời gian này, chị “nhàn” hơn thời điểm năm ngoái rất nhiều vì chưa thấy thông báo tăng ca của Công ty, điều đó khiến chị Tuyền phiền lòng: “Lương tăng ca, làm cuối tuần sẽ dao động từ 150% - 200% nên thường các tháng cuối năm chúng tôi sẽ chạy đua với thời gian để cải thiện thu nhập mong có đồng ra đồng vào. Thế nhưng so với năm ngoái thì việc tăng ca nay là mong ước của tất cả công nhân”.

Bên cạnh những trăn trở về chi tiêu Tết, chị Tuyền còn có mong ước rằng năm nay sẽ được về quê ăn Tết với gia đình. Tết năm trước, quê Quảng Ninh của chị nằm trong vùng dịch nên ba mẹ con đành chấp nhận ở lại Hà Nội ăn Tết trong căn phòng trọ chừng 20m2. Năm đầu tiên không về ăn Tết, bố mẹ gọi lên động viên mà chị Tuyền không cầm được nước mắt. “Tôi rất sợ năm hết Tết đến mà bố mẹ, con cái mỗi người một nơi, sẽ rất tủi thân. Kể cả ở trong hoàn cảnh khó khăn, không có việc làm thêm và không có tiền dư, tôi vẫn mong dịch lắng xuống để Tết được về quê đoàn tụ với gia đình”, chị Tuyền nói.

Thấp thỏm chuyện lương, thưởng

Cũng chính vì kinh tế đã kiệt quệ trong dịch nên chị Thuần, chị Tuyền và nhiều công nhân lao động khác không còn tâm trí nghĩ đến Tết. Bên cạnh đó, một số công nhân, người lao động chia sẻ năm vừa qua lương không tăng, thu nhập giảm nên điều họ đặt nhiều tâm tư nhất lúc này là các khoản thưởng Tết.

Mong có một cái Tết sum vầy
Chị Ngô Thị Tuyền (công nhân Công ty TNHH SD Việt Nam) mong dịch lắng xuống để Tết được về quê đoàn tụ với gia đình. Ảnh P.Ngân

Theo báo cáo mới nhất của LĐLĐ thành phố Hà Nội, đợt dịch bùng phát lần thứ 4 trên địa bàn Thành phố đã có 273 doanh nghiệp dừng hoạt động; 1.507 doanh nghiệp bị ảnh hưởng nhưng chưa dừng hoạt động; số công nhân lao động mất và thiếu việc làm là 55.629 người (trong đó mất việc 9.351 người; thiếu việc 46.278 người). Doanh nghiệp khó khăn, sản xuất thu hẹp, công nhân mất việc… thì dẫn đến các khoản thưởng Tết sẽ là điều “xa xỉ”.

May mắn vẫn giữ được việc làm nhưng khi nhớ lại khoảng thời gian công ty phải hoạt động cầm chừng, người lao động chỉ làm việc 3 ngày/tuần, chị Nguyễn Thị Nga (Khu công nghiệp Nội Bài) vẫn chưa nguôi sự ám ảnh. Những năm trước, đều việc và không có dịch, chị Nga được thưởng Tết gần 2 tháng lương. Số tiền thưởng này dư dả cho chị mua sắm, lo cho gia đình. Giờ đây, chị Nga chỉ lắc đầu khi được hỏi về chuyện thưởng Tết: “Tôi thấy mông lung lắm, chẳng biết thế nào. Lương đã giảm đến gần 50%/tháng chưa hồi lại được, điều mong chờ của tôi hiện nay là cuối năm cần có một chút tiền thưởng để gọi là khích lệ tinh thần chứ không mong được nhiều”.

Chia sẻ với nỗi lo của công nhân, dù gặp khó khăn nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn cố gắng xoay xở thưởng Tết, phối hợp với tổ chức Công đoàn chăm lo thiết thực cho người lao động. Bà Vũ Thị Hạnh, Trưởng Phòng Hành chính nhân sự của Công ty Cổ phần Đầu tư công nghiệp Thuận Phát cho biết, hiện nay một số Công ty đã bắt đầu xây dựng kế hoạch chăm lo Tết cho người lao động, trong đó đặc biệt là đề xuất các khoản lương, thưởng tuy nhiên chưa có mức và các con số cụ thể.

Theo đó, tùy vào tình hình sản xuất kinh doanh, làm ăn có lãi của Công ty nên mỗi vị trí sẽ có mức thưởng khác nhau. Riêng đối với Công ty Cổ phần Đầu tư công nghiệp Thuận Phát hoạt động kinh doanh vẫn ổn định nên dự kiến mức thưởng cho người lao động sẽ bằng năm ngoái hoặc nhỉnh hơn một chút.

Ông Nguyễn Đình Thắng, Phó Chủ tịch Công đoàn các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội (KCN&CX) thông tin, theo nắm bắt trên hệ thống Công đoàn cơ sở, cho đến thời điểm này, chưa có đơn vị, doanh nghiệp nào thông báo về tiền thưởng Tết dương lịch, Tết Nguyên đán cho người lao động. Tuy nhiên công tác chăm lo về tiền lương, tiền thưởng là một trong những hoạt động trọng tâm trong việc chăm lo Tết Nhâm Dần 2022 của Công đoàn các KCN&CX Hà Nội.

Theo đó, Công đoàn các KCN&CX Hà Nội đã chỉ đạo các Công đoàn cơ sở tham gia, phối hợp với người sử dụng lao động xây dựng kế hoạch trả lương, thưởng, các khoản phúc lợi khác trong dịp Tết; sớm công khai để công nhân lao động biết và giám sát thực hiện. Đối với những doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh, Công đoàn đề xuất, kiến nghị hợp lý để người lao động được thanh toán tiền lương trong dịp Tết. Ngoài ra, Công đoàn các KCN&CX Hà Nội cũng tập trung nắm bắt tâm tư của người lao động, tránh xảy ra tranh chấp, xung đột trong quan hệ lao động trong những tháng cuối năm./.

P.Ngân

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này