Hiệu quả từ mô hình phối hợp công tác Đoàn, Hội, Đội trong trường học

18:53 | 01/12/2021
(LĐTĐ) Ngày 1/12, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã phối hợp với Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức Tọa đàm đánh giá mô hình phối hợp công tác Đoàn, Hội, Đội, phối hợp nhà trường - gia đình - xã hội trong trường học.
Khẳng định vị thế của giáo dục nghề nghiệp Thủ đô Tri ân thầy, cô - những “người lái đò” thầm lặng Trao hỗ trợ đợt 5 chương trình “Sóng và máy tính cho em”

Nhiều kết quả tích cực

Chia sẻ tại Tọa đàm, Tổng phụ trách Đội, Trường Tiểu học Liên Sơn (huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang) Hoàng Thúy Nhuệ cho biết: Trong những năm qua, bám sát Chương trình công tác Đội và phong trào thiếu nhi của Hội đồng Đội huyện, xã; Liên đội Trường Tiểu học Liên Sơn đã xây dựng kế hoạch thực hiện cụ thể, phù hợp với đặc điểm của Liên đội, nhà trường, địa phương; triển khai thực hiện linh hoạt, sáng tạo Chương trình Công tác Đội và phong trào thiếu nhi đảm bảo mục đích, yêu cầu và đạt hiệu quả cao.

Hiệu quả từ mô hình phối hợp công tác Đoàn, Hội, Đội trong trường học
T.S Ngô Thị Minh - Thứ trưởng Bộ GD&ĐT phát biểu tại Tọa đàm.

Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm, kết quả đạt được, công tác Đội và phong trào thiếu nhi trong trường học còn gặp phải một số khó khăn như: Không ít giáo viên chủ nhiệm (Phụ trách chi đội, lớp nhi đồng) chưa nhận thức đầy đủ, vị trí, vai trò của Công tác Đội trong trường học, thực hiện lỏng lẻo, thiếu hợp tác với Ban chỉ huy Liên đội.

Một bộ phận cha mẹ học sinh chưa nhận thức đầy đủ về vai trò, ý nghĩa của đội viên, nhi đồng tham gia hoạt động trải nghiệm của công tác Đội, công tác Sao nhi đồng trong trường học, họ không muốn cho con, em tham gia nhiều hoạt động Đội, hoạt động ngoại khóa…

Cũng nói về hiệu quả mô hình hoạt động của Đoàn, Hội, Đội trong trường học, Phó Bí thư Thành đoàn Hà Nội Trần Quang Hưng cho hay: Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, việc học trực tiếp bị tạp dừng và phải chuyển sang học online. Điều này đã gây ra không ít khó khăn cho cả giáo viên và học sinh.

Để hỗ trợ nhà trường, gia đình và các em học sinh tham gia học trực tuyến một cách hiệu quả, các tổ chức Đoàn, Hội, Đội đã chia sẻ và hướng dẫn, hỗ trợ các giáo viên, giảng viên trong trường cách soạn giáo án, trình chiếu bài giảng trên hệ thống trực tuyến; tham mưu nhiều hình thức dạy học hay, hấp dẫn… Duy trì và thành lập mới các câu lạc bộ - đội - nhóm hỗ trợ học sinh, sinh viên trong học tập, đặc biệt là khối Trung học phổ thông và khối Đại học, Cao đẳng, Học viện.

Hiệu quả từ mô hình phối hợp công tác Đoàn, Hội, Đội trong trường học
Toàn cảnh Tọa đàm.

Các cán bộ Đoàn, Hội, Đội tích cực tìm kiếm các nguồn lực xã hội các suất học bổng, hỗ trợ cho các học sinh, sinh viên khó khăn, tiêu biểu là mô hình “Sóng và máy tính cho em”. Sau 7 tuần triển khai, chương trình “Sóng và máy tính cho em” từ ngày 30/8- 4/10/2021 đã xã hội hóa và trao tặng 1.089 máy vi tính, máy tính bảng, điện thoại thông minh cho thanh, thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn thiếu thiết bị học tập trực tuyến trên địa bàn Thành phố với tổng giá trị 3,303 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, đồng hành cùng thanh niên, Thành đoàn - Hội Sinh viên Việt Nam thành phố Hà Nội cũng triển khai mạnh mẽ Chiến dịch “90.000 việc làm” cho thanh niên; hỗ trợ các trường cao đẳng, đại học kết nối với các doanh nghiệp đang có nhu cầu tuyển dụng trên nền tảng tuyển dụng trực tuyến, bổ sung các cơ hội việc làm và thực tập chất lượng cho sinh viên…

Thực hiện đồng bộ các giải pháp

Đưa ra các giải pháp để phát huy mô hình phối hợp công tác Đoàn, Hội, Đội trong trường học, bà Hoàng Thúy Nhuệ cho rằng: “Để khắc phục tình trạng này, các nhà trường cần thực hiện tốt công tác truyền thông nhằm nâng cao nhận thức cho giáo viên, phụ huynh, học sinh về vị trí, vai trò của Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh trong trường học. Bên cạnh đó, nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong công tác Đội và phong trào thiếu niên trường học”.

Còn theo ông Trần Quang Hưng, thời gian tới, nhà trường, các cấp Đoàn, Hội, Đội cần nhanh nhạy trong việc nắm bắt tâm lý, nguyện vọng của thanh, thiếu nhi để xây dựng kế hoạch tổ chức các chương trình, hoạt động thiết thực, bám sát với nguyện vọng, nhu cầu chính đáng của thanh, thiếu nhi. Có như vậy, các tổ chức Đoàn, Hội, Đội mới trở thành những người bạn, người anh, người chị thân thiết, gần gũi, đồng hành với thanh thiếu nhi trong mọi mặt của cuộc sống.

Hiệu quả từ mô hình phối hợp công tác Đoàn, Hội, Đội trong trường học
Phó Bí thư Thành đoàn Hà Nội Trần Quang Hưng chia sẻ về các giải pháp để phát huy mô hình phối hợp công tác Đoàn, Hội, Đội trong trường học.

Sau khi nghe các tham luận, kết luận Tọa đàm, T.S Ngô Thị Minh - Thứ trưởng Bộ GD&ĐT đánh giá cao những sáng kiến, đóng góp của các chuyên gia, thầy cô giáo về giáo dục kỹ năng sống và mô hình phối hợp công tác Đoàn, Hội, Đội trong trường học.

Theo Thứ trưởng Ngô Thị Minh, để nâng cao hiệu quả công tác Đoàn, Hội, Đội và phối hợp nhà trường - gia đình - xã hội trong trường học, các nhà trường cần tập trung một số giải pháp như: Nâng cao nhận thức cho cán bộ quản lý, giáo viên, phụ huynh học sinh, học sinh và các lực lượng khác trong nhà trường về các hoạt động này; xây dựng kế hoạch hoạt động giáo dục kỹ năng, công tác Đoàn, Hội, Đội và phối hợp nhà trường - gia đình - xã hội cụ thể theo từng năm học; xây dựng và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, tổng phụ trách Đoàn, Đội; tổ chức đa dạng các hình thức giáo dục kỹ năng cho học sinh; chú trọng triển khai phối hợp chặt với gia đình trong việc giáo dục học sinh,…

Về phía Bộ GD&ĐT, trong thời gian tới, Bộ sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ban ngành, đoàn thể Trung ương, Trung ương Đoàn, các trường đại học, các tổ chức quốc tế tại Việt Nam,... để triển khai các giải pháp thúc đẩy hoạt động giáo dục kĩ năng cho học sinh, công tác Đoàn, Hội, Đội và phối hợp nhà trường - gia đình - xã hội.

Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT cũng sẽ nghiên cứu ban hành văn bản chỉ đạo các Sở GD&ĐT, các cơ sở giáo dục tăng cường các hoạt động giáo dục kỹ năng cho học sinh, công tác Đoàn, Hội, Đội và phối hợp nhà trường - gia đình - xã hội, trong đó chú trọng các giải pháp:

Tăng cường các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ quản lý, giáo viên, phụ huynh và học sinh về giáo dục kỹ năng sống, công tác Đoàn, Hội, Đội và phối hợp nhà trường - gia đình - xã hội trong trường học.

Tổ chức hội thảo, toạ đàm, tập huấn để bồi dưỡng, nâng cao năng lực, chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên tổng phụ trách Đoàn, Đội trong các cơ sở giáo dục cũng như chia sẻ thông tin, kinh nghiệm về hoạt động giáo dục kỹ năng sống công tác Đoàn, Hội, Đội và phối hợp nhà trường - gia đình - xã hội. Biên soạn tài liệu hướng dẫn và thí điểm triển khai, nhân rộng mô hình công tác Đoàn, Hội, Đội trong trường học…

“Với các giải pháp hiệu quả được đề cập trong Tọa đàm ngày hôm nay, tôi tin tưởng rằng mục tiêu xây dựng mỗi trường học phải thực sự là một trung tâm văn hóa giáo dục, rèn luyện người học hoàn thiện kỹ năng phát triển phẩm chất và năng lực góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu hội nhập và phát triển của đất nước”, Thứ trưởng Ngô Thị Minh nhấn mạnh.

Lê Thắm

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này