Tăng cường thanh, kiểm tra, tránh tình trạng “lách luật” để vi phạm

19:10 | 01/12/2021
(LĐTĐ) Thời gian gần đây, việc nhiều bác sĩ, cán bộ lãnh đạo ngành Y tế bị vướng lao lý liên quan đến công tác đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế… đã gây nhiều tranh luận. Không ít ý kiến tiếc nuối khi có những người được đánh giá rất giỏi về chuyên môn vướng sai phạm và cho rằng, cần có giải pháp để ngăn ngừa.
Khởi tố, bắt tạm giam Giám đốc Bệnh viện thành phố Thủ Đức Rà soát nhu cầu trang thiết bị y tế, đề xuất phương án đấu thầu tập trung

Vi phạm về đấu thầu, mua sắn trang thiết bị y tế

Ngày 24/11, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố, tạm giam ông Nguyễn Trí Dũng, Phó Giám đốc Bệnh viện Mắt thành phố Hồ Chí Minh cùng ba thuộc cấp là Phan Thị Bích Hạnh - Trưởng phòng Tài chính kế toán; Nguyễn Đỗ Nguyên - Trưởng khoa Tổng hợp và Lương Ngọc Tuấn - Phó khoa Khám mắt.

Bốn bị can đều bị điều tra về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng theo khoản 3 Điều 222 Bộ luật Hình sự, với cáo buộc có sai phạm khi chọn thuỷ tinh thể giá cao, gây thiệt hại cho người bệnh và Quỹ Bảo hiểm y tế.

Cũng trong vụ án này, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã khởi tố Giám đốc Nguyễn Minh Khải cùng 2 Phó Giám đốc Võ Thị Chinh Nga, Phí Duy Tiến và Nguyễn Quốc Toản (nguyên Trưởng khoa phẫu thuật, gây mê hồi sức) để điều tra cùng về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.

Tăng cường thanh, kiểm tra, tránh tình trạng “lách luật” để vi phạm
Các bị can (từ trái sang phải): Nguyễn Trí Dũng, Phan Thị Bích Hạnh, Nguyễn Đỗ Nguyên, Lương Ngọc Tuấn. (ẢNh: CACC)

4 nguyên lãnh đạo Bệnh viện này bị cáo buộc gây thiệt hại cho những bệnh nhân đến thay thuỷ tinh thể và Quỹ bảo hiểm y tế, tổng cộng hơn 14 tỷ đồng. Theo điều tra ban đầu, năm 2018, Bệnh viện Mắt thành phố Hồ Chí Minh thực hiện gói thầu Mua sắm thủy tinh thể nhân tạo đơn tiêu để phục vụ điều trị, khám chữa bệnh.

Một số lãnh đạo Bệnh viện đã làm trái quy định trong việc đấu thầu, gạt loại thủy tinh thể nhân tạo có giá dự thầu thấp nhất, để mua loại có giá dự thầu cao nhưng chất lượng tương đương. Theo Cơ quan điều tra, sai phạm của nhóm lãnh đạo Bệnh viện đã khiến Bảo hiểm y tế và người bệnh phải chi trả cao hơn khi điều trị. Trong đó, Quỹ Bảo hiểm y tế thiệt hại hơn 5 tỷ đồng, bệnh nhân có bảo hiểm y tế thiệt hại hơn 7 tỷ đồng, còn người bệnh không có bảo hiểm thiệt hại gần 2 tỷ đồng…

Mới đây, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Lạng Sơn cũng đã khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với bị can Trần Hoàng Lộc, Trưởng phòng kế hoạch - Tài chính thuộc Sở Y tế tỉnh Lạng Sơn. Theo thông tin ban đầu, bị can Lộc bị khởi tố, bắt tạm giam do liên quan tới sai phạm trong đấu thầu, mua sắm các vật tư, trang thiết bị y tế của tỉnh trong năm 2018.

Điều tra ban đầu cho thấy, với vai trò là Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính, bị can Trần Hoàng Lộc đã được lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Lạng Sơn ủy quyền thực hiện các gói thầu mua sắm thiết bị y tế cho hệ thống y tế cơ sở khám chữa bệnh công lập trong tỉnh. Tuy nhiên, bị can Lộc đã cố ý làm trái các quy định liên quan để trục lợi…

Cần có giải pháp để ngăn ngừa

Thời gian gần đây, việc nhiều bác sĩ, cán bộ lãnh đạo ngành Y tế bị vướng lao lý liên quan đến công tác đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế… đã gây nhiều tranh luận. Không ít ý kiến tiếc nuối khi có những người được đánh giá rất giỏi về chuyên môn vướng sai phạm và cho rằng, cần có giải pháp hữu hiệu để ngăn ngừa.

Tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV vừa qua, vấn đề này cũng đã được đưa ra bàn luận. Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho hay, ngay trong 6 tháng đầu năm 2021, qua thanh tra việc quản lý Quỹ bảo hiểm y tế, mua sắm trang thiết bị, vật tư tiêu hao, đấu thầu thuốc chữa bệnh, Thanh tra Chính phủ đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ chuyển 7 vụ việc sang cơ quan điều tra ngay trong quá trình thanh tra, khi chưa dự thảo kết luận thanh tra.

Tăng cường thanh, kiểm tra, tránh tình trạng “lách luật” để vi phạm
Cần tăng cường rà soát, thanh tra, kiểm tra việc mua sắm trang thiết bị để ngăn ngừa sai phạm (ảnh minh họa)

Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Y tế, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) nêu vấn đề: Việc đấu thầu, mua sắm trang thiết bị y tế có nguyên nhân việc thiếu kiến thức trong công tác quản lý, quản trị của người đứng đầu bệnh viện. Bác sĩ làm chuyên môn giỏi nhưng chưa chắc đã làm quản trị tốt. Vậy đến lúc có thể tách bạch giữa quản trị, quản lý với chuyên môn riêng? Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) cũng nêu vấn đề về trách nhiệm quản lý Nhà nước trước các sai phạm kinh tế của các bệnh viện, dẫn đến một loạt các giáo sư, bác sĩ, tiến sĩ phải rơi vào vòng lao lý?

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, với các bệnh viện, Bộ Y tế đều đề nghị có một người quản lý kinh tế và không nhất thiết phải là chuyên ngành về y và thời gian qua một số đơn vị đã triển khai vấn đề này. Tuy nhiên, theo quy định của Đảng, Nhà nước thì người đứng đầu các đơn vị phải chịu trách nhiệm toàn diện về tất cả các hoạt động trong đơn vị của mình, kể cả những sai phạm. Các quy định đều nêu cao trách nhiệm người đứng đầu trong việc tổ chức triển khai thực hiện tài chính, khi để xảy ra những vi phạm, dù có thể trực tiếp hoặc gián tiếp thì người đứng đầu vẫn phải chịu trách nhiệm.

Bộ trưởng Bộ Y tế cũng cho hay, Bộ Y tế chịu trách nhiệm chỉ đạo về mặt chuyên môn, kỹ thuật đối với các cơ sở y tế, bảo đảm việc hoạt động chuyên môn phải thực hiện theo đúng tinh thần hướng dẫn, chỉ đạo của Bộ Y tế. Đối với các vấn đề về nhân sự trong quản lý tài chính, việc thanh tra, kiểm tra, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố phải chịu trách nhiệm chỉ đạo, kiểm tra, thanh tra, kiểm tra và xử lý các vi phạm ở các đơn vị y tế thuộc các tỉnh, thành phố quản lý.

Bộ Y tế cũng đã liên tục có văn bản nhắc nhở đối với các địa phương thực hiện nghiêm theo quy định pháp luật có liên quan, trong đó có vấn đề về đấu thầu, mua sắm trang thiết bị. Đồng thời, đề nghị các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát và khi phát hiện vi phạm thì xử lý theo đúng các quy định của pháp luật. “Dù rất đau đớn, nhưng vẫn phải xử lý để làm trong sạch và lành mạnh hóa về đấu thầu mua sắm trong lĩnh vực y tế; bảo đảm công tác phòng, chống dịch cũng như công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân”, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết.

Còn theo Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, thời gian vừa qua, tình trạng vi phạm pháp luật trong hoạt động đấu thầu, mua sắm các thiết bị y tế diễn ra rất phức tạp và có việc lợi dụng tình hình khó khăn, lách luật để vi phạm.

Bộ trưởng Bộ Công an đề nghị Bộ Y tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành tăng cường rà soát, thanh tra, kiểm tra toàn bộ quá trình tham mưu, quy trình đầu tư cơ sở vật chất, công tác triển khai mua sắm trang thiết bị để kịp thời phát hiện, ngăn chặn các vi phạm. Đồng thời, cần nghiên cứu đưa một số mặt hàng trang thiết bị y tế vào nhóm mặt hàng bình ổn và quản lý giá, không để các doanh nghiệp câu kết, thông đồng với các cơ quan, đơn vị để nâng giá trục lợi.

Phương Thảo

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này