Xét xử phúc thẩm vụ Nhật Cường: Buộc các bị cáo liên đới bồi thường 211 tỷ đồng

22:43 | 30/11/2021
(LĐTĐ) Ngày 30/11, Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội đã đưa ra phán quyết đối với các bị cáo trong vụ án “Buôn lậu” và “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”, xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ kỹ thuật Nhật Cường (Công ty Nhật Cường).
Xét xử phúc thẩm vụ Nhật Cường: Đề nghị giảm án cho một bị cáo Xét xử vụ Nhật Cường: Đại điện Công ty vắng mặt, các nhân viên không đồng ý chịu trách nhiệm thay ông chủ

Theo đó, Hội đồng xét xử phúc thẩm không chấp nhận kháng nghị của Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội, tuyên buộc các bị cáo trong vụ án xảy ra tại Công ty Nhật Cường phải nộp lại 221 tỷ đồng thu lời bất chính từ hành vi buôn lậu và gần 30 tỷ đồng sai phạm về kế toán.

Theo Hội đồng xét xử phúc thẩm, Trần Ngọc Ánh (nguyên Phó Tổng giám đốc Công ty Nhật Cường) phải nộp hơn 60 tỷ đồng; Nguyễn Bảo Ngọc (nguyên Giám đốc tài chính Công ty Nhật Cường) phải nộp 40 tỷ đồng. Các bị cáo khác trong vụ án phải bồi thường nốt số tiền còn lại.

Về trách nhiệm hình sự, tòa cấp phúc thẩm chỉ chấp nhận kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của bị cáo Nguyễn Bảo Trung (ở phường Phương Mai, quận Đống Đa, Hà Nội), do đã nộp được 2 tỷ đồng trong số 15 tỷ đồng phải khắc phục hậu quả. Bị cáo Trung được giảm từ 8 năm tù xuống 6 năm tù về tội “Buôn lậu”. Các bị cáo khác được tuyên giữ nguyên mức hình phạt tù như án sơ thẩm.

Xét xử phúc thẩm vụ Nhật Cường: Buộc các bị cáo liên đới bồi thường 211 tỷ đồng
Các bị áo tại phiên tòa xét xử phúc thẩm.

Tòa phúc thẩm nhận định, đây là vụ án đồng phạm có tổ chức, có sự câu kết giữa các đối tượng, các bị cáo, các đường dây vận chuyển, trong đó Bùi Quang Huy (Tổng Giám đốc Công ty Nhật Cường, hiện đang bỏ trốn) là người điều hành, chỉ đạo; các bị cáo khác là người giúp sức hành vi phạm tội.

Các bị cáo buộc phải biết rõ nguồn gốc của hàng hóa, từ Tổng Giám đốc đến các bộ phận khác, mỗi bị cáo đều tham gia vào một hay nhiều giai đoạn trong quá trình Công ty Nhật Cường buôn lậu, để lại tính chất, mức độ hậu quả khác nhau.

Từ đó, Hội đồng phúc thẩm đánh giá, Tòa án cấp sơ thẩm xét xử các bị cáo là đúng người, đúng tội, không oan. Hình phạt mà Tòa sơ thẩm tuyên phạt các bị cáo là tương xứng với vai trò, mức độ hành vi của từng người.

Xét kháng cáo của các bị cáo, Hội đồng xét xử thấy rằng tại phiên tòa phúc thẩm các bị cáo đã thành khẩn, ăn năn hối cải, các bị cáo là nhân viên, có hành vi đồng phạm giúp sức. Cấp sơ thẩm đã xem xét các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ với các bị cáo. Tại cấp phúc thẩm, các bị cáo đã xuất trình một số tình tiết mới, tuy nhiên, các bị cáo không có tình tiết đặc biệt nào để làm căn cứ giảm nhẹ hình phạt cho mình.

Về phần dân sự, Tòa phúc thẩm cho rằng về nguyên tắc thì Bùi Quang Huy và một số đồng phạm chủ chốt phải nộp tiền thu lời bất chính để sung công quỹ. Công ty Nhật Cường hiện không còn trụ sở ở nơi đăng ký, không hoạt động. Huy lại là người điều hành chính của Nhật Cường, song đã bỏ trốn.

Bởi thế, Tòa tuyên buộc các bị cáo đồng phạm phải liên đới bồi thường dân sự, song có quyền khởi kiện Bùi Quang Huy yêu cầu bồi hoàn các khoản tiền phải nộp trong vụ án này. Về trách nhiệm dân sự, Hội đồng xét xử buộc các bị cáo phải liên đới bồi thường 221 tỷ đồng.

Trước đó, sau phiên tòa sơ thẩm vào tháng 5/2021, Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội ra kháng nghị phần quyết định về biện pháp tư pháp của bản án sơ thẩm đề nghị Tòa án nhân dân Cấp cao tại Hà Nội xét xử phúc thẩm vụ án, sửa bản án sơ thẩm theo hướng đưa Công ty Nhật Cường tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan; đồng thời, buộc doanh nghiệp này phải nộp lại khoản tiền 221 tỷ đồng thu lợi bất chính từ hành vi buôn lậu để tịch thu sung quỹ Nhà nước.

Lê Thắm

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này