"Đón sóng" tuyển dụng sau mùa dịch Covid-19

17:36 | 30/11/2021
(LĐTĐ) Sau nhiều tháng ngưng sản xuất hoặc hoạt động cầm chừng, hiện nay, các doanh nghiệp đã bắt đầu đồng loạt hoạt động trở lại nhằm phục vụ nhu cầu hàng hóa dịp cuối năm. Những ngày này, tại các khu công nghiệp hoặc trung tâm giới thiệu việc làm trên địa bàn thành phố Hà Nội và vùng phụ cận, nhiều doanh nghiệp cho biết đang có nhu cầu tuyển dụng lao động để tăng tốc phục hồi sản xuất - kinh doanh.
Rộng mở cơ hội việc làm cho người lao động Người lao động "cấp tốc" tìm việc trong những tháng cuối năm Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội: Kết nối cung - cầu lao động với hơn 8.600 chỉ tiêu

Nhu cầu tuyển dụng quay trở lại

Mới đây, Phiên giao dịch việc làm trực tuyến kết nối 6 tỉnh, thành phố là Hà Nội, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Thanh Hoá đã thu hút 78 đơn vị tham gia tuyển dụng với hơn 8.600 vị trí việc làm. Đây là tín hiệu mừng về cơ hội của thị trường lao động Việt Nam trong đại dịch Covid-19.

Theo đó, nhu cầu tuyển dụng lao động có trình độ Cao đẳng - Đại học có số lượng nhiều nhất là 3.347 chỉ tiêu, chiếm 39%; trình độ trung cấp - công nhân kỹ thuật là 2.549 chỉ tiêu, chiếm 30% và 2.706 lao động phổ thông, chiếm 31%. Chỉ tính riêng tại hệ thống sàn giao dịch việc làm Hà Nội đã trên 1.000 chỉ tiêu tuyển dụng, vị trí việc làm đa dạng ngành nghề như xây dựng, giao thông, quản lý sản xuất, kỹ thuật sản xuất, kế toán, công nhân sản xuất, lái xe...

Phiên giao dịch việc làm trực tuyến kết nối 6 tỉnh, thành phố là Hà Nội, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Thanh Hoá đã thu hút đông đảo doanh nghiệp, người lao động tham gia. (Ảnh: Phương Ngân)

Về mức thu nhập, ở mức 10 triệu đồng/tháng trở lên có tới 260 vị trí tuyển dụng. Đây là mức thu nhập của những chỉ tiêu tuyển dụng chất lượng cao vào các vị trí kinh doanh, quản lý, giám sát, trưởng - phó phòng dành cho người lao động có kinh nghiệm, chuyên môn tốt, khả năng chịu áp lực công việc cao.

Còn lại mức lương trên 7-10 triệu đồng/tháng cũng chiếm tỷ lệ đến 32% tổng số chỉ tiêu tuyển dụng. Đây là mức thu nhập của đại bộ phần các vị trí việc làm ổn định như kế toán, nhân viên văn phòng, lễ tân, nhân viên kỹ thuật có tay nghề...

Theo đại điện Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, phiên giao dịch việc làm tổ chức gần dịp lễ, tết. Đây là lúc mà các đơn vị cần nguồn lao động hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất dịp cuối năm, bên cạnh đó, người lao động cũng tìm kiếm được việc làm, quay trở lại thị trường lao động. “Qua thu thập của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, nhu cầu tuyển dụng lao động ở các kênh đều tăng. Ngoài lao động toàn thời gian, các đơn vị gia tăng tuyển dụng lao động bán thời gian phục vụ dịp lễ, tết”, ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm cho hay.

Cần sự vào cuộc kịp thời

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, diễn biến phức tạp của làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 đã làm số người tham gia lực lượng lao động sụt giảm nghiêm trọng. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động ở mức thấp chưa từng có trong vòng 10 năm trở lại đây, đồng thời đã đẩy tỷ lệ thất nghiệp tăng đột biến, vượt xa con số 2% như thường thấy và mức 3,98% là mức tăng cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây.

Người lao động tham gia phiên giao dịch việc làm. (Ảnh: Phương Ngân)

Nhiều chuyên gia cho rằng, do ảnh hưởng của dịch hơn nữa lại là dịp cuối năm nên nhiều lao động vẫn chưa có ý định quay trở lại làm việc. Đa phần họ muốn ở lại địa phương, tìm kiếm công việc tạm thời để ổn định đời sống. Do đó, để thu hút người lao động trở lại, không chỉ dừng ở việc kết nối “cung - cầu” lao động mà còn tạo nên các động lực về cơ hội việc làm. Thị trường lao động phải có sức thu hút, hấp dẫn người lao động quay trở lại làm việc hoặc tìm kiếm việc mới sau dịch.

Để làm được điều đó, trước hết, về phía doanh nghiệp, để thu hút người lao động quay trở lại phải chứng minh doanh nghiệp tốt, có biện pháp đảm bảo an toàn, có chính sách về an sinh xã hội, y tế… Doanh nghiệp cần thực hiện nghiêm chỉnh cam kết quy định pháp luật, công khai minh bạch các cam kết đối với người lao động, thu hút, tạo điều kiện thăng tiến cho người lao động.

Ngoài ra, cần có thêm những chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, khuyến khích đào tạo nghề, hỗ trợ kết nối các kênh tuyển dụng tại nhiều địa phương khách nhau...

Trước đó, tại Hội nghị đánh giá kết quả công tác phối hợp giữa Chính phủ và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đã nhấn mạnh tầm quan trọng của nhiệm vụ khắc phục tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng lao động, sớm đưa người lao động trở lại doanh nghiệp sản xuất an toàn cần nhiều giải pháp.

Cụ thể như: Bảo đảm phúc lợi, an sinh xã hội, nâng cao lợi ích cả vật chất và tinh thần chính đáng của người lao động; xây dựng nhà ở cho công nhân, xây dựng chương trình nâng cao tay nghề đi đôi với phát triển sản xuất, kinh doanh để tạo công ăn việc làm ổn định cho người lao động. Thủ tướng giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì triển khai cụ thể các nhiệm vụ này để đưa người lao động sớm trở lại công việc an toàn.

Anh Tuấn

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này