Hoàn thiện pháp luật phải gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật

18:06 | 29/11/2021
(LĐTĐ) Ngày 29/11, Bộ Tư pháp đã phối hợp với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo Khoa học cấp quốc gia “Định hướng xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật theo tinh thần văn kiện Đại hội XIII của Đảng” bằng hình thức trực tuyến.
Các chuyên gia góp ý về Chiến lược hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật Nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật

Quá trình xây dựng pháp luật ngày càng dân chủ

Chủ trì Hội thảo có các đồng chí: Phạm Bình Minh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương; Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương; Nguyễn Khắc Định, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; Lê Thành Long, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp.

Phát biểu tại Hội thảo, GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương cho rằng, sau 15 năm thực hiện Nghị quyết 48/NQ-TW ngày 24/5/2005 về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 và Nghị quyết số 49/NQ-TW ngày 2/6/2005 về Chiến lược Cải cách tư pháp đến năm 2020, công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật đã đạt được nhiều thành tựu rõ rệt.

Hệ thống pháp luật được hoàn thiện một bước cơ bản, bao quát được mọi mặt của đời sống xã hội, chất lượng không ngừng được nâng lên; xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đã trở thành một nội dung trọng tâm của xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; quá trình xây dựng pháp luật đã ngày càng dân chủ, công khai, minh bạch.

Hoàn thiện pháp luật phải gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật
Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh - GS.TS Nguyễn Xuân Thắng cho rằng, công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật đã đạt được nhiều thành tựu rõ rệt.

Cùng với việc đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nhiều vụ việc làm sai, làm trái pháp luật, nhất là các vụ tham nhũng, lãng phí, tiêu cực đã được xử lý nghiêm minh, mang lại hiệu quả răn đe, cảnh tỉnh lớn, được đông đảo nhân dân đồng tình, ủng hộ.

Tuy nhiên, so với thực tiễn phát triển đất nước, hệ thống pháp luật hiện nay còn cồng kềnh, chồng chéo; chất lượng của một số luật đã ban hành còn thấp; các khâu của quá trình xây dựng, ban hành pháp luật chưa đồng bộ, tính phù hợp chưa cao; việc lấy ý kiến nhân dân vẫn còn hạn chế. Về tổ chức thi hành pháp luật, đây vẫn bị xem là khâu yếu, tồn tại dai dẳng qua nhiều nhiệm kỳ, chưa khắc phục được…

Theo GS.TS. Phan Trung Lý, Ủy viên Hội đồng lý luận Trung ương, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Khóa XIII , đối với việc thực hiện quyền lập pháp, cần phân định rõ ràng hơn ranh giới quyền lập pháp của Quốc hội; hoàn thiện cơ chế ủy quyền lập pháp; siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động xây dựng, soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật, kiên quyết không xem xét, thảo luận những dự án luật không bảo đảm các yêu cầu về hồ sơ trình mà Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã quy định.

Còn với việc thực hiện quyền hành pháp, Chính phủ và các Bộ cần coi trọng hơn nữa công tác xây dựng chính sách, pháp luật để tổ chức triển khai thi hành luật, pháp lệnh; với việc thực hiện quyền tư pháp, cần hoàn thiện quy định của pháp luật để vừa bảo đảm yêu cầu kiểm soát vừa bảo đảm tính độc lập xét xử của Tòa án…

Giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương

TS. Nguyễn Văn Cương, Viện trưởng Viện Khoa học Pháp lý (Bộ Tư pháp) nhìn nhận, khối lượng công việc xây dựng pháp luật nói chung và hoạt động lập pháp nói riêng trong nhiệm kỳ 2021-2026 là rất lớn. Điều đó đòi hỏi sự vào cuộc “từ sớm”, “từ xa” của các cơ quan có liên quan trong cả hệ thống chính trị.

Bên cạnh việc vận dụng đúng đắn những bài học kinh nghiệm đã đúc rút được, phải đầu tư thật thỏa đáng nguồn lực cho công tác dự báo tình hình, phân tích chính sách, đánh giá tác động, tham vấn ý kiến của các đối tượng chịu sự tác động của văn bản, chuyên nghiệp hóa và nâng tầm đội ngũ cán bộ, công chức tham gia quá trình xây dựng pháp luật. Đồng thời, giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động xây dựng pháp luật…

Các đại biểu tham dự đã tập trung làm rõ một số điểm chính, cụ thể là các chủ trương, đường lối về xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng mà trọng tâm là hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; bảo đảm quyền con người, quyền công dân; xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, vì nhân dân phục vụ, vì sự phát triển của đất nước.

Đồng thời, nhận diện các thách thức, cơ hội và những vấn đề pháp lý đặt ra trong việc triển khai thực hiện định hướng xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng gắn với bối cảnh phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trước tác động của dịch bệnh Covid-19, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng hiện nay.

Hoàn thiện pháp luật phải gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật
Toàn cảnh hội thảo

Qua đó, đề xuất các định hướng, giải pháp, nhiệm vụ xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và nâng cao hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước; góp phần xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045.

Đổi mới mạnh mẽ tư duy trong xây dựng, hoàn thiện thể chế

Phát biểu kết luận Hội thảo, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh nhấn mạnh yêu cầu đổi mới mạnh mẽ tư duy trong xây dựng, hoàn thiện thể chế; đẩy mạnh hoàn thiện pháp luật gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật, trong đó công tác thi hành pháp luật cần bảo đảm đủ nguồn lực, lấy chính quyền cơ sở là hạt nhân, lấy người dân là trọng tâm cũng là chủ thể thụ hưởng trong xây dựng chính sách, pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật.

Để thực hiện thắng lợi những định hướng trên, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ cho rằng, phải tiếp tục phát huy tinh thần đổi mới, sáng tạo gắn với kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm của từng cơ quan, cá nhân, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu.

Đồng thời phải xây dựng được cơ chế phù hợp để bảo đảm sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học, người làm công tác thực tiễn trong quá trình xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật.

Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh cũng đề nghị Bộ Tư pháp phối hợp chặt chẽ với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ các ý kiến tâm huyết, trí tuệ của các đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học, sớm hoàn thiện và gửi kết quả Hội thảo đến các cơ quan có thẩm quyền tham khảo trong công tác tham mưu, hoạch định đường lối chính sách của Đảng, xây dựng và thực thi pháp luật.

Phương Thảo

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này