Vẫn còn những đô thị kiểu mẫu chưa… "kiểu mẫu"!

13:53 | 30/11/2021
(LĐTĐ) Với khoảng hơn 350 khu đô thị (KĐT), quy mô khoảng 2.500ha, Hà Nội là một trong những địa phương đi đầu cả nước về phát triển các KĐT, khu dân cư văn minh, hiện đại. Các KĐT đã góp phần không nhỏ trong phát triển kinh tế - xã hội, tạo lập diện mạo đô thị văn minh - hiện đại, nâng cao chất lượng sống của người dân, phát triển nhanh về nhà ở, hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật tương ứng... Tuy nhiên, đi kèm với nhiều lợi ích, việc thiếu kiểm tra, giám sát tại một số KĐT cũng đem đến nhiều hệ lụy.
Hà Nội: Công trình xảy ra sự cố sập giàn giáo chưa được cấp Giấy phép xây dựng Quy hoạch xa lộ Hà Nội thành tuyến đường đô thị kiểu mẫu

“Nhếch nhác” các khu đô thị kiểu mẫu

Quy hoạch xây dựng từ những năm 2010, KĐT Trung Hòa - Nhân Chính, quận Cầu Giấy, Hà do Vinaconex làm chủ đầu tư từng được coi là một trong những KĐT kiểu mẫu đầu tiên tại Hà Nội. Tuy nhiên đến nay, sau hơn 10 năm khai thác, sự gia tăng các tòa chung cư cao tầng thi nhau “mọc” lên đã khiến KĐT này trở nên chật chội, bí bách.

Vẫn còn những đô thị kiểu mẫu chưa…
Hàng quán lấn chiếm vỉa hè phố Nguyễn Thị Thập làm địa điểm kinh doanh. (Ảnh:Tuấn Dũng)

Nằm trên trục đường mới Hoàng Đạo Thúy, từ năm 2010, KĐT lúc mới đưa vào sử dụng có khoảng 2.400 căn hộ, với 10 tòa nhà chung cư cao tầng, dân số hơn 10.000 người, nhưng đến nay, toàn khu đã có khoảng 30 tòa nhà cao tầng từ 17 - 34 tầng, dân số cũng tăng chóng mặt lên gấp 3 - 4 lần.

Sự quá tải về dân cư là một trong những nguyên nhân khiến KĐT xuống cấp nhanh chóng. Mật độ xây dựng tăng nhanh, số lượng dân cư đông nhưng do chỉ có 1 hầm để xe, dẫn đến việc thiếu chỗ để xe trầm trọng. Phần lớn ô tô của cư dân hiện nay phải gửi tại bãi trông giữ ngoài trời hoặc dưới lòng đường. Thậm chí, toàn bộ phần vỉa hè, sân chơi các tòa đều bị chiếm dụng để làm bãi đỗ xe, lại càng làm trầm trọng lên tình trạng thiếu không gian vui chơi, giải trí.

Chị Nguyễn Thị Phương, người dân tòa N6A Nguyễn Thị Thập chia sẻ, niềm vui khi được dọn về một KĐT kiểu mẫu khang trang lịch sự chẳng kéo dài được lâu. “Chợ cóc mọc lên ngay giữa các tòa nhà, hàng quán bày bán la liệt từ sáng sớm cho đến chiều tối. Toàn bộ vỉa hè phố Nguyễn Thị Thập bị các quán nhậu quây tôn chiếm dụng, với tiếng hò dô đến tận đêm khua. Chưa kể mùi đồ ăn nấu nướng bốc lên nồng nặc các tầng trên khiến người dân cực kỳ khó chịu dù đã đóng chặt tất cả các cửa sổ cũng như cửa ra vào. Hoạt động của các nhà hàng, quán bia ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của cư dân nơi đây” - chị Phương cho hay.

Theo quan sát của phóng viên, không chỉ xuống cấp về hạ tầng, sau hơn chục năm sử dụng, lớp sơn tường bên ngoài các tòa nhà trở nên cũ kỹ, bong tróc, rêu mốc, mầu sắc loang lổ, khiến bề mặt bị biến đổi hoàn toàn so với thiết kế ban đầu khiến bộ mặt KĐT càng trở nên ảm đạm, nhếch nhác.

Cách đó không xa KĐT bán đảo Linh Đàm cũng trong tình cảnh tương tự. Nếu như hơn 10 năm trước, khi vẽ lên bản quy hoạch KĐT Linh Đàm, quận Hoàng Mai, Hà Nội, những người làm quy hoạch đã rất tự hào vì xây dựng được một bán đảo đẹp, đáng sống với những khu chung cư xinh xắn, trong một KĐT xanh hơn 200 ha, trong đó có 74 ha diện tích mặt nước, cùng những công viên có mật độ cây xanh lên tới 13 m2/người. Thế nhưng, chỉ trong hơn 10 năm ngắn ngủi, giờ đây chẳng mấy ai nhận ra được vóc dáng của đô thị “kiểu mẫu” một thời này . Thay vào đó, là những tòa nhà cao ốc mọc lên một cách “vô tội vạ” với quy mô dân cư tăng chóng mặt… Thậm chí sân chơi của trẻ nhỏ như công viên Bắc Linh Đàm cũng đang bị nhiều cá nhân, đơn vị khai thác để “trục lợi”.

Những ví dụ trên, chỉ là một trong số nhiều KĐT hiện nay của Thủ đô đang chịu những hệ lụy, bất cập của quy hoạch thiếu dài hạn, nhất là tình trạng nhồi nhét nhà cao tầng, thiếu bảo trì bảo dưỡng khiến bộ mặt cảnh quan đô thị xuống cấp. Nếu ngay từ giai đoạn thiết kế, chủ đầu tư tính toán, tăng cường hiệu quả công năng cho các tòa chung cư, có lẽ sau vài chục năm, Hà Nội sẽ không phải đau đầu giải quyết hệ lụy.

Nhiều bất cập cần tháo gỡ

Hà Nội là địa phương sớm hình thành các KĐT mới và phát triển nhanh so với cả nước. Chỉ tính sau khi mở rộng địa giới hành chính Thành phố năm 2008 đến nay, Hà Nội đã có hơn 350 KĐT với quy mô khoảng 2.500ha. Phát triển các KĐT đã góp phần phát triển kinh tế - xã hội, tạo lập diện mạo đô thị văn minh - hiện đại, nâng cao chất lượng sống của người dân, phát triển nhanh về nhà ở, hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật tương ứng... Trong quá trình sử dụng, vận hành, khai thác, một số KĐT được các chủ đầu tư thực hiện tốt công tác quản lý, đảm bảo các quy chuẩn, tiêu chuẩn về xây dựng góp phần xây dựng đô thị hiện đại, văn minh, đồng bộ. Nhiều dự án KĐT hiện nay được chủ đầu tư quan tâm, bố trí quỹ đất cây xanh, không gian công cộng chiếm tỷ lệ lớn trong quỹ đất xây dựng; góp phần tạo không gian sống thư giãn cho người dân.

Tuy nhiên, công tác quản trị, vận hành các KĐT sau đầu tư trên địa bàn Thành phố vẫn còn tồn tại một số bất cập như: Nhiều KĐT đầu tư kéo dài, chậm hoàn thành, chậm bàn giao hoặc bàn giao về cho chính quyền địa phương quản lý không đồng bộ. Việc tổ chức cung ứng dịch vụ đô thị cho cư dân trong một số KĐT như cấp điện, cấp nước, vệ sinh môi trường, dịch vụ y tế, giáo dục, văn hóa, vui chơi giải trí... còn chưa tốt. Việc quản lý đất đai, việc đầu tư và quản lý, khai thác hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, việc kết nối hạ tầng KĐT với các khu vực xung quanh, việc quản lý đầu tư, quản lý kiến trúc và cấp phép đầu tư xây dựng theo quy hoạch,... không đầy đủ, thiếu đồng bộ, không rõ trách nhiệm.

Một số KĐT tổ chức cộng đồng dân cư, hệ thống chính trị - hành chính như thành lập Ban quản trị nhà chung cư, quản lý cư dân trong KĐT, đặt tên đường, phố trong KĐT, thành lập và kiện toàn tổ dân phố, lập mới hoặc kiện toàn các tổ chức chính trị - xã hội... không kịp thời.

Nhiều KĐT được hình thành có mật độ dân cư tập trung cao, trong khi đó các tổ chức đoàn thể, chính trị giúp chính quyền địa phương về quản lý dân cư tại địa bàn còn chưa kịp hoàn thiện theo số dân mới tăng lên. Việc xây dựng đời sống văn hoá, đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong các KĐT mới còn có những hạn chế, chậm bắt kịp và hoà đồng với các KĐT cũ. Công tác quản lý trật tự xã hội, việc theo dõi, quản lý dân cư của địa phương gặp khó khăn; chưa có can thiệp hiệu quả của chính quyền địa phương khi xảy ra mâu thuẫn trong đời sống xã hội tại các KĐT.

Với những tồn tại nêu trên, Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định 4866/QĐ-UBND ngày 17/11/2021 phê duyệt đề cương nhiệm vụ Khảo sát, đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp tăng cường công tác quản trị, vận hành các KĐT sau đầu tư. Theo Quyết định, UBND Thành phố giao Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội chủ trì, phối hợp các sở, ngành liên quan và UBND các quận, huyện: Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Cầu Giấy, Hà Đông, Nam Từ Liêm, Gia Lâm, Mê Linh tổ chức triển khai thực hiện theo quy định, các nội dung công việc được phân công; tổng hợp, tổ chức nghiệm thu các sản phẩm, báo cáo UBND Thành phố theo quy định.

Bên cạnh làm việc với chính quyền địa phương, chủ đầu tư, ban quản trị, các đơn vị cung cấp dịch vụ trong KĐT (điện, nước, vệ sinh môi trường, an ninh), đơn vị được giao nhiệm vụ sẽ khảo sát trực tiếp hiện trạng công tác quản lý, vận hành tại 5 - 7 KĐT có tính đại diện theo địa giới hành chính (nội đô lịch sử, nội đô mở rộng, một số huyện) và theo quy mô diện tích (dưới 20ha, từ 20 - 50ha và từ 50 - 200ha)... được hình thành trên địa bàn Hà Nội kể từ năm 2010 cho đến nay.

Có thể nói, sau nhiều năm đi vào vận hành thực tế, nhiệm vụ “Khảo sát, đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp tăng cường công tác quản trị, vận hành các KĐT sau đầu tư” là cần thiết để giúp các cơ quan quản lý Nhà nước có cơ sở ban hành chính sách hiệu quả trong vận hành các KĐT, hướng dẫn, quản lý các chủ đầu tư, các ban quản trị trong quá trình vận hành các KĐT; giúp người dân trong các KĐT xây dựng nếp sống văn minh, phù hợp với cuộc sống tại các KĐT. Từ đó đề xuất được các giải pháp nhằm tăng cường công tác quản trị, vận hành một cách hiệu quả các KĐT./.

Tuấn Dũng

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này