Tiếp cận nền tảng số để không bị “bỏ phía sau”

09:21 | 30/11/2021
(LĐTĐ) Đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy các hộ kinh doanh nhỏ sử dụng nền tảng số để tiêu thụ các mặt hàng của mình. Tuy nhiên, vẫn có nhiều doanh nghiệp còn lúng túng không thể tiếp cận được với phương thức kinh doanh mới này, khiến cho việc phục hồi kinh tế trở nên khó khăn. Chính vì vậy, việc tiếp cận nền tảng số trong kinh doanh không còn là việc “để sau tính”, mà các hộ kinh doanh buộc phải làm ngay và luôn, nếu không sẽ bị “bỏ lại phía sau”.
Nâng cao nhận thức cộng đồng về “Sống số lành mạnh” Nền tảng số: Công cụ hỗ trợ doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm

Lúng túng với phương thức bán hàng mới

Gần đây, nhiều người nhắc đến việc chuyển đổi số trong doanh nghiệp và coi đó là một tiến trình tất yếu, dù muốn hay không cũng phải thực hiện để “đuổi kịp” quá trình phục hồi và phát triển kinh tế. Nằm trong mắt xích quan trọng của nền kinh tế, các hộ kinh doanh cá thể cũng không thể đứng ngoài cơ chế này. Thế nhưng đâu đó ngay giữa lòng Hà Nội, vẫn còn nhiều hộ kinh doanh lúng túng trong tiếp cận với nền tảng số.

Tiếp cận nền tảng số để không bị “bỏ phía sau”
Ảnh minh họa

Gia đình bà Bùi Thị Huế nằm trong phố cổ Hà Nội, có nghề may ga, gối từ 20 năm nay. Gia đình bà Huế có 5 nhân khẩu đều tập trung may mặt hàng này theo phương thức đặt hàng từ các cửa tiệm trong phố cổ (chủ yếu bán cho người nước ngoài hoặc các khách sạn phục vụ lưu trú, du lịch). Trong dịch Covid-19, các đơn hàng trực tiếp dần ít đi, đặc biệt là khi dịch kéo dài sang năm thứ hai. Vốn đã quen với cách làm truyền thống nên gia đình bà Huế dường như không biết thế nào là “bán hàng qua mạng”. Đến nay, khi Thành phố hết giãn cách, gia đình bà Huế muốn quay trở lại kinh doanh nhưng hầu như các mối làm ăn cũ đều giảm số lượng đặt hàng hoặc hoàn toàn không đặt hàng. Bà Huế cho biết đã chỉ đạo các thành viên trong gia đình đưa hàng lên bán qua mạng, nhưng số lượng rất hạn chế, gần như không thể bắt kịp tốc độ kinh doanh trên nền tảng số.

Cũng như gia đình bà Huế, gia đình chị Trần Thị Phương (Ba Đình, Hà Nội) có truyền thống làm nghề tương ớt. Chị Phương cho biết, thời gian vừa qua các hàng quán đóng cửa khiến cho hoạt động kinh doanh bị ảnh hưởng nặng nề. Đến nay khi hết giãn cách, nhiều khách hàng (chủ yếu là các nhà hàng, quán) ngừng kinh doanh khiến cho lượng khách hàng ban đầu không lấy lại được. “Gia đình chúng tôi là những người không có kỹ năng dùng công nghệ nên việc bán hàng qua mạng rất khó khăn. Chúng tôi phải làm thế nào để thích ứng với xu hướng kinh doanh hiện nay? Nhà nước có hỗ trợ gì về việc đào tạo kỹ năng kinh doanh cho các cơ sở sản xuất hộ kinh doanh không?”, chị Phương băn khoăn.

Không ít hộ kinh doanh nhỏ trên địa bàn Thành phố đã “không kịp trở tay” khi dịch Covid-19 đến, tác động lớn đến phương thức kinh doanh truyền thống. Nhiều gia đình phải bỏ nghề hoặc chuyển nghề vì không thể bán hàng, mặc dù toàn xã hội đang quay trở lại với quá trình “bình thường mới” và phục hồi kinh tế một cách tích cực.Thậm chí, các ngành nghề tưởng chừng rất truyền thống như nông nghiệp cũng đã nhanh chóng tiếp cận nền tảng số và trở thành nguồn lực mạnh trong phục hồi sản xuất kinh doanh.

Để không tự mình “ở lại phía sau”

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, để thích ứng khó khăn trong bối cảnh dịch Covid-19 đòi hỏi nỗ lực rất lớn của các hộ kinh doanh, đặc biệt để ứng phó với việc đứt gãy chuỗi cung ứng đầu ra. Để cải thiện những khó khăn này rất cần sự nỗ lực của cả cơ quan chức năng và của chính các hộ kinh doanh.

Đối với các hộ kinh doanh, cần phải tiếp tục chủ động móc nối, duy trì trở lại ở mức tối đa những khách hàng quen đã có khi họ quay trở lại hoạt động theo xu hướng chung hiện nay. Đồng thời chủ động tìm kiếm các khách hàng mới trong và ngoài địa bàn sinh sống. Cần tăng cường hơn những biện pháp khuyến mại về giá cả, điều kiện thanh toán, đảm bảo chất lượng sản phẩm và mềm hóa trong các quan hệ ứng xử, gia tăng các chiết khấu cho những khâu trung gian hỗ trợ tiêu thụ cho mình.

Để thích ứng an toàn với dịch Covid-19, hiện nay, bên cạnh phương thức bán hàng truyền thống, nhiều người dân đã tận dụng nền tảng công nghệ số để phát triển sản phẩm và kết quả đạt được khá khả quan. Để nền tảng công nghệ số trở thành công cụ hữu hiệu cho người dân trong việc giảm tiếp xúc nhưng vẫn đảm bảo lượng hàng hóa tiêu thụ, các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh không thể chần chừ trong việc tiếp cận nền tảng số.

Dù muốn hay không, trong thời gian tới, hộ kinh doanh nên đặt vấn đề từng bước tham gia việc phân phối sản phẩm trên mạng xã hội, thông qua các trang mạng như zalo, facebook, và tham gia các sàn thương mại điện tử có tổ chức. Trong quá trình này hộ kinh doanh nên cử những người có khả năng tiếp thu công nghệ để tham gia các lớp bồi dưỡng và đào tạo về sử dụng các trang thương mại điện tử về bán hàng. Trước mắt có thể huy động con, cháu, người thân hỗ trợ. Thậm chí, có thể thuê một sinh viên công nghệ thông tin để hỗ trợ lập và quản lý trang web hoặc mạng xã hội của mình để kết nối, quảng bá và thu thập các đơn hàng cho gia đình thực hiện phân phối thông qua các shiper. Bên cạnh đó, hộ kinh doanh cần nghiên cứu để đa dạng hóa sản phẩm và nâng cao chất lượng sản phẩm phù hợp với nhu cầu tiêu thụ và cạnh tranh được với các sản phẩm có trên thị trường.

Không chỉ các hộ kinh doanh nhỏ, lẻ cần tiếp cận ngay nền tảng số, mà đối với các làng nghề truyền thống, việc này không thể chần chừ. Theo chuyên gia Nguyễn Minh Phong, các ngành nghề thủ công truyền thống của Việt Nam có lịch sử phát triển và những thành quả rất đáng tự hào. Tuy nhiên trong các thời kỳ suy giảm kinh tế, dịch bệnh thì đây cũng là những ngành rất dễ bị tổn thương, tạo ra những hệ lụy nặng nề cho các hộ sản xuất kinh doanh và áp lực bảo đảm an sinh xã hội trên địa phương.

Để góp phần cải thiện tình hình này, các địa phương cũng như các hộ kinh doanh cần chú ý phân tích nắm bắt thông tin thị trường để chủ động điều chỉnh kế hoạch và phương thức sản xuất kinh doanh, phân phối, tiêu thụ tránh hoạt động theo ý mình bất chấp các sự điều chỉnh thay đổi của thị trường.Bên cạnh đó, các địa phương cần hỗ trợ doanh nghiệp và gia đình duy trì các hoạt động thông tin, quảng cáo, xúc tiến thương mại, mở các kênh phân phối mới và ký các hợp đồng các thỏa thuận tạo thuận lợi cung cấp nguyên liệu đầu vào cũng như đầu ra cho các làng nghề, hộ sản xuất thủ công.

“Việc áp dụng các công nghệ mới, máy móc, thiết bị hiện đại để giảm tiêu hao năng lượng lao động và nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm cũng như hạ giá thành là rất cần thiết, đặc biệt là trong những ngành nghề như chế biến gỗ, mây tre đan. Cùng với đó, các hiệp hội làng nghề cần chủ động nghiên cứu để làm tốt vai trò trung gian giữa các cơ quan chức năng, cơ quan quản lý với các hộ kinh doanh; đồng thời trực tiếp hỗ trợ các gia đình trong phát triển thương mại điện tử và xúc tiến các hoạt động thương mại cần thiết theo các hình thức cả truyền thống và hiện đại. Việc đảm bảo vệ sinh môi trường của làng nghề và các hộ kinh doanh rất quan trọng trong bối cảnh dịch bệnh và trong tiêu thụ hàng hóa, làm tăng khả năng vượt qua các hàng rào kỹ thuật mà các nước đặt ra ngày càng cao hơn hiện nay”, ông Nguyễn Minh Phong nhấn mạnh.

Để thích ứng an toàn với dịch Covid-19, hiện nay, bên cạnh phương thức bán hàng truyền thống, nhiều người dân đã tận dụng nền tảng công nghệ số để phát triển sản phẩm và kết quả đạt được khá khả quan. Để nền tảng công nghệ số trở thành công cụ hữu hiệu cho người dân trong việc giảm tiếp xúc nhưng vẫn đảm bảo lượng hàng hóa tiêu thụ, các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh không thể chần chừ trong việc tiếp cận nền tảng số./.

Bảo Thoa

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này