Bảo đảm điều trị Methadone bền vững cho bệnh nhân

08:23 | 30/11/2021
(LĐTĐ) Để bảo đảm điều trị xuyên suốt, an toàn cho bệnh nhân điều trị Methadone trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ngành Y tế đã chủ động nhiều biện pháp, vừa bảo đảm việc điều trị Methadone cho bệnh nhân, vừa tăng cường phòng, chống dịch Covid-19.
Viettel hoàn thành hệ thống quản lý điều trị Methadone Mở rộng thêm đối tượng điều trị Methadone

Nhiều thách thức do đại dịch

Tại Việt Nam, điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone đã được triển khai từ năm 2008. Hiệu quả của điều trị bằng thuốc Methadone đã được chứng minh bởi nhiều nghiên cứu và kết quả triển khai tại nhiều nước trên thế giới. Trong đó, điều trị Methadone cho bệnh nhân giúp cải thiện cả về sức khỏe (giảm lây nhiễm HIV và các bệnh lây truyền qua đường máu, nâng cao thể lực), cải thiện về an ninh, trật tự xã hội, phát triển kinh tế của gia đình, phục hồi về thể chất và tinh thần. Đặc biệt, điều trị Methadone cũng đã giúp nhiều người bệnh kiếm được công ăn việc làm, ổn định cuộc sống.

Bảo đảm điều trị Methadone bền vững cho bệnh nhân
Bảo đảm điều trị Methadone bền vững cho bệnh nhân trong dịch Covid-19.

Tuy nhiên, hiện nay tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp tại nhiều tỉnh/thành phố trên cả nước, có nguy cơ dịch bệnh tiềm ẩn trong cộng đồng, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, xã hội, trong đó có tác động đến những người nghiện các chất dạng thuốc phiện đang điều trị thay thế bằng thuốc Methadone. Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế): “Người bệnh tham gia điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone hàng ngày đến cơ sở y tế để nhận thuốc và uống thuốc trước sự giám sát của nhân viên y tế. Bởi vậy, việc hàng trăm người đến nhận thuốc Methadone vào mỗi sáng tại cơ sở điều trị trở thành thách thức trong việc giãn cách, phòng, chống Covid-19 đối với không chỉ hệ thống y tế, cán bộ công tác mà với cả người bệnh”, Phó Giáo sư, Nguyễn Hoàng Long cho biết.

Cụ thể, theo Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS phân tích, ở cấp độ người bệnh, làm sao để duy trì tỷ lệ tuân thủ của người bệnh trong giai đoạn dịch khi mà việc đi lại hàng ngày trong bối cảnh cũ đã còn nhiều khó khăn và trong giai đoạn dịch thì còn khó khăn gấp bội. Bệnh nhân điều trị Methadone lại hầu hết là những người nghèo, do đó việc duy trì cuộc sống qua giai đoạn dịch, cộng thêm việc đảm bảo điều trị thì khó khăn lại chồng khó khăn.

Còn ở cấp độ cơ sở điều trị, việc giảm thiểu tiếp xúc, bảo đảm về khử khuẩn, giữ khoảng cách cũng là một trong những ưu tiên hàng đầu trực tiếp tại từng cơ sở. Ngoài ra, nếu trong khu vực phụ trách mà có khu phong tỏa, cách ly thì lại cần một lượng nhân sự để mang thuốc đến cho người bệnh để đảm bảo người bệnh không bị gián đoạn điều trị. “Đối với cấp độ chương trình, việc cung cấp dịch vụ trong giai đoạn dịch làm sao kịp thời, nhưng vẫn đảm bảo chất lượng và không để bị lây nhiễm Covid-19 tại các cơ sở cũng là một thách thức vô cùng lớn”, Phó Giáo sư Nguyễn Hoàng Long cho biết.

Tạo thuận lợi để người bệnh điều trị tại nhà

Trong bối cảnh đó, để đáp ứng với tình hình dịch diễn biến phức tạp, trong hai năm 2020-2021, Bộ Y tế đã ban hành ngay những văn bản hướng dẫn các địa phương về công tác phòng, chống dịch tại các cơ sở điều trị Methadone bao gồm hướng dẫn cho cơ sở, hướng dẫn đối với nhân viên y tế, hướng dẫn dành cho bệnh nhân và những nội dung hướng dẫn chung đối với công tác cung cấp dịch vụ trong thời gian dịch. Đồng thời, Bộ Y tế cũng đã có văn bản hướng dẫn cấp phát thuốc Methadone/Buprenorphine trong giai đoạn dịch Covid-19.

Giáo sư Nguyễn Hoàng Long cho biết, Bộ Y tế đã có hướng dẫn chi tiết việc cấp phát thuốc Methadone/Buprenorphine đối với các trường hợp đặc biệt có thể gặp trong dịch như cơ sở bị cách ly, bệnh nhân bị cách ly... Đơn cử, đối với trường hợp cấp phát thuốc Methadone cho người bệnh bị cách ly tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cơ sở y tế: Việc cấp phát thuốc cho người bệnh thực hiện theo quy trình cấp phát thuốc cho người bệnh Methadone nằm điều trị nội trú tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Tùy thuộc điều kiện cụ thể và nhân lực của từng cơ sở điều trị, cơ sở cấp phát thuốc, số lượng người bị cách ly tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh… sẽ quyết định số liều lượng thuốc mang theo mỗi lần cấp phát cho người bệnh, bảo đảm tổng số thuốc mang đi không quá 7 ngày điều trị/1 người bệnh.

Hay trường hợp cấp phát thuốc cho người bệnh Methadone bị cách ly tại các cơ sở cách ly tập trung, thì việc cấp phát thuốc thực hiện theo quy trình như đối với người bệnh không thể đến cơ sở điều trị uống thuốc hàng ngày. Người giao thuốc Methadone của cơ sở điều trị, cơ sở cấp phát thuốc sẽ phối hợp với nhân viên y tế của cơ sở cách ly tập trung giám sát việc uống thuốc của người bệnh và ký xác nhận vào phiếu theo dõi điều trị cùng người bệnh.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS thông tin, Đề án thí điểm cấp phát thuốc Methadone nhiều ngày cho người bệnh điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện được triển khai chính thức từ tháng 5/2021 tại 3 tỉnh/thành phố Điện Biên, Lai Châu và Hải Phòng. Sau hơn 6 tháng triển khai Đề án, hiện tại có tổng số hơn 1.100 bệnh nhân được nhận thuốc nhiều ngày tại 11 cơ sở điều trị, 10 cơ sở cấp phát thuốc tại 3 tỉnh/thành phố, với số liều mang về từ 1 đến nhiều nhất là 6 liều thuốc sử dụng tại nhà. Trong thời gian tới, căn cứ trên kết quả đánh giá giữa kỳ về hiệu quả của Đề án, Bộ Y tế sẽ có căn cứ triển khai mở rộng trong năm 2022. Dự kiến trong kế hoạch của năm 2022 mở rộng tại tất cả các cơ sở điều trị methadone tại 3 tỉnh đang triển khai và mở rộng thêm tại một số các tỉnh, thành phố khác.

Đặc biệt vào đợt dịch lớn tại thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam vừa qua, Bộ Y tế đã ban hành văn bản hướng dẫn cấp phát thuốc Methadone về nhà trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Chính phủ để phòng, chống dịch. Việc Bộ Y tế cho phép người bệnh được mang thuốc về nhà sử dụng kèm theo hướng dẫn họ về việc bảo quản thuốc chặt chẽ, an toàn tại nhà là giải pháp tình huống hợp lý trong giai đoạn dịch bùng phát quá mạnh. Việc cấp phát thuốc Methadone về nhà cho người bệnh, giúp giảm thiểu đáng kể việc tụ tập quá đông người vào các buổi sáng tại các cơ sở điều trị, tránh nguy cơ lây nhiễm Covid-19.

Bên cạnh đó, để bảo đảm cho những bệnh nhân đang điều trị Methadone được điều trị bền vững, tháng 6/2021, Cục Phòng, chống HIV/AIDS đã có văn bản đề nghị Sở Y tế các tỉnh/thành phố tiếp tục duy trì và mở rộng điều trị bệnh nhân nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế trong bối cảnh dịch Covid-19.Thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 tại đơn vị và thực hiện việc cấp phát thuốc Methadone cho người bệnh trong trường hợp người bệnh bị cách ly hoặc cơ sở bị phong tỏa, cách ly do dịch Covid-19 theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế nhằm bảo đảm việc duy trì điều trị của người bệnh.

Đồng thời, xác định công tác chống dịch Covid-19 là hoạt động lâu dài, do đó Cục Phòng, chống HIV/AIDS yêu cầu các tỉnh, thành không để ảnh hưởng đến các hoạt động cung cấp các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS, đặc biệt là điều trị thay thế nghiện bằng thuốc Methadone, Buprenorphine và điều trị HIV/AIDS trên toàn quốc./.

Minh Khuê

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này