Hơn 2,7 triệu trẻ em được liên thông đăng ký khai sinh và cấp thẻ bảo hiểm y tế trên môi trường điện tử

17:45 | 29/11/2021
(LĐTĐ) Tính đến ngày 19/11/2021, trên hệ thống đã ghi nhận 21.199.519 trường hợp đăng ký khai sinh, trong đó có 6.467.917 trẻ em được đăng ký khai sinh và cấp số định danh cá nhân; 4.238.553 trường hợp đăng ký kết hôn; 3.001.464 trường hợp đăng ký khai tử. Đặc biệt, đã thực hiện liên thông đăng ký khai sinh và cấp thẻ bảo hiểm y tế cho 2.706.122 trẻ em trên môi trường điện tử.
Hà Nội thí điểm áp dụng phần mềm đăng ký khai sinh và cấp số định danh

Bộ Tư pháp vừa tổ chức Hội thảo đánh giá kết quả 5 năm thực hiện Chương trình hành động quốc gia của Việt Nam về đăng ký và thống kê hộ tịch giai đoạn 2017-2024 thông qua hình thức trực tuyến.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc cho biết, hệ thống đăng ký hộ tịch của Việt Nam đã có nhiều bước tiến lớn cả về thể chế pháp luật, tổ chức bộ máy cho tới cán bộ tư pháp hộ tịch, bảo đảm mọi sự kiện hộ tịch của cá nhân được đăng ký đầy đủ, kịp thời, trung thực, khách quan và chính xác. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác đăng ký và thống kê hộ tịch vẫn còn những khó khăn, thách thức, kể cả nguồn nhân lực, tài chính và các điều kiện khác.

Theo Báo cáo kết quả triển khai thực hiện Chương trình hành động quốc gia của Việt Nam về đăng ký và thống kê hộ tịch giai đoạn 2017-2021, qua gần 5 năm triển khai thực hiện, với sự tham gia tích cực của các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Chương trình đã có những tác động tích cực đối với công tác đăng ký, quản lý hộ tịch trên toàn quốc, tạo nên khung pháp lý tương đối hoàn chỉnh để thực hiện và đạt những mục tiêu về đăng ký khai sinh, kết hôn và khai tử.

Hơn 2,7 triệu trẻ em được liên thông đăng ký khai sinh và cấp thẻ bảo hiểm y tế trên môi trường điện tử
Giải quyết thủ tục hành chính cho người dân tại Bộ phận một cửa quận Hà Đông.

Phương thức đăng ký hộ tịch dần chuyển hiện đại với việc triển khai thực hiện Đề án “Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc”, phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch điện tử dùng chung đã góp phần cải thiện công tác quản lý hộ tịch. Cơ chế phối hợp giữa ngành Tư pháp và các ngành có liên quan; củng cố, kiện toàn cơ bản, toàn diện hệ thống công chức làm công tác đăng ký, thống kê hộ tịch.

Tính đến ngày 19/11/2021, trên hệ thống đã ghi nhận 21.199.519 trường hợp đăng ký khai sinh, trong đó có 6.467.917 trẻ em được đăng ký khai sinh và cấp số định danh cá nhân; 4.238.553 trường hợp đăng ký kết hôn; 3.001.464 trường hợp đăng ký khai tử. Đặc biệt, đã thực hiện liên thông đăng ký khai sinh và cấp thẻ bảo hiểm y tế cho 2.706.122 trẻ em trên môi trường điện tử.

Chương trình hành động quốc gia về đăng ký và thống kê hộ tịch giai đoạn 2017-2024 không chỉ bảo đảm quyền đăng ký hộ tịch cho công dân ở trong nước, mà còn bảo đảm cả công dân Việt Nam ở nước ngoài và người nước ngoài cư trú trên lãnh thổ Việt Nam được cấp giấy tờ hộ tịch (đặc biệt là Giấy khai sinh, Giấy chứng nhận kết hôn, Trích lục khai tử) với đầy đủ nội dung, phù hợp với thông lệ quốc tế.

Tuy nhiên, Việt Nam vẫn còn gặp nhiều khó khăn thách thức để đạt được các mục tiêu khác của Chương trình hành động. Cụ thể như tỷ lệ đăng ký khai tử còn thấp, vấn đề xác định nguyên nhân tử vong và các chỉ tiêu hộ tịch khác cần được cải thiện, đặc biệt là việc chia sẻ và cung cấp thông tin thống kê hộ tịch có chất lượng, phục vụ xây dựng chính sách dựa trên bằng chứng. Cùng với đó, cần tiếp tục cải tiến quy trình đăng ký, thống kê hộ tịch và đổi mới mô hình hệ thống cơ quan đăng ký hộ tịch.

Đáng quan tâm, theo bà Hoàng Thanh Hương (Bộ Y tế) trong thời gian tới, cần nghiên cứu xây dựng văn bản cơ chế phối hợp giữa cơ quan y tế với cơ quan đăng ký hộ tịch để đảm bảo liên thông giấy chứng sinh - giấy khai sinh, giấy báo tử - giấy chứng tử nhằm ghi nhận đầy đủ, chính xác nguyên nhân tử vong khi đăng ký khai tử và cấp Giấy chứng tử; Quy chế phối hợp giữa các Bộ, ngành trong việc thiết lập cơ sở dữ liệu điện tử; Thông tư quy định bộ công cụ thu nhập nguyên nhân tử vong ngoài cơ sở y tế...

Để tiếp tục hoàn thiện phương thức đăng ký hộ tịch trên Hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch điện tử, xây dựng hoàn chỉnh Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử vận hành đồng bộ với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Bộ Tư pháp đã đề xuất Chính phủ bố trí nguồn vốn đầu tư công trung hạn để nâng cấp, hoàn thiện Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc (giai đoạn 2021 - 2025).

Phương Thảo

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này