Linh hoạt các phong trào thi đua nhằm hoàn thành “nhiệm vụ kép”

15:49 | 28/11/2021
(LĐTĐ) Linh hoạt, sáng tạo trong các phong trào thi đua, đó là cách mà Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội vận dụng một cách hiệu quả nhằm sát cánh cùng các đơn vị trong ngành vượt qua năm thứ hai đại dịch Covid-19, hoàn thành xuất sắc "nhiệm vụ kép" vừa phòng dịch, vừa phát triển kinh tế.
Trao 5 "Mái ấm Công đoàn" cho đoàn viên ngành Xây dựng Hà Nội có hoàn cảnh khó khăn Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội kiểm tra chấp hành điều lệ và tài chính Công đoàn Hơn 300 đoàn viên ngành xây dựng Hà Nội được tập huấn công tác an toàn vệ sinh lao động

Sau "Năm Covid-19 đầu tiên", các doanh nghiệp trong ngành Xây dựng Hà Nội đang dần có dấu hiệu hồi phục. Tuy nhiên, đợt dịch tiếp theo bùng phát vào cuối tháng 4/2021 đã khiến nhiều doanh nghiệp tiếp tục rơi vào tình trạng khó khăn. Một số doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động hoặc sản xuất cầm chừng, hàng nghìn công nhân lao động trong ngành phải nghỉ luân phiên, thu nhập giảm sút.

​Đứng trước những khó khăn, ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch các cấp Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội luôn xác định rõ mục tiêu, thực hiện nhiệm vụ "kép" vừa phòng, chống dịch, vừa đảm bảo ổn định sản xuất kinh doanh theo đúng chỉ đạo của UBND Thành phố, Liên đoàn Lao động Thành phố, Đảng ủy Sở Xây dựng Hà Nội.

undefined
Bà Đặng Thị Phương Hoa, Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ thành phố Hà Nội và ông Đỗ Văn Quảng, Phó Chủ tịch Công đoàn Xây dựng Việt Nam tặng Giấy khen và quà cho đại diện các "Gia đình tiêu biểu" ngành Xây dựng Hà Nội năm 2021.

Để cụ thể hoá việc này, các cấp Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội đã triển khai các hoạt động Công đoàn, các phong trào thi đua một cách linh hoạt, thích ứng kịp thời với tình hình mới. Nhiều đơn vị đã tổ chức Hội thi thợ giỏi, thi đạt danh hiệu bàn tay vàng, thi nâng bậc lương cho công nhân lao động ở cơ sở, như Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội, Công ty Thoát nước Hà Nội, Công ty Công viên cây xanh...

Ngoài ra, các doanh nghiệp trong ngành đều tổ chức phát động thi đua trong công nhân, viên chức, lao động phấn đấu đạt danh hiệu "Công nhân giỏi", qua đó tôn vinh khoảng 2.590 Công nhân giỏi cấp cơ sở, riêng Công đoàn ngành tôn vinh 80 thợ giỏi trong năm 2021. Từ kết quả này, nhiều đơn vị đã đưa tiêu chí "Công nhân giỏi" vào quy chế xét nâng bậc lương trước thời hạn cho người đạt thành tích cao.

Qua các phong trào thi đua đã xuất hiện nhiều công nhân tiêu biểu như công nhân Nguyễn Hồng Thỏa - công nhân nạo vét bùn cống ngang, mương sông Xí nghiệp Thoát nước số 4 - Công ty Thoát nước Hà Nội, với nhiệm vụ được giao nạo vét, vệ sinh, duy trì hệ thống thoát nước các tuyến phố trên địa bàn quận Ba Đình, Đống Đa và tổ ứng trực phục vụ phòng, chống úng ngập khi có mưa bão.

Bản thân chị Thỏa đã không ngừng học hỏi kinh nghiệm, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, qua đó nắm chắc hệ thống duy trì thoát nước trên địa bàn tổ quản lý, xử lý kịp thời những phát sinh trên địa bàn và vi phạm ảnh hưởng đến hệ thống thoát nước. Ngoài việc hoàn thành tốt nhiệm vụ tại đơn vị, công nhân Thỏa cũng luôn quan tâm, hướng dẫn công nhân mới vào nghề để mọi người nhanh chóng thành thạo trong công việc

Hay như công nhân Nguyễn Thị Tám - Tổ trưởng tổ 1, đội sản xuất Cầu Diễn - Xí nghiệp cây xanh, cây hoa, cây cảnh Công ty Công viên cây xanh Hà Nội. Chị Tám không chỉ là một tổ trưởng sản xuất luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, chị cũng luôn sống trung thực hòa đồng cùng cán bộ, công nhân viên trong đơn vị, gương mẫu đi đầu trong mọi hoạt động và luôn giúp đỡ công nhân, đặc biệt là công nhân trẻ mới vào làm để hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cây. Trong công việc không quản ngày đêm, chị Tám đều hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, nhiều năm đạt “Lao động tiên tiến”, danh hiệu “Người tốt, việc tốt”, danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở”.

undefined
Chủ tịch Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội Nguyễn Thị Thanh (ngoài cùng bên phải) tặng giấy khen cho các tập thể, cá nhân hoàn thành xuất sắc Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về "Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Mình".

Bên cạnh việc vận dụng một cách linh hoạt các phong trào thi đua, để thích ứng kịp thời với tình hình mới, các cấp Công đoàn trong ngành cũng tập trung vào chức năng bẩm sinh của tổ chức Công đoàn, đó là chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của đoàn viên, hỗ trợ kịp thời, đảm bảo chính sách cho lao động nữ thông qua các hoạt động Nữ công, ngày kỉ niệm 8/3; 20/10, đến việc triển khai các phong trào "Giỏi việc nước, đảm việc nhà"; xây dựng "Gia đình văn hoá tiêu biểu", trong các cấp Công đoàn ngành.

Theo báo cáo của các đơn vị, đến thời điểm hiện tại của năm 2021, toàn ngành có 3.150 "Gia đình tiêu biểu", khen thưởng với tổng số tiền thưởng gần 700 triệu đồng và tiêu biểu là 100 gia đình CNVCLĐ được Công đoàn ngành biểu dương khen thưởng trong đợt này. Các gia đình CNVCLĐ tiêu biểu, dù là quy mô gia đình truyền thống 3, 4 thế hệ hay gia đình hạt nhân, nhưng đều có chung một điểm là mỗi thành viên trong gia đình đều bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc, đều liên tục phấn đấu, vượt lên khó khăn để hoàn thiện mình, góp phần xây dựng gia đình, cộng đồng, xã hội.

Được biết, nhằm tạo thêm sức lan tỏa từ phong trào, trong thời gian tới, Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội tiếp tục quán triệt việc học tập Chỉ thị số 05-CT/TW là nhiệm vụ quan trọng và thường xuyên, qua đó chuyển biến tích cực hơn nữa nhận thức tư tưởng và trách nhiệm trong đội ngũ cán bộ, đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động toàn ngành với tinh thần quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp và Nghị quyết Đại hội Công đoàn các cấp.

Tuấn Dũng

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này