Các xã, phường tích cực chuẩn bị điều kiện cần thiết theo phương châm “4 tại chỗ”

12:52 | 26/11/2021
(LĐTĐ) Thực hiện chỉ đạo của Thành phố, các xã, phường, thị trấn đang tích cực rà soát lại các địa điểm có thể trưng dụng làm trạm y tế lưu động như nhà sinh hoạt cộng đồng, nhà văn hóa của khu dân cư, trường học…
Thích ứng linh hoạt trong tình hình mới Quận Hoàn Kiếm: Nhiều giải pháp phục hồi, phát triển kinh tế thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19

Sẵn sàng các trạm y tế lưu động

Thực hiện “sống chung” an toàn với dịch bệnh, dự kiến, Hà Nội sẽ thành lập 508 trạm y tế lưu động, trong đó có 20 trạm y tế xã được đặt tại khu công nghiệp, khu chế xuất. Đồng thời, từ ngày 16/11, Thành phố cho phép cách ly F1 tại các khách sạn; từ ngày 17/11, thí điểm cách ly F1 tại nhà đối với các trường hợp đủ điều kiện theo quy định của Bộ Y tế và hướng dẫn của Sở Y tế. Qua đó, nhằm giảm tải gánh nặng cho ngành Y tế cũng như phù hợp với nhu cầu của nhiều người dân.

Thực hiện chỉ đạo của Thành phố, các xã, phường, thị trấn đang tích cực rà soát lại các địa điểm có thể trưng dụng làm trạm y tế lưu động như nhà sinh hoạt cộng đồng, nhà văn hóa của khu dân cư, trường học…

Bà Ngô Minh Hằng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) phường Đội Cấn, quận Ba Đình cho biết, phường Đội Cấn đã chủ động lên phương án thu dung, điều trị người nhiễm Covid-19 theo kịch bản tháp điều trị 3 tầng như chỉ đạo. Phường đã lập danh sách 12 y, bác sĩ, người về hưu, người có thể tham gia hỗ trợ chống dịch khi cần với địa chỉ, điện thoại cụ thể. Đồng thời, rà soát hai nhà sinh hoạt cộng đồng, hai trường học trên địa bàn phường để trưng dụng làm trạm y tế lưu động nếu cần.

Các xã, phường tích cực chuẩn bị điều kiện cần thiết theo phương châm “4 tại chỗ”
Bà Ngô Minh Hằng, Chủ tịch UBND phường Đội Cấn cho biết phường đã chủ động lên phương án thu dung, điều trị người nhiễm Covid-19 theo kịch bản tháp điều trị 3 tầng như chỉ đạo

Bên cạnh đó, các đội phòng, chống dịch cơ động tiếp tục duy trì trực 24/24/7 để đảm bảo xử lý nhanh các việc xảy ra; 10 Tổ Covid cộng đồng ngoài việc duy trì công tác tuyên truyền còn chú trọng giám sát di biến động dân cư. UBND phường cũng đã thành lập Tổ giám sát các địa bàn, sẵn sàng cùng với đội chống dịch cơ động xử lý nhanh để nếu có F, không để lây lan thành ổ dịch.

Hiện, phường Đội Cấn cũng đang duy trì 2 đoàn kiểm tra vào buổi tối, một đoàn tiến hành kiểm tra vào các ngày thứ 2, 4, 6, một đoàn kiểm tra các ngày thứ 3, 5, 7. Riêng ngày chủ nhật, lãnh đạo UBND phường sẽ cùng với các trưởng, ban ngành, đoàn thể cùng chia tổ để kiểm tra, đánh giá. Với các cửa hàng kinh doanh thực hiện đóng cửa sau 21h, giám sát khách hàng có quét mã QR không…

Bà Hằng cũng cho hay, là phường thuộc 4 quận theo chỉ đạo chưa thực hiện thí điểm cách ly F1 tại nhà, nhưng đã có trường hợp công dân hỏi và lãnh đạo phường cùng với cán bộ y tế cũng đã đi kiểm tra, tuy nhiên hộ gia đình đó không có phòng vệ sinh riêng biệt, không đáp ứng được yêu cầu...

“Sau khi xảy ra F0 tại ngõ 68 Đội Cấn trong đợt dịch vừa qua, UBND phường đã rút ra nhiều kinh nghiệm, đặc biệt là trong công tác an sinh xã hội, chăm lo đời sống cho bà con nếu xảy ra tình trạng phải phong tỏa. Hiện nay, UBND phường vẫn tiếp tục thăm hỏi, động viên, hỗ trợ cho các hộ gia đình khó khăn, với kinh phí hoàn toàn bằng nguồn xã hội hóa”, bà Hằng chia sẻ.

Chú trọng tuyên truyền

Là địa phương bị phong tỏa trong đợt dịch thứ 4 bùng phát vừa qua, bà Nguyễn Thị Vân Anh - Chủ tịch UBND phường Văn Miếu, quận Đống Đa cho hay, với nhiều kinh nghiệm từ đợt chống dịch đó, khi chuyển sang trạng thái bình thường mới, UBND phường vẫn luôn đặc biệt chú trọng công tác phòng, chống dịch bệnh. Thực hiện các chỉ đạo của Thành phố, UBND phường đã chỉ đạo đến các địa bàn dân cư, tổ dân phố, triển khai các biện pháp phòng, chống dịch theo phương châm 4 tại chỗ.

Các xã, phường tích cực chuẩn bị điều kiện cần thiết theo phương châm “4 tại chỗ”
Bà Nguyễn Thị Vân Anh - Chủ tịch UBND phường Văn Miếu cho hay, UBND phường vẫn luôn đặc biệt chú trọng công tác phòng, chống dịch bệnh

Trạm y tế phường tiếp tục việc giám sát, theo dõi sức khỏe và phối hợp cùng với các cấp xét nghiệm vi rút SARS-CoV-2 cho các đối tượng theo quy định và hướng dẫn của ngành Y tế. Đồng thời, UBND phường đã rà soát, chuẩn bị cơ sở vật chất tại các địa điểm có thể trưng dụng làm trạm y tế lưu động theo chỉ đạo của Thành phố.

Công tác tuyên truyền phòng, chống dịch của 9 Tổ Covid cộng đồng vẫn được phường Văn Miếu duy trì để người dân nắm bắt được thông tin và không lơ là, chủ quan. Đồng thời, UBND phường cũng thường xuyên kiểm tra công tác phòng, chống dịch các cơ sở kinh doanh, cơ sở sản xuất, nhất là khu vực chợ Ngô Sỹ Liên, yêu cầu các cơ sở phải có mã QR và sổ ghi lại thông tin (trong trường hợp khách không có điện thoại thông minh) để khách và nhân viên khai báo y tế...

Để chuẩn bị sẵn sàng nếu phải sử dụng trạm y tế lưu động để tiếp nhận, điều trị người bệnh Covid-19, ngày 25/11, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 quận Hoàng Mai đã tổ chức diễn tập vận hành trạm y tế lưu động tại phường Đại Kim. Hiện, quận Hoàng Mai đã được Thành phố phê duyệt 14 trạm y tế lưu động có thể thu dung 1.920 người F0.

Còn tại quận Hoàn Kiếm, ngay sau khi có thông tin về ca F0 liên quan đến chợ Đồng Xuân, UBND quận đã chỉ đạo khẩn trương vận hành trạm y tế lưu động tại đây. Trạm y tế lưu động tại chợ Đồng Xuân có 6 nhân viên y tế, trong đó có 1 bác sĩ, được trang bị để có thể phục vụ khám, điều trị cho từ 50 đến 100 ca bệnh F0…

Thích ứng an toàn, linh hoạt

Cùng với các địa phương khác, thành phố Hà Nội đã chuyển sang một giai đoạn mới thích ứng, an toàn, linh hoạt, hiệu quả với tình hình dịch bệnh. Tùy theo diễn biến tình hình, thành phố Hà Nội đã thực hiện nhiều phương án phòng, chống dịch linh hoạt, vừa đảm bảo sức khỏe người dân, vừa nỗ lực đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới.

Các xã, phường tích cực chuẩn bị điều kiện cần thiết theo phương châm “4 tại chỗ”
Phường Đội Cấn tổ chức đưa F1 đi cách ly theo hướng dẫn

Tại Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV vừa qua, đại biểu Quốc hội, Giám đốc Sở Y tế thành phố Hà Nội Trần Thị Nhị Hà khẳng định, Hà Nội luôn thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Y tế trong thực hiện phòng, chống dịch, đặc biệt công tác cách ly, điều tra truy vết và quản lý người từ vùng có dịch, quản lý F1.

Quan điểm của Thành phố là phòng, chống dịch bệnh hết sức linh hoạt nhưng phải bảo đảm tính khoa học, chuyên môn về y tế. Đồng thời, quản lý chặt F1, không để lây nhiễm dịch cho cộng đồng, bảo vệ sức khỏe của nhân dân.

Trao đổi với báo chí mới đây, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, Thường trực Thành ủy Hà Nội yêu cầu tiếp tục phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và nhân dân tham gia phòng, chống dịch Covid-19, thực hiện đồng bộ các giải pháp; trọng tâm là nâng cao ý thức tự giác phòng bệnh, thực hiện nghiêm “5K” của người dân.

Đồng thời, yêu cầu các cấp, các ngành tăng cường thiết lập các trạm y tế lưu động, bố trí ở nơi nguy cơ cao, nhu cầu lớn, nơi y tế cơ sở còn hạn chế. Vừa qua, các cơ quan, địa phương đã chuẩn bị tốt các trạm y tế lưu động tại các khu, cụm công nghiệp, khu chế xuất; cần tiếp tục rà soát, đánh giá, hoàn thiện bảo đảm năng lực y tế đáp ứng trong tình huống dịch bệnh tăng cao.

Đặc biệt, Bí thư Thành ủy nhấn mạnh, không vì độ phủ vắc xin phòng dịch Covid-19 rộng mà sinh ra chủ quan. Các đơn vị, địa phương chuẩn bị sẵn sàng mọi điều kiện cần thiết theo phương châm “4 tại chỗ” và nâng cao năng lực y tế từ Thành phố xuống đến cơ sở.

Phương Thảo

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này