Vẻ đẹp Hà Nội qua lăng kính của những họa sĩ trẻ

11:12 | 26/11/2021
(LĐTĐ) Hình ảnh phố cổ Hà Nội mang một diện mạo mới với các gam màu tím, cam, xanh... được thể hiện một cách vô cùng độc đáo bằng đôi bàn tay và trí tưởng tượng sáng tạo của nhiều họa sĩ trẻ. Dù là ở trên bất kỳ chất liệu nào, các tác phẩm ấy đã đem đến cho những người thưởng thức hội họa có dịp nhớ về một Hà Nội cổ kính và đầy hoài niệm.
Trao giải 12 bức tranh xuất sắc trong cuộc thi sáng tác hội họa Chiêm ngưỡng bộ sưu tập Gốm Việt Nam tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Không chỉ đơn giản là những bức tranh

Đạt giải cao nhất trong cuộc thi “Hoàn Kiếm - 60 năm một tình yêu”, tác phẩm “Phố tím” của họa sĩ Lê Anh Huy (thành phố Huế) - Giảng viên Trường Đại học Nghệ thuật Huế, đem đến một gam màu hoàn toàn mới lạ cho phố cổ Hà Nội. Đó là khung cảnh của một buổi chiều tối hoàng hôn, những ngày chớm đông se lạnh; là bầu trời đỏ cam nắng, pha chút tím sịm mộng mơ. Một bức tranh có thể nói là vừa mang đậm nét đẹp đặc trưng của Hà Nội, mà lại xen lẫn chút hương sắc Huế nồng nàn.

Vẻ đẹp Hà Nội qua lăng kính của những họa sĩ trẻ
Cận cảnh tác phẩm “Phố tím” của họa sĩ Lê Anh Huy.

Khi được hỏi về nguồn cảm hứng làm nên “Phố tím”, tác giả cho biết: “Tôi thích cảm xúc khi tới phố cổ, thích những gì hoài niệm; bản thân tôi sống hơi nội tâm, nên tôi cũng thích sự xưa cũ. Từ cảm xúc khi nhìn phố hoàng hôn đầu đông, tôi tô những sắc tím và sắc đỏ cho thêm phần sâu lắng và hoài niệm”.

Được biết, giảng viên Trường Đại học Nghệ thuật Huế mới có cơ hội một lần được thăm phố cổ Hà Nội, nhưng bản thân anh đã có cả một triển lãm gần 100 tác phẩm vẽ về nơi này. Với bức tranh được vẽ bằng chất liệu tổng hợp, tác giả của “Phố tím” đã dành hơn một tuần để hoàn thành tác phẩm, từ lúc lên ý tưởng, con đến khi tô màu.

Họa sĩ trẻ bị thu hút bởi phong cảnh Hà Nội đẹp, đặc biệt anh rất thích phố cổ. Tiếp xúc với con người Tràng An, anh ấn tượng với giọng nói thân thương, ấm áp và hình ảnh con người mộc mạc, nhân hậu, dễ gần. Chia sẻ với phóng viên, họa sĩ nói: “Tôi yêu Hà Nội, tôi dành rất nhiều tình yêu cho Hà Nội. Nhờ chủ đề phố cổ, tôi muốn nhắn nhủ rằng, dù cuộc sống có phát triển hiện đại đến đâu đi nữa thì cũng phải lưu giữ những nét văn hoá cổ xưa, những nét đẹp của con người Việt Nam, đặc biệt đối với người Hà Nội, chúng ta cần bảo tồn những nét văn hoá ấy”.

Vẻ đẹp Hà Nội qua lăng kính của những họa sĩ trẻ
Các tác phẩm hội họa sáng tác về Hà Nội nói chung và Hoàn Kiếm nói riêng được trưng bày tại Trung tâm văn hóa thông tin Hồ Gươm (số 2 Lê Thái Tổ, Hà Nội).

Hình ảnh Hà Nội hiện lên trong mỗi tác phẩm của các họa sĩ là hoàn toàn khác nhau. Với họa sĩ Lê Anh Huy đem lòng say mê vẻ đẹp Hà Nội vào những ngày đầu đông, thì đối với họa sĩ Nguyễn Minh (Quốc Oai, Hà Nội), anh lại đem lòng yêu mùa hè đổ nắng. Người họa sĩ trẻ bồi hồi kể: “Bức tranh được tôi vẽ vào khoảng tháng 5 năm 2016, lúc đó là thời điểm mùa hè.

Tôi đặt tên bức tranh là “Summer 2016”, mục đích ở đây đang diễn tả một sự thay đổi mới, vấn đề đô thị hóa vào cuộc sống chúng ta. Nó là một luồng sinh khí mới, nhưng lại vô tình tác động vào những kiến trúc cũ, trong đó có phố cổ. Nhưng tôi thấy rằng dù có ảnh hưởng như thế nào đi chăng nữa thì tinh thần dân tộc, vốn văn hóa của chúng ta vẫn không thay đổi.

Như vậy chúng ta chỉ thay đổi cơ sở hạ tầng, chứ không thay đổi về giá trị văn hóa. Mà giá trị văn hóa của khu phố Hà Nội nói chung và của hồ Gươm nói riêng vẫn luôn trường tồn. Đó là một nhịp đập bên cạnh sự đô thị hóa, là dòng chảy ngầm của mỗi con người Việt Nam về sự trường tồn giá trị văn hóa, được tiếp nối bởi thế hệ các họa sĩ”.

Vẻ đẹp Hà Nội qua lăng kính của những họa sĩ trẻ
Bức tranh “Chào mùa hè” của họa sĩ Nguyễn Minh (Bức tranh lớn nhất bên phải).

Ngoài những tác phẩm hội họa trên tranh, hình ảnh Hà Nội còn đặc biệt được xuất hiện trong 60 tác phẩm trâu của họa sĩ, nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát (Sơn Tây, Hà Nội). Các bức tượng trâu được làm hoàn toàn bằng sơn mài và gỗ mít, đem đến sự mới lạ cho nền Mỹ thuật Việt Nam nói chung, và vẻ đẹp của Hà nội nói riêng.

“Tân Sửu - 60 năm quận Hoàn kiếm” được anh Phát thể hiện độc bản từ khi tạo mẫu gỗ rồi làm sơn theo cách truyền thống. Là người con của mảnh đất Đường Lâm, Sơn Tây - một ngôi làng cổ thuần nông nghiệp, anh đã sáng tác bộ sưu tập 1010 tượng trâu để tri ân Thăng Long Hà Nội 1010 tuổi. Trong đó 60 bức tượng trâu được tạo hình riêng cho quận Hoàn kiếm.

Vẻ đẹp Hà Nội qua lăng kính của những họa sĩ trẻ
Bộ sưu tập “Tân Sửu - 60 năm quận Hoàn kiếm” của họa sĩ, nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát.

Họa sĩ, nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát chia sẻ: “Trâu phố nghe thì thật không ăn nhập, nhưng tôi đã làm nên hình ảnh con trâu đặc trưng của nền nông nghiệp mang trên mình dáng dấp của phố cổ. Đó là mái nhà phố trên lưng trâu, các ô cửa, cổng ô quan chưởng, tháp rùa, nhà thờ lớn, cầu Long Biên. Tôi dành tình yêu cho Hà Nội và muốn mang các tác phẩm đó đến với công chúng yêu nghệ thuật”.

Vẻ đẹp Hà Nội qua lăng kính của những họa sĩ trẻ
Trâu Tháp Rùa là một trong những tác phẩm nằm trong bộ sưu tập “Tân Sửu - 60 năm quận Hoàn kiếm”.

Đóng góp lớn cho Mỹ thuật Việt Nam

Theo Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam Lương Xuân Đoàn, các tác phẩm thể hiện một tình yêu, trước tiên là với Hà Nội, nhỏ nhắn hơn là với quận Hoàn Kiếm - nơi trung tâm Thủ đô. Mỗi một tác phẩm đều bày tỏ cảm xúc của mình trước hình ảnh phố cổ Hoàn Kiếm thân thương, kể cả những ngóc ngách làm nên sự duyên dáng của Hà Nội. Dù thế nào, nét đẹp Hà Nội vẫn là nét đẹp biên viễn nhất, quận Hoàn Kiếm đang trên đà phát triển và trưởng thành. Nét văn hoá, nét đẹp của người Hà Nội thể hiện qua trung tâm của quận Hoàn Kiếm, cho thấy con người qua từng thế hệ vẫn tiếp tục gìn giữ, bảo trọng tình yêu ấy; và nghệ sĩ là những người cất giọng nhanh nhất để thể hiện tình yêu Hà Nội, đại diện trong nhiều thế hệ.

Vẻ đẹp Hà Nội qua lăng kính của những họa sĩ trẻ
Ông Lương Xuân Đoàn - Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam.

Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam cho biết, bức tranh “Chào mùa hè” của họa sĩ Nguyễn Minh hay tác phẩm đầu đông “Phố tím” của Lê Anh Huy cho thấy cả một lộ trình mà chúng ta chứng kiến người Hà Nội đối đầu với đại dịch Covid-19 rất kiên cường. Các nghệ sĩ trẻ đang vào cuộc hết sức tự tin, mang vào một trang mới không chỉ cho nền mỹ thuật đương đại Việt Nam mà là trang mới cho Mỹ thuật Hà Nội, đặc biệt là với quận Hoàn Kiếm..

Vẻ đẹp Hà Nội qua lăng kính của những họa sĩ trẻ
Nhiều họa sĩ và khách tham quan đến triển lãm "Hoàn Kiếm - 60 năm một tình yêu" để chiêm ngưỡng các tác phẩm nghệ thuật.

Trao đổi với phóng viên Lao động Thủ đô tại triển lãm “Hoàn Kiếm - 60 năm một tình yêu”, bà Đào Liên Hương - Trưởng Ban Vận động Mỹ thuật và Ngoại giao văn hóa Việt Nam cho biết: “Vẽ về Hà Nội là một đề tài mà các họa sĩ rất thích trong nhiều năm qua; đặc biệt nhất là vẽ về những về phố cổ, hồ Hoàn Kiếm... Năm 2018, phát động chủ đề “Sáng tác hồ Hoàn Kiếm” và được các giới phê bình đánh giá rất thành công. Chương trình năm đó đã làm thay đổi cả tư duy lẫn nhận thức về tranh bờ hồ, nó không chỉ là những bức tranh nghệ thuật. Đề tài năm nay có thêm phố cổ, cùng với đó là thành phần các họa sĩ tham gia rất đa dạng từ Bắc vào Nam, thuộc nhiều trường mỹ thuật, sư phạm, đem đến chất lượng tranh rất tốt. Tôi chỉ mong chương trình này sẽ được lan tỏa đến các quận khác trong địa bàn Thành phố.”

Quang Linh

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này