Rút bảo hiểm xã hội một lần cần cân nhắc kỹ

09:59 | 25/11/2021
(LĐTĐ) Đời sống khó khăn do dịch bệnh Covid-19 khiến nhiều người lao động (NLĐ) đã đề nghị hưởng bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần để có một khoản tiền chi tiêu, trang trải cuộc sống. Tuy nhiên, với số lượng NLĐ đăng ký hưởng BHXH một lần có xu hướng gia tăng gần đây không chỉ khiến NLĐ thiệt thòi về quyền lợi trước mắt và lâu dài, mà còn đặt ra những thách thức rất lớn đến mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội.
Cần sửa Luật để tăng cường phòng chống lạm dụng, trục lợi Quỹ BHXH, BHYT Cấp lại mật khẩu ứng dụng VssID miễn phí qua email cá nhân Để người lao động không rút bảo hiểm xã hội

Cùng xem xét hơn, thiệt

BHXH Việt Nam cho biết: Tính đến hết tháng 10/2021, cả nước có hơn 700.000 người hưởng BHXH một lần, tăng gấp 1,5 lần so với 6 tháng đầu năm 2021 và tăng 5,45% so với cùng kỳ năm 2020. Đây là thực tế rất đáng lo ngại, không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của NLĐ mà còn làm ảnh hưởng tới tình hình kinh tế - xã hội cũng như ảnh hưởng đến mục tiêu, nỗ lực và quyết tâm của Chính phủ thực hiện an sinh xã hội cho toàn dân.

Rút bảo hiểm xã hội một lần cần cân nhắc kỹ
NLĐ đăng ký hưởng BHXH một lần tại BHXH quận Long Biên (thành phố Hà Nội). (Ảnh: B.D)

Theo quy định của pháp luật hiện hành, tổng mức đóng BHXH vào quỹ hưu trí, tử tuất là 22% mức tiền lương tháng làm căn cứ đóng BHXH của NLĐ. Trong đó, NLĐ đóng 8% và người sử dụng lao động đóng 14%, tổng mức đóng vào quỹ BHXH hằng năm bằng 2,64 tháng lương.

Nếu NLĐ hưởng BHXH một lần thì mức hưởng mỗi năm đóng BHXH chỉ bằng 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng trước năm 2014 và bằng 2 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi. Như vậy, nếu lĩnh BHXH một lần, NLĐ sẽ mất đi khoảng 1,14 tháng lương đối với mỗi năm đóng BHXH trước năm 2014 và khoảng 0,64 tháng lương đối với mỗi năm đóng BHXH sau năm 2014.

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực BHXH, nếu quyền lợi được đặt lên “bàn cân” thì chính sách BHXH đem lại cho NLĐ những lợi ích mà không có khoản tiết kiệm nào có thể so sánh được. Hiện tại, đối với NLĐ tham gia BHXH bắt buộc, mức đóng vào quỹ BHXH bằng 25% mức tiền lương hằng tháng của NLĐ, trong đó, NLĐ đóng 8%, người sử dụng lao động đóng 17%.

Ví dụ, nếu tiền lương của NLĐ là 5 triệu/tháng thì quỹ BHXH thu 1.250.000 đồng. Trong đó, NLĐ đóng 400.000 đồng (32% tổng quỹ), người sử dụng lao động đóng 850.000 đồng (68% tổng quỹ). Vì vậy, khi tham gia BHXH với việc bỏ ra số tiền 8% tiền lương hằng tháng (32% tổng quỹ), NLĐ được hưởng những lợi ích từ nguồn quỹ này bao gồm các chế độ: Ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hưu trí và tử tuất. Và chỉ tính riêng mức lương hưu tối đa, NLĐ nhận được với mức tiền lương đóng 5 triệu đồng/tháng là 3.750.000 đồng/tháng cũng đã lớn hơn rất nhiều số tiền mà NLĐ phải bỏ ra là 400.000 đồng/tháng.

Với NLĐ tự do, khi tham gia BHXH tự nguyện, NLĐ được lựa chọn mức đóng phù hợp với điều kiện của mình, mức thấp nhất bằng chuẩn hộ nghèo khu vực nông thôn (hiện nay là 700.000 đồng). Như vậy, với tỷ lệ đóng hằng tháng 22%, thì số tiền đóng mỗi tháng tương đương với 138.600 đồng (Nhà nước đã hỗ trợ 10%), nhưng tỷ lệ hưởng lương hưu khi đến tuổi có thể đạt đến 75% bình quân mức đóng. Ngoài ra, người hưởng lương hưu còn được cấp thẻ BHYT có mức hưởng 95% khi khám chữa bệnh đúng tuyến. Bên cạnh đó, người thân, người chăm lo cho người tham gia BHXH còn được hưởng chế độ tuất khi người tham gia BHXH qua đời.

Cân nhắc kỹ để tránh bị thiệt thòi

BHXH Việt Nam cho biết, trong thực tế đã có rất nhiều trường hợp khi đã nhận BHXH một lần muốn nộp lại tiền để phục hồi số năm đã tham gia BHXH cho đủ điều kiện hưởng lương hưu, nhưng pháp luật về BHXH chưa quy định về trường hợp này. Vì vậy, NLĐ nên cân nhắc kỹ trước khi quyết định hưởng BHXH một lần. Cách hữu hiệu nhất để có tuổi già an yên, không phụ thuộc vào con cháu là có nguồn tài chính ổn định qua lương hưu hằng tháng khi về già, được cấp thẻ BHYT để chăm sóc sức khỏe trong suốt thời gian hưởng lương hưu.

BHXH Việt Nam cho biết, khoản tiền NLĐ đóng vào Quỹ BHXH là của để dành quý giá của chính bản thân NLĐ. Nó không mất đi mà ngược lại, được cơ quan BHXH quản lý và đầu tư tăng trưởng. Trong trường hợp, với những khó khăn trước mắt (do mất việc làm, giảm sút thu nhập gây nên), NLĐ hoàn toàn có thể bảo lưu thời gian đóng BHXH. Sau đó, khi có điều kiện thì tiếp tục tham gia BHXH bắt buộc hoặc tham gia BHXH tự nguyện để được hưởng các quyền lợi.

Muốn vậy, NLĐ hãy tích lũy, tham gia BHXH ngay khi còn trẻ. Nếu ở thời điểm khó khăn không thể đóng tiếp BHXH, NLĐ có quyền bảo lưu và sau đó đóng tiếp (bằng cách tham gia BHXH bắt buộc hoặc tự nguyện) để đủ điều kiện nhận lương hưu và được cấp thẻ BHYT giúp chăm sóc sức khỏe khi về già.

Bày tỏ trăn trở khi số lượng NLĐ đăng ký hưởng BHXH một lần gia tăng, đồng nghĩa với việc NLĐ rời bỏ hệ thống BHXH, tự tước bỏ quyền được tham gia, thụ hưởng các chế độ BHXH, đặc biệt là các chế độ dài hạn như hưu trí, tử tuất.

Phó Trưởng ban Chính sách pháp luật Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Lê Đình Quảng cho rằng: Đây là một thực trạng đáng báo động, đáng lo ngại trong việc đảm bảo quyền lợi và chính sách an sinh xã hội lâu dài cho NLĐ. Cụ thể, NLĐ sẽ mất đi cơ hội hưởng lương hưu, không có gì đảm bảo cho cuộc sống lúc tuổi già; đồng thời còn mất đi cơ hội được Quỹ Khám chữa bệnh BHYT chi trả nếu không may ốm đau, nằm viện.

Lý giải một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng nêu trên là do NLĐ không nắm rõ quy định và lợi ích của các chế độ BHXH mà họ được hưởng, trong khi đó công tác tuyên truyền, phổ biến chế độ, chính sách về BHXH còn hạn chế, ông Lê Đình Quảng cho rằng, bên cạnh việc nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Luật Việc làm, chính sách bảo hiểm thất nghiệp, cần tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chính sách BHXH; tăng cường công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm pháp lật về BHXH để đảm bảo quyền lợi lâu dài cho NLĐ./.

Bảo Duy

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này