Nghề “thổi hồn” vào gỗ

10:12 | 25/11/2021
(LĐTĐ) Trải qua lịch sử hàng nghìn năm nhưng ngày nay những người thợ tại làng mộc Thượng Mạo (phường Phú Lương, quận Hà Đông) vẫn không ngừng truyền dạy cho nhau những kiến thức nghề để bảo tồn, gìn giữ và tiếp tục phát huy giá trị truyền thống của làng nghề. Bên cạnh đó, làng mộc ngày nay đang phải đối mặt với những khó khăn, việc phát triển làng nghề một cách bền vững là điều trăn trở của rất nhiều người dân nơi đây.
Nâng cao hiệu quả kinh tế từ sản phẩm OCOP Những khó khăn bủa vây làng nghề mộc Thượng Mạo

Giữ nếp xưa

Nhắc đến làng mộc Thượng Mạo người xưa có câu “Thợ Xốm, cốm Vòng” để nói về những người thợ mộc khéo léo trong việc xây dựng nhà cửa dân gian truyền thống. Ngay khi bước chân vào làng, không khó để nghe được những âm thanh từ máy cưa, máy xẻ, máy bào, tiếng đục đẽo... bởi ở Thượng Mạo rất nhiều gia đình làm nghề mộc. Trải qua hàng nghìn năm nhưng đến nay làng vẫn giữ được những giá trị xưa cũ và phát triển bắt nhịp với thời đại.

Nghề “thổi hồn” vào gỗ
Các hộ sản xuất tại làng nghề mộc Thượng Mạo đều thiếu mặt bằng sản xuất, ảnh hưởng lớn đến việc phát triển làng nghề.

Hiện nay, làng mộc Thượng Mạo có hơn 355 cơ sở sản xuất trên tổng số 632 hộ dân, có 1.230 lao động tham gia nghề, ngoài ra còn có lao động bên ngoài đến học và làm nghề. Nghề truyền thống đã đem lại thu nhập chính cho nhiều hộ dân. Từ khi được công nhận làng nghề truyền thống, người dân Thượng Mạo vui mừng, phấn khởi hơn vì sản phẩm truyền thống của làng ngày càng được nhiều người biết đến. Các sản phẩm đã được tham gia một số hội chợ lớn góp phần quảng bá hình ảnh của làng mộc đến gần hơn với mọi người.

Để sản phẩm của làng nghề theo kịp xu hướng phát triển của thời đại nhưng vẫn giữ được những nét truyền thống, Hiệp hội làng nghề thường xuyên hỗ trợ nghệ nhân, người thợ đi học các lớp nâng cao kỹ năng theo các chương trình khuyến công, giao lưu học hỏi với các làng nghề khác.

Là một trong những người thợ “Xốm”, gắn bó cả cuộc đời với nghề mộc, hơn ai hết ông Nguyễn Quang Thoại, Chủ tịch Hội làng nghề mộc truyền thống Thượng Mạo là người hiểu rõ đặc trưng của nghề: “Mộc là một nghề thủ công không chỉ đòi hỏi đức tính tỉ mỉ, cần mẫn mà nó còn đòi hỏi cả sự tài hoa, khéo léo của người thợ. Mỗi một sản phẩm phải trải qua rất nhiều công đoạn từ bóc bản vẽ, soạn gỗ, xẻ gỗ, pha chế phần thô, sơ chế và hoàn thiện. Bất kể một người thợ nào cũng phải làm được tất cả các công đoạn”.

Trong những năm gần đây, để đáp ứng nhu cầu của thị trường, làng nghề đã mở rộng sản xuất với đầy đủ các mặt hàng như: Gỗ, giường, tủ, sơn son thếp vàng, hoành phi, câu đối, cửa, đồ thờ… Những sản phẩm của làng giờ đã được bán rộng rãi trong cả nước, giúp cho đời sống của người dân trong vùng được cải thiện và nâng cao rõ rệt.

Điểm đặc biệt ở làng mộc Thượng Mạo là các sản phẩm chỉ làm theo đơn đặt hàng của khách chứ không bán đại trà ở chợ. Trước kia những người thợ trong làng làm thủ công, ngày nay các gia đình đã áp dụng khoa học kỹ thuật, chuyển sang làm bằng máy, giúp giải phóng sức lao động. Tuy nhiên, đối với những công đoạn quan trọng, đòi hỏi kỹ thuật cao vẫn được thợ mộc nơi đây thực hiện bằng phương pháp thủ công.

Nghệ nhân Đặng Đình Tuyến cho biết: Ngày nay nhờ có các loại máy hỗ trợ, người làm nghề đỡ vất vả hơn xưa, tuy nhiên đối với những công đoạn đục chạm, người thợ vẫn thực hiện bằng tay. Phương pháp thủ công này khó hơn, đòi hỏi nhiều kỹ thuật, người đục chạm phải kiên trì, tỉ mỉ trong từng chi tiết và coi sản phẩm như đứa con tinh thần.

“Đã theo nghề đục chạm này thì mình phải yêu, kiên trì và học hỏi nâng cao trình độ. Một khi có tình yêu với nghề thì mọi khó khăn đều có thể dễ dàng vượt qua được, có vậy mới cho ra những sản phẩm đẹp. Trong quá trình làm, chúng tôi luôn phấn đấu để đáp ứng được nhu cầu của khách hàng. Song song với đó, chúng tôi cố gắng phát huy truyền dạy những nét đẹp của làng nghề cho thế hệ trẻ, để các cháu kết hợp nét đẹp truyền thống cha ông để lại, bắt nhịp cùng với những công nghệ mới cho ra các sản phẩm chất lượng cao, phù hợp với thị trường của từng thời điểm”, nghệ nhân Tuyến chia sẻ.

Còn đó những trăn trở

Không phủ nhận sự thay đổi rõ rệt về kinh tế mà nghề truyền thống đem lại cho người dân nơi đây. Tuy nhiên, đi đôi với việc kinh tế phát triển, làng mộc Thượng Mạo đang phải đối mặt với những khó khăn như ô nhiễm môi trường, thiếu mặt bằng sản xuất.

Nghề “thổi hồn” vào gỗ
Những người phụ nữ trong làng cùng tham gia vào việc sản xuất các sản phẩm mộc.

Ông Nguyễn Quang Thoại, Chủ tịch Hội làng nghề mộc truyền thống Thượng Mạo cho biết: “Việc sản xuất ở đây khó khăn nhất là về cơ sở hạ tầng, hệ thống đường xá chật, không đáp ứng được việc đi lại cũng như sản xuất của nhân dân. Ngoài ra, việc sản xuất chủ yếu diễn ra tại hộ gia đình nên không đáp ứng được mặt bằng sản xuất. Sản phẩm của làng được làm từ gỗ, phải trải qua các công đoạn xẻ, bào, phay, đục, phun sơn... trong quá trình làm người lao động phải tiếp xúc trực tiếp với bụi bẩn, tiếng ồn, mùi hóa chất từ sơn, đánh bóng sản phẩm. Do làm tại sân của gia đình, tại khu dân cư nên sức khỏe của trẻ nhỏ, người già... cũng phải chịu ảnh hưởng trực tiếp từ nguồn ô nhiễm này”.

Cùng chung những trăn trở đó, nghệ nhân Đặng Đình Tuyến chia sẻ: “Hàng năm chúng tôi phải chi tiền vận chuyển gỗ ra - vào xưởng rất lớn vì đường chật hẹp, xe chở hàng không vào được xưởng. Nơi sản xuất chật chội, nằm trong khu dân cư gây ảnh hưởng môi trường, đó là tình trạng chung của tất cả các hộ làm nghề nơi đây. Không gian sản xuất chật, chúng tôi rất khó mở rộng thị trường, người dân nơi đây mong có một khu sản xuất tập trung để mở rộng quy mô cũng như tránh ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến sức khỏe”.

Từ những khó khăn đó, làng mộc Thượng Mạo hiện nay rất cần sự quan tâm của cả hệ thống chính quyền, quy hoạch cho làng nghề nơi đây một cụm công nghiệp tạo điều kiện giúp người dân vừa giữ được nghề truyền thống, vừa đảm bảo hài hòa giữa yếu tố phát triển kinh tế, gắn liền với bảo vệ môi trường./.

Nguyễn Hoa

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này