Những biểu hiện nào của F0 cần được chuyển đến bệnh viện cấp cứu?

13:57 | 23/11/2021
(LĐTĐ) Sáng 23/11, Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh vừa có văn bản khẩn về việc cập nhật "Hướng dẫn gói chăm sóc sức khỏe tại nhà cho người F0".
Thành phố Hồ Chí Minh không còn quận, huyện nào thuộc vùng cam Thành phố Hồ Chí Minh tiêm vắc xin Covid-19 mũi 2 cho trẻ từ 12-17 tuổi Người lao động ở thành phố Hồ Chí Minh chật vật giữa "bão giá"

Theo hướng dẫn của Sở Y tế, đối tượng được quản lý tại nhà là người mắc Covid-19 (F0) mới, có kết quả xét nghiệm RT-PCR hoặc xét nghiệm nhanh dương tính và đủ điều kiện cách ly tại nhà (không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, độ tuổi từ 1-50 không có bệnh nền, có khả năng tự chăm sóc bản thân...).

Trạm y tế phường, xã, thị trấn chịu trách nhiệm tiếp nhận, cập nhật danh sách người F0 trên địa bàn từ nhiều nguồn khác nhau, sau đó nhập thông tin F0 trên phần mềm. Chuyển thông tin F0 cho các cơ sở quản lý người nhiễm Covid-19 tại nhà được phân công trong vòng 4-6 giờ kể từ khi tiếp nhận thông tin F0.

Những biểu hiện nào của F0 cần được chuyển đến bệnh viện cấp cứu?
Khu vực cách ly y tế được rào chắn cẩn thận, có trang bị bàn để người cách ly nhận thuốc. Ảnh: VGP

Trong vòng 24h nhận được danh sách F0, cơ sở quản lý người nhiễm Covid-19 phải tiếp cận bệnh nhân hoặc gia đình bệnh nhân để đánh giá các điều kiện cách ly tại nhà. Trong trường hợp F0 đủ điều kiện cách ly tại nhà, phát tờ rơi hướng dẫn những điều cần tuân thủ, tự chăm sóc và theo dõi sức khỏe tại nhà, cấp phát thuốc điều trị Covid-19 theo quy định.

Các gói thuốc điều trị tại nhà gồm 3 gói (A, B, C): Gói thuốc A gồm những thuốc thông dụng dùng để hạ sốt và nâng cao thể trạng; gói thuốc B là thuốc kháng viêm và chống đông; gói thuốc C là thuốc kháng vi rút sử dụng theo chương trình can thiệp cộng đồng có kiểm soát của Bộ Y tế.

Khi F0 có triệu chứng nhẹ, bác sĩ của cơ sở quản lý người nhiễm Covid-19 tại nhà phải đánh giá tình trạng sức khỏe của F0. Trong trường hợp F0 có chỉ định dùng thuốc, nhân viên của cơ sở này cho người bệnh ký cam kết và cấp phát thuốc tại nhà cho F0 (gói C).

Khi F0 cảm thấy khó thở phải liên hệ ngay với cơ sở đang quản lý F0 để được tư vấn, hỗ trợ. Bác sĩ đánh giá tình trạng bệnh, nếu có chỉ định nhập viện sẽ cho người bệnh sử dụng 1 liều duy nhất (gói B) trước khi chuyển viện.

Đối với việc xét nghiệm F0 cách ly tại nhà, cơ quan y tế sẽ lấy mẫu xét nghiệm tại nhà ở ngày thứ 14 để chuẩn bị kết thúc thời gian cách ly. Nếu kết quả xét nghiệm âm tính, cơ sở được phân công quản lý F0 lập danh sách báo cáo Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 phường, xã, thị trấn để cấp giấy xác nhận hoàn thành cách ly theo quy định.

Khi cách ly tại nhà, nếu F0 có dấu hiệu chuyển nặng, cơ sở quản lý người nhiễm Covid-19 tại nhà hướng dẫn xử trí, cấp cứu cho người bệnh, đồng thời liên hệ tổ phản ánh nhanh của phường, xã, thị trấn, quận, huyện, thành phố Thủ Đức để được hỗ trợ cấp cứu và chuyển đến bệnh viện gần nhất.

Theo đó, dấu hiệu chuyển nặng ở người lớn gồm: Khó thở biểu hiện bằng thở hụt hơi, thở nhanh trên 25 lần/phút, li bì, lừ đừ, tím tái môi và đầu chi, SpO2 < 94%.

Đối với trẻ em thường thở nhanh theo tuổi (1-5 tuổi: > 40 lần/phút, 5-12 tuổi: > 30 lần/phút, > 12 tuổi: >= 20 lần/phút) cánh mũi phập phồng, rút lõm lồng ngực, li bì, lờ đờ, bỏ bú/ăn uống, tím tái môi và đầu chi, SpO2 < 95%.

Minh Tuấn

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này