Người lao động ở thành phố Hồ Chí Minh chật vật giữa "bão giá"

21:49 | 21/11/2021
(LĐTĐ) Giá xăng dầu, thực phẩm tăng cao nhưng mức thu nhập hằng ngày thì vẫn bấp bênh, khiến nhiều người lao động chật vật với cuộc sống sau khi thành phố Hồ Chí Minh mở cửa hoạt động trở lại.
TP Hồ Chí Minh chi 12.000 tỷ đồng hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19 Thành phố Hồ Chí Minh đặt mục tiêu hoàn thành chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 Thành phố Hồ Chí Minh: Sẵn sàng thu dung điều trị người nhiễm Covid-19 trong tình hình mới

Chật vật vì "bão giá"

Theo ghi nhận tại các chợ dân sinh ở một số khu vực như quận Tân Bình, Phú Nhuận, Gò Vấp, giá của nhiều mặt hàng thiết yếu tăng lên ít nhất 20% – 30% so với trước khi đợt dịch thứ 4 bùng phát tại thành phố Hồ Chí Minh. Trong đó, tăng nhiều nhất phải kể đến các mặt hàng như nông sản, tiêu dùng, gia vị… với mức tăng có khi lên gần gấp đôi.

Bà Nguyễn Thị Hoa (tiểu thương bán nông sản, 57 tuổi, ngụ quận Gò Vấp) chia sẻ, nguồn hàng hiện nay khan hiếm nên giá mua từ đầu mối đã cao, vì thế khi bán ra buộc phải tăng giá để bù lại. Việc giá nông sản cao khiến cho người tiêu dùng hạn chế sức mua, gây ra tình trạng hàng bị ế ẩm, hư hỏng… vì nông sản không bảo quản được lâu như các mặt hàng khác.

“Cà chua Đà Lạt trước đây bán lẻ tại chợ có 15.000 đồng/kg, mà bây giờ giá nhập từ chợ đầu mối đã hơn 20.000 đồng/kg. Các loại trái cây khác cũng tăng thêm ít nhất 5.000 đồng/kg, nên khi bán ra cho người tiêu dùng giá thành cũng bị đẩy lên nhiều. Tôi đâu có muốn đẩy giá lên cao làm gì, làm vậy đâu có bán được hàng. Nhưng giá nhập đã cao nên mới phải bán cao thôi”, bà Hoa chia sẻ.

Người lao động ở thành phố Hồ Chí Minh chật vật giữa
Cô Nga cho biết, gói đường bình thường giá chỉ hơn 20.000 đồng/kg, mà nay đã tăng lên tận 26.000 đồng/kg, tính theo phần trăm thì đã tăng hơn 25%.

Cách đó không xa, bà Trần Thị Kim Nga (tiểu thương hàng tạp hoá, 55 tuổi, ngụ quận 12) cho biết từ hơn 1 tháng nay, khi thành phố Hồ Chí Minh mở cửa trở lại, nhiều mặt hàng như bánh kẹo, giá vị đã tăng 5.000 – 10.000 đồng, khiến sức mua giảm làm nhiều hàng hoá của bà rơi vào tình trạng ế ẩm, hết hạn sử dụng.

“Như mấy năm trước, cứ tới cuối tháng 11 như thế này, người ta mua hàng xôm tụ lắm, vì có nhiều dịp lễ sắp diễn ra như ngày 20/11, ngày Lễ Giáng Sinh, Tết Dương lịch, Âm lịch. Năm nay công nhân về quê hết, mà thu nhập của họ cũng ít cộng với giá hàng hoá cao, nên mới vắng vẻ như thế này”, bà Nga cho biết.

Bà Nga cho biết, việc tăng giá hàng hoá hiện tại không đem lại lợi ích gì cho những tiểu thương như bà. Vì giá nhập cao nên mới bán ra cao, dù biết hàng sẽ khó bán nhưng không thể điều chỉnh giá thấp hơn được.

Vừa giao xong đơn hàng ở quận Tân Bình, anh Trần Trọng Kha (tài xế Ahamove, 43 tuổi, ngụ quận Bình Tân) đậu xe bên vỉa hè nghỉ ngơi, nhắc đến chuyện giá cả tăng, anh than thở: “Giá xăng mấy bữa nay tăng cao, 50.000 đồng đổ còn chưa đầy bình. Mà giá xăng tăng nhưng giá giao hàng đâu có tăng, vẫn nguyên như lúc trước dịch. Bây giờ chỉ mong chạy cho đủ ăn là mừng lắm rồi”.

Người lao động ở thành phố Hồ Chí Minh chật vật giữa
Anh Kha cho biết, từ sáng tới đầu giờ chiều anh chỉ nhận được 4 cuốc giao hàng, cả ngày chỉ mong đủ tiền ăn trong gia đình, không dám nghĩ đến tiền để dành làm việc khác.

Anh Kha cho biết, gia đình anh hiện đang sống ở một phòng trọ nhỏ ở quận Bình Tân, hồi còn chưa dịch, giá cả ổn định thì bữa cơm vẫn có thịt có cá. Bữa nay vừa mới dịch xong, tiền bạc không có mà giá cả xăng dầu tăng phi mã, giá hàng hoá cũng cao, ăn rau cũng đắt mà ăn thịt lại càng đắt, nên giờ đi chợ cứ cái gì rẻ thì mua.

“Gần cuối năm rồi, nhiều thứ còn phải chi tiêu, bây giờ kiếm được đồng nào là phải cất đồng đó, ăn tiêu tằn tiện. Tết sắm đồ cho gia đình, rồi tiền cưới xin, đám này đám kia… cộng lại cũng nhiều lắm. Không biết lỡ mà ốm đau, hay ai trong gia đình mắc Covid-19 thì phải làm thế nào. Mong sang năm đỡ hơn, chứ bây giờ không làm gì được hơn nữa rồi”, anh Kha chia sẻ.

Không ai hưởng lợi từ giá cả tăng

Từ trong đợt dịch thứ 4 đến tận bây giờ, vấn đề hàng hoá thiết yếu tăng cao giá không còn lạ lẫm với người tiêu dùng. Lúc đó, người dân vẫn có thể thông cảm do tình hình dịch bệnh kèm các biện pháp chống dịch nghiêm ngặt khiến hàng hoá khan hiếm nên giá cả tăng. Hiện tại, thành phố Hồ Chí Minh đã cho phép mở cửa hoạt động sản xuất, nhưng giá thành nhiều mặt hàng vẫn leo thang.

Không ít người dân ngao ngán khi ngay cả rau củ thường ngày giá chỉ vài nghìn đồng, nay đã tăng lên đến 10.000 – 20.000 đồng/kg. Với mức thu nhập hiện nay của phần lớn người lao động, nhất là lao động tự do, việc thu chi hằng ngày đã trở thành bài toán nan giải. Cuộc sống của nhiều người vốn đã khó khăn nay lại càng vất vả, lao đao hơn.

Lý giải về vấn đề hàng hoá tăng giá, chia sẻ với phóng viên, Tiến sĩ Đinh Thế Hiển - Viện trưởng Viện nghiên cứu Tin học và Kinh tế ứng dụng cho biết, hiện tượng tăng giá hiện nay thực chất chỉ tăng ở các mặt hàng thiết yếu, việc tăng giá không giúp người nông dân, người vận chuyển hay người bán lẻ được hưởng lợi. Nguyên nhân tăng giá là do chi phí ở các khâu sản xuất tăng, dẫn đến việc người tiêu dùng phải gánh phần chi phí này dựa trên giá bán ra của sản phẩm.

Người lao động ở thành phố Hồ Chí Minh chật vật giữa
Giá cả nguyên liệu tăng cao, hàng bún của cô Phượng tại chợ Xóm Mới, quận Gò Vấp buộc phải giảm lợi nhuận để giữ nguyên giá 20.000 đồng/tô. Cô Phượng cho biết: "Nếu mình tăng giá cao sợ không ai đến ăn nữa, giảm tiền lợi lại bán cho lâu bền đó con".

“Nhiều địa phương vẫn đang bị ngăn cách bởi một số quy định, các hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn chưa được kết nối đồng bộ, gây ra việc đứt gãy trong chuỗi cung ứng, tác động đến việc giá thành của hàng hoá tăng như hiện nay. Để thị trường phục hồi, phải cần 3 – 6 tháng khi dịch bệnh đã được kiểm soát”, Tiến sĩ Đinh Thế Hiển cho biết,

Ngoài ra, Tiến sĩ Đinh Thế Hiển còn cho rằng, tác động của dịch bệnh chỉ có ở các mặt hàng thiết yếu, đối với các sản phẩm dịch vụ, hàng hoá không thiết yếu thì lại có sự giảm giá. Khi nhu cầu của người tiêu dùng ít đi, thu nhập ít đi thì việc giảm giá của các loại dịch vụ, hàng hoá đó là điều tất yếu sẽ xảy ra.

Dự đoán về sức mua cuối năm nay, Tiến sĩ Đinh Thế Hiển cho rằng, năm nay rất nhiều doanh nghiệp ở nhiều lĩnh vực gặp khó khăn vì thế các doanh nghiệp có thể không có tháng lương thứ 13 cho người lao động. Từ đó, dẫn đến việc nhu cầu tiêu dùng dịp cuối năm của người lao động sẽ bị hạn chế hơn.

“Hàng hoá thiết yếu có thể bán được, nhưng hàng hoá về dịch vụ sẽ bị hạn chế. Vì thu nhập của người dân đang bị khó khăn, nên sức mua sắm sẽ giảm bớt và chỉ tập trung mua các loại hàng hoá cần phải có vào dịp Tết”, Tiến sĩ Đinh Thế Hiển chia sẻ.

Liên quan đến vấn đề giá cả hàng hoá tăng cao, trong cuộc họp báo mới đây, bà Nguyễn Thị Kim Ngọc, Phó giám đốc Sở Công thương thành phố Hồ Chí Minh cho biết, giá cả các mặt hàng lương thực, thực phẩm, tươi sống tại các hệ thống siêu thị nhìn chung vẫn ổn định. Tuy nhiên, vẫn có một số mặt hàng tăng giá như dầu ăn, đường, xăng dầu, gas….

Bà Ngọc cho rằng, tình hình giá cả của các mặt hàng này đã có sự biến động trên toàn thế giới, kéo theo sự tăng giá trong nước. Bên cạnh đó, cũng có những nguyên nhân khác như chi phí vận chuyển, chi phí phòng chống dịch tăng cũng khiến giá các mặt hàng tăng.

Trên cơ sở đó để bình ổn giá và thực hiện các giải pháp trong giai đoạn tới, Phó gám đốc Sở Công thương cho biết đơn vị sẽ đẩy mạnh triển khai nhiều chương trình khuyến mãi, bình ổn giá và kết nối hàng hoá giữa thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh thành khác. Ngoài ra, hiện nay các doanh nghiệp đã bắt đầu tổ chức sản xuất trở lại, do đó hàng hoá sẽ được cung cấp đầy đủ ra thị trường, góp phần hạ nhiệt và từ đó kéo theo sự ổn định về giá cả.

“Sở Công thương thành phố Hồ Chí Minh sẽ có kiến nghị đến Bộ Công Thương sử dụng quỹ bình ổn xăng dầu để kéo mặt bằng giá cả trở về trong điều kiện bình thường mới”, bà Ngọc cho biết.

Minh Tuấn

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này