Dấu ấn sau 2 năm công an chính quy về các xã, thị trấn tại Hà Nội – Kỳ 2: Hiệu quả từ mô hình nhân dân tự quản

14:33 | 20/11/2021
(LĐTĐ) Nhờ tập hợp được các thành viên tâm huyết, nhiệt tình, hiểu biết, tinh thần trách nhiệm cao cùng với những hành động thiết thực “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin” các mô hình “Tổ nhân dân tự quản”, “Tiểu khu an toàn” về an ninh, trật tự trên địa bàn nhiều xã, thị trấn đã hoạt động hiệu quả, có sức sống bền vững trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, góp phần quan trọng vào công tác bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương.
Dấu ấn sau 2 năm công an chính quy về các xã, thị trấn tại Hà Nội – Kỳ 1: Những “luồng gió mới” từ cơ sở

Bám sát đến từng địa bàn dân cư

Vượt qua quãng đường hơn 50km từ trung tâm Thành phố, chúng tôi tìm về xã Xuân Sơn (thị xã Sơn Tây, Hà Nội). Chuẩn bị vào những tháng cuối năm, những ngày ngày, lực lượng công an xã Xuân Sơn càng bận rộn với việc đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn. Tiếp chúng tôi tại trụ sở của Ủy ban nhân dân xã, Thiếu tá Nguyễn Quang Ninh - Trưởng Công an xã Xuân Sơn vẫn đang tất bật kiểm tra, rà soát lại các nguồn thông tin, vấn đề xảy ra trên địa bàn để bố trí cán bộ, công an xử lý kịp thời.

Thiếu tá Nguyễn Quang Ninh cho biết, đặc điểm của xã Xuân Sơn là nằm ở phía Tây Bắc thị xã Sơn Tây, tiếp giáp với 3 xã của huyện Ba Vì, 2 xã 1 phường của thị xã Sơn Tây. Trên địa bàn xã có 2 cơ sở xử lý rác của Thành phố, 1 cơ sở cai nghiện, 4 trường quân đội đóng quân. Toàn xã hiện có 9 thôn xóm, 1 tổ dân phố và 1 khu dân cư với số dân 2.248 hộ, 8.344 nhân khẩu, người dân ở đây vốn sinh sống bằng sản xuất nông nghiệp là chính. Những năm gần đây, Xuân Sơn được đánh giá có những bước phát triển mới về kinh tế nên vùng quê này đã có những bước đổi thay, tuy nhiên kéo theo đó là phát sinh những vấn đề an ninh trật tự.

Dấu ấn sau 2 năm công an chính quy về các xã, thị trấn tại Hà Nội – Kỳ 2: Hiệu quả từ mô hình nhân dân tự quản
Công an xã Xuân Sơn cùng với thành viên trong Tổ nhân dân tự quản thường xuyên trao đổi thông tin về tình hình an ninh trật tự trên địa bàn

"Lực lượng công an chính quy về xã từ tháng 12/2019. Vượt qua những khó khăn về cơ sở vật chất, điều kiện sinh hoạt, lực lượng Công an xã đã tích cực bám địa bàn, bám dân, triển khai toàn diện các nội dung công tác một cách bài bản, tạo nên sự đổi mới về công tác bảo đảm an ninh trật tự ở cơ sở. Trong đó, phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trên địa bàn đã có những bước phát triển mới với nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo, hiệu quả. Điển hình là mô hình “Tổ nhân dân tự quản” về an ninh, trật tự với khoảng 2 năm hoạt động tích cực và hiệu quả", Thiếu tá Nguyễn Quang Ninh chia sẻ.

Bắt đầu từ đầu năm 2020, mô hình “Tổ nhân dân tự quản” về an ninh, trật tự gắn với công tác phòng, chống tội phạm, phòng chống ma túy, giữ gìn an ninh trật tự ở cơ sở được triển khai đến từng thôn, tổ dân phố. Thành viên của “Tổ nhân dân tự quản” bao gồm: Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn, Trưởng ban Công tác Mặt trận, Chi hội phụ nữ, Cựu chiến binh… Theo đó, khi có vấn đề, người dân sẽ báo tin cho thành viên của các “Tổ nhân dân tự quản”.

Dấu ấn sau 2 năm công an chính quy về các xã, thị trấn tại Hà Nội – Kỳ 2: Hiệu quả từ mô hình nhân dân tự quản
Công an xã Xuân Sơn phối hợp với Tổ tự quản tuần tra, phòng, chống Covid-19.

Các nội dung hoạt động chính là tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương; tham gia giải quyết mâu thuẫn trong nội bộ ngay tại khu dân cư; vận động nhân dân tích cực tham gia công tác phòng, chống tội phạm và tệ nạn ma túy; cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù, người sau cai nghiện ma túy tái hòa nhập cộng đồng; phối hợp cảnh sát khu vực, công an xã tuần tra canh gác, bảo đảm an ninh, trật tự nơi cư trú…

“Các thành viên của Tổ sẽ tự phân loại thông tin, vụ việc gì liên quan đến an ninh trật tự có dấu hiệu tội phạm thì sẽ ngay lập tức báo cáo công an, còn vụ việc vợ chồng cãi chửi nhau, mâu thuẫn đơn giản thì nhóm tự quản sẽ vận động, tuyên truyền nhân dân. Nhờ vậy, trong thời gian qua, các Tổ tự quản đã hỗ trợ Công an xã xử lý, giảm bớt được nhiều đầu việc ngay từ cơ sở”, Trưởng Công an xã Xuân Sơn cho biết.

Lấy nhân dân làm nòng cốt

Đến nay, sau gần 2 năm thực hiện chuyên đề “Tổ nhân dân tự quản” về an ninh trật tự, trên địa bàn xã Xuân Sơn cơ bản không có các vụ trọng án xảy ra, không có các vụ phạm pháp hình sự mang tính chất nghiêm trọng. Quá trình hoạt động, các Tổ tự quản đã cung cấp cho lực lượng chức năng nhiều phiếu tố giác, phát giác tội phạm; trong đó có nhiều tin có giá trị, giúp lực lượng công an phát hiện, đấu tranh, xử lý các vụ án về hình sự, xử lý nhiều đối tượng phạm pháp hình sự, ma túy…

Đối với tệ nạn ma túy, Công an xã phối hợp với các "Tổ nhân dân tự quản" vận động, đưa 2 đối tượng vào quản lý giáo dục tại xã, phường. Lập, quản lý các hồ sơ, đối tượng tù cho hưởng án treo, đối tượng cải tạo không giam giữ, đối tượng tù tha, cảm hóa giáo dục 62 lượt đối tượng tại trụ sở, 25 lượt đối tượng tại gia đình…

Dấu ấn sau 2 năm công an chính quy về các xã, thị trấn tại Hà Nội – Kỳ 2: Hiệu quả từ mô hình nhân dân tự quản
Quá trình hoạt động, các Tổ tự quản đã cung cấp cho lực lượng chức năng nhiều thông tin tố giác quan trọng

Anh Vũ Văn Cường, Công an viên bán chuyên trách (thôn Xuân Khanh, xã Xuân Sơn) tham gia “Tổ nhân dân tự quản” ngay từ khi mới bắt đầu thành lập. Cũng như 8 thành viên khác của “Tổ nhân dân tự quản” thôn Xuân Khanh, hằng ngày, anh Cường vẫn tham gia lao động, sản xuất và nắm bắt hoạt động trật tự trên địa bàn để kịp thời báo cáo về Công an xã.

“Kể từ khi lực lượng công an chính quy về xã, tôi thấy bộ mặt nông thôn đã có nhiều thay đổi khác biệt. Từ khi thành lập “Tổ nhân dân tự quản”, các vấn đề an ninh trật tự được đảm bảo hơn. Các thành viên trong Tổ thường xuyên phối hợp với Công an xã quản lý các đối tượng vi phạm pháp luật tại địa bàn. Đặc biệt, chúng tôi sẽ chủ động phân loại vấn đề để giải quyết nhiều vụ việc ngay từ cơ sở”, anh Cường chia sẻ.

Còn tại thị trấn Phú Minh (huyện Phú Xuyên), ngay khi công an xã được đưa về địa phương, dưới sự quan tâm, lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, trong đó lực lượng công an giữ vai trò nòng cốt, nhân dân là chủ thể của phong trào, mô hình “Tiểu khu an toàn về an ninh, trật tự”, thị trấn Phú Minh đã trở thành một phong trào thực sự là của nhân dân, do nhân dân xây dựng, vì nhân dân phục vụ và nhân dân được hưởng thành quả.

Bà Phùng Thị Yên, Bí thư Chi bộ - Trưởng ban Công tác mặt trận tiểu khu Phú Thịnh (thị trấn Phú Minh) cho biết, Tiểu khu Phú Thịnh có địa bàn rộng nhất trong thị trấn. Những năm qua, sau khi phối hợp cùng Công an xã triển khai mô hình “Tiểu khu an toàn về an ninh, trật tự” đã có nhiều sự thay đổi tích cực. Cụ thể, tình hình an ninh trật tự có sự tiến bộ rõ nét, các hành vi vi phạm xã hội giảm đáng kể.

“Trong 2 năm qua, các đồng chí công an đã xuống tận địa bàn nắm bắt tình hình, triển khai hiệu quả các công tác, trong đó hướng dẫn người dân thực hiện mô hình “Tiểu khu an toàn về an ninh, trật tự”, lấy người dân làm chủ thể. Ngay tại tiểu khu, Ban Công tác mặt trận phối hợp với các Trưởng tiểu khu, Hội phụ nữ… thường xuyên tuyên truyền, vận động, hòa giải các vấn đề phát sinh từ cơ sở. Hằng năm, vận động các gia đình ký cam kết thực hiện gia đình văn hóa, đảm bảo an ninh trật tự”, bà Phùng Thị Yên cho biết.

Điểm mới trong mô hình “Tiểu khu an toàn về an ninh, trật tự” là mỗi đơn vị phát huy “5 tự quản”: Tự quản từ gia đình, tự quản từ dòng họ, từ xóm làng, tự quản từ tiểu khu… Hàng năm, tiểu khu Phú Thịnh đều bình chọn, bình xét gia đình văn hóa. Đặc biệt, với việc phát huy vai trò “5 tự quản”, trong chi bộ Đảng tiểu khu Phú Thịnh đã phân đảng viên kết hợp trưởng xóm để theo dõi, tuyên truyền sâu sát đến từng người dân.

Dấu ấn sau 2 năm công an chính quy về các xã, thị trấn tại Hà Nội – Kỳ 2: Hiệu quả từ mô hình nhân dân tự quản
Một buổi rà soát tình hình an ninh trật tự tại thôn Ngọc Hồi hàng tháng (Ảnh chụp trước thời điểm có dịch Covid-19)

Ngoài ra, trong mô hình nhân dân tự quản, có thể kể đến tại xã Ngọc Hồi (huyện Thanh Trì). Những năm qua, dưới sự chỉ đạo của Công an xã Ngọc Hồi, Công an huyện Thanh Trì, xã Ngọc Hồi đã thực hiện nghiêm túc chuyên đề “Rà soát tình hình an ninh trật tự tại các thôn hàng tháng” với những biện pháp phù hợp, hiệu quả. Thành phần tham gia gồm: các đồng chí cán bộ thôn, lãnh đạo Đảng ủy, Ủy ban nhân dân xã, đại diện Công an xã, Công an huyện…

Ông Nguyễn Huy Điển - Trưởng thôn Ngọc Hồi (xã Ngọc Hồi) cho biết, nội dung của công tác rà soát bao gồm: Kiểm điểm, đánh giá kết quả các công việc thực hiện trong buổi rà soát tháng trước, những việc chưa làm và phải tìm ra nguyên nhân; thông báo tình hình an ninh, trật tự xảy ra và các vấn đề cần chú ý trong tháng trên địa bàn huyện, xã, thôn, cụm dân cư; rà soát từng đối tượng trong diện quản lý trên địa bàn, rà soát tất các các vấn đền liên quan đến an ninh trật tự… Từ đó thống nhất đề ra công việc, kiến nghị, đề xuất huyện, xã giải quyết theo thẩm quyền, phân công tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm giải quyết từng việc thuộc thẩm quyền của thôn, cụm dân cư.

Thời gian qua, nhằm phát huy sức mạnh toàn dân, tiếp tục nâng cao vai trò của tự quản của người dân về an ninh trật tự, công an các xã, thị trấn trên đề bàn Hà Nội luôn đề cao việc phối hợp, hướng dẫn người dân cùng tham gia tuyên truyền giáo dục, pháp luật; trực tiếp giải quyết các vụ việc trong nội bộ nhân dân; phát động phong trào toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc để làm sao người dân tin tưởng lực lượng công an.

K.Tiến - H.Duy - M.Phương

(Còn nữa)

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này