Xác định rõ các nguyên nhân khiến công tác thi hành pháp luật vẫn còn hạn chế

20:36 | 19/11/2021
(LĐTĐ) Ngày 19/11, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu đã chủ trì cuộc họp với một số Bộ, ngành góp ý dự thảo Báo cáo chuyên đề của Chính phủ về công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật đến năm 2030, định hướng đến năm 2045, đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền.
Các chuyên gia góp ý về Chiến lược hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật Ngành Tư pháp phát huy vai trò “nhạc trưởng” trong việc tham mưu xây dựng và thi hành pháp luật

Dự thảo Báo cáo đã tập trung đánh giá những kết quả đạt được và những hạn chế, bất cập của hệ thống pháp luật trên các lĩnh vực: tổ chức và hoạt động của các cơ quan hành chính Nhà nước, pháp luật về cán bộ, công chức, công vụ; bảo đảm quyền con người, quyền tự do, dân chủ của công dân; thể chế kinh tế thị trường; giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu; văn hóa, thể thao, du lịch, thông tin truyền thông, y tế và an sinh xã hội; quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội; hội nhập quốc tế.

Đồng thời, đánh giá những kết quả đạt được trong công tác ban hành văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết; công tác rà soát, hệ thống hóa, pháp điển hóa pháp luật; công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, phát triển hệ thống thông tin pháp luật, trợ giúp pháp lý,…

Xác định rõ các nguyên nhân khiến công tác thi hành pháp luật vẫn còn hạn chế
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu chủ trì cuộc họp.

Bên cạnh đó, Dự thảo Báo cáo cũng nêu quan điểm, mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật đến năm 2030, định hướng đến năm 2045. Trong đó, đánh giá các yếu tố tác động đến công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật trong tình hình mới.

Giải pháp chung bao gồm: Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật; gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật; các giải pháp về điều kiện bảo đảm.

Nhóm nhiệm vụ, giải pháp về xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật gồm: nhóm giải pháp nhằm bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, nâng cao tính khả thi và hiệu quả; chất lượng của công tác dự báo trong xây dựng pháp luật; nhóm giải pháp tiếp tục đổi mới, hoàn thiện quy trình, cách thức xây dựng pháp luật.

Còn nhóm nhiệm vụ, giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả của công tác tổ chức thi hành pháp luật gồm: đổi mới và nâng cao chất lượng công tác ban hành văn bản; công tác phổ biến pháp luật, phát triển hệ thống thông tin pháp luật, trợ giúp pháp lý, tăng cường khả năng tiếp cận của người dân đối với hệ thống pháp luật…

Phát biểu kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu yêu cầu Bộ Tư pháp phối hợp với các Bộ, ngành rà soát kỹ để đảm bảo thống nhất các nội dung và điều chỉnh cơ cấu của Dự thảo báo cáo cho hợp lý.

Đồng thời, Báo cáo phải cân đối giữa nội dung về xây dựng, hoàn thiện pháp luật với tổ chức thi hành pháp luật, trong đó, xác định rõ các nguyên nhân khiến công tác thi hành pháp luật vẫn còn hạn chế; đánh giá sát bối cảnh, mục tiêu, quan điểm để có giải pháp phù hợp cho từng giai đoạn từ nay đến năm 2030 và giai đoạn 2031-2045.

Phương Thảo

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này