Lạm dụng phụ gia thực phẩm: Nguy hại khôn lường

08:10 | 19/11/2021
Không có giá trị dinh dưỡng nhưng đã từ lâu phụ gia thực phẩm được các bà nội trợ ưa dùng để làm tăng độ đẹp mắt, độ giòn ngon, sức hấp dẫn của đồ ăn... Tuy nhiên, việc sử dụng phụ gia thực phẩm sai cách, quá liều lượng, hoặc sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ tiềm ẩn nguy cơ gây bệnh, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng.
Kiểm soát chặt chẽ tình trạng buôn bán, sử dụng phụ gia thực phẩm Những phụ gia thực phẩm cần cảnh giác
Lạm dụng phụ gia thực phẩm: Nguy hại khôn lường
Các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo không nên lạm dụng gia vị chế biến sẵn, đặc biệt là phải thận trọng với những sản phẩm trôi nổi.

Mối nguy khó nhận ra

Hằng ngày, không ít cửa hàng ăn uống, quán ăn vỉa hè bày bán các loại thực phẩm với màu sắc bắt mắt, hương thơm vô cùng hấp dẫn, khiến mọi người khi nhìn thấy đều muốn thưởng thức. Tuy nhiên, để có được sự hấp dẫn này, nhiều chủ quán đã sử dụng các loại phẩm màu, chất bảo quản, chất tạo mùi không rõ nguồn gốc, gây nguy hại cho sức khỏe. Đặc biệt, trên thị trường, các loại hương liệu, phụ gia rất đa dạng về chủng loại, tồn tại dưới dạng bột, viên hoặc nước. Chỉ cần có nhu cầu, người tiêu dùng có thể dễ dàng tìm mua các chất phụ gia này. Chị Nguyễn Thị Hương, chủ quán cà phê trên phố Cống Vị, Ba Đình, cho hay, khi pha chế đồ uống cho khách, chị hay cho thêm các loại siro hương liệu như vani, sầu riêng, cà phê, ca cao... để tăng thêm mùi thơm cho đồ uống.

Trên thực tế, nhu cầu sử dụng phụ gia thực phẩm ở Việt Nam rất lớn nhưng số sản phẩm phụ gia thực phẩm được sản xuất trong nước mới chỉ chiếm số lượng khiêm tốn trong tổng lượng phụ gia thực phẩm tiêu thụ trên thị trường, đa số là hàng nhập khẩu. Trong số sản phẩm nhập khẩu, chỉ một số ít là hàng nhập khẩu chính ngạch, còn lại là nhập lậu. Việc nhập lậu làm cho thị trường Việt Nam xuất hiện hàng loạt chất phụ gia thực phẩm trôi nổi, không hóa đơn chứng từ, không được kiểm định chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hạn sử dụng. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến nguy cơ mất an toàn thực phẩm ở Việt Nam.

Bên cạnh đó, có rất nhiều trường hợp sử dụng phụ gia thực phẩm để làm giả thực phẩm như biến thịt trâu thành thịt bò hoặc thịt lợn thành thịt bò nhằm lừa dối người tiêu dùng, thu lợi bất chính. Nhiều nơi còn cho thêm vào đó chất sodium metalbisulfite - một loại phụ gia thực phẩm chỉ được sử dụng trong nhóm rau quả, tinh bột, không được phép dùng trong sản phẩm thịt, nên dù thịt trâu bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm nhưng sau khi được xử lý bằng chất cấm này sẽ gây nguy hại cho người dùng. Chưa kể, vì lợi nhuận, nhiều người kinh doanh đã đem hạt ngô rang đen rồi xay, cho thêm màu caramel, hương cà phê, chất tạo đắng, chất tạo độ dính, chất chống mốc, chất chống vón... để tạo ra sản phẩm cà phê hấp dẫn mà không cần có hạt cà phê...

Theo Ủy ban Tiêu chuẩn hóa thực phẩm quốc tế (Codex Alimentarius Commission - CAC), phụ gia thực phẩm là một chất, có thể có hoặc không có giá trị dinh dưỡng, được bổ sung vào thực phẩm nhằm phục vụ chế biến, bao gói, bảo quản, vận chuyển thực phẩm hoặc để cải thiện kết cấu, đặc tính kỹ thuật của thực phẩm đó. Theo các chuyên gia y tế, nếu sử dụng đúng loại, đúng liều lượng, các phụ gia thực phẩm có tác dụng tích cực, tạo ra nhiều sản phẩm phù hợp với sở thích và khẩu vị của người tiêu dùng; giữ được chất lượng toàn vẹn của thực phẩm cho tới khi sử dụng; tạo sự dễ dàng trong sản xuất, chế biến thực phẩm và làm tăng giá trị thương phẩm; kéo dài thời gian sử dụng của thực phẩm. Ngược lại, nếu sử dụng phụ gia thực phẩm không đúng liều lượng, không đúng chủng loại, nhất là những phụ gia không được phép dùng trong thực phẩm thì sẽ gây hại cho sức khỏe như gây ngộ độc cấp tính nếu dùng quá liều cho phép; gây ngộ độc mạn tính khi dùng liều lượng nhỏ nhưng thường xuyên, liên tục. Theo đó, một số phụ gia thực phẩm tích lũy trong cơ thể sẽ gây tổn thương lâu dài, đặc biệt là khi dùng phụ gia thực phẩm bị cấm. Việc tích tụ quá lượng phụ gia thực phẩm có thể khiến người dùng ăn không ngon, giảm cân, tiêu chảy, rụng tóc, suy thận mạn tính, da xanh, động kinh, trí tuệ giảm sút, thậm chí có nguy cơ hình thành khối u, ung thư, đột biến gen, gây quái thai ở phụ nữ mang thai.

Không dùng quá liều lượng được phép

Theo quy định tại Phụ lục 1 Thông tư số 27/2012/TT-BYT của Bộ Y tế thì Việt Nam cho phép sử dụng 400 loại phụ gia thực phẩm. Việc sử dụng các phụ gia thực phẩm nằm ngoài danh mục này là hết sức nguy hiểm cho sức khỏe con người, vì đó có thể là những chất đã bị cấm sử dụng hoặc là những chất phụ gia chưa có kết luận thử nghiệm, chưa đảm bảo an toàn cho con người.

Để đảm bảo an toàn khi sử dụng phụ gia thực phẩm, theo ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, các phụ gia thực phẩm trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường phải được tiến hành kiểm nghiệm chất lượng để làm thủ tục công bố tại Cục An toàn thực phẩm. Theo đó, các tổ chức, cá nhân muốn kinh doanh phụ gia thực phẩm thì phải gửi hồ sơ xin công bố chất lượng phụ gia thực phẩm lên Cục để được phê duyệt, phụ gia thực phẩm đảm bảo an toàn sẽ được Cục cấp giấy chứng nhận công bố chất lượng và được lưu hành tự do trên thị trường.

Tuy vậy, thực tế cho thấy hiện danh mục phụ gia thực phẩm ở trong nước và quốc tế đang có sự “vênh” nhau. Chẳng hạn, vừa qua EU đã cấm lưu hành và sử dụng phụ gia thực phẩm E171 có chứa các hạt nano titanium dioxide chủ yếu được dùng để làm trắng và tạo độ sáng trong đồ ngọt, kẹo cao su, nước xốt màu trắng và bột đường làm bánh. Nhưng tại Việt Nam, theo danh mục phụ gia thực phẩm được phép sử dụng trong thực phẩm ban hành kèm Thông tư số 24/2019/TT-BYT ngày 30-8-2019 của Bộ Y tế, titanium dioxide E171 là phụ gia thực phẩm được phép sử dụng trong thực phẩm.

Để sử dụng phụ gia thực phẩm an toàn, GS.TS Nguyễn Hữu Đức, nguyên Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội khuyến cáo: Việc sử dụng phụ gia thực phẩm trong sản xuất, chế biến thực phẩm phải tuân thủ các nguyên tắc, sử dụng đúng loại phụ gia thực phẩm trong danh mục, đúng đối tượng, đúng hàm lượng theo quy định của Bộ Y tế. Các phụ gia thực phẩm phải đảm bảo có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, còn thời hạn sử dụng và phải đáp ứng yêu cầu về an toàn theo quy chuẩn và tiêu chuẩn Việt Nam tương ứng.

Khi chọn mua thực phẩm, người tiêu dùng nên lưu ý lựa chọn các sản phẩm có dán nhãn, niêm yết giá rõ ràng, không nên ham rẻ mà mua hàng không rõ nguồn gốc. Nhãn mác phải có đầy đủ thông tin như: Tên hàng hóa, địa chỉ sản xuất, hướng dẫn sử dụng, thời hạn bảo quản...; hàng hóa nhập khẩu phải có nhãn phụ ghi những thông tin thuộc nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt đính kèm nhãn gốc.

Ðối với thực phẩm đã chế biến, người tiêu dùng nên chọn những sản phẩm có ghi rõ nguồn gốc, xuất xứ, hạn sử dụng và có ghi chú về chất phụ gia; chỉ nên sử dụng các phụ gia thực phẩm thuộc loại tự nhiên và phụ gia thực phẩm đã được nghiên cứu kỹ lưỡng về độ an toàn khi đưa vào cơ thể. Với những loại phụ gia thực phẩm là hóa chất, ngay cả khi đã được cho phép thì cũng nên dùng càng ít càng tốt; nếu không thật sự cần thiết thì không dùng.

Theo Mộc An/hanoimoi.com.vn

http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Suc-khoe/1017547/lam-dung-phu-gia-thuc-pham-nguy-hai-khon-luong

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này