Thực hiện hiệu quả công tác người Việt Nam ở nước ngoài:

Kỳ cuối: Nâng cao hiệu quả công tác về người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới

18:45 | 18/11/2021
(LĐTĐ) Để tiếp tục thực hiện tốt, hiệu quả hơn Nghị quyết 36, Chỉ thị 45 về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN), Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 12-KL/TW về công tác NVNONN trong tình hình mới. Sự ra đời của Kết luận vào thời điểm này mang nhiều ý nghĩa quan trọng, góp phần đưa công tác đi vào chiều sâu và hiệu quả.
Kỳ 2: Đi đâu cũng hướng về quê hương Kỳ 1: Phát huy vai trò của người Việt Nam ở nước ngoài

Sự cần thiết của Kết luận 12-KL/TW

Đại hội Đảng lần thứ XIII thành công tốt đẹp đã mở ra một giai đoạn phát triển mới với khát vọng lớn lao, đó là xây dựng một đất nước hùng cường, thịnh vượng, nhân dân hạnh phúc. 5 năm tới là giai đoạn then chốt trong việc thực hiện các mục tiêu do Đại hội XIII của Đảng đề ra. Trong bối cảnh đó, cần huy động mọi nguồn lực, trong đó có nguồn lực của NVNONN nhằm hiện thực hóa khát vọng và tầm nhìn phát triển đất nước. Nghị quyết Đại hội Đảng XIII nhấn mạnh việc “phát triển mạng lưới kết nói nhân tài người Việt Nam, thu hút sự tham gia đóng góp của cộng đồng các nhà khoa học NVNONN”, “xây dựng, triển khai các chương trình cụ thể để thu hút và phát huy có hiệu quả các nhà khoa học, chuyên gia giỏi là người nước ngoài và NVNONN”.

Bên cạnh những thuận lợi, cộng đồng kiều bào cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Cuộc sống của một bộ phận NVNONN tại một số địa bàn vẫn còn nhiều khó khăn, địa vị pháp lý chưa vững chắc, nhiều nước ngày càng thắt chặt chính sách di trú, cư trú hoặc có chính sách phân biệt đối xử đối với ngoại kiều. Cùng với đó, do tác động nghiêm trọng của đại dịch Covid-19, công ăn việc làm, việc học tập, đi lại của NVNONN tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Các hội đoàn truyền thống gặp khó trong việc duy trì và mở rộng hoạt động, xây dựng và phát triển lớp trẻ kế cận. Xu hướng trẻ hóa cơ cấu, thành phần cộng đồng NVNONN cũng đặt ra thách thức về việc mai một dần các giá trị truyền thống và ngôn ngữ dân tộc... Những khó khăn, thách thức của cộng đồng tiếp tục đặt ra những yêu cầu trong công tác hỗ trợ cộng đồng NVNONN giai đoạn tiếp theo.

Kỳ cuối: Nâng cao hiệu quả công tác về người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới
Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện để kiều bào đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Xuất phát từ những bài học kinh nghiệm sâu sắc được đúc rút trong quá trình triển khai, trong bối cảnh mới của thế giới, trong nước và cộng đồng kiều bào ta ở nước ngoài, ngày 12/8/2021, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 12-KL/TW về công tác NVNONN trong tình hình mới (Kết luận 12). Sự ra đời của Kết luận vào thời điểm này mang nhiều ý nghĩa quan trọng, góp phần đưa công tác đi vào chiều sâu và hiệu quả.

Tiếp tục thể hiện tình cảm và trách nhiệm sâu sắc với kiều bào

Kết luận số 12 có ý nghĩa hết sức quan trọng. Một là, khẳng định chủ trương, chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước về củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc, trong đó cộng đồng NVNONN có quan hệ gắn bó máu thịt với cội nguồn dân tộc và là bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam; khơi dậy và phát huy mạnh mẽ sức mạnh toàn dân, bao gồm cả trí lực và vật lực của đồng bào ta ở nước ngoài, đóng góp vào công cuộc xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Hai là, cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của Nghị quyết Đại hội XIII và Nghị quyết 36-NQ/TW ngày 26/3/2004 của Bộ Chính trị về công tác đối với NVNO (Nghị quyết 36) và Chỉ thị số 45-CT/TW ngày 19/5/2015 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 36 (Chỉ thị 45), góp phần thực hiện toàn diện và mạnh mẽ hơn công tác về NVNONN trong tình hình mới.

Ba là, tiếp tục thể hiện rõ nét tình cảm và trách nhiệm của Đảng và Nhà nước trong việc chăm lo cho đồng bào ta ở nước ngoài, đáp ứng các nguyện vọng, mong mỏi chính đáng của kiều bào nhằm tạo ra động lực khích lệ bà con nỗ lực vươn lên, hướng tới một cuộc sống tốt đẹp, phát huy mọi tiềm năng, thế mạnh và khơi dậy tinh thần yêu nước thương nòi.

Về quan điểm chỉ đạo, Bộ Chính trị yêu cầu tiếp tục thực hiện tốt và hiệu quả hơn Nghị quyết 36 và Chỉ thị 45 về công tác đối với NVNONN, đồng thời nhấn mạnh: Việc thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp trong tình hình mới phải thể hiện rõ hơn tình cảm và trách nhiệm của Đảng, Nhà nước trong việc chăm lo cho cộng đồng NVNONN, đồng thời tiếp tục khuyến khích, tạo điều kiện để đồng bào hướng về quê hương.

Kết luận 12 nêu rõ, phải tiếp tục nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm trong việc thực hiện chủ trương đại đoàn kết. Nhấn mạnh việc vận động hướng tới đối tượng kiều bào trẻ, đồng thời tiếp tục coi trọng, quan tâm hỗ trợ và phát huy vai trò của các lực lượng nòng cốt, những người có uy tín, ảnh hưởng trong cộng đồng. Đối với những kiều bào còn định kiến, trên cơ sở kế thừa những quan điểm nêu trong Nghị quyết 36 và Chỉ thị 45, Kết luận 12 nhấn mạnh việc kiên trì vận động đề giúp kiều bảo củng cố niềm tin, nhận thức và hành động phù hợp với lợi ích quốc gia - dân tộc.

Tiếp đó là việc hỗ trợ NVNONN có địa vị pháp lý vững chắc, ổn định cuộc sống ở sở tại. Từ trước tới nay, công tác về NVNONN đã được triển khai trên nhiều mặt trận nhằm giải quyết các vấn đề còn tồn tại trong cộng đồng kiều bào. Trước yêu cầu và kỳ vọng cao hơn đối với công tác này, hướng tới các biện pháp mang tính bài bản, dài hạn trong việc chăm lo, hỗ trợ cộng đồng trong giai đoạn mới, Mục tiêu đặt ra là giúp bà con có địa vị pháp lý vững chắc, ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế, tuân thủ pháp luật và hội nhập thuận lợi vào xã hội sở tại.

Về việc phát huy nguồn lực của NVNONN, Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện để kiều bào đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Những giải pháp trọng tâm được đưa ra gồm: tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, cải cách thủ tục hành chính và triển khai đồng bộ các chính sách liên quan đến NVNONN về nước làm việc, thường trú, đầu tư, sản xuất, kinh doanh... Giải quyết nhu cầu chính đáng của kiều bào ta liên quan đến quốc tịch phù hợp với quy định của Hiến pháp, pháp luật và tinh thần của Nghị quyết 36. Hoàn thiện cơ chế tiếp nhận, xử lý, phản hồi, vận dụng và phát huy hiệu quả các sáng kiến, ý kiến đóng góp của trí thức, chuyên gia và doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài.

Về việc giữ gìn tiếng Việt, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm gồm: hợp tác với nước sở tại, đổi mới, nâng cao hiệu quả, phương thức tổ chức dạy và học tiếng Việt; thúc đẩy đưa tiếng Việt vào chương trình giảng dạy ở các cơ sở giáo dục tại các địa bàn có đông người Việt Nam sinh sống: nghiên cứu đầu tư, xây dựng trung tâm văn hóa của người Việt tại các địa bàn này; nghiên cứu lựa chọn Ngày Tôn vinh tiếng Việt hằng năm.

Về đổi mới nội dung, phương thức và tư duy về công tác thông tin đối ngoại hướng tới đồng bào ta ở nước ngoài đã được khẳng định trong Nghị quyết 36 và Chỉ thị 45 của Bộ Chính trị, song đến Kết luận 12, việc đổi mới đã được cụ thể hóa với 3 thành tố chính, đó là nội dung, phương thức và tư duy. Trong đó, đổi mới tư duy là quan trọng nhất. Về nội dung, cần chú trọng đưa đầy đủ, chính xác thông tin về tình hình đất nước, các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước tới bà con, kịp thời phản bác những luận điệu sai trái, không đúng sự thật; ngoài ra, phải đưa trúng và đúng những vấn đề mà kiều bào quan tâm, trăn trở. Về phương thức, cách làm cũng cần đổi mới hơn để nhanh hơn, đa dạng hơn và hiệu quả hơn, trong đó phát huy hiệu quả các phương tiện truyền thông của cộng đồng, để kiều bào sử dụng chính ngòi bút của mình, đưa ra những phản ánh khách quan về tình hình đất nước.

Về cơ chế phối hợp và tổ chức bộ máy làm công tác NVNONN gồm một số nhiệm vụ trọng tâm: hoàn thiện cơ chế phối hợp giữa các lực lượng tham gia công tác NVNONN; kiện toàn tổ chức bộ máy tỉnh gọn, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong công tác NVNONN; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng và rèn luyện đội ngũ cán bộ làm công tác NVNONN, trong đó chú trọng các bộ phận làm việc trực tiếp ở nước sở tại theo hướng sâu sát, thực chất, hiệu quả, kịp thời đáp ứng nguyện vọng chính đáng của cộng đồng - NVNONN. Ngăn chặn và phòng ngừa việc lợi dụng chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước ta đối với công tác NVNONN để trục lợi, chống phá đất nước, ảnh hưởng đến uy tín và lợi ích quốc gia - dân tộc.

P.Ngân

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này