Chiêu trốn thuế bằng việc chuyển giá

11:51 | 29/05/2014
LĐTĐ - Việc chuyển giá để trốn thuế của các doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) từ lâu không còn là chuyện xa lạ. Tuy nhiên, làm cách nào để vạch trần và xử lý tình trạng chuyển giá không đơn giản.

Lách luật bằng ....khai lỗ

Theo Thanh tra Tổng cục Thuế, hầu như DN  FDI nào bị kiểm tra cũng vi phạm về khai lỗ, trốn thuế. Mặc dù vậy, họ vẫn không ngừng đầu tư, mở rộng sản xuất tại thị trường Việt Nam. Nghịch lý này dường như là một thách thức.

Trong năm 2013, ngành thuế đã tập trung trong việc chống chuyển giá, mà trọng tâm là chống chuyển giá đối với DN FDI có giao dịch liên kết, liên tục khai lỗ nhưng vẫn đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh. Kết quả khảo sát và phân tích về hoạt động chuyển giá của các DN FDI tại Việt Nam năm 2013, nhóm nghiên cứu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) cho thấy, khoảng 20% DN FDI thực hiện việc chuyển lợi nhuận nhằm giảm thuế.

Đứng đầu danh sách bị nghi ngờ có chuyển giá là CocaCola Việt Nam. Sau gần 20 năm có mặt tại Việt Nam (từ 1993 - 2013), dù doanh thu cứ ngày một tăng nhưng chưa năm nào CocaCola có lãi. Theo Cục thuế TP. HCM, con số lỗ luỹ kế tính đến 30/9/2011 của DNnày đã lên tới 3.768 tỷ đồng, vượt cả số vốn đầu tư ban đầu là 2.950 tỷ đồng, trong khi doanh thu liên tục tăng từ 20-30%/năm. Với số lỗ như vậy, CocaCola Việt Nam đương nhiên chưa từng phải nộp thuế thu nhập. Theo phân tích của nhiều chuyên gia, hiện tượng của CocaCola rất đáng ngạc nhiên và hoàn toàn phi logic. Bình thường, một DN nếu 3 năm liền làm ăn thua lỗ thì chắc chắn sẽ phải đóng cửa. Trường hợp của CocaCola lại ngược lại, dù kinh doanh không có lợi nhuận, họ vẫn quyết định mở rộng sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam, nâng công suất từ 30 triệu thùng/năm lên 300-500 triệu thùng/năm.

Không chỉ CocaCola, PepsiCo Việt Nam cũng có những biểu hiện về chuyển giá. Theo số liệu, kể từ khi thành lập năm 1991 cho tới năm 2007, PepsiCo cũng lỗ liên tục (tới năm 2006 vẫn lỗ 122 tỷ đồng). Lỗ kéo dài từ năm 1991, nên trên bảng cân đối tài sản của PepsiCo, lỗ lũy kế tính đến ngày 31/12/2010 là 1.206 tỷ đồng. Mặc dù lời lãi chẳng được bao nhiêu nhưng cũng giống như CocaCola, PepsiCo vẫn liên tục khai trương các nhà máy mới ở Đồng Nai (45 triệu USD), mới đây nhất là tại Bắc Ninh (73 triệu USD), nâng tổng vốn đầu tư của “đại gia” này tại Việt Nam lên khoảng 500 triệu USD.

Nước sở tại thiệt đơn thiệt kép

Mánh khóe trốn thuế mà các DN như CocaCola, PepsiCo lợi dụng tại Việt Nam lâu nay là cố tình hạ giá bán xuống sát chi phí để bán được hàng. Các DN này phá giá cạnh tranh để “bóp nghẹt” các đối thủ Việt Nam. Thực tế cho thấy, lượng nhập khẩu nguyên liệu của các DN sản xuất trong nước chỉ chiếm khoảng hơn 30%, trong khi các DN FDI lên đến 70 – 80%.

Việc chuyển giá của một số DN FDI trước hết gây thiệt hại cho chính cổ đông công ty đó, đặc biệt là những cổ đông có phần vốn nhỏ hơn, thiếu kinh nghiệm thị trường và thường là các cổ đông trong nước. Nghiêm trọng hơn, chuyển giá thực chất là hành vi trốn thuế gây thất thu ngân sách nhà nước và làm méo mó môi trường đầu tư, kinh doanh của nước sở tại. Vì vậy, Nhà nước đã ban hành các quy định pháp luật để điều chỉnh hành vi chuyển giá, đến nay đã có Thông tư 66/2010/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện việc xác định giá thị trường trong giao dịch kinh doanh giữa các bên có quan hệ liên kết. Triển khai các văn bản này, hàng năm, ngành thuế đã thực hiện hàng nghìn cuộc thanh, kiểm tra. Thế nhưng, hầu hết các cuộc thanh tra, kiểm tra vừa qua chỉ dừng lại ở việc giảm lỗ, truy thu và phạt vi phạm về thuế, chứ chưa xử lý được hành vi chống chuyển giá.

Rõ ràng, nếu như nghi án chuyển giá hòng trốn thuế của các DN FDI như CocaCola Việt Nam, PepsiCo Việt Nam là sự thật thì với thị phần đồ uống được tiêu thụ lớn như hiện nay, có thể thấy số thuế mà DN này “né” được trong nhiều năm qua sẽ lên đến hàng nghìn tỷ đồng.

Lưu Hiệp

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này