Pháp luật về đầu tư, kinh doanh bất động sản du lịch còn nhiều khoảng trống

21:43 | 17/11/2021
(LĐTĐ) Trường Đại học Luật Hà Nội vừa tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề: “Chính sách, pháp luật về bất động sản du lịch - Những vấn đề đặt ra cho Việt Nam”.
Cuối năm, thời cơ “vàng” để du lịch và bất động sản nghỉ dưỡng cùng bứt phá Luật sư bày cách mua nhà ở hình thành trong tương lai

Hội thảo có sự góp mặt của hơn 30 chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực kinh tế, luật học và đặc biệt lĩnh vực kinh doanh bất động sản với đại diện Hiệp hội Bất động sản đến từ Hoa Kỳ, Singapore, Thái Lan, Indonesia và nhiều quốc gia khác.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Tiến sĩ Phan Chí Hiếu, Thứ trưởng Bộ Tư pháp đề nghị, trên cơ sở các tham luận, ý kiến, Ban tổ chức sẽ tổng hợp ý kiến, đề xuất các giải pháp tháo gỡ những bất cập của thị trường bất động sản du lịch. Từ đó, báo cáo các cơ quan có thẩm quyền để có những biện pháp phù hợp nhằm hoàn thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy sự phát triển của thị trường bất động sản du lịch, đóng góp tích cực vào sự tăng trưởng chung của nền kinh tế.

Tiến sĩ Đoàn Trung Kiên - Hiệu trưởng trường Đại học Luật Hà Nội cho rằng, những năm qua, phân khúc thị trường bất động sản du lịch phát triển vô cùng sôi động và ngoạn mục với nhiều sản phẩm bất động sản cao cấp ra đời như: Condotel, shophouse, shoptel, resort, homestay, farmstay… Tuy nhiên, chính sách, pháp luật về kinh doanh bất động sản du lịch chưa đầy đủ, thống nhất, đồng bộ đã và đang gây lúng túng cho công tác quản lý Nhà nước về thị trường bất động sản ở các địa phương và là “điểm nghẽn” cho hoạt động đầu tư kinh doanh ở phân khúc bất động sản này.

Pháp luật về đầu tư, kinh doanh bất động sản du lịch còn nhiều khoảng trống
Các chuyên gia bàn về chính sách, pháp luật về bất động sản du lịch

Vì vậy, để giúp các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh bất động sản “gượng dậy”, phát triển sau đại dịch Covid-19; để cải thiện môi trường đầu tư và nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về thị trường bất động sản thì việc bổ sung hoàn thiện chính sách, pháp luật về kinh doanh bất động sản du lịch là rất cần thiết.

Ông Đoàn Văn Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho hay, theo thống kê trên cơ sở các quy định hiện hành, trình tự thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất hiện được quy định trong khoảng 19 luật, bộ luật, 52 nghị định, 42 thông tư, 102 quy chuẩn và 936 tiêu chuẩn. Tuỳ từng loại dự án mà phải thực hiện thủ tục gồm từ 30 đến 54 bước với 38 đến 159 con dấu và thời gian quy định hoàn tất thủ tục khoảng 1 năm đến 1,5 năm. Việc vận hành dự án đòi hỏi chủ đầu tư có 3 giấy chứng nhận, 2 quyết định và 3 giấy phép…

“Quy trình đầu tư dự án bất động sản du lịch rất phức tạp, qua nhiều bước khác nhau và tổng thời gian cho toàn bộ quy trình thường không xác định được rõ ràng”, ông Bình nói.

Bên cạnh đó, theo ông Bình, chưa có chính sách thật sự phù hợp nhằm thúc đẩy sự phát triển của ngành du lịch và phân khúc bất động sản du lịch. Đồng thời, pháp luật về đầu tư, kinh doanh bất động sản du lịch còn nhiều khoảng trống, thủ tục đầu tư phức tạp, khiến doanh nghiệp mất nhiều thời gian, chi phí để hoàn thiện thủ tục đầu tư, vận hành dự án.

Pháp luật cũng chưa có quy định cụ thể về cơ chế quản lý, sử dụng đất vào mục đích hỗn hợp (vừa sử dụng làm đất ở, vừa sử dụng vào mục đích thương mại, dịch vụ và văn phòng) cũng như việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đối với loại hình bất động sản này. Bên cạnh đó, chưa có quy định, chính sách nhằm thu hút đầu tư nước ngoài vào bất động sản du lịch…

Vì vậy, ông Bình cho rằng, cần đánh giá và định vị lại chính sách thị trường du lịch nội địa trong 5 năm tới và chiến lược phát triển Du lịch Việt Nam đến năm 2030. Trong đó, về khung pháp lý, cần sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai năm 2013, Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quang Tuyến, Trưởng khoa Pháp luật Kinh tế, Trường Đại học Luật Hà Nội cũng cho rằng, để nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về kinh doanh bất động sản du lịch cần rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định có liên quan của Luật Đất đai năm 2013, Luật Nhà ở năm 2015 và Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014. Trong đó, cần rà soát, sửa đổi theo hướng bổ sung cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh bất động sản du lịch…

Phương Thảo

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này