Thực hiện hiệu quả công tác người Việt Nam ở nước ngoài:

Kỳ 2: Đi đâu cũng hướng về quê hương

16:27 | 17/11/2021
(LĐTĐ) Kiều bào ta ở nhiều nơi trên thế giới đã và đang hội nhập sâu rộng vào xã hội sở tại, kinh tế ngày càng ổn định, vững mạnh. Dù ở đâu, bà con cũng luôn có tấm lòng hướng về quê hương đất nước, mong muốn được đóng góp vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Những tín hiệu tích cực trong đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam Kỳ 1: Phát huy vai trò của người Việt Nam ở nước ngoài

Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài ngày càng lớn mạnh

Ðoàn kết, hướng về cội nguồn luôn là truyền thống quý báu của mọi người con đất Việt. Dù xa cách bao lâu, dù ở đâu, làm gì, dù khó khăn, gian khổ đến đâu, bà con kiều bào vẫn luôn hướng về quê hương, mong muốn được góp phần tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Cùng với sự phát triển và vị thế ngày càng cao của đất nước trên trường quốc tế, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài ngày càng lớn mạnh về số lượng và mở rộng hơn về địa bàn. Từ 4,5 triệu người ở 109 quốc gia và vùng lãnh thổ năm 2015, đến nay cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài có khoảng 5,3 triệu người sinh sống, làm việc trên 130 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Đại bộ phận đồng bào đã có địa vị pháp lý, ổn định cuộc sống và hội nhập sâu rộng vào xã hội sở tại. Người người Việt Nam ở nước ngoài ngày càng gắn bó với quê hương, các hội đoàn tiếp tục được củng cố và phát triển, góp phần tăng cường đoàn kết trong cộng đồng, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Kỳ 2: Đi đâu cũng hướng về quê hương
Người Việt Nam ở nước ngoài luôn hướng về quê hương. Ảnh: P.N

Cùng với đó, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đang đóng vai trò tích cực, là cầu nối quan hệ giữa Việt Nam với các nước. Những đóng góp của người Việt Nam ở nước ngoài trong đầu tư, thương mại, chuyển giao tri thức, công nghệ, kiều hối, từ thiện, nhân đạo... là nguồn lực quan trọng trong công cuộc xây đựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc. Nhiều doanh nghiệp người Việt đã liên kết, thúc đẩy thương mại, đưa hàng hóa Việt Nam ra thị trường quốc tế, quảng bá văn hóa và hình ảnh đất nước tới bạn bè thế giới.

Đến hết năm 2020, có 362 dự án đầu tư của kiều bào đang hoạt động tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký là 1,6 tỷ USD. Ngoài ra, có hàng nghìn doanh nghiệp có vốn góp của kiều bào. Tổng kiều hối từ 2015-2020 đạt 88,6 tỷ USD. Nhiều sáng kiến tập hợp, kết nối chuyên gia, trí thức người Việt tại các địa bàn đóng góp cho những vấn đề phát triển đất nước được đề xuất và triển khai như Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam...

Nhiều tổ chức của các chuyên gia, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài đã được thành lập tại Pháp, Thụy Sỹ, Nga, Nhật Bản, Singapore... như: Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global), Nhóm sáng kiến Việt Nam, Viện hàn lâm trẻ Việt Nam, Mạng lưới học thuật người Việt Nam tại Nhật... Ngày càng có nhiều nhà khoa học, doanh nhân, các văn nghệ sĩ, vận động viên kiều bào về nước sinh sống, làm việc, đầu tư, kinh doanh, hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao... Kiều bào cũng tích cực đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, quý báu vào các vấn đề cấp thiết trong quá trình phát triển đất nước như xây dựng Chính phủ kiến tạo, đô thị thông minh, chuyển đối số, khởi nghiệp sáng tạo... Cộng đồng có nhiều hoạt động thiết thực nhằm quảng bá các giá trị văn hóa dân tộc ra thế giới, thúc đẩy quan hệ giữa Việt Nam với các - nước và tổ chức.

Thời gian vừa qua, khi dịch Covid-19 bùng phát, mặc dù đời sống gặp nhiều khó khăn, nhưng kiều bào luôn đồng lòng, chia sẻ với đồng bào trong nước. Đến nay, kiều bào đã quyên góp hơn 60 tỷ đồng cùng nhiều trang thiết bị, vật phẩm y tế ủng hộ cho Quỹ vắc xin và công tác phòng, chống dịch ở trong nước. Nhiều kiều bào đã hợp tác trong nước để chuyển giao công nghệ, chia sẻ kinh nghiệm phòng, chống dịch, nghiên cứu và thử nghiệm vắc xin, dành cơ sở vật chất của mình tại Việt Nam cho địa phương làm nơi cách ly tập trung người nhiễm bệnh. Kiều bảo ở nhiều nước đã tích cực phối hợp với các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài triển khai ngoại giao vắc xin, vận động sở tại hỗ trợ vắc xin, vật phẩm y tế cho Việt Nam.

Luôn phát huy bản sắc văn hóa dân tộc

Theo ước tính, hiện nay có khoảng 500.000 chuyên gia, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài, chiếm tỷ lệ 10% trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Một thế hệ trí thức mới người gốc Việt trẻ và tài năng đang hình thành và phát triển, tập trung ở nhiều lĩnh vực mũi nhọn như tin học, viễn thông, điện tử, vật liệu mới, chế tạo máy, sinh học. Các hội đoàn người Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục được củng cố và phát triển, góp phần tăng cường đoàn kết trong cộng đồng, gìn giữ và lan tỏa bản sắc văn hóa và truyền thống dân tộc, thực sự là cầu nối hữu nghị giữa Việt Nam với các nước.

Các cơ quan trong và ngoài nước đã đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ cộng đồng duy trì tiếng Việt và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc như hỗ trợ sách giáo khoa, tài liệu dạy và học tiếng Việt, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ cho giáo viên kiều bào, vận động chính quyền sở tại đưa tiếng Việt vào chương trình giảng dạy của các trường phổ thông, đại học, cử các đoàn văn nghệ trong nước đi biểu diễn phục vụ kiều bào...

Từ năm 2013 đến nay, 6 khóa tập huấn được tổ chức, bồi dưỡng cho 200 giáo viên kiều bào để trở thành nòng cốt trong phong trào dạy và học tiếng Việt của cộng đồng ở sở tại. Từ năm 2016 đến nay, các cơ quan trong và ngoài nước đã hỗ trợ 15 dự án xây dựng trường tại Lào và Campuchia với tổng số tiền hơn 3,3 tỷ đồng. Tính đến cuối tháng 6/2020, hơn 70.000 bộ sách tiếng Việt và nhiều loại văn hóa phẩm khác đã được chuyển tới các nước để phục vụ công tác dạy và học tiếng Việt.

Kết quả là việc dạy và học tiếng Việt ngày càng được cộng đồng quan tâm, có sức lan tỏa. Rộng rãi ở nhiều địa bàn. Các giá trị văn hóa, truyền thống tốt đẹp của dân tộc vẫn được bà con gìn giữ và truyền lại cho thế hệ sau, qua đó tăng cường sự gắn kết giữa nhiều thế hệ kiều bào với cội nguồn dân tộc.

Cạnh đó, nước ta cũng coi công tác thông tin đối với người Việt Nam ở nước ngoài là một nội dung quan trọng trong Chiến lược phát triển thông tin đối ngoại giai đoạn 2011-2020. Các chương trình truyền hình dành cho kiều bào có nội dung ngày càng phong phú, nhiều báo viết và báo điện tử tiếng Việt có chuyên trang, chuyên mục về các vấn đề liên quan đến người Việt Nam ở nước ngoài và những vấn đề bà con quan tâm như tình hình kinh tế - xã hội của đất nước, chủ quyền biển đảo, nhân quyền, tự do tôn giáo, tín ngưỡng...

Các cổng, trang điện tử của Đảng, Chính phủ, Quốc hội, nhiều tỉnh, thành phố cũng đã có những thay đổi mạnh mẽ về nội dung và hình thức, trở thành những kênh thông tin quan trọng đề kiều bào tìm hiểu, nắm bắt các chính sách của Đảng và Nhà nước đối với người Việt Nam ở nước ngoài, các hoạt động liên quan đến kiều bào cũng như tình hình đất nước. Các cơ quan đại diện thường xuyên cung cấp thông tin chính thống tới kiều bào qua website hoặc qua các bản tin định kỳ. Phương thức thông tin cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài được thực hiện đồng bộ, sâu rộng qua nhiều hình thức, nhiều loại ngôn ngữ, trong đó đã chú trọng việc phát triển nội dung trên nền tảng số để đồng bào ta trên toàn thế giới có thể dễ dàng tiếp cận mọi lúc, mọi nơi.

Kỳ cuối: Nâng cao hiệu quả công tác về người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới

P.Ngân

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này