Nâng cao đời sống tinh thần cho công nhân

09:44 | 16/11/2021
(LĐTĐ) Mô hình Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân do Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố Hà Nội chủ trương thành lập và nhân rộng đã giúp công nhân có thêm điều kiện rèn luyện thể chất, vui chơi giải trí nâng cao đời sống tinh thần sau những giờ làm việc căng thẳng.
Bàn giao điểm sinh hoạt văn hóa công nhân tại tổ dân phố Ngọa Long 2, phường Minh Khai Gắn biển công trình “Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân” tại Cụm Công nghiệp Văn Tự Huyện Ứng Hòa: Ra mắt “Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân”

Đầu tư đồng bộ

Sau những ngày sống trong lo âu, căng thẳng vì diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, mới đây, việc LĐLĐ quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội tổ chức khánh thành và đưa vào sử dụng một điểm sinh hoạt văn hóa công nhân tại tổ dân phố Ngọa Long 2, phường Minh Khai, quận Bắc Từ Liêm đã mang tới niềm vui cho đông đảo công nhân các doanh nghiệp thuộc Cụm công nghiệp trên địa bàn khi từ đây, họ sẽ có nơi để tập luyện thể dục, thể thao nâng cao sức khỏe và thư giãn, giải trí.

Ông Hà Văn Hải - Chủ tịch LĐLĐ quận Bắc Từ Liêm cho biết, địa bàn quận Bắc Từ Liêm là nơi tập trung một số cụm công nghiệp có đông công nhân, người lao động. Nhằm chăm lo tốt nhất đời sống tinh thần cho đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ), hàng năm, LĐLĐ quận đều triển khai rà soát nắm bắt nhu cầu luyện tập thể dục thể thao, cũng như nhu cầu được tuyên truyền, giáo dục, tư vấn pháp luật, đối thoại của cán bộ, đoàn viên, người lao động nói chung và công nhân trong cụm công nghiệp nói riêng.

Nâng cao đời sống tinh thần cho công nhân
Công nhân Công ty TNHH Điện Stanley Việt Nam đọc báo, xem tin tức tại điểm sinh hoạt văn hóa công nhân trong Công ty. (Ảnh chụp trước thời điểm Covid-19 lần thứ 4)

Sau thời gian xem xét, tìm hiểu, LĐLĐ quận nhận thấy, tổ dân phố Ngọa Long 2, phường Minh Khai là địa điểm thuận tiện cho việc tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao cho CNVCLĐ tại các đơn vị, doanh nghiệp trong cụm công nghiệp trên địa bàn. Do đó, LĐLĐ quận đã phối hợp với Công đoàn phường Minh Khai triển khai xây dựng điểm sinh hoạt văn hóa công nhân tại đây.

Cũng theo ông Hà Văn Hải, đây là điểm sinh hoạt văn hóa thứ 4 trên địa bàn do LĐLĐ Thành phố và LĐLĐ quận đầu tư. Công trình có tổng mức đầu tư hơn 150 triệu đồng, trong đó nguồn vốn đầu tư của LĐLĐ Thành phố và LĐLĐ quận là 87 triệu đồng, nguồn vận động đóng góp của địa phương là 70 triệu đồng.

Công trình bao gồm phòng sinh hoạt cộng đồng ở tầng 2 có diện tích 35m2 và phòng tập thể dục thể thao tầng 1 có diện tích 87m2, với các trang thiết bị như: Hệ thống đèn chiếu sáng, máy đi bộ, xà kép, máy tập tay vai, máy tập xoay eo, máy tập lưng bụng, dàn hát karaoke… “Sau khi đi vào hoạt động, điểm sinh hoạt văn hóa công nhân là nơi để công nhân cụm công nghiệp trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm có thể luyện tập thể dục thể thao, giao lưu văn hóa văn nghệ, nâng cao sức khỏe và đời sống tinh thần.

Đây cũng là địa điểm để LĐLĐ quận Bắc Từ Liêm, Công đoàn cơ sở tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho công nhân, tổ chức đối thoại nắm bắt tâm tư, nguyện vọng đoàn viên, công nhân, người lao động hoặc các hoạt động phong trào khác dành cho công nhân, người lao động”, ông Hà Văn Hải khẳng định.

Trước đó không lâu, LĐLĐ huyện Thường Tín cũng đã tổ chức khánh thành, gắn biển điểm sinh hoạt văn hóa công nhân tại Cụm Công nghiệp Văn Tự (xã Văn Tự, huyện Thường Tín). Công trình có diện tích trên 3.000m2 với tổng mức đầu tư hơn 2 tỷ đồng, trong đó LĐLĐ thành phố Hà Nội hỗ trợ 50 triệu đồng, LĐLĐ huyện Thường Tín hỗ trợ 20 triệu đồng. Công trình gồm các hạng mục sân bóng chuyền, sân cầu lông, thiết bị tập thể thao ngoài trời, khuôn viên đi bộ và cây xanh… Bà Trịnh Phương Thảo - Chủ tịch LĐLĐ huyện Thường Tín cho biết, điểm sinh hoạt có ý nghĩa thiết thực, góp phần tạo thêm những giá trị văn hóa, rèn luyện nâng cao thể chất, sức khỏe cho người lao động.

Nâng cao đời sống tinh thần cho công nhân

Ngoài hai điểm sinh hoạt văn hóa công nhân mới được khánh thành như trên, trên địa bàn thành phố Hà Nội còn có rất nhiều điểm sinh hoạt văn hóa công nhân đã được thành lập và đi vào hoạt động hàng chục năm, trở thành nơi sinh hoạt văn hóa tinh thần hữu ích của công nhân. Điển hình như điểm sinh hoạt văn hóa công nhân Xí nghiệp Môi trường đô thị huyện Gia Lâm.

Được khánh thành và đưa vào sử dụng cuối tháng 5/2014, điểm sinh hoạt văn hóa công nhân này cũng được đầu tư khá đồng bộ với kinh phí hơn 1 tỷ đồng, gồm sân cầu lông, phòng tập bóng bàn, hệ thống âm thanh, màn hình ti-vi, phòng đọc sách báo. Điểm sinh hoạt còn được LĐLĐ thành phố Hà Nội hỗ trợ thêm một số trang, thiết bị như: Máy vi-tính, tủ sách, bàn, ghế, bàn bóng bàn, cột lưới cầu lông với trị giá 50 triệu đồng.

“Từ khi đi vào hoạt động đến nay, điểm sinh hoạt văn hóa công nhân luôn phát huy tốt hiệu quả, là điểm đến hữu ích của hơn 500 cán bộ, công nhân Công ty sau những giờ lao động vất vả được tham gia luyện tập, chơi các môn thể thao yêu thích hoặc có không gian yên tĩnh để đọc sách, báo, xem tin tức. Đây còn là nơi LĐLĐ huyện Gia Lâm nhiều lần tổ chức tuyên truyền, tư vấn pháp luật, đối thoại với công nhân hoặc các hoạt động Công đoàn khác”, ông Nguyễn Đức Thể - Chủ tịch LĐLĐ huyện Gia Lâm cho biết.

Có “thâm niên” lâu hơn phải kể đến điểm sinh hoạt văn hóa công nhân đặt tại tầng 1, nhà A4, khu nhà ở của công nhân Khu công nghiệp Bắc Thăng Long. Địa điểm này được Công đoàn các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội bàn giao cho Xí nghiệp Quản lý và phát triển nhà ở xã hội vào tháng 4/2011. Điểm sinh hoạt có tủ sách pháp luật về các lĩnh vực của đời sống, tài liệu về công nhân - Công đoàn Việt Nam, các loại báo chí để phục vụ nhu cầu tìm hiểu, nâng cao kiến thức của người lao động.

Ngoài ra, điểm sinh hoạt có thiết bị loa, giàn karaoke, bàn ghế và sân khấu rộng rãi để phục vụ các hoạt động văn hoá, văn nghệ của anh chị em công nhân. Trong hơn 10 năm hoạt động, rất nhiều sự kiện đã được LĐLĐ thành phố Hà Nội, Công đoàn các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội tổ chức ở đây, nhất là các buổi sinh hoạt văn nghệ, giao lưu được tổ chức trong không gian điểm sinh hoạt văn hoá công nhân, từ các buổi sinh hoạt văn nghệ, nhảy aerobic đến các cuộc đối thoại, tiếp xúc giữa lãnh đạo Thành phố, các các sở, ban, ngành nắm bắt tâm tư, nguyện vọng công nhân.

Chị Nguyễn Thị Hoa (39 tuổi, quê Thái Nguyên), công nhân Công ty TNHH Canon Việt Nam cho biết: “Tôi nhận thấy điểm sinh hoạt văn hoá này có vai trò rất quan trọng đối với đời sống tinh thần của công nhân ở đây. Trước kia, khi chưa có điện thoại thông minh, chúng tôi thường xuyên đến đây để đọc sách, báo cập nhật tin tức và tra cứu tài liệu liên quan đến pháp luật lao động… Bây giờ, thông tin dễ dàng tiếp cận trên chiếc điện thoại thông minh, việc đọc sách báo hạn chế hơn nhưng những chương trình ca nhạc, hội thi… tổ chức tại đây thì chúng tôi không bao giờ bỏ qua”.

Được biết, từ năm 2010, LĐLĐ thành phố Hà Nội đã có chủ trương xây dựng các Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân nhằm nâng cao đời sống tinh thần cho người lao động. Từ chủ trương của Thành phố, sự vào cuộc tích cực của các doanh nghiệp, đến nay, trên địa bàn thành phố Hà Nội đã có 50 điểm sinh hoạt văn hóa công nhân đi vào hoạt động. Mỗi điểm sinh hoạt văn hóa công nhân khi thành lập được LĐLĐ thành phố Hà Nội hỗ trợ kinh phí 50 triệu đồng. Bên cạnh đó, tùy vào điều kiện, Công đoàn cấp trên cơ sở như LĐLĐ quận, huyện, Công đoàn ngành sẽ hỗ trợ thêm kinh phí để trang bị cơ sở vật chất cho Điểm sinh hoạt văn hóa.

Đặc biệt, lãnh đạo nhiều doanh nghiệp, đơn vị cũng tích cực vào cuộc bằng sự hỗ trợ thiết thực về cơ sở vật chất, trang thiết bị… “Các điểm sinh hoạt văn hóa công nhân không những là nơi sinh hoạt, giao lưu văn hóa thể thao còn là nơi để tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người lao động”, Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội Ngô Văn Tuyến khẳng định.

Phạm Diệp

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này