Dự báo một số tác động của RCEP đối với nền kinh tế và doanh nghiệp

08:42 | 16/11/2021
(LĐTĐ) Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực - RCEP, mang nhiều kỳ vọng sẽ trở thành một xung lực mới cho nền kinh tế và các doanh nghiệp Việt Nam phục hồi tăng trưởng sau đại dịch. Từ Hiệp định, những dự báo về tác động của RCEP đã được đưa ra nhằm giúp các doanh nghiệp có đủ kiến thức về kinh tế để chuẩn bị cho sự thay đổi trong năm 2022.
Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực RCEP: Những điều doanh nghiệp cần biết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP): Rộng mở thị trường, khốc liệt đường đua!

RCEP là một FTA thế hệ mới có quy mô lớn nhất thế giới, gồm 10 nước ASEAN và Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, New Zealand, chiếm khoảng 30% dân số thế giới và 30% GDP toàn cầu.

RCEP bao gồm gần như toàn bộ các đối tác thương mại và đầu tư quan trọng nhất của Việt Nam: Thương mại giữa Việt Nam với các đối tác RCEP chiếm hơn một nửa (55%) tổng thương mại của Việt Nam năm 2020 (trong đó xuất khẩu chiếm 41%, nhập khẩu chiếm 71%); đầu tư trực tiếp từ các nước RCEP vào Việt Nam lũy kế đến tháng 10/2021 cũng chiếm tới 62% tổng đầu tư trực tiếp nước ngoài của Việt Nam.

Được ký kết vào tháng 11/2020, RCEP dự kiến có hiệu lực đầu năm 2022 trong bối cảnh thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đang phải đối mặt với những tác động chưa từng có tiền lệ của đại dịch Covid-19.

Tại Hội thảo trực tuyến "Hiệp định RCEP - Những điều doanh nghiệp cần biết", ông Nguyễn Anh Dương - Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang đứng trước những kịch bản trái chiều cả về hợp tác thương mại lẫn đầu tư. Vấn đề được đặt ra là cạnh tranh địa chính trị diễn ra hết sức phức tạp trước, trong và cả ở lối ra cho các sản phẩm trong thời buổi dịch Covid-19. Cùng với đó, biến động mạnh của dòng vốn đầu tư nước ngoài tại các thị trường đang phát triển, đặc biệt là Trung Quốc,… có tác động lớn đến doanh nghiệp Việt.

Dự báo một số tác động của RCEP đối với nền kinh tế và doanh nghiệp
Ông Nguyễn Anh Dương - Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương.

Nhiều biện pháp hạn chế xuất nhập khẩu, áp dụng chung với các đối tác, gây khó dễ ít nhiều cho thị trường Việt Nam. Mặt khác, Việt Nam có khả năng trở thành đối tác nhỏ, tạo liên minh trong quá trình cạnh tranh với các đối tác lớn.

“Từ năm 2019 trở về trước, xu hướng gia tăng chủ nghĩa bảo hộ rất rõ, nhưng từ năm 2020 trở lại đây, các biện pháp đó đã đi song song với tăng trưởng thương mại liên tục và tạo thuận lợi thương mại. Các nền kinh tế tăng cường tìm kiếm hợp tác về FTA như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Đối tác Kinh tế Số (DEPA),…”, ông Dương nhấn mạnh.

Tuy nhiên, RCEP đem đến nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt, một trong số đó là giúp gia tăng xuất khẩu và thu nhập quốc gia. Ông Dương khẳng định RCEP đóng vai trò quan trọng hơn các hiệp định khác ở chỗ Việt Nam đã có kinh nghiệm để thực hiện thông qua Hiệp định FTA của ASEAN+1 và trong bối cảnh dịch Covid-19 hiện nay, Việt Nam đang phải tìm kiếm cơ hội xuất khẩu từ các thị trường đã phục hồi sớm nhất sau đợt dịch bệnh.

Theo đánh giá của hai chuyên gia về kinh tế quốc tế (Petri và Plummer), vào tháng 6/2020, Việt Nam vẫn phát triển rất nhanh nếu như không có Ấn Độ. Ông Dương nhấn mạnh thị trường kinh tế “có thể tăng hơn 14 tỷ USD so với hiện nay, tuy vẫn thấp nhưng con số đó rất quan trọng trong thời điểm phục hồi kinh tế”.

Ông Nguyễn Anh Dương đưa ra một số thách thức đối với kinh tế và doanh nghiệp Việt Nam: Thứ nhất là vấn đề về nhập siêu. Với góc độ của doanh nghiệp, đây là vấn đề trực tiếp nhất ở chỗ gặp cạnh tranh xuất khẩu từ các đối tác khác. Nếu như không xử lý nhập siêu một cách bài bản hoặc không kiếm được giá trị thặng dư từ các thị trường khác thì ảnh hưởng đến áp lực về tỷ giá, và ảnh hưởng đến nguồn thu. Thứ hai, Việt Nam có cơ hội xuất khẩu trong thị trường RCEP nhưng năng lực liệu có thể mở rộng sản xuất để tận dụng các cơ hội xuất khẩu. Thứ ba, là vấn đề về khả năng thích ứng của doanh nghiệp với những quy định ở thị trường RCEP.

Ngoài ra, ông Dương cho rằng quá trình chuẩn bị kiến thức của doanh nghiệp Việt Nam thường rất chậm. "Lẽ ra chúng ta có thể làm sớm hơn, từ khi họ còn đang dự thảo các quy định và thông báo cho các tổ chức thương mại thế giới, thông qua các kênh hỏi đáp. Nội dung đánh giá bên lề cho thấy, Việt Nam đang có mức độ tương đồng xuất nhập khẩu với RCEP cao hơn rất nhiều so với CPTPP từ năm 2001 đến năm 2018. Cạnh tranh xuất khẩu ở thị trường Việt Nam cũng gay gắt hơn nhiều. Đối với CPTPP, điều quan trọng nhất là cần đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật; còn đối với RCEP chúng ta cần phải đáp ứng tốt, đáp ứng nhanh hơn, mức giá cạnh tranh hơn".

Cũng theo Trưởng Ban Nghiên cứu tổng hợp của CIEM, mức độ bổ trợ thương mại của Việt Nam với RCEP không cải thiện nhiều trong 2010-2018, do đó ít tạo dựng được lợi thế cạnh tranh mới từ RCEP, tạo tâm lý chủ quan cho doanh nghiệp Việt. Doanh nghiệp sẽ khó phát triển nếu không điều chỉnh chiến lược kinh doanh phù hợp, gắn với đề xuất hỗ trợ từ các Bộ, ngành và cơ quan địa phương; khó phát triển nếu doanh nghiệp không chủ động kiến nghị, tháo gỡ những bất cập chính sách.

Với những thuận lợi và khó khăn, ông Nguyễn Anh Dương cho rằng, cần coi hiệp định RCEP là chung, tổng thể, không tách rời với các FTA đã có, lấy CPTPP và EVFTA là tiêu chuẩn cho định hướng. Tránh rơi vào tình trạng tiếp cận linh hoạt với FTA tiêu chuẩn cao và tiếp cận cứng nhắc với RCEP. Hài hòa bộ ba chính sách công nghiệp - chính sách đầu tư - chính sách thương mại. Ứng xử với dòng vốn đầu tư nước ngoài dựa vào tiêu chuẩn chứ không dựa vào tên đối tác.

Ông Nguyễn Anh Dương: "Dù sớm, dù muộn mình vẫn phải hướng tới những tiêu chuẩn tốt nhất. RCEP là một bước đi dễ dàng hơn, hướng đi trung gian, nhưng đó cũng là một bước đi cần thiết để doanh nghiệp khai thác, thích ứng. Với các doanh nghiệp mới, chưa có nhiều kinh nghiệm xuất nhập khẩu thì rõ ràng có thể đi qua các hiệp định FTA của ASEAN với đối tác thông qua RCEP. Bởi, đây là một cuộc chơi ít khắt khe hơn, cho nên có thể tham gia, học hỏi, tích lũy kinh nghiệm, xây dựng thương hiệu, tạo dựng dần mạng lưới cung cứng và tiến tới cuộc chơi dài hạn hơn gắn với CPTPP và EVFTA hay các hiệp định khác nữa. Để làm được điều đó, câu chuyện không chỉ là tính toán về lợi thế thu được từ cắt giảm thuế quan ở thị trường nước ngoài, mà ngược lại cần nghĩ bài bản hơn cả về công nghiệp, chính sách đầu tư và tổ chức sản xuất".

Quang Linh

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này