Kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục cải thiện, đẩy mạnh tăng trưởng

18:29 | 15/11/2021
Theo Ngân hàng Thế giới, Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều trở ngại trong việc khởi động lại nền kinh tế sau một thời gian cách ly xã hội kéo dài, nhưng những diễn biến tích cực được quan sát trong tháng 10 cho thấy tình hình kinh tế sẽ tiếp tục cải thiện và tăng trưởng được đẩy mạnh trong những tháng tới.
Các tổ chức quốc tế tin tưởng kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi sau nới lỏng giãn cách Kinh tế Việt Nam vẫn có những điểm sáng khích lệ

Trong báo cáo cập nhật kinh tế vĩ mô, Ngân hàng Thế giới (World Bank) cho biết, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 10 tăng 6,9% so với tháng trước và chỉ thấp hơn 1,6% so với một năm trước. Sự phục hồi này phần lớn nhờ hoạt động sản xuất tại Thành phố Hồ Chí Minh và các trung tâm công nghiệp lân cận được khôi phục.

Các tiểu ngành năng động nhất là thực phẩm, đồ uống, thuốc lá, may mặc và giày dép, sản phẩm cao su và nhựa, kim loại và đồ nội thất, đạt mức tăng trưởng hai con số so với tháng trước. Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng (PMI) ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đã tăng vọt từ 40,2 trong tháng 9 lên 52,1 vào tháng 10, lần đầu tiên vượt ngưỡng trung tính 50.0 trong 5 tháng, cho thấy điều kiện kinh tế được cải thiện đáng kể.

Cũng theo World Bank, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cũng tăng trở lại, nhưng chặng đường phục hồi còn dài.

Theo đó, tốc độ tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng từ 4,4% (so với tháng trước) trong tháng 9 lên 18,1% (so với tháng trước) trong tháng 10 nhờ nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội. Tuy nhiên World Bank nhấn mạnh, chặng đường phục hồi vẫn còn dài khi mà tổng doanh thu vẫn thấp hơn 19,5% so với cùng kỳ năm trước.

Kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục cải thiện, đẩy mạnh tăng trưởng

Doanh thu dịch vụ, vốn bị ảnh hưởng nặng nề hơn bởi đợt bùng phát dịch lần thứ tư, tiếp tục phục hồi với tốc độ nhanh hơn doanh thu bán lẻ hàng hóa. Hai chỉ số tăng lần lượt ở mức 44,1% và 14,5% (so với tháng trước) trong tháng 10. Tuy nhiên, cả hai vẫn chưa đạt được mức ghi nhận vào tháng 10 năm ngoái.

Ngoài ra, tháng 10 là tháng thứ hai liên tiếp cán cân thương mại thặng dư. Thống kê cho thấy, thặng dư thương mại đạt 2,85 tỷ USD trong tháng 10. Tính chung 10 tháng đầu năm Việt Nam xuất siêu 160 triệu USD.

“Kết quả tăng trưởng xuất khẩu thể hiện những thách thức trong việc khởi động lại các nhà máy sản xuất ở một số ngành sau thời gian dài thực hiện giãn cách xã hội ở các tỉnh phía Nam, trong đó có thiếu nguyên liệu và lao động”, World Bank nhấn mạnh.

Về sản phẩm, xuất khẩu giày dép, dệt may và đồ gỗ trong tháng 10/2021 ghi nhận tháng giảm thứ ba liên tiếp do mức độ thâm dụng lao động cao trong quy trình sản xuất các mặt hàng này khiến việc nhanh chóng khôi phục sản xuất hết công suất trở nên khó khăn hơn. Xuất khẩu điện thoại cũng giảm lần đầu tiên trong 4 tháng, có thể do biến động hàng tháng của mặt hàng này. Trong khi đó, xuất khẩu máy vi tính và sản phẩm điện tử, cũng như máy móc, thiết bị tiếp tục tăng trưởng lần lượt 8,3% và 13,1% (so với cùng kỳ năm trước). Giá cả tăng cao tiếp tục thúc đẩy xuất khẩu kim loại và sản phẩm kim loại, tăng mạnh 74,6% (so với cùng kỳ năm trước) trong tháng 10.

Liên quan đến đối tác thương mại, kim ngạch xuất khẩu sang Hoa Kỳ giảm 9,4% (so với cùng kỳ năm trước) trong tháng 9, mức giảm mạnh nhất được ghi nhận trong 5 năm qua, do xuất khẩu hàng may mặc, giày dép và máy móc, thiết bị giảm mạnh. Xuất khẩu sang thị trường này ước tính sẽ giảm thêm 7,0% (so với cùng kỳ năm trước) trong tháng 10, nhiều khả năng do khó khăn trong hoạt động sản xuất ở Việt Nam và tăng trưởng kinh tế của Hoa Kỳ giảm tốc.

Xuất khẩu sang Trung Quốc tăng 5,9% (so với cùng kỳ năm trước) trong tháng 9 nhưng ước tính giảm nhẹ 1,9% (so với cùng kỳ năm trước) trong tháng 10.

Bên cạnh đó, Ngân sách nhà nước tháng 10 ghi nhận thặng dư sau 2 tháng thâm hụt. Cụ thể, cân đối thu, chi ngân sách nhà nước thặng dư 28.000 tỷ đồng (1,2 tỷ USD) trong tháng 10. Tính chung trong 10 tháng đầu năm, ngân sách thặng dư 74.900 tỷ đồng.

Trong khi đó, các đối khác của nền kinh tế được duy trì ổn định như lạm phát giảm nhẹ mặc dù giá nhiên liệu tăng. Chỉ số giá tiêu dùng CPI bình quân 10 tháng năm 2021 tăng 1,81% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016. Lạm phát cơ bản bình quân 10 tháng năm nay tăng 0,84% so với cùng kỳ năm 2020.

Theo Ngân hàng Thế giới, Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều trở ngại trong việc khởi động lại nền kinh tế sau một thời gian cách ly xã hội kéo dài, nhưng những diễn biến tích cực được quan sát trong tháng 10 cho thấy tình hình kinh tế sẽ tiếp tục cải thiện và tăng trưởng được đẩy mạnh trong những tháng tới.

World Bank cho rằng, thời gian tới, các can thiệp về chính sách tài khóa sẽ phát huy hiệu quả, trong đó có việc miễn giảm thuế, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư công và cung cấp trợ giúp xã hội cho những đối tượng gặp khó khăn.

“Gói giảm thuế GTGT trong tháng 11 và tháng 12/2021 cho các doanh nghiệp dịch vụ vận tải, du lịch, lưu trú, ăn uống và giải trí đã được thông qua, và được kỳ vọng sẽ giúp thúc đẩy nhu cầu nội địa trong các ngành này”, World Bank dự báo.

Dù tăng chậm sau 10 tháng nhưng World Bank khuyến nghị lạm phát cũng cần được theo dõi vì nhu cầu trong nước phục hồi trong bối cảnh giá năng lượng trên thế giới tăng có thể gây ra áp lực tăng giá.

Theo Minh Ngọc/vnmedia.vn

https://vnmedia.vn/kinh-te/202111/kinh-te-viet-nam-se-tiep-tuc-cai-thien-day-manhtang-truong-8cb1b21/

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này