Hôm nay Thủ tướng sẽ đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp

09:16 | 05/06/2014
Lần đầu tiên, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ tham dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF 2014) diễn ra sáng nay ngày 5/6 tại Hà Nội, theo Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc.

ảnh minh họa

“Thủ tướng sẽ có bài phát biểu để đưa ra các thông điệp của Chính phủ với giới kinh doanh quốc tế và Việt Nam”, ông Lộc, người là đồng chủ tịch VBF 2014 cho biết tại cuộc gặp gỡ báo chí chiều 4/6.

Đồng chủ tịch VBF, bà Virginia Foote khẳng định thêm: “Việc Thủ tướng đến dự VBF cùng nhiều Bộ trưởng có ý nghĩa rất quan trọng với chúng tôi, cho thấy sự hợp tác giữa cộng đồng doanh nghiệp và Chính phủ rất chặt chẽ”.

Quan tâm đến các doanh nghiệp bị thiệt hại

Ông Lộc cho biết, cũng lần đầu tiên cộng đồng kinh doanh Đài Loan sẽ có mặt và phát biểu tại diễn đàn sau sự cố xảy ra tại Bình Dương, Đồng Nai và Vũng Áng. Dự kiến Thủ tướng sẽ gặp riêng với đại diện của cộng đồng kinh doanh Đài Loan, những người chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ các sự kiện này, ngay trước khi khai mạc Diễn đàn.

Ông cho biết, các doanh nghiệp bị thiệt hại quan tâm nhiều nhất đến việc Chính quyền hỗ trợ họ trả lương cho công nhân, và giúp họ sớm khôi phục lại sản xuất.

"Phần lớn các doanh nghiệp bị thiệt hại nặng khẳng định mong muốn tiếp tục xây dựng nhà xưởng để sản xuất kinh doanh chứ không chuyển đi nước khác. Đó là điều tích cực nhưng cần sự chia sẻ từ Chính phủ”, ông nói.

Bà Foote bổ sung, các nhà đầu tư nước ngoài hy vọng công đoàn Việt Nam có thể làm việc nhiều hơn với công nhân cũng như với chúng tôi để hiểu rõ nhu cầu của người lao động. Bà nói: “Ai cũng mong điều đó chỉ xảy ra một lần duy nhất nhưng quan trọng hơn cần tìm hiểu vấn đề để ngăn ngừa nó không xảy ra. Có nhiều tin đồn về việc ai thật sự là người gây rối. Có thể chúng ta sẽ không bao giờ biết được câu trả lời, nhưng chúng ta cần làm việc chặt chẽ hơn với công nhân, công đoàn, cơ quan quản lý,…để tìm hiểu căn nguyên để ngăn ngừa sự việc tương tự”.

Cơ hội thay đổi

Theo ông Lộc, đất nước đang ở giai đoạn hội tụ nhiều điều kiện để tạo đột phá trong phát triển. Ông cho biết, có ba lý do chính cho nhận định này.

Thứ nhất là các động thái của Thủ tướng. Thông điệp đầu năm của Thủ tướng đặt ra yêu cầu đột phá thể chế. Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 15 cổ phần hóa 432 doanh nghiệp trong hai năm tới; và Nghị quyết 19 về nâng cao môi trường cạnh tranh quốc gia. Đó là một loạt động thái thúc đẩy cải cách.

Thứ hai, Việt Nam đứng trước nhiều hiệp định thương mại tự do, song phương như TPP, FTA với EU,…Hiệp định với EU thì hy vọng ký vào tháng 10 năm nay; còn TPP đang giai đoạn nước rút để hoàn thành. Hai hiệp định này tạo áp lực, động lực cải cách thể chế, cải cách kinh tế; và mở ra cơ hội mới cho thị trường. Đây là nhân tố quan trọng sẽ tác động lên kinh tế trong thời gian tới.

Thứ ba là việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép…. Điều này đặt ra yêu cầu Việt Nam phải có phương án đối phó, vừa phải duy trì ổn định quan hệ kinh tế - thương mại với Trung Quốc, vừa tránh lệ thuộc vào thị trường này, thông qua việc đa dạng hóa thị trường và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam.

“Cả ba yếu tố trên tạo áp lực, hợp lực để chúng ta đẩy mạnh hơn nữa cải cách thể chế và hội nhập để phát triển bền vững. Tất cả các yêu cầu này nằm trong chương trình hành động của Chính phủ”, ông nói.

Tuy nhiên, bà Foote cảnh báo, các hiệp định FTA không phải là phép màu, việc ký các hiệp định không có nghĩa là mọi thứ đều hoàn hảo… "Nếu chúng ta làm việc không tốt thì cơ hội sẽ chuyển đi nơi khác” bà nói.

Theo TBKTSG

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này