Đồng bào Công giáo chung sức xây dựng Thủ đô văn minh, giàu đẹp

Kỳ 2: Lan tỏa tinh thần thi đua ái quốc

08:40 | 14/11/2021
(LĐTĐ) Những năm qua, Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam thành phố Hà Nội và đồng bào Công giáo Thủ đô đã tích cực triển khai, thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do Thành phố phát động, góp phần xây dựng Thủ đô ngày càng văn minh, giàu đẹp. Tiến sĩ Phạm Huy Thông - Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam thành phố Hà Nội đã có cuộc trao đổi với báo Lao động Thủ đô về các phong trào thi đua yêu nước trong đồng bào Công giáo Thủ đô.
Đồng bào Công giáo chung sức xây dựng Thủ đô văn minh, giàu đẹp Hiệu quả từ mô hình “Giáo họ tự quản về An ninh trật tự” Sống tốt đời, đẹp đạo

Phóng viên: Xin ông cho biết, thời gian qua, Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam thành phố Hà Nội đã triển khai việc tuyên truyền phổ biến chính sách, pháp luật của Nhà nước đến đồng bào Công giáo Thủ đô như thế nào?

Tiến sĩ Phạm Huy Thông: Thành phố Hà Nội khá đặc biệt so với nhiều tỉnh thành khác trong cả nước, là một Thành phố có liên quan đến 3 Tòa Giám mục: Hà Nội, Hưng Hóa và Bắc Ninh. Số người Công giáo có hơn 195.000 người, sinh hoạt ở hơn 100 xứ và 417 giáo họ dưới sự coi sóc của 4 Tổng Giám mục, Giám mục (không kể 4 vị Hồng y, Giám mục nghỉ hưu) và 110 linh mục, gần 2.000 chức việc. Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam thành phố Hà Nội là tổ chức xã hội có nhiệm vụ tổ chức, hướng dẫn các phong trào thi đua yêu nước của người Công giáo Thủ đô nên việc đầu tiên phải chú trọng là tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là các chính sách, pháp luật liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo.

Kỳ 2: Lan tỏa tinh thần thi đua ái quốc
Tiến sĩ Phạm Huy Thông - Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam thành phố Hà Nội.

Hàng năm, Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam thành phố Hà Nội đều có chương trình phổ biến, tập huấn về chính sách pháp luật như giới thiệu Luật tín ngưỡng, tôn giáo (có hiện lực từ tháng 1/2018), Nghị định số 162/2017/NĐ-CP của Chính phủ về Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật tín ngưỡng, tôn giáo. Tất cả các Ban Đoàn kết Công giáo ở các quận, huyện, thị xã đều đưa chương trình này vào kế hoạch công tác hàng quý, hàng năm, Thành phố mời các giảng viên có kinh nghiệm ở Ban Tôn giáo Chính phủ, các Viện nghiên cứu đến báo cáo. Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam thành phố Hà Nội cũng phối hợp với Ban Tôn giáo Thành phố tổ chức nhiều buổi tập huấn ở các quận, huyện, thị xã, với sự tham dự của nhiều đại biểu là Ban Mục vụ Hội đồng giáo xứ, Mặt trận Tổ quốc cơ sở và giáo dân.

Ngoài ra, Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam thành phố Hà Nội đã giới thiệu trên báo Người Công giáo Việt Nam, Công giáo và dân tộc, đồng thời mua các báo này cho những vị tham gia Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam thành phố Hà Nội để các vị này hiểu và lan tỏa đến người Công giáo ở cơ sở. Hàng năm, Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam thành phố Hà Nội cũng phát động nhiều phong trào thi đua yêu nước như: Phong trào xây dựng Xứ, Họ đạo tiên tiến; phong trào bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu ở các xứ đạo; phong trào Xứ, Họ đạo tự quản về an ninh trật tự; phong trào mỗi người Công giáo Thủ đô là một công dân tốt… Mỗi phong trào có tiêu chí riêng nhưng đều có một tiêu chí chung là chấp hành đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Khi phát động, Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam thành phố Hà Nội tổ chức ký kết thi đua giữa các quận, huyện, thị xã. Về địa phương, Ban Đoàn kết Công giáo tổ chức cho ký kết thi đua với các Xứ, Họ và các Xứ, Họ tổ chức chức ký cam kết đến từng gia đình giáo dân.

Phóng viên: Vậy kết quả của các phong trào thi đua yêu nước trong đồng bào Công giáo Thủ đô ra sao, thưa ông?

Tiến sĩ Phạm Huy Thông: Các phong trào thi đua yêu nước của đồng bào Công giáo Thủ đô đã làm thay đổi diện mạo các Xứ, Họ đạo cũng như tư tưởng, lối sống của người Công giáo Thủ đô. Trước đây, người Công giáo sợ làm giàu vì bị ám ảnh bởi câu Kinh thánh: “Người giàu vào nước Thiên đàng khó hơn con lạc đà chui qua lỗ kim”. Bây giờ, người Công giáo hiểu, đạo Công giáo không cấm làm giàu chính đáng mà khuyên dạy con người không làm nô lệ cho đồng tiền, biết dùng tiền của giúp đỡ người khác nên nhiều người Công giáo đã biết khôi phục nghề truyền thống làm giàu như trồng đào ở Nhật Tân, trồng hoa ở Tây Tựu, làm gốm sứ ở Bát Tràng, làm nón ở Thanh Oai, làm lồng chim ở Ứng Hòa… Nếu năm 2000, người Công giáo thu nhập cao nhất là 200 triệu đồng/năm thì bây giờ nhiều người có thu nhập 1-2 tỷ đồng/năm. Có 2 gia đình Công giáo ở quận Tây Hồ đã được Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội tặng Bằng khen về thành tích sản xuất giỏi.

Kỳ 2: Lan tỏa tinh thần thi đua ái quốc
Các cá nhân có thành tích trong thực hiện phong trào “Xứ, Họ đạo tự quản về an ninh trật tự” (giai đoạn 2019 -2021) nhận Giấy khen của Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam thành phố Hà Nội.

Trước đây, người Công giáo không cho con cái học lên cao vì “sợ mất linh hồn”. Nay xứ đạo nào cũng có Quỹ khuyến học. Quỹ khuyến học mang tên Linh mục Vũ Ngọc Bích (Thái Hà) lên tới 200 triệu đồng, mỗi năm cấp hàng trăm xuất học bổng cho học sinh, sinh viên nghèo có thành tích học tập bất kể giáo, lương. Nhờ vậy, rất nhiều gia đình Công giáo ở Phúc Thọ, Hoài Đức cả nhà đều có bằng cử nhân. Một số người đã có học vị Thạc sĩ, Tiến sĩ. Nhiều người Công giáo Thủ đô được phong tặng là Nhà giáo nhân dân, Thầy thuốc nhân dân như Giáo sư Vũ Văn Chuyên, Giáo sư Lương Tấn Thành, Giáo sư Phạm Văn Toản…

Chỉ nói riêng phong trào “Xứ, Họ đạo tự quản về an ninh trật tự” mới phát động từ tháng 6/2019, đến nay có 42 thôn Công giáo toàn tòng trên địa bàn Thành phố đã hưởng ứng. Các tổ tự quản có sự tham gia của nhiều thành phần như Ban Mục vụ, đại diện các tổ chức xã hội ở địa phương, không chỉ giữ trật tự an ninh thôn xóm mà trong cả các buổi lễ.

Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam thành phố Hà Nội đã tiến hành khảo sát đánh giá và tổ chức sơ kết phong trào qua 2 năm thực hiện. Trong quá trình khảo sát, lãnh đạo chính quyền, công an, Mặt trận Tổ quốc đều đánh giá cao đồng bào Công giáo sống đạo tốt lành, không có tệ nạn xã hội, tội phạm hình sự. Các Linh mục, chức việc được mời cộng tác hòa giải rất thành công. Đơn cử như ở Cát Thuế (Hoài Đức), có hai gia đình Công giáo tranh chấp đất đai, kiện ra tòa nhưng khi linh mục đến gặp gỡ, hòa giải thì cả hai gia đình đều rút đơn kiện.

Không khí hòa hợp “tốt đạo, đẹp đời” được phổ biến ở nhiều nơi. Tại Đại Bằng (Đông Anh) ngôi nhà thờ to đẹp sắp khánh thành là do ngân sách địa phương hỗ trợ hơn 13 tỷ đồng. Giáo dân đóng góp gần 10 tỷ đồng. Giáo dân cũng tự nguyện hiến hơn 2.400m2 đất để làm đường, lắp nhiều camera ở nhà thờ, các ngõ để bảo vệ an ninh. Xứ Xuân Khanh (Sơn Tây) đã được Bộ Công an tặng Bằng khen về công tác an ninh trật tự.

Phóng viên: Trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, đồng bào Công giáo Thủ đô đã tham gia như thế nào để góp sức với nhân dân Thủ đô và cả nước để kiểm soát đại dịch này, thưa ông?

Tiến sĩ Phạm Huy Thông: Hà Nội là trung tâm kinh tế. chính trị, văn hóa của cả nước và cũng là cầu nối giao lưu quốc tế nên khả năng lây lan dịch bệnh rất cao. Khi thôn Hạ Lôi (Mê Linh) bị cách ly vì Covid-19, Tòa Giám mục Bắc Ninh đã cử đến một linh mục là y sĩ và nhiều dụng cụ sát khuẩn để hỗ trợ người Công giáo yên tâm cách ly. Caritas Hà Nội cũng chở hàng chục tấn gạo và nhu yếu phẩm đi hỗ trợ bà con bị cách ly ở xã Đạo Lý (Lý Nhân, Hà Nam). Khi dịch bùng phát ở Hà Nội đợt 3, 4, tất cả các nhà thờ đều dừng sinh hoạt tôn giáo tập trung và tổ chức lễ trực tuyến. Một số buổi lễ truyền chức Phó tế, linh mục ở Hà Nội cũng hạn chế số người dự, thân nhân các tiến chức cũng không được dự.

Kỳ 2: Lan tỏa tinh thần thi đua ái quốc
Caritas Hà Nội tặng quà cho người nghèo ở Giáo xứ Hà Đông.

Nhiều giáo xứ mở các trạm ATM cung cấp lương thực, thực phẩm cho người nghèo bị ảnh hưởng vì Covid-19. Giáo xứ Thái Hà đã phát hàng trăm tấn gạo và hàng trăm triệu đồng cho người nghèo. Caritas Hà Nội cũng đã quyên góp ủng hộ thành phố Hồ Chí Minh 800 triệu đồng theo lời kêu gọi “Thương về Sài Gòn” của Hội đồng Giám mục Việt Nam. Caritas Hà Nội tổ chức nhiều đoàn đi các giáo xứ ở Hà Nội phát nhu yếu phẩm cho người nghèo. Có thể nói, đồng bào Công giáo Thủ đô đã góp phần cũng Thành phố kiểm soát tốt dịch Covid-19.

Phóng viên: Phát huy kết quả đã đạt được, Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước trong đồng bào Công giáo Thủ đô như thế nào, thưa ông?

Tiến sĩ Phạm Huy Thông: Những năm qua, đồng bào Công giáo Thủ đô đã có nhiều tập thể, cá nhân được tuyên dương trong phong trào thi đua yêu nước. Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam thành phố Hà Nội được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba, đồng bào Công giáo Thủ đô được tặng Huân chương Lao động hạng Nhất cùng rất nhiều Bằng khen của các cấp. Nhiều người Công giáo tiêu biểu như: Bà Nguyễn Thị Nhiệm (Sóc Sơn) kiên trì hàng ngày đi thu nhận các thai nhi bị nạo bỏ về chôn cất chu đáo ở nghĩa trang; bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt ở Cổ Nhuế (Bắc Từ Liêm) mỗi năm quyên góp hàng trăm triệu đồng, gói hàng ngàn tấm bánh chưng trao cho các Trung tâm trẻ mồ côi, khuyết tật; bà Trần Thị Nga, Giám đốc Quỹ tấm lòng vàng ở Hai Bà Trưng mỗi năm hỗ trợ hàng tỷ đồng cho các Trung tâm Y tế, người nghèo... đã được Ủy ban nhân dân và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội khen thưởng.

Sang năm 2022, Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam thành phố Hà Nội sẽ tổ chức Đại hội VIII: “Người Công giáo Thủ đô xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Các quận, huyện, thị xã sẽ tổ chức Hội nghị tổng kết 5 năm 2017-2022. Để chào mừng sự kiện này, Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam thành phố Hà Nội sẽ phát động phong trào thi đua yêu nước rộng lớn trong đồng bào Công giáo Thủ đô. Nhân dịp này, Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam thành phố Hà Nội xin cảm ơn các cấp ủy Đảng, chính quyền và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã luôn quan tâm hỗ trợ đến tổ chức và phong trào thi đua yêu nước của người Công giáo Thủ đô suốt những năm qua.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!

(Kỳ cuối: Sống phúc âm giữa lòng dân tộc)

Mai Quý (thực hiện)

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này