Nâng cao năng lực ứng xử sư phạm, đạo đức nhà giáo trong tình hình mới

19:43 | 12/11/2021
(LĐTĐ) Chiều nay (12/11), Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) quận Nam Từ Liêm đã phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) quận tổ chức Hội thảo “Nâng cao năng lực ứng xử sư phạm, đạo đức nhà giáo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Nâng cao năng lực ứng xử sư phạm, đạo đức nhà giáo Lấy động viên, tạo động lực để nâng cao đạo đức nhà giáo

Thực hiện tốt quy tắc ứng xử trong nhà trường

Hội thảo được tổ chức nhằm thiết thực chào mừng kỷ niệm 67 năm ngày thành lập ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội, kỷ niệm 39 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982-20/11/2021).

Dự Hội nghị có các đồng chí: Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Ân - Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam; Nguyễn Chính Hữu - Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội.

Để đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19, Hội nghị được truyền trực tuyến đến các Công đoàn cơ sở khối Giáo dục trực thuộc quận Nam Từ Liêm.

undefined
Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Ân - Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam nói chuyện chuyên đề tại Hội thảo.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, bà Nguyễn Thị Thanh Thủy - Phó Trưởng Phòng GD&ĐT quận Nam Từ Liêm khẳng định, đạo đức nghề nghiệp là phẩm chất cốt lõi, quan trọng hàng đầu đối với nhà giáo, là nền tảng, động lực thôi thúc trách nhiệm, nhiệt huyết để mỗi nhà giáo phấn đấu hoàn thành sự nghiệp vẻ vang của mình, xứng danh với nghề cao quý mà xã hội tôn vinh.

Đội ngũ nhà giáo đã nhận thức rõ trách nhiệm của mình đối với sự nghiệp “trồng người”, chăm chút giữ gìn lương tâm, danh dự. Trong công tác chuyên môn, các thầy cô giáo đã thực hiện công bằng trong giáo dục, đánh giá đúng thực chất năng lực của học sinh; thực hiện đúng điều lệ, quy chế giáo dục, chống tiêu cực và bệnh thành tích.

Trong công tác nghiên cứu, họ đã thể hiện tính tích cực, đi sâu khám phá cái mới, nắm chắc và vận dụng sáng tạo các nguyên tắc, phương pháp dạy học, nghiên cứu khoa học vào quá trình dạy học, giáo dục, nhất là những yêu cầu của chương trình Giáo dục phổ thông mới.

undefined
Phó Chủ tịch LĐLĐ Thành phố Nguyễn Chính Hữu phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo.

Phó Trưởng Phòng GD&ĐT quận Nam Từ Liêm cũng cho biết, nâng cao năng lực ứng xử sư phạm, đạo đức nhà giáo, người lao động đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình mới là một nhiệm vụ quan trọng, không chỉ góp phần tạo sự chuyển biến căn bản trong nhận thức và hành động về đạo đức, năng lực ứng xử sư phạm của đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên mà còn góp phần xây dựng môi trường giáo dục an toàn lành mạnh, thân thiện…

Thời gian qua, các nhà trường trên địa bàn quận Nam Từ Liêm đã tập trung thực hiện tốt Quy tắc ứng xử trong cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên do Bộ GD&ĐT ban hành; 2 bộ Quy tắc ứng xử của Thành phố; Đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2020-2025”. Các nhà trường đã xây dựng và thực hiện quy tắc ứng xử với sự tham gia và cam kết của các bên liên quan như cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên, học sinh, cha mẹ học sinh... Có nhiều hoạt động nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm và thực hiện tốt quy tắc ứng xử nói chung và quy tắc ứng xử sư phạm nói riêng.

Trong đó, vai trò của Công đoàn nhà trường vô cùng quan trọng để phối hợp với Ban Giám hiệu nhà trường tuyên truyền, giáo dục, vận động cán bộ, giáo viên, nhân viên không ngừng rèn luyện, học tập, nâng cao ý thức trách nhiệm, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, tư tưởng chính trị đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT; tham gia công tác xã hội, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau khi khó khăn, hoạn nạn và ngăn chặn các tệ nạn xã hội; tổ chức tuyên truyền giáo dục pháp luật và thực hiện quy chế văn hoá nhà trường; tạo các điều kiện và tổ chức các hoạt động hỗ trợ năng lực nghề nghiệp, phẩm chất đạo đức và kỹ năng ứng xử của cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường.

Nhiều giải pháp thiết thực

Tại Hội thảo, đại diện Ban Giám hiệu các nhà trường, Công đoàn cơ sở đã tham gia phát biểu tập trung trí tuệ, trách nhiệm, tâm huyết đóng góp ý kiến, đề xuất nhiều giải pháp để nâng cao năng lực ứng xử sư phạm, đạo đức nhà giáo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

undefined
Toàn cảnh Hội thảo.

Các đại biểu tham gia ý kiến tập trung vào các nhóm nội dung chủ yếu như: Giải pháp nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mỗi cán bộ, giáo viên, nhân viên trong việc tiếp cận các văn bản pháp luật của nhà nước, các quy định của ngành và các chuẩn mực hành vi ứng xử trong môi trường giáo dục; những giải pháp Công đoàn phối hợp tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, giáo viên, nhân viên về đạo đức nhà giáo để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình hình mới; những giải pháp hỗ trợ cán bộ, giáo viên, nhân viên có kỹ năng ứng xử sư phạm, nâng cao ý thức đạo đức nghề nghiệp; giải pháp tăng cường công tác quản lý và nâng cao nhận thức đạo đức nhà giáo; Công đoàn phối hợp với Ban Giám hiệu nhà trường xây dựng nội quy, quy chế làm việc, quy tắc ứng xử trong trường học…

Hội thảo cũng đã được nghe Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Ân - Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam nói chuyện chuyên đề “Ứng xử sư phạm và đạo đức nhà giáo trong tình hình mới”. Qua buổi nói chuyện chuyên đề, Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã giúp các cán bộ, giáo viên, nhân viên rút ra những nguyên tắc cơ bản trong ứng xử sư phạm trong môi trường giáo dục, góp phần nâng cao nhận thức của các đoàn viên về tầm quan trọng của ứng xử sư phạm và trách nhiệm của từng cá nhân, rèn luyện kỹ năng ứng xử để xây dựng một ngôi trường hạnh phúc, đầy yêu thương, an toàn và tôn trọng.

Nâng cao năng lực ứng xử sư phạm, đạo đức nhà giáo trong tình hình mới
Chủ tịch LĐLĐ quận Nam Từ Liêm Lê Thị Kim Điệp phát biểu tại Hội thảo.

Thay mặt Ban Tổ chức Hội thảo, bà Lê Thị Kim Điệp, Ủy viên Ban Thường vụ LĐLĐ Thành phố, Quận ủy viên, Chủ tịch LĐLĐ quận Nam Từ Liêm đã gửi lời cảm ơn đến báo cáo viên Hội thảo đã mang đến rất nhiều kiến thức lý thú, bổ ích. Bà Lê Thị Kim Điệp cũng cảm ơn, ghi nhận các ý kiến giải pháp thiết thực, thẳng thắn của cán bộ, giáo viên, nhân viên để nâng cao năng lực ứng xử sư phạm, đạo đức nhà giáo.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội Nguyễn Chính Hữu khẳng định đây là vấn đề rất cấp thiết, nhất là trong thời điểm cách mạng công nghệ 4.0 hiện nay. Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội nêu câu nói của Bác Hồ: "Thầy giáo tốt là người anh hùng vô danh", thầy giáo để xứng đáng là người trồng người thì cần phải có quá trình tu dưỡng đạo đức, phẩm giá bởi sản phẩm của nghề giáo là nhân cách của học trò.

"Tôi cũng ghi nhận và đánh giá cao sự phối hợp chặt chẽ của LĐLĐ quận Nam Từ Liêm và Phòng GD&ĐT quận đã có nhiều hoạt động đổi mới, sáng tạo và có chất lượng trong năm học vừa qua, trong đó có nâng cao năng lực ứng xử sư phạm, đạo đức nhà giáo", ông Nguyễn Chính Hữu cho biết.

Thời gian tới, Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội đề nghị LĐLĐ quận Nam Từ Liêm và Phòng GD&ĐT quận tăng cường tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất, lối sống của đội ngũ nhà giáo. Trong đó, các đồng chí lãnh đạo, thầy cô giáo phải nêu gương với học trò, học trò phải nêu gương với nhau, nhìn học trò, nhìn cán bộ, giáo viên cấp dưới để sửa mình. Bên cạnh đó là nâng cao năng lực nghề nghiệp cho cán bộ, giáo viên, nhân viên; chú trọng xây dựng trường học hạnh phúc, nắm bắt tâm tư nguyên vọng của giáo viên, người lao động và học sinh...

Phương Bùi

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này