Lan toả tình yêu sách từ cuộc thi Đại sứ Văn hoá đọc năm 2021

11:10 | 11/11/2021
(LĐTĐ) Cuộc thi Đại sứ Văn hoá đọc năm 2021 vừa được tổng kết. Nhiều câu chuyện cảm động, cuốn sách hay đã được chia sẻ, nhiều tác phẩm có giá trị khoa học và giá trị nghệ thuật đã được các thí sinh chuyển tải đến bạn bè và cộng đồng.
25 cuốn sách tiêu biểu sẽ được vinh danh tại "Giải thưởng Sách Quốc gia" lần thứ 4 Giới trẻ Hà Nội với văn hóa đọc Phát động cuộc thi "Đại sứ văn hóa đọc 2021" trên toàn quốc

Ngày 10/11 tại Bảo tàng Hồ Chí Minh (Hà Nội), Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức Lễ Tổng kết và trao giải Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc năm 2021.

Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc năm 2021 do Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch tổ chức được phát động từ tháng 2/2021 dành cho các em học sinh, sinh viên trên toàn quốc. Cuộc thi nhằm khơi dậy niềm đam mê đọc sách đối với lứa tuổi thanh thiếu niên, nhi đồng, từ đó khuyến khích, thúc đẩy phong trào đọc, hình thành thói quen và kỹ năng đọc sách trong thế hệ trẻ, góp phần phát triển văn hóa đọc trong nhà trường và cộng đồng, một yếu tố quan trọng để xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội.

Phát biểu tổng kết cuộc thi, ông Phạm Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Thư Viện Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch - Trưởng ban Tổ chức cuộc thi cho biết, sau 9 tháng phát động và triển khai, mặc dù chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nhưng đã có hơn 870.000 học sinh, sinh viên với gần 6.900 trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, đại học và học viện tham gia.

Lan toả tình yêu sách từ cuộc thi Đại sứ Văn hoá đọc năm 2021
Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy và Vụ trưởng Vụ Thư viện Phạm Quốc Hùng trao kỷ niệm chương và giấy chứng nhận Đại sứ Văn hóa đọc năm 2021 cho các thí sinh.

Một số đơn vị có số lượng bài dự thi đông như: Hải Phòng, Thái Nguyên, Hà Nam, Bắc Giang, Phú Thọ, Quảng Ninh, Thành phố Hồ Chí Minh, Gia Lai, Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng), Bộ Công an, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam... Đặc biệt, số lượng thí sinh khiếm thị dự thi tăng so với cuộc thi các năm trước.

Tại Hà Nội, Sở Văn hoá và Thể thao đã phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức Cuộc thi “Đại sứ văn hóa đọc thành phố Hà Nội” lần thứ nhất thu hút 22.705 bài dự thi viết và 417 video của 293 trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông trên địa bàn thành phố. Tại vòng thi toàn quốc năm nay, thành phố Hà Nội đã gửi 20 bài dự thi và giành 2 giải Ba và 3 giải Khuyến khích.

Đánh giá về cuộc thi năm nay, ông Phạm Quốc Hùng cho rằng, cuộc thi đã phát huy sự sáng tạo, trí tưởng tượng phong phú của các em học sinh, sinh viên. Các bài dự thi đã có sự nâng cao về chất lượng, nhiều bài dự thi bằng hình thức song ngữ Anh - Việt rất hay và ấn tượng. Nhiều câu chuyện cảm động, cuốn sách hay đã được chia sẻ, nhiều tác phẩm có giá trị khoa học và giá trị nghệ thuật đã được các thí sinh chuyển đến bạn bè và cộng đồng.

Nhiều câu chuyện, bài thơ khuyến đọc đã được sáng tác khẳng định vai trò, tầm quan trọng, sức ảnh hưởng của sách báo và văn hóa đọc đối với gia đình, trường học, khu dân cư, cộng đồng và xã hội. Nhiều kế hoạch và biện pháp cụ thể, có tính khả thi đã được xây dựng, trong đó có kế hoạch phát triển văn hóa đọc cho cộng đồng thích ứng với đại dịch Covid-19 như xây dựng kênh để giới thiệu, chia sẻ sách hay,...

“Qua các bài dự thi có thể nhận thấy văn hóa đọc đã tác động rất lớn đến việc hình thành trí tuệ, nhận thức, nhân cách của học sinh, sinh viên. Lòng nhân ái, vị tha, biết quan tâm đến người khác đã được hình thành và nuôi dưỡng từ việc đọc sách. Một số em học sinh, sinh viên đã âm thầm trở thành những “đại sứ” văn hóa đọc đem sách và tình yêu sách đến với những hoàn cảnh còn khó khăn trong cộng đồng xã hội” – ông Phạm Quốc Hùng nói.

Tại buổi lễ, Ban Tổ chức Cuộc thi đã tiến hành trao các giải tập thể; 3 giải Đại sứ, 8 giải Nhất, 16 giải Nhì, 52 giải Ba, hơn 200 giải Khuyến khích và giải chuyên đề cho các bài thi xuất sắc nhất.

Trong đó, 3 danh hiệu "Đại sứ Văn hóa đọc tiêu biểu" cho các thí sinh có tác phẩm dự thi xuất sắc gồm: Đỗ Vy Lam (lớp 6D Trường Trung học Cơ sở Điện Biên, thành phố Thanh Hoá, tỉnh Thanh Hóa); Bạch Hải Hạnh ( lớp 11N, Trường Trung học Phổ thông Hùng Vương, thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ) và Nguyễn Minh Phương, (lớp K63KHCTT, Khoa Nông học, Học viện Nông nghiệp Việt Nam).

Tại Cuộc thi, Đại sứ Văn hoá đọc Nguyễn Minh Phương đã giới thiệu về cuốn sách “Phương pháp điều trị trầm cảm” của TS Stephen S. Ilardi. Đại sứ Văn hoá đọc Nguyễn Minh Phương chia sẻ: "Trong một lần tình cờ lướt Facebook thì mình đọc được bài viết giới thiệu về cuốn sách này. Với lời giới thiệu cuốn sách này không chỉ giúp cho những người đang phải đối mặt với bệnh trầm cảm mà nó mang đến phương pháp trị liệu giúp đỡ cả những người đang cảm thấy chán nản, đơn giản là quan tâm đến sức khoẻ nói chung. Và mình đã tìm mua nó ngay lập tức với hy vọng giải quyết những khúc mắc về tâm lý hiện tại. Bất ngờ nó hoàn toàn đáng đọc, giúp mình đối mặt với khủng hoảng một cách tích cực".

Trở thành Đại sứ Văn hoá đọc, Nguyễn Minh Phương cho biết rất vui và tự hào, mong muốn sẽ phổ biến được lợi ích của việc đọc sách và mang sách đến gần hơn với cộng đồng. "Bên cạnh tuyên truyền về sách bằng cách tổ chức các hội sách và các cuộc thi, mạng xã hội cũng là công cụ hữu ích để khuyến khích việc đọc, phát triển hơn nữa các nhóm, các group đọc sách cùng mối quan tâm, đó cũng là nơi giao lưu, chia sẻ cảm nhận về những cuốn sách...", Đại sứ Văn hoá đọc Nguyễn Minh Phương cho hay.

Phương Bùi

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này