Công đoàn cơ sở cần phát huy vai trò sáng tạo của người lao động, chung sức khôi phục và phát triển kinh tế

21:51 | 10/11/2021
(LĐTĐ) Nhấn mạnh trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, phải “An toàn để sản xuất, sản xuất phải an toàn” thực sự quan trọng đối với mỗi cơ quan, đơn vị và từng người lao động (NLĐ), Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam Trần Thanh Hải đề nghị: Để đạt được điều này trong trạng thái bình thường mới, mỗi đoàn viên, NLĐ cần nâng cao ý thức, trách nhiệm, thực hiện tốt Phong trào thi đua “Công nhân, viên chức, lao động nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19 tại công đoàn cơ sở”.
Công đoàn cơ sở chia sẻ kinh nghiệm "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” Tọa đàm trực tuyến về phong trào thi đua trong CNVCLĐ, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19 Cả hệ thống tích cực tập trung chăm lo việc làm, đời sống cho người lao động

Phát biểu kết luận Tọa đàm trực tuyến “Công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19 tại công đoàn cơ sở” diễn ra chiều nay (10/11), Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam Trần Thanh Hải ghi nhận và đánh giá cao các cấp Công đoàn đã vào cuộc tích cực trong triển khai Phong trào thi đua tới cơ sở.

Công đoàn cần phát huy vai trò vượt khó, sáng tạo của người lao động, chung sức khôi phục và phát triển kinh tế
Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam Trần Thanh Hải ghi nhận và đánh giá cao các cấp Công đoàn đã vào cuộc tích cực trong triển khai Phong trào thi đua tới cơ sở.

Theo ông Trần Thanh Hải, ngày 1/9/2021, Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam đã ban hành Kế hoạch số 130/KH-TLĐ tổ chức Phong trào thi đua “CNVCLĐ nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19” nhằm tuyên truyền, vận động, cổ vũ đoàn viên công đoàn, CNVCLĐ phát huy truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, ý chí tự lực, tự cường, đồng cam, cộng khổ, chung sức, đồng lòng thực hiện có hiệu quả các giải pháp phòng, chống đại dịch Covid-19. Đồng thời, thể hiện vai trò, trách nhiệm của tổ chức Công đoàn Việt Nam đồng hành cùng Chính phủ, doanh nghiệp và cả nước trong công tác phòng, chống đại dịch Covid-19 với tinh thần chỉ đạo hiện nay của Thủ tướng “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.

Qua 3 tháng kể từ ngày phát động, đến nay, 100% các LĐLĐ tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành, Công đoàn Tổng Công ty đã xây dựng Kế hoạch triển khai phong trào. Nhiều công đoàn cơ sở (CĐCS) đã chủ động triển khai với cách làm sáng tạo, linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tiễn tại đơn vị, doanh nghiệp và yêu cầu trong công tác phòng, chống dịch tại địa phương. Nhiều tập thể, cá nhân đã hưởng ứng, thực hiện có hiệu quả các nội dung của phong trào, đạt nhiều thành tích xuất sắc, xứng đáng là những tấm gương để lan tỏa, học tập.

"Nhiều CĐCS đã vào cuộc cụ thể, thiết thực, hiệu quả. Dự kiến, giữa tháng 12/2021, Tổng LĐLĐ Việt Nam sẽ sơ kết phong trào thi đua ở cấp toàn quốc”, ông Trần Thanh Hải cho biết.

Công đoàn cần phát huy vai trò vượt khó, sáng tạo của người lao động, chung sức khôi phục và phát triển kinh tế
Hội thảo diễn ra theo hình thức trực tuyến tới các CĐCS.

Nhấn mạnh Kế hoạch số 130/KH-TLĐ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng góp phần khôi phục sản xuất, kinh doanh trong trạng thái bình thường mới và tăng tốc để đạt chỉ tiêu đã đề ra trong năm 2021, ông Trần Thanh Hải cho rằng, các CĐCS cần thay đổi hình thức, nội dung thi đua tại cơ sở để phù hợp với thực tiễn ở đơn vị, địa phương hiện nay, chứ không đơn giản chỉ dừng lại ở phòng, chống dịch như trước đây.

Theo đó, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam Trần Thanh Hải đề nghị: Các CĐCS cần chú trọng, đảm bảo “An toàn để sản xuất, sản xuất phải an toàn”. Để đạt được điều này trong trạng thái bình thường mới, mỗi đoàn viên, NLĐ cần nâng cao ý thức, trách nhiệm của bản thân, không chỉ phòng, chống dịch tốt ở cơ quan, đơn vị mà còn phải thực hiện nghiêm ở khu nhà trọ, trong cộng đồng.

Tiêu chí thi đua “Mỗi cán bộ, đoàn viên, CNVCLĐ là một chiến sĩ” cần được cụ thể hóa trong vai trò chủ thể của NLĐ. Đó là, NLĐ cần trách nhiệm thuân thủ phòng, chống dịch ở nơi ở, làm việc và khi sinh hoạt cộng đồng. "Hiện vẫn còn một bộ phận NLĐ chưa điều chỉnh được thói quen không phù hợp với yêu cầu phòng, chống dịch, gây ảnh hưởng đến cả cộng đồng, do đó, chúng ta kiên quyết không để một vài cá nhân thiếu trách nhiệm mà để ảnh hưởng đến cộng đồng", lãnh đạo Tổng LĐLĐ Việt Nam khẳng định.

Phó Chủ tịch Thường trực Trần Thanh Hải cũng đề nghị CĐCS cần quan tâm động viên NLĐ quay trở lại sản xuất, với tâm thế chủ động phòng, chống dịch và chủ động bắt tay vào việc, làm việc hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, các CĐCS cần duy trì nền nếp các phong trào thi đua tại cơ sở, phát huy vai trò sáng tạo của NLĐ - bởi đây là nhiệm vụ quan trọng của NLĐ trong giai đoạn hiện nay, đó là cần nâng cao vai trò đóng góp cho doanh nghiệp, đơn vị trong sản xuất kinh doanh, phát huy sáng kiến cải tiến, qua đó nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả. Ông Trần Thanh Hải cũng nhắc nhở, đi kèm với đó, các CĐCS cần có chính sách ghi nhận khen thưởng ở cấp mình, và đề nghị cấp trên khen thưởng xứng đáng với NLĐ có thành tích xuất sắc, tiêu biểu.

Công đoàn cần phát huy vai trò vượt khó, sáng tạo của người lao động, chung sức khôi phục và phát triển kinh tế
Đại diện CĐCS tại tỉnh Bình Phước chia sẻ kinh nghiệm về triển khai phong trào thi đua.

Để “Mỗi CĐCS là một pháo đài, là mái nhà bình yên”, lãnh đạo Tổng LĐLĐ Việt Nam đề nghị Ban Chấp hành CĐCS cùng lãnh đạo doanh nghiệp xây dựng được quy chế, quy định tại đơn vị, như: Quy định phòng, chống dịch phù hợp với quy mô đơn vị; quy định về chế độ, chính sách cho NLĐ với chính sách cụ thể, sát với tình hình thực tế hiện nay; quy chế về tiêu chuẩn khen thưởng, kịp thời động viên NLĐ…

Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam đề nghị: Với cá nhân được khen thưởng, phải thực sự tiêu biểu, điển hình; đồng thời CĐCS cũng cần ghi nhận, quan tâm đánh giá với những NLĐ có hoàn cảnh đặc biệt, song đã nỗ lực vươn lên như NLĐ là người khuyết tật, NLĐ là F0 quay trở lại làm việc… Với tập thể nếu khen thưởng, phải có giải pháp đạt được hiệu quả cao.

Khẳng định sức sống của phong trào, hoạt động tại CĐCS phải được NLĐ tự giác, tự nguyện tham gia thực hiện, thực sự trở thành nhu cầu, đời sống thiết thân của họ, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam Trần Thanh Hải mong muốn: Các CĐCS cần phát huy vai trò sáng tạo, tích cực vào cuộc để Phong trào thi đua “CNVCLĐ nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19 tại công đoàn cơ sở” sẽ đạt được hiệu quả cao hơn trong thời gian tới; mỗi CĐCS và từng đoàn viên, NLĐ cùng nỗ lực, chung sức hướng tới thực hiện mục tiêu lớn: Vừa phòng, chống dịch, vừa khôi phục và phát triển kinh tế.

Đây là lần đầu tiên, Tổng LĐLĐ Việt Nam triển khai tọa đàm trực tuyến với CĐCS, kết hợp với việc truyền trực tiếp trên mạng xã hội Facebook và Trang tin điện tử Công đoàn Việt Nam.

Tọa đàm đã thu hút được 20 CĐCS đăng ký chia sẻ kinh nghiệm và hiến kế để phong trào thi đua thiết thực, hiệu quả hơn. Đặc biệt, tọa đàm đã thu hút được 7.000 người tiếp cận qua Fanpages Công đoàn Việt Nam

Bảo Duy

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này