Vắc xin tiêm cho trẻ em không ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của trẻ

15:42 | 10/11/2021
(LĐTĐ) Trả lời chất vấn của đại biểu Trần Hữu Hậu (Đoàn Tây Ninh) về lo lắng của cử tri khi cho rằng, vắc xin chế tạo theo công nghệ mRNA có thể ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản và sự phát triển bình thường của trẻ em. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết: “Vắc xin này sẽ không xâm nhập trực tiếp vào gen ADN của chúng ta, nên ý kiến cho rằng tiêm vắc xin có thể gây đột biến, gây ảnh hưởng đến sinh sản đối với trẻ em sau này cho đến thời điểm hiện nay có thể khẳng định là không có...”.
Phân bổ 15,5 tỷ đồng hỗ trợ nhân dân các tỉnh phòng, chống dịch Covid-19 Trong 5 ngày phải tiêm phủ hết mũi 1 cho người trên 18 tuổi tại Nam Bộ và Tây Nguyên Các địa phương cần đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19

Vắc xin được dùng ở Việt Nam đều đảm bảo an toàn theo tiêu chuẩn thế giới

Sáng nay (10/11), trong Phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Bộ Y tế, đại biểu Trần Hữu Hậu (Đoàn Tây Ninh) cho biết, hiện nay, chúng ta đang triển khai tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ em từ 12 - 17 tuổi. Vấn đề này đem lại niềm vui và đáp ứng mong mỏi của nhiều gia đình. Tuy nhiên, có một số cử tri còn lo lắng cho rằng, vắc xin chế tạo theo công nghệ mRNA có thể ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản và sự phát triển bình thường của trẻ em. Đại biểu đoàn Tây Ninh đề nghị Bộ trưởng cho biết rõ về vấn đề này và các cơ sở khoa học để Bộ Y tế cho triển khai tiêm vắc xin đại trà cho trẻ em từ 12 - 17 tuổi để cử tri yên tâm?”.

Vắc xin tiêm cho trẻ em không ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của trẻ
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long: Vắc xin tiêm cho trẻ em không gây ảnh hưởng đến sinh sản.

Trả lời thắc mắc của đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, đây là vấn đề được rất nhiều cử tri quan tâm. Đối với việc tổ chức tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ em sau khi tổng kết đánh giá, nghiên cứu trao đổi với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc và các nhà khoa học, đặc biệt là căn cứ hướng dẫn của Trung tâm kiểm soát dịch bệnh và cơ quan kiểm soát thuốc và thực phẩm của Hoa Kỳ đã chính thức cho phép tiêm vắc xin theo công nghệ mRNA cho trẻ từ 12 tuổi trở lên. Hiện nay, đã có gần 40 quốc gia tiêm chủng vắc xin Covid-19 cho trẻ em bằng sản xuất theo công nghệ này.

Theo Bộ trưởng, cách làm của các nước cũng giống như chúng ta, tiêm từ lứa tuổi cao xuống lứa tuổi thấp, nhóm có nguy cơ bệnh lý nền, sau đó mở rộng đối tượng tiêm chủng. Vắc xin sản xuất theo công nghệ mRNA được sử dụng là vắc xin của Pfizer-BioNTech. Về cơ chế tác động của vắc xin này, khi vào trong cơ thể không phải nó xâm nhập vào gen của người mà nó sẽ xâm nhập vào bào tương kết hợp với các ribosome để sản xuất các kháng thể tạo ra kháng thể để chống lại sự xâm nhập của vi rút vào tế bào đó.

“Tức là vắc xin này sẽ không xâm nhập trực tiếp vào gen ADN của chúng ta nên ý kiến cho rằng tiêm vắc xin có thể gây đột biến, gây ảnh hưởng sinh sản đối với trẻ em cho đến thời điểm hiện nay có thể khẳng định là không có, nhưng chúng ta vẫn phải tiếp tục theo dõi”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói.

Vắc xin tiêm cho trẻ em không ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của trẻ
Các đại biểu Quốc hội quan tâm đến vấn đề chất lượng các loại vắc xin được sử dụng tại Việt Nam.

Đề cập đến loại vắc xin thứ hai được sử dụng theo công nghệ vắc xin bất hoạt, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, đây là công nghệ vắc xin của sinopharm, hiện nay đã được 4 nước trên thế giới áp dụng cho trẻ nhỏ hơn và cũng được đánh giá đảm bảo an toàn khi tiêm cho trẻ em. “Tôi khẳng định, tất cả các vắc xin đã cấp phép và sử dụng ở Việt Nam đảm bảo an toàn chất lượng và theo đúng cái chuẩn chung của thế giới và chúng tôi đã tham khảo các tổ chức thế giới khi đưa các loại vắc xin này dùng cho trẻ em”, Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.

Dự kiến tiêm mũi 3 vắc xin vào cuối tháng 12/2021

Cũng liên quan đến vấn đề vắc xin, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn, các đại biểu Quốc hội đã đặt nhiều câu hỏi chất vấn liên quan đến việc sản xuất vắc xin Covid-19 của Việt Nam đối với Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long. Trăn trở về vấn đề tự chủ vắc xin Covid-19 của Việt Nam trong thời gian tới, đại biểu Quốc hội Dương Minh Ánh (Đoàn Hà Nội), đề nghị Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết thời gian nào vắc xin phòng, chống Covid-19 của Việt Nam được phê duyệt và đưa vào sử dụng?.

Trả lời các chất vấn của đại biểu Quốc hội Dương Minh Ánh về nội dung này, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, Bộ Y tế hết sức quan tâm và mong muốn chủ động được nguồn vắc xin trong nước. Tuy nhiên, việc cấp phép sản xuất vắc xin trong nước phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Bộ Y tế đã cố gắng để giảm tối đa thời gian thực hiện các thủ tục hành chính, nhưng về mặt khoa học thì phải tuân thủ.

Vắc xin tiêm cho trẻ em không ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của trẻ
Đại biểu Dương Minh Ánh (Đoàn Hà Nội) chất vấn Bộ trưởng Bộ Y tế.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, hiện tại Bộ Y tế đã thành lập 2 Hội đồng (Hội đồng Y đức và Hội đồng cấp phép). Các hội đồng này hoạt động độc lập với Bộ trưởng. Thời gian qua, các Hội đồng đã phối hợp rất chặt chẽ với các đơn vị nghiên cứu, sản xuất để hoàn thiện hồ sơ cấp phép theo quy định. Thời gian cụ thể phải chờ đợi kết quả từ 2 Hội đồng.

Cũng liên quan đến vấn đề vắc xin, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, việc phân bổ dựa trên Nghị quyết 21/NQ-CP ngày 26/2/2021 của Chính phủ, trong đó có địa bàn ưu tiên trọng điểm và đối tượng ưu tiên. Vì vậy, Bộ Y tế ưu tiên cho địa phương có tình hình dịch bệnh phức tạp trước; thứ hai là nơi nguy cơ cao như tập trung khu công nghiệp; đầu mối giao thông, trung tâm kinh tế, mật đô dân cư lớn… Ngoài ra, tập trung cho đối tượng ưu tiên trước như người cao tuổi trên 50, 65 tuổi vì đây là nhóm người rủi ro nhất. Việc tiêm cho trẻ em 12-17 tuổi, trước mắt sẽ thực hiện cho địa bàn trọng điểm trước, còn trong tháng 11 sẽ cố gắng bao phủ phạm vi toàn quốc.

Đối với nội dung tiêm vắc xin mũi 3, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, Bộ Y tế mới có kế hoạch, chưa triển khai và dự kiến thực hiện vào cuối tháng 12/2021. Tuy nhiên, Bộ trưởng khẳng định mục tiêu ưu tiên vẫn là bao phủ toàn bộ vắc xin cho dân số nhanh nhất; mục tiêu là 2 tuần đầu tháng 11/2021 sẽ phủ toàn bộ mũi 1 và trả mũi 2, sau đó mới tính đến tiêm mũi 3 cho người cao tuổi.

Đỗ Đạt

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này