Chăm lo phát triển nhà ở xã hội cho người nghèo và công nhân

19:12 | 09/11/2021
(LĐTĐ) Tập trung chăm lo phát triển nhà ở xã hội cho người nghèo, công nhân và những người lao động ở các khu nhập cư là một trong các vấn đề lớn trong chương trình phục hồi và phát triển thị trường lao động.
Đại biểu “hiến kế” nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, khôi phục kinh tế Đại biểu Nguyễn Phi Thường: Đề nghị tách riêng chính sách về nhà ở cho công nhân để thu hút đầu tư xây dựng

Thông tin trên được Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung phát biểu tại phiên thảo luận của Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội và phòng, chống Covid-19.

Theo Bộ trưởng, thời gian vừa qua, chúng ta luôn luôn kiên định một nguyên tắc là phát triển kinh tế đi đôi với đảm bảo tiến bộ, công bằng xã hội, không hy sinh công bằng xã hội để phát triển kinh tế đơn thuần.

Hệ thống an sinh xã hội thời gian qua cơ bản đáp ứng được các yêu cầu, tiệm cận các tiêu chuẩn quốc tế và chỉ số phát triển con người tăng trưởng nhanh theo đánh giá và xếp hạng của Liên hợp quốc. Hệ thống an sinh xã hội của Việt Nam cũng đã từng bước hình thành ba chức năng cơ bản là phòng ngừa, giảm thiểu và khắc phục rủi ro.

Về ban hành và triển khai các chính sách hỗ trợ, chúng ta đã tương đối chủ động, làm bài bản và thực hiện theo lộ trình đi đôi với xử lý linh hoạt các tình huống phát sinh cụ thể. Ví dụ như đối với người yếu thế, ngay từ đầu năm Chính phủ đã ban hành Nghị định 20 thay thế Nghị định 136, nâng mức hỗ trợ bình quân cho người yếu lên gấp 3 lần, cá biệt có những đối tượng nâng lên 100%.

Chăm lo phát triển nhà ở xã hội cho người nghèo và công nhân
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung phát biểu tại phiên thảo luận của Quốc hội. (Ảnh: VPQH)

Đối với người có công, Chính phủ đã ban hành Nghị định 75 và đảm bảo 7/12 nhóm đối tượng được nâng mức hỗ trợ hàng tháng, trong đó hàng tháng thì nâng mức độ hỗ trợ lên khoảng trên 1.000 tỷ/1 năm. Đồng thời, đang triển khai khẩn trương các chính sách giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, đảm bảo đúng tiến độ; tiến hành điều chỉnh các chính sách tiền lương đối với hưu trí, nhất là lực lượng hưu trí trước năm 1995, người có lương hưu thấp.

Trong phòng, chống dịch, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho hay, có 3 gói chính sách lớn, nhiều chính sách chưa có tiền lệ và những giải pháp tình thế để kịp thời đáp ứng các yêu cầu cấp bách.

Cho đến nay, tuy còn nhiều hạn chế, khuyết điểm, nhưng gói hỗ trợ theo Nghị quyết 42 đã có trên 14 triệu đối tượng thụ hưởng; gói hỗ trợ theo Nghị quyết 68 qua 4 tháng triển khai đã phê duyệt 25,9 nghìn tỷ đồng và hỗ trợ cho 26,71 triệu đối tượng thụ hưởng; gói hỗ trợ cho người lao động và sử dụng lao động từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp đã rà soát, hỗ trợ 363.000 người sử dụng lao động, hỗ trợ tiền từ kết dư quỹ bảo hiểm cho trên 8 triệu người lao động, 85% là lực lượng lao động trong đối tượng thụ hưởng đã đạt với 20,644 nghìn tỷ đồng…

Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cũng cho biết, đại dịch ảnh hưởng rất lớn đến thị trường lao động, nhưng đáng mừng là hơn 1 tháng qua tình hình đang có tiến triển rất khả quan.

“Theo báo cáo tại các tỉnh phía Nam và kiểm tra thì hiện nay phục hồi sản xuất trong các khu công nghiệp, chế xuất từ 50% đến 80% và số lao động phục hồi hiện nay 70% đến 75%, cá biệt có địa phương tới 90%.

Như vậy, so với nhu cầu và yêu cầu đáp ứng đơn hàng thì còn thiếu lực lượng lao động, nhưng không đến mức trầm trọng trong các khu công nghiệp, khu chế xuất. Do chúng ta đã chủ động những giải pháp nhất định, các địa phương cũng từng bước phục hồi và chưa sử dụng hết công suất sản xuất. Dự báo hết quý I và đầu quý II/2022, nếu không có diễn biến phức tạp thì khả năng phục hồi trở lại thị trường lao động như bình thường là đáp ứng được”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã chủ trương báo cáo Chính phủ và xây dựng chương trình phục hồi và phát triển thị trường lao động đi đôi với vấn đề an sinh xã hội, chia làm hai giai đoạn, giai đoạn phục hồi và giai đoạn bứt phá.

Trong đó, tập trung vào 7 vấn đề lớn. Cụ thể là: hỗ trợ trực tiếp tiền mặt cho một số đối tượng, lực lượng lao động để góp phần phục hồi, kích cầu tiêu dùng; hỗ trợ hộ kinh doanh, người lao động vay vốn ưu đãi, khôi phục, duy trì phát triển sản xuất, giải quyết việc làm.

Đồng thời nâng cao hiệu quả ứng dụng về dịch vụ công, việc làm hiệu quả, đổi mới cung cầu lao động, phát triển lao động trực tuyến, giao dịch việc làm, kết nối việc làm; hỗ trợ đào tạo, đào tạo lại, phát triển hệ thống đào tạo chất lượng cao.

Đầu tư phát triển các cơ sở, chăm lo đối tượng yếu thế, tổn thương vì dịch bệnh; hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về lao động, chuyển đổi số trong lĩnh vực dân cư và kết nối với lao động; tập trung chăm lo phát triển nhà ở xã hội cho người nghèo, công nhân và những người lao động ở các khu nhập cư…

Phương Thảo

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này