Một bộ phận cán bộ cơ sở còn lơ là, chủ quan, bị động trong phòng, chống dịch

15:03 | 08/11/2021
(LĐTĐ) Trong khi lãnh đạo Chính phủ sát sao chỉ đạo, bám sát địa bàn nhưng một bộ phận cán bộ cơ sở còn lơ là, chưa sâu sát, còn chủ quan, bị động trong phòng, chống dịch. Đây có thể là căn bệnh trầm kha ở số nơi và trong thời gian dịch bệnh bùng phát đã càng bộc lộ rõ hơn.
Quốc hội thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế - xã hội và phòng chống dịch Covid-19

Đây là phát biểu của đại biểu Mai Thị Phương Hoa (đoàn Nam Định) trong phiên thảo luận trực tiếp của Quốc hội sáng 8/11 về tình hình kinh tế - xã hội và công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Còn chủ quan, bị động

Đại biểu Mai Thị Phương Hoa (đoàn Nam Định) phát biểu khá thẳng thắn về những hạn chế trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 thời gian qua. Theo đại biểu, mặc dù Chính phủ đã có chỉ đạo thống nhất trên toàn quốc về lưu thông hàng hóa, giao thông vận tải, có sự quản lý, điều tiết của Chính phủ, kiên quyết không để ban hành giấy phép con, không được cát cứ, chia cắt nhưng tại một số thời điểm, vì quá lo lắng cho địa phương mình, có nơi đã đặt ra những yêu cầu cao hơn, vượt quá mức cần thiết, gây ra nhiều khó khăn, tạo bức xúc cho người dân và doanh nghiệp.

Trong khi lãnh đạo Chính phủ thì sát sao chỉ đạo, bám sát địa bàn nhưng một bộ phận cán bộ cơ sở còn lơ là, chưa sâu sát, còn chủ quan, bị động trong phòng, chống dịch. “Đây có thể là căn bệnh trầm kha ở một số nơi và trong thời gian dịch bệnh bùng phát đã càng bộc lộ rõ hơn”, đại biểu nói.

Một bộ phận cán bộ cơ sở còn lơ là, chủ quan, bị động trong phòng, chống dịch
Đại biểu Mai Thị Phương Hoa (đoàn Nam Định) phát biểu khá thẳng thắn về những hạn chế trong công tác phòng, chống dịch Covid-19

Cá biệt có một số cán bộ địa phương đã có hành vi vi phạm quy định phòng, chống dịch như đi đánh golf trong thời gian giãn cách xã hội, khi bị phát hiện lại khai báo không trung thực, có trường hợp xô xát giữa cán bộ với nhân viên lấy mẫu xét nghiệm. Hoặc có trường hợp cán bộ thi hành công vụ còn xa rời thực tế, chưa bám sát nhu cầu người dân…

Bên cạnh đó, đại biểu nêu rõ, có nơi còn quá cứng nhắc, lạm quyền trong cách hành xử với người dân, gây bức xúc trong dư luận. Những trường hợp nêu trên tuy không phải là phổ biến nhưng đã tạo ra hình ảnh phản cảm, phần nào là mất uy tín của chính quyền.

"Vừa qua tôi được biết nhiều tỉnh, thành phố đã có các biện pháp xử lý đối với cán bộ vi phạm. Đây là việc làm đúng đắn bởi muốn người dân chấp hành tốt các quy định phòng, chống dịch thì trước hết cán bộ phải nêu gương nghiêm túc, chấp hành trước. Nếu có sai phạm thì phải bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật”, đại biểu Mai Thị Phương Hoa nhấn mạnh.

Đại biểu cho rằng, bài học rút ra là bất cứ việc gì thì cũng cần tạo sự đồng thuận của người dân. Nếu người dân chưa hiểu thì cần giải thích, vận động, tuyên truyền, thuyết phục. Và trong tình thế cấp thiết khi vi phạm đến mức nghiêm trọng hơn thì đã có biện pháp xử lý hành chính, thậm chí xử lý hình sự. Chính quyền cơ sở cần tuyệt đối tránh việc xử lý và hành xử theo cảm tính, bất chấp quy định của pháp luật.

Đồng thời, khi đưa ra quyết sách, biện pháp gì cũng phải cân nhắc việc bảo đảm sức khỏe, tính mạng và bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân lên trên hết, trước hết. Khi chính quyền đã đưa ra quyết sách đúng, vì lợi ích chung, hợp lòng dân thì dân luôn ủng hộ và chấp hành, kể cả những việc khó khăn, gây bất tiện cho cuộc sống hàng ngày của họ…

Một bộ phận cán bộ cơ sở còn lơ là, chủ quan, bị động trong phòng, chống dịch
Toàn cảnh phiên họp

Lực lượng y tế tư nhân dường như đang bị "bỏ quên"

Từ điểm cầu thành phố Hồ Chí Minh, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (đoàn thành phố Hồ Chí Minh) nhận định, nước ta đã tương đối kiểm soát được tình hình dịch bệnh tuy nhiên chúng ta cũng hy sinh, mất mát quá nhiều.

Để khắc phục được những gì đã xảy ra, chủ động linh hoạt trong việc khống chế tỷ lệ nhiễm, giảm được số ca nặng, giảm tử vong, đại biểu nhấn mạnh cần rút ra được những bài học kinh nghiệm xương máu.

Trong đó, cần xem lại thực trạng hệ thống y tế cơ sở. Theo đại biểu, chỉ tiêu 30% ngân sách dành cho y tế dự phòng, y tế cơ sở phải được phân bổ thế nào để đáp ứng với quy mô dân cư chứ không chỉ phân chia về địa lý. Y tế cơ sở không chỉ cần đầu tư về ngân sách mà còn vấn đề về nhân lực, phải thu hút được nguồn nhân lực có trình độ cao, có hiểu biết để hệ thống này hoạt động tốt.

Đại biểu cho biết, từ năm 2006-2007, các trung tâm y tế của các quận, huyện được chia thành ba phần là bệnh viện, trung tâm y tế dự phòng và phòng y tế, dẫn đến có những bệnh viện chưa hoạt động hiệu quả như một bệnh viện, có những trung tâm y tế dự phòng rất yếu kém, phòng y tế chỉ làm được công việc hành chính.

Còn hiện nay, tất cả các trung tâm y tế dự phòng, các bệnh viện thuộc quận, huyện trực thuộc Sở Y tế, điều này khiến Ủy ban nhân dân các địa phương rất khó trong việc điều phối lực lượng hoặc xảy ra tình trạng người phụ trách về công tác y tế chỉ làm được về chức năng quản lý Nhà nước…

Đáng quan tâm, theo đại biểu Phạm Khánh Phong Lan, trong đại dịch Covid-19, lực lượng y tế tư nhân dường như đang bị "bỏ quên", trong khi lực lượng này nếu được huy động kịp thời, có cơ chế để tham gia phòng, chống dịch, chắc chắn sẽ phát huy hiệu quả hơn rất nhiều.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan cũng nêu quan điểm, phải tạo điều kiện cho các nhân viên y tế, đặc biệt cho các cán bộ quản lý có cơ hội, có môi trường để phát triển về y đức. Việc nhiều cán bộ, đảng viên ngành Y tế bị kỷ luật, xử lý hình sự thời gian qua đã gây bức xúc trong xã hội, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng và ngành Y tế…

Tăng cường năng lực của hệ thống y tế cơ sở

Đại biểu Bố Thị Xuân Linh (đoàn Bình Thuận) đánh giá cao vai trò của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các bộ, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương, các đoàn thể, nhân dân, các lực lượng tuyến đầu chống dịch, các tình nguyện viên đã chủ động tham gia tích cực trách nhiệm trong công tác phòng, chống dịch.

Một bộ phận cán bộ cơ sở còn lơ là, chủ quan, bị động trong phòng, chống dịch
Đại biểu Bố Thị Xuân Linh (đoàn Bình Thuận) đề nghị tăng cường năng lực cho hệ thống y tế cơ sở

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, đại biểu cũng nhận định, công tác dự báo tình hình dịch Covid-19 có lúc cũng chưa sát với thực tiễn. Công tác chỉ đạo, điều hành trong thời gian đầu của đợt dịch thứ tư có nơi còn lơ là, chủ quan, cứng nhắc, nhất là trong chỉ đạo, xử lý các tình huống cụ thể và đột xuất.

Việt Nam là một trong bốn nước đầu tiên trên thế giới đã phân lập được vi rút nhưng việc sản xuất kit xét nghiệm vẫn còn yếu, không đủ cung cấp trong nước và phải nhập khẩu với số lượng rất lớn, giá cả lớn và làm cho việc tầm soát rất tốn kém. Việc phân bổ số lượng vắc xin cũng chưa đồng đều và nhiều địa phương, vùng nguy cơ cao, lượng vắc xin phân bổ còn ít.

Bên cạnh đó, hệ thống y tế còn bộc lộ những yếu kém, nhất là y tế tại cơ sở, số lượng bác sĩ vẫn còn thấp, nhân lực y tế tại chỗ cũng chưa đáp ứng được yêu cầu khi dịch xảy ra. Vì vậy, đại biểu Bố Thị Xuân Linh cho rằng, cùng với các giải pháp phục hồi kinh tế - xã hội, cần tập trung nguồn lực đầu tư cho ngành y tế, tăng cường năng lực của hệ thống y tế cơ sở để thích ứng với dịch bệnh trong tình hình mới.

Phương Thảo

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này