Hơn 100 công nhân dệt may “kêu cứu” vì bị nợ lương, bảo hiểm xã hội

15:54 | 07/11/2021
(LĐTĐ) Trong điều kiện bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh Covid-19, đời sống của 120 công nhân Công ty TNHH Tae Young Garments (địa chỉ tại thôn 1, xã Võng Xuyên, huyện Phúc Thọ, Hà Nội) càng khốn khổ hơn vì bị nợ tiền lương, bảo hiểm xã hội (BHXH)...
Người lao động Công ty Mosfly được trả 70% lương tháng 4 sau nhiều tháng đấu tranh Liên đoàn lao động Tân Uyên yêu cầu Công ty Mosfly hỗ trợ người lao động bị nợ lương Lãnh đạo thành phố Hà Nội chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các đơn vị công ích Thủy lợi

Quyền lợi bị vi phạm

Bà Hoàng Thị Thu Hồng - Phó Chủ tịch Công đoàn ngành Dệt - May Hà Nội cho biết, ngày 4/10 vừa qua, Công đoàn ngành Dệt - May Hà Nội nhận được đơn khiếu nại khẩn cấp của tập thể công nhân Công ty TNHH Tae Young Gaments phản ánh việc ngày 1/10, khi họ đang làm việc thì đột ngột nhận được yêu cầu tạm dừng, liền sau đó, Công ty ngắt điện, đóng cửa, công nhân không thể tiếp tục sản xuất. Cùng với đó, tập thể công nhân Công ty TNHH Tae Young Gaments cũng phản ánh, họ bị Công ty nợ lương đã 3 tháng (tháng 7,8,9/2021) và nợ tiền BHXH khiến người lao động (NLĐ) không được hưởng đầy đủ chế độ thai sản, ốm đau.

Theo phản ánh của chị Nguyễn Thị Thanh Hằng, công nhân Công ty TNHH Tae Young Garments, bắt đầu từ tháng 6/2021, Công ty chỉ chi trả 20-30% lương. Trước khi Công ty yêu cầu nghỉ việc, chị Hằng bị nợ lương tháng 7 đến tháng 9/2021. “Lương của tôi là gần 7 triệu đồng/tháng, công việc bắt đầu 7g30 đến 18g30. Tôi và nhiều công nhân khác đã phản ánh đến Công ty nhưng không có có kết quả. Dịch bệnh phức tạp, lương không có, đời sống quá khó khăn, chúng tôi rất bức xúc nên buộc phải tìm cách đòi quyền lợi", chị Hằng nói.

Hơn 100 công nhân dệt may “kêu cứu” vì bị nợ lương, bảo hiểm xã hội
Tập thể công nhân Công ty Tae Young Garments bức xúc vì bị nợ lương, bảo hiểm xã hội. (Ảnh: L.Hạnh)

Trường hợp khác là chị Nguyễn Thị Quang, cũng bị Công ty nợ 50% lương tháng 8 và toàn bộ lương tháng 9. Chị Quang là mẹ đơn thân nuôi con từ lúc cháu mới lọt lòng, hai mẹ con sống nhờ trong căn nhà của người hàng xóm, rau cháo nuôi nhau bằng đồng lương công nhân may ít ỏi. Chị Quang ngậm ngùi: “Cuộc sống bình thường vốn đã chật vật, khi bị Công ty nợ lương lại càng chật vật hơn. Tôi đã phải chạy vạy, vay nợ gần 8 triệu đồng để trang trải cuộc sống. Giờ tôi chỉ mong các cơ quan chức năng nhanh chóng vào cuộc để hỗ trợ, giúp đỡ bảo vệ quyền lợi cho chúng tôi”.

Chia sẻ trong nghẹn ngào, chị Nguyễn Thị Thùy Linh, sinh năm 1997 cho biết, chị làm việc tại Công ty TNHH Tae Young Garments đã hơn 7 năm. Từ tháng 8 đến nay, chị bị Công ty nợ lương, cuộc sống vô cùng khó khăn. “Hôn nhân trục trặc nên tôi phải một mình nuôi con. Thời gian dịch bệnh phức tạp, tôi phải để con ở nhà, thuê người trông, vào Công ty làm việc “3 tại chỗ”. Giờ Công ty không trả lương, tôi không có tiền để trang trải các khoản sinh hoạt như tiền thuê người trông con, tiền ăn uống, bỉm, sữa cho cháu…”, chị Linh nói.

Tương tự, một số lao động khác như chị Khuất Thị Phương và Khuất Thị Hoa cũng cho biết, các chị bị Công ty nợ BHXH từ tháng 1/2021 đến nay. “Tôi làm việc tại Công ty được 9 năm và thực tế tham gia BHXH được 7 năm 3 tháng. Gần đây, Công ty không thanh toán tiền lương tháng 8 và 9 cho chúng tôi. Thấy quyền lợi của mình bị vi phạm, chúng tôi tiếp tục tìm hiểu từ cơ quan BHXH địa phương thì được biết, quá trình đóng BHXH của tôi chỉ được chốt tới tháng 12/2020. Từ tháng 1/2021 đến nay, Công ty không đóng BHXH cho chúng tôi mặc dù vẫn trừ lương đóng BHXH của người lao động”, chị Khuất Thị Hoa bức xúc.

Mong chờ cơ quan chức năng vào cuộc, xử lý

Bà Hoàng Thị Thu Hồng cho biết, sau khi nhận được đơn của tập thể công nhân, ngày 5/10/2021 Công đoàn ngành đã trực tiếp làm việc với cán bộ phụ trách nhân sự, Chủ tịch Công đoàn cơ sở và cán bộ Đội An ninh kinh tế - Công an huyện Phúc Thọ để nắm bắt tình hình, chỉ đạo Công đoàn Công ty tham gia giải quyết nội dung kiến nghị của tập thể công nhân.

Tại buổi làm việc, bà Hoàng Diệu Thuý - Phụ trách nhân sự Công ty TNHH Tae Young Garments cho biết, hiện tại doanh nghiệp này có 120 công nhân. Ngày 1/10, doanh nghiệp buộc phải đóng cửa và cho toàn bộ công nhân nghỉ việc là do Công ty nợ tiền thuê nhà xưởng, mặt bằng, nên chủ đất không cho tiếp tục sản xuất.

Theo bà Thuý, tính đến hết 30/9/2021 Công ty TNHH Tae Young Gaments còn nợ 120 công nhân tiền lương 3 tháng (7,8,9/2021), với tổng số tiền khoảng 470.000.000 đồng. Công ty còn nợ BHXH thị xã Sơn Tây từ tháng 1/2021 - tháng 9/2021 khoảng 800.000.000 đồng. Trong khi đó, chủ doanh nghiệp là người Hàn Quốc đã về Hàn Quốc từ tháng 11/2020 do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 không sang được. Trao đổi qua điện thoại, Giám đốc Công ty thông tin rằng Công ty gặp khó khăn do tình hình sản xuất thua lỗ kéo dài, có thể sẽ phải giải thể doanh nghiệp. Nhưng vị này lại không có mặt ở Việt Nam để giải quyết vụ việc.

Bị nợ lương, bảo hiểm xã hội hàng trăm công nhân dệt may “kêu cứu”
Công ty Tae Young Garments khóa cửa không hoạt động vì nợ tiền mặt bằng, thuê xưởng. (Ảnh: L.Hạnh)

“Chủ doanh nghiệp không có mặt ở Việt Nam và không ủy quyền cho ai thay thế khiến việc giải quyết quyền lợi cho người lao động trở nên rất nan giải. Vì vậy, Công đoàn ngành Dệt - May Hà Nội đã đề nghị phụ trách nhân sự và Chủ tịch Công đoàn Công ty liên hệ với chủ doanh nghiệp yêu cầu phải có mặt tại Việt Nam hoặc ủy quyền cho người có thẩm quyền tại Việt Nam để giải quyết tiền lương và BHXH cho người lao động”, bà Hoàng Thị Thu Hồng nói.

Ngoài ra, Công đoàn ngành Dệt - May Hà Nội cũng đề nghị Ban chấp hành Công đoàn Công ty phải phối hợp bộ phận nhân sự tiếp tục đồng hành cùng công nhân tìm phương án giải quyết việc nợ lương và BHXH để đảm bảo quyền lợi cho công nhân theo đúng quy định của pháp luật; phối hợp với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Phúc Thọ hoàn thiện thủ tục hỗ trợ công nhân theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 của Chính phủ; phối hợp với BHXH thị xã Sơn Tây tìm phương án để thực hiện việc chốt sổ BHXH và các chế độ thai sản, ốm đau…bảo đảm quyền lợi cho người lao động. Cùng với đó, Công đoàn ngành chỉ đạo Ban chấp hành Công đoàn Công ty nắm bắt tình hình công nhân, động viên công nhân tuân thủ các quy định của pháp luật, không hoang mang, gây rối làm mất an ninh trật tự trên địa bàn, kịp thời báo cáo về Công đoàn ngành và các cơ quan chức năng khi có tình huống phát sinh.

“Chúng tôi cũng đã hướng dẫn đại diện Công ty và Công đoàn cơ sở gửi đơn đến các cơ quan chức năng và báo cáo vụ việc này lên LĐLĐ thành phố Hà Nội, chờ xử lý của cơ quan chức năng về quản lý nhà nước đối với người lao động và doanh nghiệp”, bà Hồng nói.

Phạm Diệp

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này